Báo động băng tan ở Greenland

Thứ Tư, 25/11/2009, 06:40
Dải băng ở Greenland đang tan chảy, nhưng nghiên cứu mới nhất cho thấy hiện tượng này đang diễn ra nhanh hơn người ta nghĩ. Và điều đó đồng thời có nghĩa là các mực nước biển cũng đang tăng lên thật nhanh.

Với bề mặt trải dài khoảng 1,7 triệu km2, dải băng bên trên sông băng Sermeq-Kujalleq gần Ilulisat của Greenland dường như vô tận. Do đó mà ý tưởng cho rằng dải băng này - có một số nơi dày đến 3km - đang tan chảy dường như là vô lý. Nhưng nhiều núi băng trôi khổng lồ - và thung lũng nơi chúng lướt đi - tiết lộ một câu chuyện khác. Băng đang dịch chuyển với quy mô lớn ở Greenland. Trong những năm gần đây, sông băng đã thu nhỏ lại khoảng 15km và hiện tượng tan chảy diễn ra liên tục này không thể chặn đứng được.

Hiện tượng băng ở Greenland tan chảy quá nhanh như thế đang là câu hỏi gây tranh luận. Khi Greenland mất đi toàn bộ lớp băng của nó thì mực nước biển sẽ tăng khoảng 7 mét, cao hơn mức hiện nay. Kịch bản này không trở thành hiện thực trong nháy mắt mà thực ra nó diễn tiến qua hàng trăm năm. Những kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Hà Lan cho biết, về thực chất thì tốc độ tan băng ở Greenland đang tăng nhanh trong những năm  gần đây.

Một núi băng trôi ở ven biển Greenland.

Theo đánh giá qua  nghiên cứu của nhóm nhà khoa học do Michiel van den Broeke ở Đại học Ultrecht được công bố trên tờ Science số mới nhất trong tháng 11 năm nay, Greenland đã mất đi khoảng 1.500 gigaton (1 gigaton tương đương 1 tỉ tấn) băng từ năm 2000 đến 2008. Theo tính toán của Michiel van den Broeke, trong khoảng giữa các năm 2000 và 2008, tỉ lệ mất băng trầm trọng này là 273 gigaton một năm.

Các nhà khoa học tin chắc kết quả nghiên cứu của họ là chính xác bởi vì họ lập được số liệu này bằng cách sử dụng 2 phương pháp khác nhau về cơ bản nhưng cùng cho một đáp số. Thứ nhất, họ giám sát chuyển động của băng sau khi đưa nó vào mô hình máy tính địa phương. Đối với nguồn dữ liệu. Thứ hai, các nhà khoa học sử dụng các vệ tinh quan sát Grace dùng để đánh giá trường hấp dẫn của trái đất. Trong giai đoạn giữa năm 2000 và 2008, các sông băng thu nhỏ lại gây nên hiện tượng mực nước biển tăng trung bình khoảng 0,5 milimét/năm. Tuy nhiên, theo quan sát trong 3 năm sau này, giá trị tăng đến 0,75 milimét/năm.

Theo các nhà nghiên cứu, kết quả thu được cho thấy dải băng đang tan chảy với tốc độ khá nhanh. Dĩ nhiên có thể là giai đoạn quan sát chỉ đơn thuần thể hiện  một phase của quá trình tan băng đang diễn ra - một phase có thể sẽ chấm dứt. Nhưng Michiel van den Broeke không tin điều đó: "Kể từ năm 2000, dải băng ở Greenland đã liên tục bị mất đi khối lượng khổng lồ và tốc độ cứ tăng dần. Sự kiện đó phù hợp với bức tranh về một thế giới đang ấm lên của chúng ta".

Còn Andrea Peter Ahlstrom, nhà nghiên cứu của người Đan Mạch, nói: "Cộng đồng khoa học đang ngày càng tiến gần hơn đến sự nhất trí về hiện tượng mất mát khổng lồ của dải băng ở Greenland". Peter Ahlstrom đánh giá nghiên cứu mới này cũng như tính đáng tin của những kết quả thu được.

Theo quan điểm của Peter Ahlstrom, những kết quả này cũng sẽ có ích cho báo cáo sắp tới của Ủy ban Liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc, vì những số liệu đó cho phép các nhà khoa học mô tả tình hình ở Greenland với độ chính xác cao hơn.

Trong báo cáo năm 2007, IPCC còn chưa có những dự đoán chính xác  về số phận của khối băng khổng lồ của Greenland, do cộng đồng khoa học có liên quan đến vấn đề chưa có sự nhất trí với nhau. Nhưng sau này nhiều thay đổi đã xảy ra. Năm nay, giới nghiên cứu Anh có thể chỉ ra nơi nào băng sẽ biến mất nhanh nhất bằng cách sử dụng dữ liệu đo độ cao bằng laser do vệ tinh IceSat của NASA cung cấp.

Một nhóm nhà khoa học dưới sự lãnh đạo của David Vaughan thuộc Cơ quan Khảo sát Nam Cực Anh (BAS) đã thu thập được tổng cộng 7 triệu cơ sở dữ liệu từ tháng 2-2003 đến tháng 11/2007 và từ đó dẫn đến một hình ảnh rõ ràng chưa từng có. Hầu hết toàn bộ khối băng của Greenland bao phủ những khu vực ven biển - nhất là những khu vực ở miền đông nam và tây bắc - đã xảy ra hiện tượng tan chảy.

Vào mùa hè năm nay, một nhóm nghiên cứu trên tàu Artic Sunrise của Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) - trong đó bao gồm 2 nhà khoa học Gordon Hamilton ở Đại học Maine và Fiammo Straneo ở Viện Hải dương học Woods Hole - báo cáo rằng dòng nước ấm thường xuyên trong vịnh hẹp của Greenland là nguyên nhân làm các sông băng thu nhỏ lại. Năm 2008, Liên hiệp châu Âu đã thành lập dự án nghiên cứu tầm cỡ gọi là "Ice2Sea" và các nhà nghiên cứu tin tưởng những kết quả mới thu thập được sẽ là một tín hiệu quan trọng cho hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sẽ diễn ra vào tháng 12 năm nay

Trần Thanh Phong (theo Spiegel)
.
.