Bàn về quấy rối tình dục

Thứ Năm, 17/05/2018, 10:25
Có lần đi chơi cùng vài nữ nghệ sĩ múa, đến buổi tối, họ dẫn tôi đi làm cùng tại một sân khấu mà họ diễn định kỳ. Đứng khoanh tay bên cánh gà, nhìn ngắm những người bạn của mình lao động nghệ thuật mướt mải mồ hôi dưới ánh đèn xanh đỏ, đó là một cảm giác lạ xen lẫn xót xa bởi thật kỳ lạ, những cô bạn như thoát xác so với những lúc bươn chải sống dưới ánh sáng mặt trời.

Sau mỗi tiết mục, nhóm diễn viên múa vào thay trang phục biểu diễn ngay bên cánh gà trong một chiếc lồng vải tạm bợ. Có một chi tiết tôi thấy ngạc nhiên là mảnh vải che chắn đó lỗ chỗ những vết châm thủng của thuốc lá, có chỗ to hơn do bị kéo rách toạc bằng cả nửa bàn tay.

Tối muộn, tan diễn, lại kéo nhau đi ăn đêm cùng nhóm bạn nữ kể trên, tôi hỏi về chi tiết này. Các bạn cười rú lên bảo đó là do các nam nhạc công cùng đoàn chọc thủng từ nhiều năm trước, thỉnh thoảng đang thay đồ, có con mắt nhìn chòng chọc vào đó, họ không thấy việc đó là nghiêm trọng. À, hóa ra là vậy, cái chất nghệ sĩ dễ tính của những con người làm nghệ thuật, họ coi đó là một trò đùa, không ác ý hoặc liên quan tới biểu hiện quấy rối tình dục?

Vài tuần vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện phong trào #Metoo, có thể hiểu nôm na là sự lên tiếng của chị em, chỉ mặt điểm tên đích danh những nhân vật đã từng quấy rối tình dục, lạm dụng tình dục mà nhiều phụ nữ đã chấp nhận phải im lặng thời gian dài. Phong trào #Metoo được biết có xuất xứ từ Hoa Kỳ, ồn ào nhiều vụ trong giới showbiz Hàn Quốc và đã bắt đầu tiếp cận tới Việt Nam.

Tại Hàn Quốc khi phong trào lật tẩy các chiêu trò của ông bầu, bạn diễn cũng đã nhiều hiệu ứng xã hội nhất định, vài anh già đạo diễn, ông bầu lần lượt phải đối diện với pháp luật lẫn dư luận. Trước đây, nhiều nữ diễn viên Hàn Quốc khi đưa ra lời tố cáo hầu hết đều chìm nghỉm và đã có vài người tự sát vì không chịu nổi sức ép kinh khủng của thế giới nghệ thuật khắc nghiệt đó.

Chỉ trong vài tuần #Metoo tại Việt Nam, rất ngạc nhiên bởi xuất hiện vô số lời tố cáo hành vi dâm ô của nhiều nhân vật được đưa lên mạng xã hội Facebook. Chính danh, đanh thép, cay đắng và thẳng thắn nhìn vào vấn đề của những nạn nhân đã từng bị đối diện. Nhưng vụ việc 2 diễn viên múa trẻ, xinh đẹp, nổi tiếng trực tiếp lên tiếng về câu chuyện họ bị ca sĩ Phạm Anh Khoa là đáng chú ý hơn cả ngàn bài viết phẫn uất trên mạng xã hội, điều này cần thông cảm bởi công thức lan tỏa của truyền thông vào thế giới nghệ sĩ luôn thu hút sự tò mò hơn là của một sinh viên hoặc cô giáo vô danh nào đó.

2 vũ công Phạm Lịch, Nga My tố Anh Khoa đã có hành vi, cử chỉ, lời nói mang tính chất gợi tình. Tất nhiên, mọi chuyện chưa có gì sáng tỏ khi tại thời điểm tuần trước mới chỉ dừng lại là những lời tố cáo một chiều.

Phạm Lịch và Anh Khoa.

Có một sự thật không thể chối cãi rằng những hành vi quấy rối tình dục lại thường rất mỏng manh về chứng cứ. Nhưng đáng mừng vì ít nhất, cho đến nay, phụ nữ Việt Nam dám đánh cược danh dự của mình để lên tiếng thay vì im lặng để mặc cho làn sóng ngầm đó chảy cuồn cuộn dưới đáy cuộc sống hiện đại.

