Bảo tồn nghệ thuật truyền thống: Trăn trở mưu sinh để giữ nghề

Thứ Ba, 02/10/2018, 14:25
Những năm trở lại đây, các sân khấu dành cho nghệ thuật truyền thống đều thưa vắng khách. Lớp trẻ thì phần đông không còn mặn mà với những bộ môn nghệ thuật một thời được coi là "hoàng kim" của sân khấu, những người yêu thích thì đã ở tuổi "xưa nay hiếm", bởi vậy mà con đường mưu sinh của các nghệ sĩ theo đuổi bộ môn nghệ thuật truyền thống cũng đầy vất vả trong thời buổi văn hóa hội nhập.


Bươn chải vì yêu nghề

Có lẽ chưa bao giờ sân khấu truyền thống Việt Nam như tuồng, chèo, cải lương lại chịu cảnh vắng vẻ, đìu hiu như bây giờ. Trên địa bàn thủ đô, các nhà hát vẫn đỏ đèn chờ khách sân khấu vẫn đỏ đèn theo lịch diễn, nhưng thực sự, tại phòng vé, số lượng vé được bán ra vô cùng khiêm tốn. Rạp vắng khách, đồng lương nhà nước ít ỏi không đủ nuôi sống bản thân, các diễn viên sân khấu nghệ thuật truyền thống, dù có đam mê và yêu nghề đến mấy, cũng phải tìm mọi kế để mưu sinh trong cơn bão giá.

Tôi gọi điện thoại cho anh Vũ Văn Đông, một diễn viên của Nhà hát Chèo Việt Nam, điện thoại bận, một lúc sau anh gọi lại cho tôi, lời đầu tiên anh hỏi là: "Chị gọi để đặt... lẩu nướng ạ?". Tôi tưởng là nhầm số điện thoại, định xin lỗi rồi tắt máy, nhưng cố hỏi thêm: "Trước đây có phải có một diễn viên Nhà hát Chèo dùng số máy này không ạ?" thì anh trả lời: "Mình vẫn làm ở Nhà hát Chèo mà, nhưng lẩu nướng là làm thêm thôi. Thêm nhưng lại là thứ kiếm tiền chính”.

Diễn viên nhà hát Chèo Việt Nam.

Anh Đông tâm sự: “Mình đam mê chèo từ bé, được học đại học và rồi về làm ở Nhà hát Chèo là một niềm hạnh phúc, kể cả đến bây giờ, dù vất vả, mình vẫn luôn yêu nghề, trọng nghề và mỗi khi đứng trên sân khấu thì hóa thân vào nhân vật một cách trọn vẹn để có thể tỏa sáng. Mình đã tham gia hàng chục vở chèo, có được những giải thưởng, huy chương vàng. Đợt vừa rồi bị thiếu mất 3 tháng nên chưa đủ thời gian xét tuyển NSƯT. Tuy nhiên, như bạn thấy đấy, mình yêu nghề nhưng nghề chưa mang lại cho mình một cuộc sống tạm đủ, chứ chưa nói đến dư giả. Hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, đôi bên gia đình cha mẹ đều làm nông nghiệp, con cái thì bệnh tật. Là người đàn ông cầm trịch trong gia đình, lực bất tòng tâm nên nếu không đi làm thêm nghề khác thì quả thật là không có tiền trang trải cho gia đình”.

Không chỉ riêng anh Đông, tại Nhà hát Chèo Trung ương nhiều diễn viên khác cũng phải làm thêm nhiều nghề để có tiền trang trải cuộc sống gia đình. Người thì đi hát phòng trà ca nhạc, các hội nghị, sự kiện, người thì chạy taxi, grab, xe ôm, người thì đi làm MC đám cưới. Hầu hết họ phải kiêm thêm một nghề phụ, “chân ngoài dài hơn chân trong” để nuôi sống gia đình, có thêm thu nhập để chăm lo con cái học hành, cơm áo đủ ăn đủ mặc…

Vở chèo "Rồng phượng" của Nhà hát chèo Việt Nam.

