Báo chí thời công nghệ cao

Thứ Tư, 20/06/2018, 13:11
Xu hướng công nghệ, cách thức tiếp cận thông tin trên thế giới đang biến chuyển với tốc độ quá nhanh. Việc nắm bắt được những điều này đã khó, đón nhận và áp dụng là vấn đề khó hơn rất nhiều bởi những rào cản kỹ thuật, kinh phí đối với chúng ta.

Nhà báo Lê Quốc Minh - Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam - nêu quan điểm, khó khăn lớn nhất mà nhiều người thường đưa ra là một tờ báo chính thống rất khó thu hút độc giả vì không thể chạy theo đưa những thông tin, câu chuyện gây “sốc,” giật gân.

Thực tế chứng minh rằng, không phải tờ báo nào đi theo con đường gây “sốc” cũng hiệu quả, số lượng người xem những nội dung này không tỷ lệ thuận với kết quả về thương mại.

“Trả giá” vì làm báo theo thuật toán

Nói về xu hướng chung của báo điện tử hiện nay, ông Lê Quốc Minh nhận định trong một thời gian rất dài chúng ta làm báo theo thuật toán, nghĩ là điều đó đúng và bây giờ đang trả giá cho điều đó.

Cuốn theo các thuật toán, nắm bắt xu thế tin tức chung chưa có sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội thì điều đó cũng đã tạo ra những hiệu quả nhất định. Nhưng khi mạng xã hội phát triển mạnh, thuật toán lại chi phối nội dung người dùng và báo chí muốn được hiện lên thì cũng phải chạy theo các thuật toán. Tất cả gần như bị kiểm soát bởi các thuật toán của Google, Facebook.

Và hiện nay đang có xu hướng trở lại cái cốt lõi của báo chí, đó là độc giả đến với từng tờ báo vì lý do yêu thích nào đó, nhớ tới vì điều gì chứ không phụ thuộc vào các công cụ tìm kiếm trên mạng. Độc giả chỉ chia sẻ điều họ thích, cái sự thích đó vô cùng rộng lớn, có thể là nội dung thâm thúy hoặc kể cả những điều không ít người cho là không có giá trị nâng kiến thức, nhưng độc giả thích thì họ chia sẻ. Đó là một sự thật.

Nếu báo chí điện tử tiếp tục đi theo sự kiểm soát của các thuật toán, không tòa soạn nào có thể đi theo kịp tốc độ sản xuất nội dung trên thế giới. Làm cho bạn đọc nhớ được đến từng tờ báo lại là vấn đề vô cùng quan trọng. Đó có thể là những yếu tố sáng tạo, sự khác biệt trong nội dung, cách thể hiện khác biệt và tất nhiên là cả yếu tố công nghệ. Tại sao lại hấp dẫn và sự khác biệt là gì để độc giả lựa chọn.

Một phòng làm việc của Tòa soạn báo Washington Post.

“Quan điểm làm báo của tôi mấy năm qua thay đổi rất nhiều, không chạy theo lượng tiếp cận lớn trong khi đó lại là mục tiêu của rất nhiều tờ báo khác. Xác định được phân khúc của mình và không thể đáp ứng được nhu cầu của đám đông quá lớn, biết độc giả là ai sẽ sản xuất ra được nội dung phù hợp. Nhắm đến đối tượng nhất định, phải chấp nhận người này thích và người kia thì không.

Tòa soạn nào cũng mong muốn bản tin có càng nhiều người đọc càng tốt nhưng điều này là bất khả thi. Đối tượng bạn đọc chọn được đúng thì sẽ còn có sức lan tỏa người xung quanh, không thể chạy đua càng nhiều tin càng tốt, càng nhanh càng tốt. Có nhanh những phải có bản sắc để người ta nhớ đến mình, để làm hài lòng tất cả là ngõ cụt”.  Ông Minh cho biết.

Quảng cáo không còn là thế mạnh

Có một sự thật nhiều tòa soạn tại Việt Nam đề cao lượt tiếp cận của bạn đọc chạm tới những con số “views” khổng lồ nhưng rồi lại loay hoay không biết phải làm gì với con số đó.

Cho rằng dù muốn hay không thì nguồn thu quảng cáo cho toàn bộ diện rộng điện tử thì tăng lên nhưng cho báo chí lại rất eo hẹp. Có thể nói đến 85% khoản thu này rơi vào túi những công ty sở hữu nền tảng tìm kiếm và mạng xã hội, như Google hay Facebook.

“Miếng bánh” 15% chia cho các trang còn lại, kể cả các báo lớn cũng gặp rất nhiều khó khăn để đón nhận khoản thu này thì những tờ báo nhỏ sẽ phải làm cách nào. Ví dụ trước đây các trang báo điện tử phổ biến cách bán banner quảng cáo, nhưng theo một dự báo thì hình thức treo banner sẽ “tuyệt chủng” vào năm 2020. Và hiện nay xu hướng rõ ràng thấy banner rất khó tồn tại bởi các trình duyệt đề cài đặt chế độ chặn quảng cáo.

