Bao giờ "thành phố không dây" thành hiện thực?

Thứ Bảy, 25/04/2009, 09:35
Vừa qua, nhân dân ở Hà Nội và TP HCM rất hoan hỉ trước thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông có chủ trương xây dựng hai thành phố trên trở thành đô thị văn minh, lịch sự, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Một trong những công việc cụ thể là phải đưa các loại dây trên mặt đất xuống lòng đất (gọi tắt là "thành phố không dây"). Vấn đề ở đây là, liệu đến bao giờ đề án này sẽ trở thành hiện thực?

"Mạng nhện" giăng khắp phố

Đi trên những con "đường lộng gió thênh thang năm cửa ô" của thủ đô, người ta có thể dễ dàng nhận thấy cảnh tượng rất mất mỹ quan. Đó là một "hệ thống" dây điện, dây cáp điện thoại, viễn thông... giăng mắc khắp mọi nơi. Cảnh tượng này đã tồn tại hàng chục năm, bên cạnh chuyện khói bụi và tắc đường. Điều này thực sự làm xấu đi hình ảnh một thành phố sắp tròn 1.000 năm tuổi trong mắt người dân nước Việt nói chung, khách quốc tế nói riêng.

Chỉ cần lên xe buýt, dạo một vòng quanh thành phố, người ta sẽ được "thưởng lãm" một thứ "nghệ thuật sắp đặt" khá... sáng tạo. Những búi dây rợ loằng ngoằng, bấu víu vào đủ các thứ cột, cây xanh, thậm chí cả những hàng rào sắt của một số cơ quan, đơn vị. Điển hình như ở các tuyến phố Giảng Võ, Khâm Thiên, Nghi Tàm - Âu Cơ, Đê La Thành, Thái Thịnh... Nó như những "bãi rác" khổng lồ, khiến người ta nhức mắt. Không phải ngẫu nhiên người ta đã ví von, TP Hà Nội như một cái... giàn mướp khổng lồ.

Có một chuyện khá hài hước là hôm một cành cây đổ vào làm đứt một đoạn cáp trên phố Khâm Thiên. Một đơn vị viễn thông đến tính chuyện nối lại. Song cuối cùng đành... bó tay đi về vì không lần được ra "đầu dây mối nhợ".

Các đơn vị thi nhau "kéo" dây cáp chằng chịt "trên trời" khiến bãi rác dây rợ ngày một phình to. Nhiều khu vực cột bị quá tải đã bị nghiêng, dây võng xuống đường ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và đe dọa đến an toàn tính mạng của người và các phương tiện tham gia giao thông. Có đơn vị còn để sẵn cả đống dây cáp dưới chân cột điện gây cản trở giao thông và là cái bẫy người đi đường.

Điển hình là ngày 20/6/2006, anh Nguyễn Quang Minh (quê Nam Định) đi làm về đến đường Đê La Thành, bị dây điện thoại lòng thòng giữa đường thít cổ gây tử vong. Theo người dân xung quanh thì khi tránh ổ gà, anh Minh đã nhìn thấy dây điện thoại và đưa tay gạt ra. Nhưng do đang phóng xe với tốc độ cao nên chiếc dây đã thít chặt vào cổ làm anh bật ngã ngửa xuống vũng nước bên đường, anh Minh bị tử vong.

Còn ở TP Vũng Tàu, khoảng 15h 40' ngày 10/4/2009, tại khu vực trước số nhà 1579 - 1583 đường 30-4, xe container biển số 57K-9325 kéo theo rơmooc 51R-9092 lưu thông hướng từ thị xã Bà Rịa vào TP Vũng Tàu đã làm đứt dây cáp  treo ngang đường. Dây cáp đứt quấn vào ông Nguyễn Văn Chiến (trú tại Bạch Đằng, TP Vũng Tàu) đang điều khiển xe máy chạy chiều ngược lại, làm ông Chiến đứt cổ và tử vong tại chỗ.

Trước tình trạng "giàn mướp giữa thủ đô", UBND TP Hà Nội đã có nhiều động thái tích cực nhằm ngăn chặn tình trạng chăng dây vô tội vạ. Đó là thành phố đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp không được treo thêm dây cáp, dây điện trên những tuyến đường dây đi nổi tại tuyến phố chưa được hạ ngầm. Trong trường hợp cần thiết, Sở Xây dựng sẽ cấp phép có thời hạn treo tạm đường dây, cáp cho các đơn vị nhưng phải có biện pháp bảo đảm an toàn và mỹ quan đô thị. Hết thời gian cấp tạm, đơn vị phải tự tháo dỡ đường dây, cáp treo tạm nói trên.

Đối với hệ thống đường dây, cáp đi nổi đã có từ trước, đơn vị quản lý đường dây, cáp có trách nhiệm căng lại dây cáp trùng võng và tháo bỏ những đường dây, cáp không sử dụng, tháo dỡ các cuộn cáp dự phòng hiện đang treo và sắp xếp, hạ ngầm đường dây, cáp theo quy định.

