Báo Điện tử CAND và những thông tin “độc quyền”

Thứ Tư, 01/11/2017, 11:35
Có lẽ chưa bao giờ những người làm báo lại được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi tác nghiệp trong một “thế giới phẳng” như hiện nay. Báo điện tử và mạng xã hội đã làm thay đổi cách tác nghiệp của phóng viên cũng như thói quen đọc báo của độc giả.

Trong thời buổi cạnh tranh gay gắt, và giữa một thế giới tưởng như đã “bội thực” thông tin ấy vẫn có nhiều sự kiện làm dậy sóng cộng đồng. Trong 3 năm trở lại đây, Báo điện tử CAND ít nhất 6 lần “sập mạng” vì lượng truy cập tăng đột biến...

Những dòng tin rơi lệ

Cách đây hơn 1 năm, câu chuyện về nữ Thiếu úy Công an Đậu Thị Huyền Trâm - “người mẹ vĩ đại” từ chối điều trị ung thư để dành sự sống cho con đã làm nhói buốt trái tim, lấy đi bao nước mắt của độc giả. Suốt thời gian đó, thông tin phản ánh về nữ cán bộ Công an tỉnh Hà Tĩnh 25 tuổi này trở thành dòng thời sự chủ lưu trên các báo điện tử, với sự chia sẻ cực lớn trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook.

Ngay cả những người trong cuộc - các phóng viên, biên tập viên hằng ngày phải sống trong kho tài nguyên vô tận thông tin ấy, cũng phải bật khóc. Mọi người đều thầm chúc cho mẹ con Huyền Trâm tai qua nạn khỏi.

Chiều 27-7-2016, sau nhiều tháng chống chọi với bệnh tật, Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng. Trước đó 2 tuần, hàng chục thầy thuốc giỏi của Bệnh viện K và Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã tiến hành một ca mổ bắt con “vô tiền khoáng hậu”, trong tư thế sản phụ phải ngồi vì khối di căn đã vỡ, sức khỏe của Huyền Trâm cực kỳ nguy kịch nếu không can thiệp kịp thời có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi...

14h03 phút ngày 27-7 (chỉ 3 phút sau khi “người mẹ vĩ đại” ra đi), tôi nhận được cuộc điện thoại từ Thiếu tá Hoàng Xuân Lý, Phó trưởng Phòng công tác chính trị, Công an tỉnh Hà Tĩnh: “Anh ơi Trâm mất rồi...”. Tiếng òa khóc của người nữ đồng đội khiến tôi nghẹn lòng, mắt bỗng dưng cay xè. Tôi vội vã bật máy tính, đăng nhập hệ thống CMS, đặt bút viết ngay dòng tít “Vĩnh biệt Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm...”.

Phóng viên Báo điện tử CAND theo chân các trinh sát trong hành trình truy bắt Tẩn Láo Lở.

Đây là bài báo đầu tiên đưa tin về sự ra đi của người mẹ dũng cảm. 5 phút sau bài báo được xuất bản, lượng truy cập Báo điện tử CAND đã tăng chóng mặt, với lượng traffic (số lượng người cùng đọc Báo CAND trong một thời điểm) vượt con số 25.000. Sau đó ít phút, bài báo được dẫn lên Fanpage Báo CAND và đã nhận được sự tương tác kỷ lục, với hơn 17 triệu người tiếp cận; hơn 1 triệu lượt chia sẻ cùng những dòng comments nghẹn ngào, ngập trong nước mắt của độc giả...

Trong thời buổi trình độ dân trí và thị hiếu của bạn đọc khác xưa rất nhiều nên đã qua rồi cái thời hút độc giả bằng cách đưa tin bài giật gân, câu khách. Độc giả đã phát ngán những thông tin phản cảm, vô bổ, “bới lông tìm vết” hay tuyên truyền một màu đen tối về hiện thực. Chính các câu chuyện nhân văn mới là những tin bài nhận được sự quan tâm của bạn đọc với lượng truy cập cao.

