Trung Quốc:

Bảo tồn kinh kịch

Thứ Tư, 16/04/2008, 15:15
Cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết trong chương trình ngoại khóa của khoảng 200 trường học tại 10 tỉnh ở Trung Quốc đã có thêm môn Kinh kịch nhằm quảng bá truyền thống văn hóa của Trung Quốc đến thế hệ trẻ.

Bắt đầu từ tháng 3 vừa qua, Trung Quốc đã phát động chương trình dạy Kinh kịch truyền thống tại các trường học. Những lớp học bắt buộc này đã gây nên những làn sóng phê bình ngay sau khi chương trình được áp dụng, trong đó một số người phàn nàn rằng, do áp dụng đại trà trong hầu hết các trường học nên việc thiếu giáo viên chuyên môn đảm trách bộ môn nghệ thuật truyền thống này là không thể tránh khỏi, và nếu giáo viên không có chuyên môn phải đứng lớp cộng với việc đây lại là môn học bắt buộc thì rất có thể sẽ càng làm cho học sinh cảm thấy chán ghét môn nghệ thuật này. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận phụ huynh phản đối chương trình này.

Cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết trong chương trình ngoại khóa của khoảng 200 trường học tại 10 tỉnh ở Trung Quốc đã có thêm môn Kinh kịch nhằm quảng bá truyền thống văn hóa của Trung Quốc đến thế hệ trẻ. Trường tiểu học Tây Nghệ ở thủ đô Bắc Kinh là một trong những thí điểm của chương trình này, nơi có khoảng trên 700 học sinh tham dự. Trẻ em tuổi từ 6 đến 12 tại trường này đều phải theo học môn Kinh kịch.

Một số học sinh cũng đã tỏ ra thú vị đối với môn nghệ thuật này. Vương Di Di, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Tây Nghệ, cho biết hồi nhỏ em không biết những khuôn mặt của các nghệ sĩ Kinh kịch được vẽ như thế nào, và nay thì em đã có thể biết được, thậm chí còn học được cách trang điểm nữa. Tuy nhiên, một số em thì lại tỏ ra không thích thú lắm vì cho rằng không phải ai cũng có thể học được môn nghệ thuật cổ truyền này.

Kinh kịch là một thể loại ca kịch của Trung Quốc hình thành và phát triển mạnh tại Bắc Kinh vào thời Vua Càn Long của vương triều nhà Thanh, là kết quả của sự trộn lẫn giữa Huy kịch với Hán kịch. Trong Kinh kịch thường hay có các màn nhào lộn, xiếc, diễn trò và không có vị trí gì trong võ thuật Trung Hoa. Nhưng võ thuật Trung Hoa đã thâm nhập vào loại hình nghệ thuật này và góp sức làm giàu thêm cho khung cảnh văn hóa Trung Hoa.

Sau này các diễn viên Kinh kịch được đào tạo bài bản thường chuyển sang thành các diễn viên võ thuật trong điện ảnh. Có thể nói rằng Kinh kịch đã góp phần làm phong phú diện mạo của điện ảnh Hồng Công và Trung Quốc hiện đại.

Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng đã bị chỉ trích vì bắt buộc các học sinh phải chú tâm vào việc luyện tập môn nghệ thuật cổ truyền này và như vậy các em có thể sẽ xao lãng các môn học khác.

Trước sự phản đối của các phụ huynh và những nhà phê bình, sau gần một tháng áp dụng chương trình dạy Kinh kịch trong trường học, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã phải tuyên bố chương trình học này sẽ không còn bị bắt buộc mà chỉ còn là môn học tự chọn giúp học sinh tìm hiểu về văn hóa cổ truyền của Trung Hoa và chỉ áp dụng cho học sinh bắt đầu vào lớp 10

H.B. (theo Chinadaily)
.
.