UBND TP cũng chỉ đạo Sở Xây dựng công bố danh mục các tuyến hạ ngầm, các tuyến sắp xếp, chỉnh trang đường dây, cáp đi nổi trong tháng 5/2009. Trước đó, năm 2008 Hà Nội đã thí điểm hạ ngầm các loại dây cáp ở 5 tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng - Lê Thái Tổ, Tràng Tiền - Hàng Khay, Nguyễn Thái Học - Kim Mã, Văn Cao - Trần Duy Hưng, Hai Bà Trưng và khu chung cư Giảng Võ. Thành phố đã quyết định đầu tư hơn 200 tỉ đồng (trong đó ngân sách Nhà nước cấp 130 tỉ đồng) để hạ ngầm toàn bộ các loại dây này trên địa bàn.

Toàn bộ đường nổi trên các tuyến phố được hạ ngầm bằng phương án đi trong ống, hào tuy-nen kỹ thuật hoặc chôn trực tiếp. Tổng chiều dài tuyến đi ngầm khoảng 15,6km. Tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 130 tỉ đồng, các doanh nghiệp có đường dây phải đóng góp khoảng 70 tỉ đồng.

Tại các tuyến phố chưa được hạ ngầm, Sở Giao thông Công chính sẽ làm nhiệm vụ sắp xếp việc treo dây. Các doanh nghiệp chủ quản của tuyến dây được yêu cầu xây dựng phương án kế hoạch để hạ ngầm đồng bộ, tháo dỡ dây không sử dụng và sắp xếp lại cho hợp lý. Đối với các khu đô thị mới, chủ đầu tư sẽ phải thực hiện ngay việc ngầm hóa đồng thời với việc thi công công trình. UBND thành phố nghiêm cấm thỏa thuận, quyết định đầu tư và cấp phép xây dựng đối với các công trình xây dựng mới mà không có phương án ngầm hóa đường dây.

Những bó cáp trên phố Đê La Thành rất chắc, người dân tha hồ treo đủ thứ lên mà không sợ đứt.

Dự án "thành phố không dây"

Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội hiện có hơn 140.000 đường dây điện, dây cáp các loại. 90% trong số này là các đường dây nổi, chồng chéo nhau trên các cột điện tạo thành những "mạng nhện", những "thòng lọng" khắp thủ đô.

Việc hạ ngầm tất cả các tuyến cáp, đường dây điện ở Hà Nội trước năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định trong Nghị định chi tiết một số điều về pháp lệnh thủ đô. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã trình lên Chính phủ đề án xây dựng Hà Nội trở thành "thành phố không có dây" giống như các thành phố lớn của các nước trong khu vực...

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ động lập đề án về hạ tầng, khi thành phố đưa ra chủ trương đưa dây xuống lòng đất, doanh nghiệp nào, ngành nào muốn đưa dây xuống thì phải trả phí.

Nhà nước sẽ làm sẵn đường ống ngầm, các đơn vị sử dụng đường dây, cáp sẽ chỉ gửi đường ống ngầm của mình giống như một hình thức thuê đường ống. Điều này sẽ làm cho chi phí rẻ hơn rất nhiều so với việc mỗi ngành đều mạnh ai nấy đào đường. Chi phí theo cách này chỉ mất khoảng 15% - 20% so với chi phí đào đường hiện nay.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết hiện nay trừ điện, còn lại các loại dây cáp viễn thông, điện thoại, Internet... đều thuộc ngành thông tin, truyền thông. Vì vậy, Bộ sẽ phải chủ trương giải quyết tình trạng "mạng nhện" tại Hà Nội và TP HCM.

Ngay trong quý I năm 2009, Bộ sẽ làm việc với ngành điện để thống nhất cách làm sao cho hiệu quả nhất, kịp thời gian kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.--PageBreak--

Bao giờ thành phố... hết dây?

Theo những gì mà Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra thì có thể thấy đề án trên đã thể hiện sự "nhìn xa" của những người làm chính sách. Nhiều người nhận xét, nếu thực hiện được thì đây là một đề án tốt và có tính bền vững rất cao. Tuy nhiên, để triển khai xây dựng "đường phố không dây" tiến tới "TP không dây" ở hai TP Hà Nội và TP HCM như mục tiêu đề ra của đề án trên nền cơ sở hạ tầng còn quá yếu kém và thiếu tính quy hoạch bền vững như hiện nay lại là bài toán không hề đơn giản và sẽ mất không ít thời gian.

Theo đó về nguyên tắc để xây dựng thành phố văn minh - không dây, thành phố đó phải là những khu quy hoạch mới, những tuyến đường mới trên nền tảng cơ sở hạ tầng (cáp ngầm, hệ thống cấp thoát nước, dây điện, viễn thông...) tuyệt nhiên phải được xây dựng trước rồi mới xây dựng các công trình xây dựng, nhà ở sau. Đối với những khu vực cũ đã xây dựng từ trước thì sẽ cải thiện theo từng tuyến đường theo nguyên tắc ngầm hóa. Nhưng chỉ với một phép tính, có thể thấy để thực hiện việc ngầm hóa những gì đã có sẽ không hề đơn giản một chút nào.