Ngoài câu chuyện của Huyền Trâm, từ năm 2015 đến nay còn nhiều sự kiện khác được đăng tải trên Báo điện tử CAND cũng “đốn tim” bạn đọc và cộng đồng mạng xã hội, như: Vụ anh tài xế Nguyễn Văn Bắc dũng cảm, mưu trí cứu chiếc xe khách mất phanh trên đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) tháng 10-2016; chuyện những chiến sĩ Cảnh sát giao thông mua quần áo, giúp đỡ một người đàn ông nghèo bị đói lả trên đường hồi tháng 11-2016; hoặc câu chuyện về một “chàng” Thượng úy Cảnh sát hằng tuần mang cây đàn ghi-ta đến Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện K Tân Triều, đem lại tiếng cười, niềm lạc quan, tin yêu cuộc sống cho các em nhỏ không may mắc bệnh ung thư.

Hoặc gần đây hơn, tháng 5-2017, câu chuyện của người bố đơn thân Đặng Hữu Nghị ở Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) nuôi 2 con bại não đi thi hát Bolero đã làm dư luận thực sự rúng động. Hãy khoan nói về những góc khuất, những thông tin  lùm xùm, nhiễu loạn sau đó về Đặng Hữu Nghị, nhưng một người cha nghèo hằng ngày buộc phải nhốt 2 con mắc bệnh teo não vào cũi, chở đi khắp hang cùng ngõ hẻm hát rong mưu sinh đã khiến cộng đồng rơi lệ. Loạt bài về bố con anh Đặng Hữu Nghị trên Báo điện tử CAND có lượng truy cập từ 1 triệu đến 1,3 triệu/bài...

Tin “độc quyền”: nhanh nhưng phải chính xác

3 năm trở lại đây, dư luận đã bàng hoàng khi liên tiếp xảy ra các vụ trọng án, sát hại nhiều người ở Bình Phước, Nghệ An, Yên Bái, Lào Cai và Quảng Ninh. Báo điện tử CAND là tờ báo đầu tiên đưa tin về việc bắt giữ thủ phạm các vụ thảm án này. Và lần nào cũng thế, chính những thông tin “độc” này đã khiến trang chủ CAND bị... sập vì số lượng độc giả truy cập tăng đột biến.

Giữa một thế giới thông tin hỗn tạp, có lúc, có nơi báo chí cũng bị sa đà vào xu hướng giật gân, câu khách, “hư hư thực thực”, thậm chí là xâm phạm cả đời tư của các nạn nhân, thì những thông tin “độc quyền”, khách quan, chân thực của Báo CAND lại càng “hút” độc giả.

Vụ đối tượng Tẩn Láo Lở (SN 1992, trú tại thôn Phìn Ngan, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, Lào Cai) sát hại 4 người ngày 9-8-2016 là một ví dụ. Hơn 2 chục ngày sau khi xảy ra vụ án kinh hoàng này đến khi đối tượng bị bắt, nhiều tờ báo tập trung khai thác kiểu giật gân, câu view khiến bạn đọc bị nhiễu loạn, chưa kể còn gây nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra.

Những tin bài có số lượng chia sẻ lớn trên fanpage Báo CAND.

7h32” ngày 5-9-2016, PV Xuân Mai - người theo sát vụ án này - gọi điện thoại cho Trưởng Ban điện tử CAND thông tin lực lượng Công an đã bắt giữ được Tẩn Láo Lở sau 25 ngày truy lùng. 3 phút sau, tin “Đã bắt được Tẩn Láo Lở - nghi can vụ thảm án Lào Cai” được đăng tải trên Báo điện tử CAND. Cả ngày hôm đó, đường dây nóng Báo CAND không bao giờ... nguội khi hàng trăm bạn đọc, trong đó có cả bạn đọc ở nước ngoài gọi điện đến để xác minh rồi vỡ òa niềm vui...

