Vụ bắt giữ nguyên Chủ tịch – Tổng Giám đốc Công ty HAIC:

Bao nhiêu người đã đổ tiền vào dự án B5 Cầu Diễn?

Thứ Tư, 09/10/2013, 15:15

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Tuẫn, nguyên Chủ tịch - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (HAIC) về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi của ông Tuẫn có liên quan tới dự án chung cư B5 Cầu Diễn (huyện Từ Liêm, Hà Nội) với tổng số tiền huy động từ khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp với số tiền nhiều tỉ đồng. Liên quan tới dự án này, hiện nhiều khách hàng đã nộp tiền cho chủ đầu tư nhưng sau một thời gian dài chờ đợi mà không thấy dự án triển khai cũng không lấy lại được tiền đang gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng…

Lai lịch một dự án

Ngày 1/8/2008, tại trụ sở Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng nhà đất, ông Nguyễn Văn Tuẫn, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng nông lâm nghiệp và bà Châu Thị Thu Nga, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất Housing Group, đã ký Hợp đồng Hợp tác đầu tư số 309/CT - 2008 "về việc  thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khu chung cư và biệt thự nhà vườn tại B5 Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội".

Theo bản hợp đồng này, diện tích thực hiện dự án là 22.352,5m2, dự kiến quy mô gồm 3 chung cư 21 tầng và 36 nhà vườn. Tổng mức đầu tư (tạm tính) là hơn 279,3 tỉ đồng. Phía Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng nông lâm nghiệp góp 40% vốn trên tổng mức đầu tư bằng giá trị quyền sử dụng đất, tài sản trên đất và tiền mặt; 60% còn lại do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng nhà đất góp.

Phía Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng nông lâm nghiệp có trách nhiệm liên hệ, hoàn tất các công việc với các cơ quan chức năng, sở chủ quản về việc xin thống nhất chủ trương hợp tác, liên doanh lập và thực hiện dự án. Được quyền tham gia xây chung một phần hạng mục của dự án khi được phê duyệt. Được toàn quyền kinh doanh khai thác phần diện tích quỹ nhà được phân chia theo tỷ lệ góp vốn.

Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng nhà đất chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành và phối hợp để thực hiện toàn bộ công tác tư vấn lập dự án và làm các thủ tục với các cấp có thẩm quyền để dự án được phê duyệt. Được quyền tham gia xây chung một phần hạng mục của dự án khi được phê duyệt. Được toàn quyền kinh doanh khai thác phần diện tích quỹ nhà được phân chia theo tỉ lệ góp vốn. Hợp đồng này xác định tiến độ thực hiện dự án là năm 2008 - 2011…

Nhưng, ngày 23/11/2010, UBND TP Hà Nội có quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh chủ đầu tư công trình xây dựng nhà ở tại ô đất CT5 thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội từ Sở Giao thông vận tải Hà Nội sang liên danh: Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Nhà đất và Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng nông lâm nghiệp. Do phát sinh thêm một số nội dung mới nên ngày 3/1/2012, ông Nguyễn Văn Tuẫn, lúc này là Chủ tịch - TGĐ Công ty HAIC và bà Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch HĐQT - TGĐ Housing Group ký hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Theo bản hợp đồng mới này, tổng diện tích đất thực hiện dự án là 22.099m2 bao gồm 2 ô đất ký hiệu HH2 và CT5. Tổng mức đầu tư tạm tính để trình các cơ quan chức năng phê duyệt là khoảng hơn 1.700 tỉ đồng với quy mô gồm 6 tòa chung cư, có độ cao 29 - 33 tầng. Căn cứ trên tổng mức đầu tư sau khi được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy mô dự án, tỉ lệ góp vốn vẫn giữ nguyên 40/60.

Việc phân chia sản phẩm dự án được tính toán lại, theo đó sau khi trừ diện tích sàn của 328 căn hộ bàn giao cho quỹ nhà của thành phố phục vụ tái định cư của Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội và diện tích sàn của các căn hộ thực hiện tái định cư cho các hộ dân thuộc Công ty XNK đang quản lý đủ điều kiện tái định cư tại chỗ, số diện tích còn lại sẽ chia theo tỉ lệ góp vốn…

Ngày 24/4/2013, tại trụ sở HAIC, lãnh đạo HAIC và Housing Group đã tổ chức cuộc họp về việc triển hai dự án B5 Cầu Diễn. Lúc này, ông Tuẫn không còn giữ chức danh Chủ tịch - TGĐ HAIC nữa mà là ông Trần Quang Vinh. Tại cuộc họp này, hai bên đã thống nhất lập quy hoạch tổng mặt bằng trên ô đất CT5 công ty đang quản lý (phần đất sạch) để điều chỉnh chức năng dự án gồm: nhà ở xã hội, thương mại và tái định cư với quy mô:

Liên danh cùng đầu tư xây dựng tòa CT-5C theo tỷ lệ góp vốn 40/60, đảm bảo đáp ứng đủ 328 căn hộ cho quỹ nhà tái định cư. 72 căn còn lại với chức năng nhà ở xã hội sẽ phân bổ theo tỷ lệ góp vốn cho các bên để kinh doanh.