Còn theo kế hoạch mà TP Hà Nội đề ra mới đây trong kế hoạch ngầm hóa đường dây điện từ nay đến năm 2020 thì nguồn tiền cần phải có để thực hiện đề án trên lên tới hơn 7.000 tỉ đồng. Đối với TP HCM theo tính toán cũng phải ở mức trên 17.000 tỉ đồng (hơn 4.000 tỉ cho giai đoạn 2008-2010, hơn 12.000 tỉ cho giai đoạn 2010-2020).

Cứ cho là kinh phí sẽ được thông qua, song còn vấn đề quan trọng hơn chính là sẽ phải mất bao nhiêu thời gian để có thể ngầm hóa hết những "mạng nhện" lưới điện chằng chịt trên các con đường, góc phố hiện nay? 10 năm hay 20 năm? Vẫn chưa thể có con số cụ thể.

Một chuyên gia xây dựng cáp viễn thông phỏng đoán, con số cụ thể để hiện thực đề án trên một cách hoàn mỹ sẽ mất không dưới 15-20 năm. Theo vị này thì bên cạnh việc phải giải phóng hàng loạt các vấn đề về cơ sở hạ tầng, hệ thống chiếu sáng phục vụ dân sinh, các công trình ngầm tiếp nhận việc chuyển đổi, ảnh hưởng đến sinh hoạt, buôn bán, làm ăn của người dân... thì vấn đề nhân lực (cán bộ có trình độ) thực hiện cũng là một yếu tố không nhỏ.

Cũng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, để thực hiện được nhiệm vụ trên đối với Hà Nội và TP HCM cũng không hề đơn giản và sẽ mất rất nhiều thời gian bởi một nguyên nhân chính: Hiện nay các hệ thống dây điện ngầm, các công trình ngầm của các ngành, các lĩnh vực khác nhau đang trong tình trạng dây chồng dây, phân tán nhỏ lẻ vì kiểu làm việc "mạnh ai nấy làm". Thế rồi việc "hạ cáp" sẽ được tiến hành kiểu gì, khi mà giao thông của thành phố vốn dĩ đã luôn trong tình trạng quá tải. Liệu nó có làm trầm trọng thêm nạn tắc đường?

Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chưa có một mốc thời gian cụ thể, chưa có bản quy hoạch chi tiết và lộ trình thực hiện. Ngoài những khó khăn trước mắt mà hai thành phố trên gặp phải, ngoài vấn đề nguồn tiền để thực hiện thì những khó khăn như: phải đào mới và thay mới toàn bộ hệ thống dây điện, cáp viễn thông hiện hữu cũng là bài toán nan giải khi việc thực hiện sẽ vướng phải rất nhiều vấn đề khác như ảnh hưởng đời sống người dân, các thủ tục hành chính rồi nhân lực thực hiện.

Bên cạnh đó, có một thực trạng là riêng ở những khu quy hoạch, khu đô thị mới việc triển khai xây dựng các công trình ngầm cũng chưa được chú ý đầu tư, xây dựng nhiều lắm ngoài hệ thống cấp thoát nước, cáp quang và viễn thông không dây. Có những khu đô thị mới, khu dân cư, chung cư mới tuy chủ đầu tư có chăm chút và ngầm hóa các hệ thống dây điện song cũng rất ít và hạn chế. Một số nơi có đường hầm kỹ thuật (hệ thống ống cáp ngầm) hẳn hoi, được xây dựng khá chỉn chu, nhưng khi mới đưa vào sử dụng đã ngay lập tức bị quá tải vì đường hầm kỹ thuật quá nhỏ.

Để công tác ngầm hóa theo đề án của Bộ Thông tin và Truyền thông đạt được hiệu quả cao, ngành điện cần phải giải tỏa sớm những vướng mắc về mặt bằng để thi công kịp thời những dự án ngầm hóa lưới điện. UBND TP cũng nên tạo điều kiện nhiều hơn để Công ty Điện lực TP có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, các cơ quan quản lý thuộc ngành giao thông công chính, viễn thông cũng cần có hỗ trợ, tương tác một cách thiết thực hơn nữa trong nhiệm vụ ngầm hóa đường dây điện trên thì mới mong viễn cảnh Hà Nội và TP HCM là "thành phố không dây" vào năm 2020.

Trả lời phỏng vấn của PV Chuyên đề ANTG, ông Phạm Hồng Hải - Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết: “Dự kiến, trong tháng 4/2009, Bộ sẽ tổ chức hội nghị phát triển hạ tầng và viễn thông. Trong đó sẽ đề cập đến việc ngầm hóa các mạng cáp ở khu đô thị. Sẽ bàn bạc để đưa ra các giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai”. Đối với ngành điện, ông Hải "hy vọng" sẽ phối hợp một cách chặt chẽ để công tác "ngầm hóa" diễn ra thuận lợi.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã có văn bản gửi các Sở Thông tin Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông đề nghị họ nêu những khó khăn, đồng thời đề xuất những giải pháp để tiến hành ngầm hóa cáp viễn thông. Trên cơ sở đó Bộ sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này (10/4/2009), Bộ vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của các cơ quan đơn vị trên

Minh Tiến
.
.