Gần đây nhất vụ 2 tử tù Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ (Thọ sứt) đào thoát khỏi Trại giam T16 Bộ Công an ngày 11-9-2017 cũng khiến dư luận xôn xao. Ngay từ trưa 11-9, Báo điện tử CAND đã đưa tin truy nã 2 tên này. Những ngày sau đó, PV Báo CAND theo sát chân Ban chuyên án. Nhưng vì những lý do nghiệp vụ, có nhiều thông tin rất “độc”, rất “hot”, chúng tôi không thể đưa lên báo dù biết những thông tin đó có thể làm dư luận “chao đảo”.

17h40” ngày 16-9, từ hiện trường Đại úy Trần Thu Hòa, Phó trưởng Ban Thời sự - Nghiệp vụ “bắn” về tòa soạn thông tin tử tù Lê Văn Thọ đã sa lưới ở Nam Sách, Hải Dương. Báo điện tử CAND lại là tờ báo đầu tiên thông tin về chiến công này của lực lượng Công an lên mạng và trên Fanpage Báo CAND. Ngay lập tức lượng truy cập Báo điện tử CAND tăng vọt với lượng traffic lên đến trên 18.000 người.

Để cung cấp thông tin kịp thời, giải tỏa cơn khát của độc giả, Báo điện tử CAND ngay sau đó đã phối hợp với PV tổ chức nhiều bài viết, đặc biệt là cung cấp những bức ảnh đầu tiên về Lê Văn Thọ... Đặc biệt, những bức ảnh có đóng dấu bản quyền “candonline” đã được hàng trăm tờ báo, trang tin điện tử dẫn lại, điều đó càng cho thấy sự hấp dẫn, tin cậy của đồng nghiệp và bạn đọc dành cho những người làm Báo CAND.

Trên cơ sở nắm bắt thông tin, chập tối 16-9, Thư ký tòa soạn Báo điện tử CAND họp nóng và nhận định việc bắt giữ Nguyễn Văn Tình chỉ còn là thời gian. Để có thể đưa tin kịp thời, Báo điện tử CAND đã “viết trước” bài, chỉ chờ có thông tin bắt được tên này là bổ sung và tung ngay lên mạng! Sau này lãnh đạo Ban điện tử CAND bật mí đây là “bài” học được từ hồi các “bậc tiền bối” Chuyên đề An ninh thế giới khi đưa tin về phiên tòa xét xử đường dây ma túy Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường...

1h45” ngày 17-9, chuông điện thoại Đại úy Nguyễn Trang Dũng, Phó Trưởng Ban Báo điện tử CAND réo vang. Đại úy Trần Thu Hòa gọi đến, giọng nói gấp gáp: “Anh ơi, bắt được thằng Tình rồi nhé”. 1h51” ngày 17-9, tin “Đã bắt được tử tù Nguyễn Văn Tình” được xuất bản và cũng là thông tin “độc quyền” chỉ có trên Báo CAND. Trên không gian mạng, thế giới dường như không ngủ, bởi ngay sau đó, lượng truy cập Báo điện tử CAND tăng rất nhanh. Đến khoảng 6h sáng, trang chủ cand.com.vn lại bị “đơ” mất gần 10 phút vì lượng truy cập quá “khủng”.

Những lần đưa tin đến... sập mạng, kỷ niệm vui có, buồn cũng nhiều. Sau mỗi sự kiện xảy ra, những người làm Báo điện tử CAND lại như một lần được “thử lửa”. Đúng là trong một “thế giới phẳng”, với sự cạnh tranh thông tin gay gắt như hiện nay, những người làm báo điện tử phải trang bị cho mình những kỹ năng nghề nghiệp để có thể đáp ứng “món ăn” tinh thần của độc giả nếu không muốn “cô đơn” trong cuộc chiến thông tin khốc liệt. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng xác định phải giữ vững phẩm chất người làm Báo CAND, với tiêu chí “Nhân văn - Tin cậy - Kịp thời”...

Vũ Mạnh Hà
.
.