Bảo tồn di sản văn hóa, kiến trúc: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Thứ Ba, 07/05/2019, 09:45
Trung tuần tháng 4 vừa qua, Nhà thờ Đức Bà Paris - một biểu tượng lịch sử văn hoá độc nhất vô nhị của nước Pháp bị ngọn lửa thiêu huỷ, gây bàng hoàng xót xa cho không chỉ người dân nước này. Đâu đó, trên thế giới, những di tích lịch sử có niên đại hàng trăm năm, hay cả ngàn năm cũng đã bị ngọn lửa đốt cháy thành đống tro tàn.

Ở Việt Nam, không ít những di tích lịch sử văn hoá bị hoả hoạn. Cũng trong tháng 4, ngọn lửa lớn đã thiêu đốt chùa Thanh Sơn, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội sau khi ngôi chùa này mới được trùng tu tôn tạo. Sự việc hàng loạt ngôi đền, đình, chùa trong cả nước bị cháy đặt ra câu hỏi bảo tồn di sản, di tích không chỉ là bài toán của các nhà nghiên cứu văn hoá, các nhà quản lý, mà cả ý thức của người dân.

Lửa nhấn chìm những di tích văn hóa kiến trúc thế giới

Hình ảnh về nhà thờ Đức Bà Paris có niên đại 850 tuổi bốc cháy dữ dội được cập nhật trên các phương tiện truyền thông ngay khi sự cố xảy ra vào ngày 15-4 vừa qua gây tiếc nuối, xót xa. Và một điều đáng kinh ngạc hơn là cách đây 188 năm, đại văn hào người Pháp Victo Hugo đã viết trong cuốn tiểu tuyết nổi tiếng của mình dịch ra tiếng Việt là “Thằng gù nhà thờ Đức Bà”, mô tả một đám cháy xảy ra tại công trình kiến trúc nổi tiếng này.

Văn hào nổi tiếng viết: “Mọi ánh mắt đều hướng lên đỉnh nhà thờ, chứng kiến cảnh tượng kinh ngạc. Trên đỉnh của phòng trưng bày cao nhất, cao hơn cửa sổ hoa hồng trung tâm, có một ngọn lửa lớn dữ dội bốc lên giữa hai gác chuông. Bên dưới ngọn lửa, dưới những lan can ảm đạm, hai ống máng bằng đá như mồm hai con quái vật đang phun không ngớt cơn mưa lửa...”.

Quả thật, sau khi đoạn clip về đám cháy ở Nhà thờ Đức Bà Paris được lan truyền trên mạng xã hội, người ta thấy cảnh tượng thật thê thảm, dữ dội, khốc liệt không khác gì so với sự mô tả dưới ngòi bút tài hoa, trong trí tưởng tượng phong phú của đại văn hào lừng lẫy này.

Cháy Đình Thọ Tháp, tháng 12-2018.

Nhiều di tích lịch sử nổi tiếng trên thế giới trong phút chốc cũng đã từng bị hoả hoạn làm tan hoang, điêu tàn. Vào đầu năm 2008, cổng thành 610 năm tuổi ở phía nam thủ đô Seoul, Hàn Quốc - công trình được xem là di sản quốc gia quý giá bậc nhất của nước này đã bị thiêu rụi. Hay vụ cháy do chập điện hồi tháng 6-2012 ở Wangdue Phodrang là một trong những pháo đài tu viện có lịch sử lâu đời bậc nhất của vương quốc Bhutan, đây còn được coi là di tích lịch sử mang tầm vóc nhân loại.

Tháng 11-2017, một vụ hoả hoạn lớn đã xảy ra tại Peru, tiêu huỷ phần lớn tổ hợp di tích khảo cổ Ventarrón, tại bang Lambayeque bao gồm nhiều đồ gốm sứ, một phần lớn bức tường trên 2.000 năm tuổi cùng nhiều hiện vật quý giá khác.

Chưa đầy một năm sau, tháng 10-2018 lại tiếp tục một vụ hoả hoạn xảy ra tại nước này, di tích lịch sử ở thủ đô Lima, ngọn lửa đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới công trình cổ được xây dựng từ đầu thế kỷ XX của Peru. Tháng 2 - 2018 trong khi người dân Tây Tạng đang đón mừng năm mới, thì một vụ cháy lớn tại chùa Jokhang ở Lhasa là một trong những điểm linh thiêng tại khu vực tự trị Tây Tạng, Trung Quốc. Một phần của ngôi chùa hơn ngàn năm tuổi chìm trong biển lửa.

Cháy lớn tại chùa Tĩnh Lâu tháng 11-2016.

Nhiều di tích ở Việt Nam cùng chung số phận

Trưa ngày 2-4 vừa qua, chùa Thanh Sơn ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội bốc cháy dữ dội. Ngọn lửa lớn đã thiêu rụi 30m toàn bộ gian thờ chính, những đồ thờ như tượng Phật, lư hương bị cháy đen. Nhà sư trụ trì cho biết, sau khi ăn cơm trưa nhà chùa đã khoá cửa và trong chùa chỉ còn lại hai ngọn đèn dầu.

