Bàng hoàng nỗi đau dưới mỏ ngọc Myanmar

Thứ Tư, 08/07/2020, 09:32
6h30 phút sáng 2-7, khi những người thợ tại khu mỏ đá ngọc bích ở thị trấn Hpakant thuộc bang Kachin, Myanmar vừa bắt đầu ngày công sau đêm mưa tầm tã thì một “đợt sóng thần” mang theo bùn ập đến. Không đồ bảo hộ, không chốn nương thân, ít nhất 162 đã người thiệt mạng trong vụ sạt lở.

Ngành khai thác mỏ của Myanmar có lẽ chưa từng chứng kiến nỗi đau nào như thế.

“Đánh úp”

“Tính đến 7h15 phút tối (ngày 2-7), 162 thi thể đã được tìm thấy, 54 người bị thương đã được chuyển đi. Những người thợ mỏ bị vùi lấp bởi một đợt sóng bùn”, cơ quan cứu hỏa Myanmar cho biết trong một bài đăng trên Facebook. Một tin nhắn ngắn gọn, chưa đầy 50 chữ, chứa quá nhiều nỗi đau. Maung Khaing, một thợ mỏ địa phương trực tiếp chứng kiến vụ sạt lở kể lại với Reuters rằng, khi anh đang chuẩn bị chụp ảnh một núi phế liệu trông như sắp đổ sập vào sáng nay, cũng là lúc mọi người bắt đầu hô to: “Chạy! Chạy!”.

“Chỉ trong vài phút, tất cả những người dưới thung lũng biến mất. Tôi cảm thấy tim mình trống rỗng. Phía dưới kia là những con người bị vùi lấp bởi bùn và đang cố gắng kêu cứu nhưng chẳng ai có thể giúp họ”, anh kể lại.

Thi thể các nạn nhân được quấn trong những tấm bạt và chuyển đi. Ảnh: CNN.

Vụ sạt lở, được ví như một trận đánh úp, xảy ra ngay sau đêm mưa lớn tại làng Sate Mu, thị trấn Hpakant miền Bắc Myanmar, nơi nổi tiếng với những mỏ khai thác ngọc bích. New York Times mô tả, chỉ vài tích tắc sau tiếng hét “chạy đi”, hàng trăm sinh mạng đã không thể thoát khỏi trận đánh úp của bùn lầy.

“Khi mỏ bị đổ sập, các công nhân không kịp bỏ chạy. Chiều cao của những đợt sóng bùn lên tới 6 mét và cuốn chìm nhiều người. Cảnh tượng giống hệt như một cơn sóng thần”, U Tin Soe, một quan chức địa phương mô tả lại. Những bức ảnh do trang tin tức quân sự Myanmar chia sẻ cũng cho thấy thi thể thợ mỏ được quấn bạt xếp thành hàng dài. Tất cả đều tử vong do bị lũ cuối trôi và nhấn chìm trong hỗn hợp bùn trộn nước.

Hiểm nguy

Kachin là vùng đất giàu tài nguyên của Myanmar, nằm giáp với Trung Quốc và Ấn Độ. Thị trấn Hpakant nằm tại bang Kachin được coi là mỏ đá ngọc bích lớn nhất và có giá trị nhất thế giới, theo The Guardian. Người ta vẫn thường gọi khu vực này là “Mặt Trăng”, do các mỏ ngọc bích lộ thiên tạo ra vô số hố đào tại đây. Mưa lớn kéo dài nhiều tuần qua biến khu mỏ trở thành hồ nước, bao bọc bởi sườn đồi dài tới hơn 300 mét, chứa đầy phế liệu khai thác và ngọc vụn, khiến nền đất tại khu mỏ suy yếu từng ngày.

