Bàng hoàng vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris
- Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris: Nguyên nhân có thể do chập điện
- Nhà thờ Đức Bà Paris và lời tiên tri ám ảnh của Victor Hugo
Nhà chức trách Paris đã triển khai hơn 400 lính cứu hỏa để dập lửa và cố gắng cứu phần cấu trúc chính của Nhà thờ Đức Bà. Giám đốc Sở cứu hỏa Paris Jean-Claude Gallet cho biết đám cháy chỉ được khống chế lúc 0 giờ ngày 16-4. Một lính cứu hỏa bị thương nặng trong quá trình dập lửa.
Vụ cháy đã khiến 2/3 đỉnh mái của nhà thờ bị phá hủy hoàn toàn. Phần đỉnh ngọn tháp nhà thờ đã bị ngọn lửa nuốt trọn và sụp đổ ngay trong đêm.
Nguyên nhân dẫn tới vụ cháy chưa được xác định, nhưng các công tố viên Pháp loại bỏ khả năng đây là hành động cố ý. Còn lực lượng cứu hỏa cho rằng chính công tác sửa chữa đang tiến hành bên trong khu vực này có thể đã “vô tình” gây ra vụ cháy này.
Bên cạnh đó, hệ thống kèo đỡ phần mái nặng tới 200 tấn của Nhà thờ Đức Bà rất phức tạp và được tạo bởi nhiều loại gỗ khác nhau, nhưng chủ yếu là gỗ sồi - loại vật liệu dễ bắt lửa, cũng dễ là nguyên nhân khiến đám cháy lan nhanh.
Lý giải việc lực lượng cứu hỏa mất nhiều giờ để dập tắt đám cháy gây ra tổn thất nặng nề, tờ Daily Mail cho biết, bên cạnh cấu trúc phức tạp của tòa nhà, lực lượng cứu hỏa Paris cũng đã không thể sử dụng chiến thuật dập cháy đặc biệt do lo ngại làm hư hỏng thêm tòa nhà.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định “điều tồi tệ nhất đã qua đi” và cam kết sẽ xây dựng lại công trình này. Tỷ phú Pháp Francois-Henri Pinault hứa đóng góp 113 triệu USD để trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris sau đám cháy.
Nhà thờ Đức Bà Paris là công trình tôn giáo tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Gothic ở Pháp, cũng là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Paris. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1163 và hoàn thành năm 1345. Hai tòa tháp ở mặt tiền cao 69m và là điểm cao nhất ở Paris cho đến khi tháp Eiffel hoàn thành năm 1889.
Vụ cháy đã khiến 23 đỉnh mái của nhà thờ bị phá hủy hoàn toàn. |
Nhà thờ Đức Bà Paris là nơi đã chứng kiến lễ đăng quang của vua Anh Henry VI năm 1431 và hoàng đế Napoleon năm 1804. Nhà thờ từng bị phá hủy vào thế kỷ XVI bởi những người Huguenot thuộc Giáo hội Cải cách Kháng Cách và được dùng làm nơi dự trữ thực phẩm trong Cách mạng Pháp, sau đó được khôi phục vào thế kỷ XIX.
Một trong số những hiện vật cực kỳ giá trị trưng bày tại Nhà thờ Đức Bà Paris là nguyên mẫu cây đàn organ ống lớn có từ thời Trung cổ. Cây đàn có tới 8.000 ống, 5 bàn phím và 109 phím, là đàn organ ống lớn nhất Pháp và có lẽ của cả thế giới.
Hàng loạt tác phẩm điêu khắc, tượng và hội họa được lưu giữ tại Nhà thờ phác họa lại những cảnh tượng trong Kinh thánh và hình ảnh các vị thánh. Chúng đều có tuổi thọ vài trăm năm và được coi là những tác phẩm vô giá.
Tháp đôi Nhà thờ Đức Bà từng là công trình kiến trúc cao nhất tại Pháp trước khi Tháp Eiffel hoàn thành vào cuối thế kỷ XIX. Tháp Bắc được xây xong vào năm 1240 và Tháp Nam hoàn thành năm 1250. Chuông chính của nhà thờ, Emanuelle, được đặt tại Tháp Nam. Nó đã rung lên vào những giây phút trọng đại trong lịch sử nước Pháp như thời khắc kết thúc Thế chiến II.
Nhà thờ cũng lưu giữ một số hiện vật được cho là thánh tích linh thiêng của Kitô giáo như Mão gai trên đầu Chúa, mảnh Thánh giá Đích thực, nơi Chúa Jesus bị đóng đinh, hay Đinh Thánh dùng để đóng vào cây thánh giá hành hình Chúa Jesus.
Theo Thị trưởng Paris Anne Hidalgo, Mão gai của Chúa cùng những hiện vật quan trọng khác tại Nhà thờ Đức Bà Paris đã được bảo vệ an toàn.
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ cháy, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng đàn Twitter bày tỏ “quá kinh hoàng” khi chứng kiến những gì đã xảy ra. Lãnh đạo Nhà Trắng đề xuất sử dụng các máy bay phun nước để dập tắt đám cháy. Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump cũng bày tỏ đau buồn trước sự cố và nói trái tim của bà thổn thức cùng người dân Pháp.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều bày tỏ thái độ “vô cùng buồn đau” vì đám cháy.
Trong một tuyên bố mới, Vatican khẳng định vụ hỏa hoạn thực sự gây sốc và đau buồn, đồng thời cầu nguyện cho các lính cứu hỏa đang làm nhiệm vụ dập tắt đám cháy.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini cho hay, đất nước của ông sẵn sàng giúp những người láng giềng, đồng thời lên tiếng chia buồn với nước Pháp về “đám cháy đáng sợ” tàn phá Nhà thờ Đức Bà ở Paris. Trong khi đó, phát ngôn viên của Giáo trưởng Moscow bày tỏ, sự cố đã gây ra nỗi đau lớn cho Nhà thờ Chính thống giáo.
Một chuyên gia nhận định, việc phục dựng công trình kiến trúc biểu tượng của nước Pháp này sau hỏa hoạn có thể mất ít nhất 10 năm.
Một đám cháy khác cũng xảy ra tại nhà thờ hồi giáo Al-Aqsa trùng với thời điểm vụ hỏa hoạn ở Nhà thờ Đức Bà ở Paris. Tin ban đầu cho biết khói bắt đầu bốc lên từ phòng cầu nguyện Marwani và sau đó lan ra ngoài. Văn phòng Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đưa ra thông cáo về vụ cháy và đồng thời chia sẻ với vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Đức Bà Paris. Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa nằm trong khu thành cổ Đông Jerusalem, từng bị chiếm đóng bởi quân đội Jordan trong cuộc xung đột Arab – Israel năm 1948, nhưng sau đó lại nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Israel trong cuộc chiến lần 2 năm 1967. Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa là nơi linh thiêng thứ 3 đối với cộng đồng người Hồi giáo, và có vị trí nằm ngay giữa trung tâm xung đột của người Palestine và quân đội Israel. |