Nguồn thu quảng cáo đang giảm đi mạnh mẽ và chắc chắn còn giảm nữa, bởi ngoài báo chí còn nhiều kênh khác hút được quảng cáo như các kênh nội dung giải trí do các cá nhân tạo nên như Youtubers nổi tiếng, có thể kiếm được hàng triệu đô-la Mỹ trong khi điều đó lại không đến với ngay cả những tờ báo lớn.

Từ 2010, nhiều nghiên cứu cho rằng báo chí phải quay lại với cách truyền thống là thu tiền từ độc giả. Giống như trước đây họ bỏ tiền lẻ để mua báo giấy, đó là cách thức bền vững. Phải nói là có những thành công và nhiều thất bại, ví dụ như tờ New York Times đã từng thu phí bạn đọc trên Internet sau đó lại gỡ bỏ để thu hút độc giả, dựng lên hạ xuống cơ chế này nhiều lần.

Trong cuộc cạnh tranh, tờ Washington Post ban đầu không cần thu phí với năng lực của ông trùm công nghệ Amazon đứng sau, ưu điểm hoạt động cách thức báo chí cùng với công nghệ cao, họ cho là điều đó không cần thiết.

Nhưng bắt đầu từ 2011, đã có nhiều tờ báo bắt đầu thu phí, dù với mức chỉ xấp xỉ 2 đô-la Mỹ/tháng nhưng đã gặp rất nhiều khó khăn bởi quan niệm cũ là nội dung trên Internet là miễn phí. Và có một sự thật các nguồn thu từ quảng cáo của các trang báo điện tử tại Việt Nam cũng đã và đang giảm, nếu không tính đến con đường thu phí thì sẽ phải đối diện rất nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính.

Thu phí để nâng cao chất lượng báo chí

Khi các tòa soạn không thể cân bằng tài chính đủ để sản xuất tin tức thì phải xoay xở bằng cách thu phí. Tất nhiên, có một mâu thuẫn xảy ra khi họ bắt đầu lo lắng rằng độc giả sẽ “chảy” sang các nơi miễn phí khác, nhưng cuối cùng tất cả nhận ra những tờ báo lớn như Wall Street Journal, Financial Times... đã thu tiền ngay từ đầu lại mang lại kết quả rất tốt về tài chính cho họ. Nhiều tờ báo lớn trên thế giới đang bắt đầu chuyển sang thu phí.

Ví dụ theo con số thống kê mới nhất về độc giả trả phí của tờ New York Times hiện nay là xấp xỉ 2.8 triệu người với mức phí trung bình 9 USD/tháng, Wall Street Journal với lượng độc giả trả phí thấp hơn là 1.4 triệu người với mức phí đọc tin tức là 36 USD/tháng. Mỗi tờ ngoài tin tức thu phí họ cũng có những cách làm kinh tế khác nhau, nhiều tờ báo đạt doanh thu từ thu phí cao hơn doanh thu quảng cáo.

Việc chạy đua về lượng truy cập để bán quảng cáo giờ đây không còn là cách làm duy nhất nữa, và cách này thậm chí không bền vững trong bối cảnh hiện nay khi công nghệ có nhiều thay đổi và nhu cầu người dùng thay đổi.

Các nghiên cứu cho rằng, cách làm tốt nhất là áp dụng mô hình “freemium”, một phần nội dung miễn phí và một phần thu phí. Đương nhiên, nội dung phải hay và độc đáo thì mới khiến người đọc chấp nhận trả phí, nhà báo Lê Quốc Minh lạc quan cho rằng đi theo hướng thu phí là một cách tốt để nâng chất lượng của báo chí.

Cố gắng viết những nội dung thu hút độc giả, không chỉ là phản ứng của các nhà báo trẻ trong thời đại Internet mà nhiều tòa soạn cũng chạy theo xu hướng trên. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà cũng đã và đang diễn ra trên thế giới.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển vượt trội và không ngừng của công nghệ thông tin và mạng xã hội, các báo điện tử sẽ dần nhận thấy rằng, không thể theo xu hướng này. Báo chí không thể và không nên chạy đua với mạng xã hội để tạo ra những nội dung như vậy. Sản xuất những nội dung đặt nặng vào việc gây “sốc” vô hình trung đã làm mất ưu thế của báo chí chuyên nghiệp là những bài viết sâu và đa chiều.

Hiện nay, nhiều tòa soạn báo trên thế giới đang bắt đầu quay trở lại việc sản xuất tin, bài chất lượng cao và nhiều người nhận ra rằng, chỉ có sản xuất sản phẩm báo chí chất lượng cao, có nội dung, bản sắc riêng thì cơ quan báo chí mới lấy lại niềm tin của độc giả.

Minh Trí
.
.