Housing Group sẽ đầu tư, kinh doanh hai tòa CT-5A và CT-5B. HAIC dầu tư và kinh doanh tòa CT-5D.      

Dự án B5 Cầu Diễn hiện vẫn chỉ là bãi đất trống.

Vốn góp của khách hàng biến đi đâu?

Theo thông tin ban đầu, sau khi ký hợp đồng hợp tác đầu tư, ông Tuẫn đã ký hợp đồng góp vốn với khoảng 200 khách hàng mua nhà tại dự án với số tiền khoảng 100 tỉ đồng. Nhưng số tiền lại không được sử dụng vào dự án.

Cho đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống. Nhưng, theo tài liệu chúng tôi có được thì thời gian qua, Housing Group cũng đã huy động tiền của nhiều khách hàng có nhu cầu mua nhà tại dự án B5 Cầu Diễn bằng các "Hợp đồng góp vốn", "Thỏa thuận vay vốn".

Tại các bản "Thỏa thuận vay vốn" này, Housing Group ghi rõ người cho vay (bên B) "được quyền mua các sản phẩm nhà ở thuộc dự án do Housing Group (bên A) làm chủ đầu tư theo vị trí, diện tích và hướng do bên B (khách hàng) lựa chọn và đăng ký với bên A tại các dự án do bên A làm chủ đầu tư. Cụ thể tại dự án "khu chung cư B5" tại B5 Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội. Sản phẩm mà bên B được quyền mua tại thỏa thuận này là nhà ở đã hoàn thiện phần ngoại thất (bao gồm trát, láng, chống thấm, dây điện, nguồn, đầu chờ…) theo mẫu thiết kế do chủ đầu tư đưa ra. Riêng phần trang thiết bị như: sơn tường, thiết bị điện, ốp lát, thiết bị vệ sinh… được lập chi tiết tại hợp đồng phần hoàn thiện". Thỏa thuận cũng ghi rõ diện tích căn hộ, đơn giá và tổng trị giá căn hộ. 

Thỏa thuận cũng quy định nếu người cho vay đồng ý mua nhà của Housing Group thì khi sản phẩm của Housing Group đủ điều kiện góp vốn hoặc mua bán theo quy định thì số tiền này sẽ chuyển thành tiền ứng trước của hợp đồng góp vốn hoặc mua bán nhà ở trong tương lai, và người cho vay  sẽ không được hưởng lãi. Housing Group cũng đặt ra tiến độ nộp tiền thành 5 đợt, đợt đầu là ngay sau khi ký "Thỏa thuận vay vốn", các đợt tiếp theo sẽ chuyển theo tiến độ xây dựng.

Sau 12 tháng cho vay, nếu người cho vay không có nhu cầu góp vốn hoặc mua nhà thì Housing Group sẽ thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi….

Kèm theo "Thỏa thuận vay vốn" này là "Đơn đề nghị" có đóng dấu treo của Housing Group với nội dung in sẵn: "Căn cứ theo thỏa thuận vay vốn số… tôi tham gia tự nguyện góp vốn xây dựng căn hộ thuộc dự án "B5 khu đô thị thành phố giao lưu". Nay tôi làm đơn này xin đăng ký căn hộ chi tiết, gồm diện tích căn hộ, tên căn hộ, tầng, tòa nhà…".

Từ các năm 2010, 2011, nhiều khách hàng đã ký "Thỏa thuận vay vốn" và cho Housing Group vay từ 300 triệu đến 500 triệu đồng. 

Tuy nhiên, thời điểm này, khi dự án vẫn chỉ bãi đất trống, nhiều khách hàng yêu cầu Housing Group trả lại toàn bộ tiền gốc, thậm chí có người không lấy lãi và đề nghị trả từng phần theo định kỳ 100 triệu đồng/ đợt nhưng vẫn chưa nhận được tiền. Vì thế đã có người làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng cầu cứu.

Vì vậy, câu hỏi mà nhiều người đặt ra là cho tới lúc này, đã có bao nhiêu người đổ tiền vào dự án B5 Cầu Diễn? Số tiền này đã được chủ đầu tư sử dụng như thế nào?

Nguyễn Thiêm
.
.