Hội thảo khoa học “Khai thác hiệu quả công viên, vườn hoa Hà Nội”:

Báo động sự xuống cấp về chất lượng sống

Thứ Năm, 26/03/2009, 15:11
Theo tài liệu do Tổ chức JICA (Nhật) lập năm 2006 thì diện tích trung bình về cây xanh ở 9 quận nội thành là 0,9m2, trong đó, ở Đống Đa và Gia Lâm chỉ có 0,05m2/người và Ba Đình là 0,65m2/người. Con số này cho thấy sự xuống cấp nguy hiểm về chất lượng sống của người dân Hà Nội trong khi nhiều công viên - vườn hoa đã và đang bị cắt xén...

Trước việc khách sạn Novotel on the Park (hay SAS) rục rịch xây dựng tại công viên Thống Nhất gây xôn xao dư luận, UBND TP Hà Nội đã đồng ý để Hội Quy hoạch phát triển đô thị (QHPTĐT) Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Khai thác hiệu quả công viên, vườn hoa Hà Nội" vào ngày 17/3, nhằm đưa ra các luận cứ khoa học, đồng thời, đề xuất các giải pháp với lãnh đạo TP Hà Nội và Bộ Xây dựng trong nghiên cứu chỉ đạo về quy hoạch và phát triển thủ đô một cách hợp lý, tiến tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Với ý nghĩa quan trọng này, hội thảo đã thu hút gần 100 nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, quản lý quy hoạch - kiến trúc trong nước và quốc tế đến tham dự.

Từ những nghiên cứu khoa học, các đại biểu dễ dàng thống nhất: thực trạng công viên cây xanh của Hà Nội hiện là vấn đề bức xúc, khi diện tích cây xanh ở Hà Nội hiện đang ở mức thấp nhất thế giới, không đáp ứng được các chỉ tiêu của đô thị đặc biệt cũng như nhu cầu của nhân dân.

Cây xanh có vai trò ảnh hưởng quan trọng đến cuộc sống người dân, đồng thời là nguyên lý phong thủy trong tạo lập nên đô thị và nhất làâ bản sắc đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội suốt ngàn năm qua.

Thế nhưng theo tài liệu do Tổ chức JICA (Nhật) lập năm 2006 thì diện tích trung bình về cây xanh ở 9 quận nội thành là 0,9m2, trong đó, ở Đống Đa và Gia Lâm chỉ có 0,05m2/người và Ba Đình là 0,65m2/người. Con số này cho thấy sự xuống cấp nguy hiểm về chất lượng sống của người dân Hà Nội.

Trong bối cảnh đó, nhiều công viên - vườn hoa đã và đang bị cắt xén: Công viên Bách Thảo trước đây có 30ha nay chỉ còn 10ha, dải cây xanh quanh hồ Gươm ngày càng bị thu hẹp, Công viên Hoàng Cao Khải đã bị xóa sổ, các vườn hoa - công viên ở Kim Liên, Trung Tự hay Cửa Nam không còn tồn tại, tạo nên tình trạng bêtông hóa mạnh mẽ. Một số công viên mới hình thành hoặc có được cải tạo, song việc quản lý còn thiếu hiệu quả, nhất là chưa chuyên nghiệp trong duy trì và khai thác hệ thống cây xanh.

Không gian cây xanh ở Hà Nội rất cần được gìn giữ và bảo vệ.

PSG.TS Huỳnh Đăng Hy - Tổng Thư ký Hội QHPTĐT cho rằng: Theo Quyết định do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1998, thì đến năm 2020, Hà Nội phải đạt tiêu chuẩn đất cây xanh đô thị là 16m2/người, tức là mỗi năm Hà Nội phải xây dựng mới 200-250ha đất công viên cây xanh, nhưng 10 năm qua, việc thực hiện quy hoạch vẫn không thay đổi.

Dân số Hà Nội tăng 6-7 vạn người/năm nhưng công viên, vườn hoa mới không được phát triển, trong khi nhiều công viên, vườn hoa cũ bị thu hẹp. Do vậy, trong phạm vi đất công viên, không nên bố trí các công trình công cộng, dịch vụ.

GS.TS. Hàn Tất Ngạn cũng cho rằng: Công viên đã, đang và sẽ là phần quan trọng của cảnh quan và cuộc sống, nhưng lại bị bỏ quên nhiều năm nên diện tích cây xanh - "nhà máy" duy nhất lọc không khí cho con người - hiện bị thu hẹp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và để lại hậu quả lâu dài cho con cháu.