Nguyên do đặt ra là có phải con chuột chạy va vào cây đèn, dầu đổ ra và gây nên vụ hoả hoạn? Chùa Thanh Sơn tuy chưa được xếp hạng nhưng nằm trong danh mục kiểm kê di tích của huyện Sóc Sơn do UBND huyện Sóc Sơn quản lý.

Cách đây chưa lâu, hồi tháng 12-2018, người dân phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội kinh hoàng chứng kiến ngọn lửa bùng lên dữ dội tại ngôi chính điện đình Thọ Tháp. Đây là một di tích lịch sử văn hoá và kiến trúc đã được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xếp hạng.

Tương truyền, ngôi đình cổ được xây dựng từ thời Triệu Việt Vương, thờ tướng Triệu Chí Thành, có công đánh dẹp quân Lương vào năm 550. Mặc dù cơ quan chức năng đã điều động 3 xe chữa cháy cùng với hàng chục chiến sĩ nhưng ngọn lửa đã kịp thiêu trụi các đồ thờ tự trong ngôi đình.

Một sự việc tương tự như thế cũng xảy ra, vào tháng 11-2017 tại đình Lưu Xá xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Theo sử sách ghi lại, đình được xây dựng năm 1670 thờ Phúc thần Nam Hải. Trải qua nắng gió, mưa bão thời gian, ngôi đình xuống cấp và được trùng tu tôn tạo nhiều lần.

Di tích lịch sử cấp Quốc gia (Đông Hưng, Thái Bình) bị cháy rụi vào tháng 11-2017.

Năm 1990, đình được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngôi đình được làm bằng gỗ nên bén lửa rất nhanh và trong khoảng thời gian ngắn đã thiêu rụi nhiều hiện vật quý giá, điển hình là những mảng chạm tinh xảo của ngôi đình cổ đã vĩnh viễn không còn.

Di tích làng Quỳnh Đôi tỉnh Nghệ An cũng bị cháy vào năm 2016, một ngọn lửa bốc lên ngùn ngụt đã thiêu rụi toàn bộ chỉ trong vài giờ. Tháng 12-2016, chùa Quan Âm Các trên đường Ấp Bắc, phường 5, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang bất ngờ phát hoả. Ngọn lửa bùng phát từ chánh điện, ban thờ nơi có các tượng Phật, cùng nhiều đồ thờ tự bị ngọn lửa thiêu rụi, nguyên nhân được cho là chập điện.

Hai ngôi chùa nổi tiếng ở quận Tây Hồ, Hà Nội cũng đã bị hoả hoạn nghiêm trọng, chùa Tảo Sách (còn gọi là Linh Sơn Tự) trên đường Lạc Long Quân bị cháy vào tháng 1–2011. Mặc dù ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng chữa cháy đã rất nỗ lực chữa cháy nhưng ngôi chùa có niên đại 600 năm tuổi này vẫn bị thiêu trụi toàn bộ gian nhà Tam Bảo. Do bị xuống cấp nên năm 2009 chùa đã được tu bổ cổng tam quan và ban Tam Bảo. Sau khi ban tam bảo bị cháy, ngôi chùa đã được trùng tu tôn tạo lại từ nguồn kinh phí xã hội hoá.

Đêm 5-11-2016, chùa Tĩnh Lâu, còn có tên là chùa Sải, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội xảy ra một vụ cháy lớn đỏ rực cả một góc của Tây Hồ. Tương truyền, chùa có từ thời Lý, do kết cấu được làm bằng kèo cột gỗ nên ngọn lửa nhanh chóng lan ra và đã thiêu rụi toàn bộ nhà thờ tổ chỉ còn trơ lại khung, một di vật tượng Tổ có từ thế kỉ XX cùng với các đồ thờ cúng bị cháy thành than. Sau sự cố đáng tiếc, tượng Phật Bà Quan Âm cháy đen nhẻm được Ni sư Thích Đàm Chung, trụ trì chùa giữ lại làm bài học nhắc nhở về việc bảo vệ di tích.

Còn nhớ, vụ cháy đau thương gây mất mát lớn vào tháng 8-2015 tại chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt đã được xếp hạng. May mắn không thiệt hại về người nhưng đã mất đi những thứ vô cùng quý giá. Đáng tiếc nhất là một chiếc hương án bằng gỗ có tuổi đời 300 năm rất hiếm, được các nhà nghiên cứu di sản - văn hoá coi là tài sản vô giá có một không hai của Việt Nam.