Theo CNN, chính phủ đã yêu cầu các hầm mỏ trong khu vực này đóng cửa từ 1-7 đến hết 30-9 vì nguy cơ sạt lở do mưa lớn. Nhưng tại mỏ Wai Khar, hàng trăm công nhân bất hợp pháp vẫn đến khai thác chui mỗi ngày. Trên thực tế, Myanmar sản xuất khoảng 70% lượng ngọc bích toàn cầu, với tổng giá trị vào khoảng 31 tỉ USD, song 4/5 số ngọc bích khai thác được đều bị buôn lậu ra nước ngoài, chủ yếu tới Trung Quốc. Đó cũng là lý do khiến những thợ mỏ nghiệp dư vẫn liều lĩnh khai thác chui. Nhưng, các sự cố sập hầm mỏ thường xuyên xảy ra ở khu vực khai thác ngọc bích của bang Kachin.

Năm ngoái, 54 thợ mỏ đã bị nhấn chìm sau khi một hồ nước chứa đầy bùn bị vỡ ngay gần một mỏ đá ngọc bích ở Hpakan. Trước đó, năm 2015, ít nhất 120 người cũng bị chôn vùi sau vụ sạt lở bùn thải. Điều đau lòng hơn, nạn nhân của những thảm họa sạt lở thường là những lao động nghèo khó và đồng bào dân tộc ít người. Họ, những lao động chui, đến từ khắp nơi trên dải đất Myanmar với hy vọng đổi đời. Họ, những người lấy mỏ làm nhà, sống qua ngày trong các lều bạt tạm bợ, nhận đồng tiền lương rẻ mạt, để rồi mất trong đau thương.

Lực lượng cứu hộ tìm cách vượt qua thung lũng ngập nước để giải cứu các thợ mỏ. Ảnh: Getty.

Cái giá quá đắt

Bà Than Hlaing, một quan chức tại Hpakant, cho biết: “Không có hy vọng nào về việc các gia đình được bồi thường, vì họ là những người khai thác tự do. Tôi cũng không tìm được cách nào khác để giúp họ thoát khỏi vòng luẩn quẩn này. Mọi người chấp nhận rủi ro, đi vào các bãi bùn phế liệu nhặt đá quý vì họ không có lựa chọn nào khác”. Thật vậy, chính ngành công nghiệp khai thác mỏ, vốn sinh lợi nhuận cao nhưng quản lý kém, cố tình sử dụng lao động nhập cư lương thấp, đã đẩy hàng trăm mảnh đời vào vòng luẩn quẩn.

Theo The Guardian, miền Bắc Myanmar là khu vực có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, bao gồm đá ngọc bích nhưng nơi đây cũng chứng kiến cuộc xung đột kéo dài giữa quân đội Myanmar và nhóm người nổi dậy, liên quan tới việc kiểm soát nguồn tài nguyên này. Cuộc chiến kiểm soát mỏ đẩy người dân nghèo đói vào việc phải lựa chọn và họ chọn khai thác để thoát nghèo, dù hợp pháp hay không hợp pháp.

Bên cạnh đó, theo CNN, tình trạng gái mại dâm và nghiện ma túy cũng đang hoành hành tại các mỏ đá, dẫn đến tỉ lệ hút chích và lây nhiễm HIV rất cao. Nếu không đối mặt tử thần mang tên sóng bùn, thợ mỏ tại Hpakant có lẽ cũng khó có được cuộc sống bình thường khi phải đương đầu với hàng loạt tệ nạn khác.

“Nguy hiểm luôn rình rập những công nhân làm việc tại các mỏ. Họ còn đối mặt với những hành vi bạo lực vi phạm nhân quyền từ chính lực lượng bảo vệ, cảnh sát và binh sĩ địa phương”, Steven Naw thuộc tổ chức Mạng lưới phát triển Kachin, cho hay. Dẫu vậy, trong đêm tối, giữa màn mưa bay, suốt bao năm nay, những người thợ mỏ nghiệp dư vẫn chong đèn, bất chấp hiểm nguy, tìm ngọc.

An Nhiên
.
.