Ban nhạc pop gia đình kỳ cựu nhất thế giới
Nổi tiếng từ sự dẫn dắt của người cha
Dưới sự dẫn dắt của người cha là nhạc sĩ nổi tiếng Hugh Gibb (1916-1992), lứa hậu duệ nhà Gibbs đã xuất hiện trong làng nhạc chuyên nghiệp quốc tế ngay từ giữa thập niên 50. Trải qua nhiều tên gọi khác nhau như The Rattlesnakes (Rắn đuôi chuông), The Wee Johnny Hays (Chàng trai cục mịch), hay The Bluecats (Những chú mèo xanh)... để rồi cuối cùng “chết tên” Bee Gees, gọi tắt theo Anh ngữ từ 2 chữ cái đầu ghép lại từ Brothers Gibb (Anh em nhà Gibb).
Thời điểm cái tên Bee Gees huyền thoại chính thức được các fans yêu ca nhạc toàn cầu biết đến là vào năm 1958, khi cả gia đình Gibb vừa chuyển sang sống tại thành phố Brisbane, thủ phủ bang Queensland phía đông bắc Australia. Chừng 4 năm sau khi chuyển qua vùng đất mới Bee Gees ký hợp đồng với hãng thu âm Festival Records gạo cội, rồi lần lượt tung ra tới hơn 10 đĩa đơn (single) cùng 2 đĩa đôi (album) trong khoảng thời gian 5 năm kế tiếp.
Từ năm 1967, tên tuổi của nhóm nhạc gia đình Bee Gees đã nổi như cồn, khiến họ đi tới quyết định sẽ tự viết nhạc, cũng như soạn lời cho các ca khúc mà mình biểu diễn.
Đến cuối năm 1967 ban nhạc danh tiếng Bee Gees trở lại quê nhà Anh quốc, ngay lập tức gây chấn động sứ xương mù - “cái nôi” của dòng nhạc pop-rock, khi bài hát Spicks and Specks chiếm vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng thường niên. Rồi đĩa đơn New York Mining Disaster 1941 phát hành sau đó cũng đoạt thứ hạng cao nhất đồng thời cả ở Anh và Mỹ.
Kế đến là những thành công tiếp nối như các ca khúc To Love Somebody (xếp hạng 17 của năm 1967), Holiday (hạng 16, 1967), Massachusetts (hạng 11, 1967), Words (hạng 15, 1968), hay I Started A Joke (hạng 6, 1969). Nhưng đột nhiên tới cuối thập niên 60, nảy sinh mâu thuẫn trầm trọng giữa những người anh em ruột thịt trong nhóm, để từ khoảng giữa năm 1969 tới cuối những năm 1970, người anh lớn Robin trong 2 thành viên sinh đôi đã tách riêng ra và cũng gặt hái được thành công đáng kể.
Trong khoảng thời gian “chia đàn xẻ nghé” nói trên, Bee Gees cũng rủ nhau quy tụ lại vài lần, nhằm cho ra những giai điệu nhạc pop ballad “để đời” như bài Lonely Days được xếp hạng 3 của năm 1970, hay ca khúc hay nhất của Bee Gees là bài How Can You Mend A Broken Heart đứng đầu bảng trong cả năm 1971.
Đến giữa thập niên 1970, nhà sản xuất âm nhạc trứ danh người Thổ Nhĩ Kỳ Arif Mardin (1932-2006) quyết định đưa Bee Gees sang Miami (tiểu bang Florida, Mỹ). Chính tại nơi này anh em nhà Gibbs đã tạo ra một “cú sốc lớn” với làng nhạc pop thế giới, qua album Nights On Broadway, được xếp thứ 7 trong năm 1975 và trở thành đĩa bạch kim (bán được 1 triệu bản) đầu tiên của nhóm. Rồi các ca khúc tiếp nối như You Should Be Dancing (hạng nhất, 1976), hay Love So Right (hạng 3, 1976)...