Tiếp đó, tháng 10 - 2015 chùa Soài So, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, An Giang  bốc cháy dữ dội vào khoảng gần sáng. Chùa Soài So là một trong những ngôi chùa Khơme đầu tiên của vùng Bảy Núi được xếp hạng chùa văn hoá. Nguyên nhân được các nhà chức năng đưa ra do đốt đèn cầy trong chùa rơi xuống và đã cháy lan sang các đồ thờ tự dễ bén lửa khác, ước tính thiệt hại sau đám cháy khoảng 700 triệu đồng.

Hương án 300 năm tuổi ở chùa Bút Tháp trước khi cháy thành đống tro tàn.

Tháng 7-2014, hoả hoạn tại đền Nhạn Tháp ở xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ngôi đền đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử nghệ thuật kiến trúc Quốc gia năm 1993. Toàn bộ phần hậu cung bị thiêu rụi, mái ngói đổ sập, đồ thờ tự cháy xém ám khói. Mùa hè năm 2013, chùa cổ Hội Sơn, quận 9, TP Hồ Chí Minh là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia cũng cháy.

Toàn bộ ngôi chánh điện cùng với hơn 30 tượng Phật quý giá, 15 bàn thờ, hàng trăm bộ kinh, nhiều vật dụng thờ tự quý khác bị thiêu rụi hoàn toàn. Bức hoành phi với dòng đại tự: “Vạn đức hồng danh” do vua Khải Định ban tặng cũng hoá thành tro bụi. Các di tích lịch sử văn hoá kiến trúc khác trên địa bàn cả nước cũng đang ngày, giờ đứng trước nguy cơ xâm hại của thiên nhiên và con người, gây nên những vụ hoả hoạn xót xa, những di vật quý, di sản ông cha ta đã giữ bao đời nay thành đống tàn tích.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: “Việc phòng cháy ở di tích của chúng ta hiện nay còn nhiều lỗ hổng. Trên địa bàn cả nước có hàng trăm, hàng nghìn lễ hội tại các đình, đền, chùa, thu hút lượng lớn du khách đến thăm quan, đốt vàng mã, dâng hương. Từ đây tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

Các nguy cơ không an toàn như đốt vàng mã không đúng nơi quy định, dâng hương quá nhiều, thắp nến trong nơi thờ tự là những vật liệu được làm từ gỗ rất dễ bắt lửa, hệ thống điện đã cũ, không đồng bộ gây ra hiện tượng quá tải nguồn điện cũng dễ dẫn đến cháy nổ. Chúng tôi thấy nguy cơ rất cao đó là hệ thống các tu viện, các di tích, các thiết chế văn hoá khác của Bộ là nơi cần tiếp tục được quan tâm và khuyến cáo làm sao để thực hiện tốt phòng cháy, chữa cháy”.

Ông Nguyễn Hoài Nam, chuyên gia nghiên cứu di sản, Hội Di sản văn hoá Thăng Long nhấn mạnh: “Phần lớn các di tích ở Việt Nam được xây dựng từ rất lâu, kết cấu phần lớn làm từ gỗ, đây là chất liệu dễ gây cháy. Đối với những di sản khi mà để xảy ra chập cháy thì đó là những việc không thể cứu chữa được nữa.

Các vụ cháy không chỉ gây ra thiệt hại về vật chất mà còn gây ra tổn thất nặng nề cho ngành bảo tồn di sản, như hương án hơn 300 năm tuổi ở chùa Bút Tháp, Bắc Ninh đã cháy cách đây vài năm. Lúc bấy giờ chúng ta mới nhìn nhận lại vấn đề nhưng không thể cứu vãn được nữa vì chúng ta thường mất bò mới lo làm chuồng”.

Nhà nghiên cứu Hà Nội, Vũ Văn Luân, nguyên Trưởng ban quản lý di tích đình, chùa làng Hồ Khẩu, Tây Hồ bày tỏ: “Một số các công trình di tích đang có dấu hiệu xuống cấp, khi xảy ra sự cố rất dễ cháy lan. Đội ngũ trông coi di tích còn mỏng, thường chỉ từ 1 đến 2 người, nên khi xảy ra hỏa hoạn không ứng phó kịp. Việc bài trí trong di tích còn rườm rà chưa được gọn gàng cũng là nguy cơ dẫn đến hoả hoạn.

Việc đốt vàng mã không đúng nơi quy định, dùng nến và thắp quá nhiều hương khói mù mịt ở nơi thờ tự có nhiều vật liệu gỗ dễ bắt lửa cũng là nguyên nhân gây cháy. Một số nơi chưa trang bị đầy đủ hệ thống phòng cháy chữa cháy nên khi xảy ra hoả hoạn không ứng phó kịp thời. Muốn bảo vệ được di tích lịch sử văn hoá kiến trúc của tiền nhân để lại thì trước hết không riêng lực lượng chức năng quản lý mà cần phải nêu cao ý thức của mỗi người dân, hạn chế các nguy cơ xảy ra hoả hoạn để bảo vệ những giá trị có một không hai của lịch sử, tài sản di tích văn hoá - kiến trúc của muôn đời”.

Trần Mỹ Hiền
.
.