Cùng với việc chỉ ra tình trạng lộn xộn trong sử dụng và quy hoạch cây xanh, GS. TS. Đặng Hùng Võ khẳng định: Theo luật, có 5 trường hợp đất đai do Nhà nước quản lý, trong đó chuyển đổi đất công cộng thành đất ở phải tuân theo các nguyên tắc và thủ tục rất phức tạp.

Vì thế, muốn xây dựng khách sạn trong công viên không thể chỉ TP chấp nhận là xong, mà cần phải có quyết định của UBND TP Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Hơn nữa, trong Quyết định số 1115/QĐ-TTg ngày 25/11/2002 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2001-2005) của Hà Nội, đã không có dự án Hotel on the Park trong danh sách các dự án đính kèm.

Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 28/2008/NQ-CP ngày 4/12/2008 về việc xét duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006-2010) của Hà Nội, cũng không có dự án này trong danh sách đính kèm.

Từ thực trạng diện tích công viên cây xanh ở Hà Nội đang ngày càng bị thu hẹp, hội thảo đã thống nhất đề nghị lãnh đạo TP sớm lập quy hoạch tổng thể chuyên ngành về hệ thống không gian xanh toàn TP, trước hết là lập quy hoạch chi tiết các công viên đã hình thành, tôn trọng quy mô, ranh giới đã có; xác định rõ mục tiêu khai thác và kiên quyết xử lý các vi phạm về xây dựng, sử dụng công trình sai mục tiêu, lấn át không gian xanh công cộng.

Điều này đã được định hướng trong các quy hoạch chung trước và cần được nhân lên trong quy hoạch Hà Nội mở rộng. KTS. Nguyễn Thế Khải - Công ty Kiến trúc đô thị Việt Nam đề nghị: nên thể hiện chủ đề văn hóa xuyên suốt ở mỗi công viên, như các nhà văn hóa trước đây đã làm chủ đề văn hóa về Lê Lợi bên hồ Gươm: Công viên Bách Thảo hay Công viên Thủ Lệ là bảo tàng sống các loại động, thực vật và ngân hàng dữ liệu cho mọi người tìm hiểu; Công viên Thống Nhất lại mang chủ đề xuyên suốt là thống nhất đất nước với các cây, con, văn hóa đặc trưng ba miền hội tụ, biến công viên thành điểm đến cho du lịch, giúp các thế hệ sau này hiểu thêm về công cuộc giành độc lập dân tộc.

Bà Nguyễn Thị Hiền - Tổ chức Hành động vì đô thị đề nghị: quá trình nghiên cứu quy hoạch và quản lý, khai thác, TP Hà Nội và Bộ Xây dựng cần thể chế hóa sự tham gia của cộng đồng, các hội xã hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là nâng cao vai trò của các phương tiện truyền thông, để hướng tới môi trường phát triển bền vững, vì sức khỏe con người.

Đại diện Bộ Xây dựng đã nhất trí với các ý kiến phải bảo vệ các công viên hiện có và không thể cắt "phổi" của TP để xây dựng các công trình thương mại trong công viên, đồng thời, đã nêu quan điểm: Khung thiên nhiên cây xanh là rất quan trọng đối với đô thị nên cần phải quản lý từng mét vuông cây xanh hiện có của Hà Nội, nhất là nội đô, vì không còn mở thêm được mét vuông nào nữa.

Cùng tiếng nói của các nhà khoa học,  Bộ Xây dựng sẽ hỗ trợ về thể chế đối với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội trong việc gìn giữ công viên - vườn hoa, nơi mà mọi người đều có quyền bình đẳng được đến vui chơi, giải trí.

GS.TS. Nguyễn Thế Bá- Chủ tịch Hội QHPTĐT nhấn mạnh: Trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, với tư cách là tổ chức chuyên nghiên cứu về quy hoạch, Hội QHPTĐT mong muốn được giao một đầu mối để tổ chức nghiên cứu, tư vấn, phản biện xã hội công tác nghiên cứu, lập dự án các công viên hiện có đang còn những tồn tại trong quản lý khai thác như công viên Thống Nhất, Tuổi Trẻ, Bách Thảo, Yên Sở, Cổ Loa... và các công viên cấp TP hình thành theo quy hoạch chung.

Với chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong công tác QHPTĐT, Hội QHPTĐT Việt Nam hy vọng, các luận cứ khoa học của hội thảo sẽ đưa ra tiếng nói khách quan, nhằm giúp các nhà lãnh đạo của thủ đô có được quyết đáp đúng đắn và hợp lòng dân

Thanh Hằng
.
.