3 anh em nhà Gibbs biểu diễn bài hát nhạc pop bất hủ Saturday Night Fever. |
Tới cuối thập niên 70, Bee Gees đã thực sự trở thành “người khổng lồ” nổi bật trong làng nhạc pop toàn cầu. Tiếp nối là ca khúc Saturday Night Fever phát hành trong năm 1978, được lưu danh vào Sách Kỷ lục Guinness như là “Ca khúc nhạc pop thịnh hành nhất mọi thời đại” và nhiều ca khúc nổi tiếng khác...
Vào đầu thập niên 80, ban nhạc Bee Gees bỗng dưng... chựng lại, mãi 2 năm sau mới thấy xuất hiện album Living Eyes, để rồi qua năm 1983 là ca khúc The Woman In You... Điều đáng nói nữa là trong thời gian “lụn bại” này, người anh lớn B. Gibb lại tung ra đĩa đôi Guilty rất hay, trong đó anh hát cặp với ca sĩ kiêm siêu minh tinh Hollywood người Mỹ Barbra Streisand. Rồi anh cả Barry lại trực tiếp làm album Heartbreaker cho nữ danh ca người Mỹ Dionne Warwick, bao gồm những bài hát thuộc dạng bất hủ như It Makes No Difference, All The Love In The Worl, hay I Cants See Anything...
Ngoài ra các thành viên thuộc nhóm Bee Gees cũng trực tiếp viết phần nhạc cho siêu ca sĩ Mỹ Diana Ross trong bài hát Chain Reaction, hoặc đĩa đơn Island In The Stream cho cặp ca sĩ Mỹ sừng sỏ của dòng nhạc đồng quê Kenny Rogers và Dolly Parton...
“Ở ẩn” vẫn nổi tiếng
Tới giữa năm 1987, ban nhạc gia đình Bee Gess bắt đầu thổi luồng gió mới cho làng nhạc pop quốc tế đang lâm vào cảnh trì trệ, qua album lừng danh E.S.P với ca khúc hay nhất You Win Again. Tháng 3-1988 cả nhóm nhạc quyết định lui về “ở ẩn” một thời gian sau cái chết của người em út là Andy Gibb (1959-1988), cũng là một danh ca solo riêng lẻ vốn rất nổi danh trong làng nhạc thế giới.
Gần 2 năm sau nhóm Bee Gess mới tái xuất qua đĩa đôi High Civilization, rồi album One, nhưng cả 2 đĩa này đều không gây được tiếng vang... Trong gần một thập niên kế tiếp, giới phê bình và đam mê âm nhạc quả quyết rằng Bee Gees đã... hết thời - sau 30 năm “làm mưa làm gió” trên các sàn diễn trên toàn cầu.
Nhưng đến đầu năm 1997 ban nhạc gia đình Bee Gess tiếp tục khơi dậy niềm vinh quang tột đỉnh thuở nào, với sự xuất hiện của album Still Waters, rồi gặt hái được những thành công vang dội bằng những ca khúc tiếp nối “hớp hồn” công chúng như Alone, I Could Not Love You More, I Will, hay Miracles Happen...
Trong suốt 45 năm theo đuổi sự nghiệp ca hát, nhóm nhạc Bee Gees gạo cội đã bán được tới hơn 110 triệu bản đĩa. Các ca khúc do ca sĩ chủ chốt B. Gibb viết từ thuở trước vẫn thường xuyên lọt vào các bảng xếp hạng hằng năm, tương tự như với 2 thành viên kỳ cựu của nhóm “Tứ quái” The Beatles John Lennon (1940-1980) và Paul McCartney vậy.
Cuối năm 1996, nhóm Bee Gees được nhận đồng giải thưởng âm nhạc Hoa Kỳ hằng năm. Đồng thời ban nhạc gia đình Bee Gess cũng được trao giải thưởng của Hoàng gia Anh, tương tự như nhóm “Tứ quái” The Beatles về những cống hiến vào sự phát triển của nền âm nhạc toàn cầu.