Thật đáng tiếc, cũng có lúc dư luận quay lại xỉa xói 2 nữ vũ công. Lý do rất đơn giản được áp dụng bởi lý thuyết đu bám người nổi tiếng để cùng nổi tiếng.

Phạm Lịch chấp nhận đối diện dư luận, lên báo kể tường tận, thậm chí còn đưa ra những tin nhắn “à ơi” được cho là của ca sĩ Phạm Anh Khoa.

Phạm Lịch có kể lại giai đoạn phải tập trung với huấn luyện viên Anh Khoa trong một gameshow truyền hình. Sau 7-8 lần tới nhà ca sĩ này tập luyện, lần nào cô cũng bị huấn luyện viên của mình động chạm, mời mọc, thậm chí quấy rối.

Dư luận vẫn tiếp tục hoài nghi, cho đến khi nữ vũ công Nga My không để Phạm Lịch phải cô đơn trong vụ việc.

Tuy nhiên, chiều 12-5-2018, nam ca sĩ có cuộc đối thoại thẳng thắn với đại diện của Trung tâm CSAGA (Tổ chức phi chính phủ, hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái) dưới sự chứng kiến của Liên minh Truyền thông về quyền của người dễ bị tổn thương (RIM) về vấn đề này.

Trong cuộc đối thoại, Phạm Anh Khoa cho biết những ồn ào thời gian qua của anh đã làm người hâm mộ thất vọng. Khoa gửi lời xin lỗi đến khán giả và những người anh làm tổn thương trong thời gian qua. Tuy nhiên, Phạm Anh Khoa lại phủ nhận chuyện gạ tình như cáo buộc của Phạm Lịch và cho rằng hành động đó xuất phát từ tính cách bỗ bã, bản năng của cá nhân cũng như môi trường hoạt động khá đặc thù của giới văn nghệ sĩ.

Điều này làm tôi có một chút liên tưởng đến chi tiết những chiếc lỗ thủng ở phần đầu bài viết. Chàng trai Khoa, 33 tuổi, không còn ngây thơ nhưng gây bất ngờ khi chia sẻ rằng việc vỗ mông đồng nghiệp không phải là hành vi quấy rối mà là chuyện hết sức bình thường ở showbiz như rót ly nước hay cách hỏi thăm ở chốn công sở.

"Những chuyện đi ra đi vào, nghịch giỡn hay đánh mông nhau rất bình thường. Nó cũng giống như việc hỏi thăm ở nơi công sở nhưng đó là những người đã quen nhau rồi chứ không phải không biết nhau”.

Cho đến chi tiết này, thật khó có thể bình luận hoặc chúng ta có thể đặt dấu hỏi hoài nghi về nhận thức của nam ca sĩ Phạm Anh Khoa. Sự tôn trọng đồng nghiệp, phụ nữ trong một xã hội văn minh luôn là điều cần thiết bất kể nghề nghiệp. Những đụng chạm cố tình, buông lời tục tĩu suồng sã đều đáng ăn một cái tát hoặc theo trào lưu của mạng xã hội, là phải cho một bài “bóc phốt” đáng kể. Điều quan trọng, chắc chắn nó không được phép xảy ra thì đúng hơn.

Có rất nhiều tổ chức phi chính phủ hoạt động Việt Nam như xây dựng ý thức xã hội về bình đẳng giới, quyền cho phụ nữ hoặc bảo vệ cho tê giác... Việc chọn cho mình một gương mặt đại diện là quan trọng, ví dụ trong vụ việc kể trên thì gương mặt Phạm Anh Khoa hiển nhiên không hề phù hợp để kêu gọi che chở cho phụ nữ.

Giống như trước đây có một nhiếp ảnh gia nổi tiếng đánh phụ nữ cũng được mời làm gương mặt kêu gọi bảo vệ tê giác, tuy hai việc không liên quan tới nhau nhưng trước tiên gương mặt đó phải biết tôn trọng loài người. Việc các tổ chức thiếu thận trọng khi lựa chọn gương mặt hoặc còn coi nhẹ “hồ sơ” ứng viên đôi khi thành những trò hề không vui, như trường hợp nam ca sĩ kể trên là một ví dụ.

Minh Hoàng
.
.