Đó là may mắn cho nhiều người còn có nhà tập thể của Nhà hát để ở khi chưa có điều kiện mua nhà Hà Nội. Hầu hết mỗi căn phòng của các gia đình diễn viên, hoặc các nhóm diễn viên được ở khu tập thể chỉ rộng chừng 15m2. Nếu cần một chỗ chơi, lũ trẻ con chơi với nhau ở cầu thang, đoàn kết và vui vẻ dù đứa nào đứa nấy đen nhẻm, mồ hôi nhễ nhại trong tiết trời oi ả sang thu.

Gia đình anh Văn Toàn và chị Hiền đã gắn bó nhiều năm trong khu tập thể Nhà hát Chèo, cũng có hoàn cảnh tương tự thì chia sẻ, hai vợ chồng ăn lương Nhà hát, ngoài ra lúc rảnh thì chạy vạy thêm vài việc bên ngoài như nhận làm âm thanh, ánh sáng cho những đơn vị tổ chức sự kiện, cũng đủ tiền nuôi sống gia đình. Đủ sống thôi, chứ chưa có tiền dư giả.

Hiện tại, con của anh chị đang có bệnh trọng nên tất cả số tiền kiếm được từ trước đến nay, cũng như lương tháng, đều dành cả vào việc chữa bệnh cho con. Anh Toàn bảo, cuộc sống quả thật là bấp bênh vô cùng. Đó cũng là thực trạng chung bây giờ của những nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật truyền thống. Các diễn viên trẻ mới ra trường được nhận về Nhà hát để tương lai trở thành tầng lớp kế cận, có người đam mê theo đuổi, có người "theo chồng bỏ cuộc chơi".

Tự xoay sở vì nghệ thuật truyền thống

Chúng ta vẫn thường nói đến việc phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những nghệ sĩ “có tuổi” đã đành an phận với nghề nghiệp của mình mấy chục năm theo đuổi, song đang có một bộ phận các nghệ sĩ trẻ đam mê nghệ thuật truyền thống thực sự đang “đi trên dây”, mà nếu không cho họ một trụ bám để giữ thăng bằng thì rất khó để họ có thể bám trụ để đi hết chặng đường dài phía trước… Chính vì thế, nhiều nghệ sĩ đã bứt ra khỏi cơ chế để tìm cho mình một con đường sáng, cho dù rất... chật vật.

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đang tạo hình con rối.

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm là một điển hình cho việc tự bứt ra khỏi cơ quan nhà nước để tìm cho mình một lối đi riêng. Anh nổi tiếng trong làng rối nước không chỉ bởi sinh ra trong một dòng họ có 7 đời làm nghề rối nước ở Nam Định mà là anh dám từ bỏ Nhà hát Múa rối Trung ương, một nơi gắn bó với anh từ thuở đầu cha ông anh đã lập nghiệp để tự tìm cho mình một hướng đi riêng.

Sinh sống ở Hà Nội, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã tìm mọi cách để gắn bó với con rối, để có thể duy trì nghề diễn bằng cách sáng tạo ra loại hình độc diễn rối nước. Cũng bởi vậy, anh đã mang cả sân khấu rối nước về nhà mình, ngôi nhà 30m² lọt thỏm trong lòng những con ngõ ngoằn ngoèo ở ngõ chợ Khâm Thiên. Từ tầng 1 đến tầng 4 của ngôi nhà, ở đâu cũng bày la liệt con rối và những thứ liên quan đến nghề múa rối.

Anh cho biết, căn nhà riêng của hai vợ chồng và hai cậu con trai bị thu hẹp không gian sống đến mức tối thiểu. Cả gia đình sống trong căn phòng ở tầng 2 chừng 10m². Cũng không còn cách nào khác vì điều kiện kinh tế của hai vợ chồng cùng làm nghề chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày chứ chưa dư giả để có thể mua một căn nhà chung cư dù nhỏ thôi để cho các con có điều kiện sống tốt hơn.

Tuy nhiên, tách ra làm riêng cũng không dễ dàng trong thời buổi bão giá như hiện nay, không phải lúc nào anh cũng có khách, trong khi đó, khách của anh chủ yếu là khách du lịch và những nhóm người Việt là các lớp học của các cháu thiếu nhi muốn tìm hiểu về nghệ thuật múa rối. Thường phải 10 người trở lên thì sân khấu mới hoạt động được bởi vì phải chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều công đoạn phục vụ biểu diễn.

Nỗi mong từ nhiều phía

Thực tế cho thấy, hiện nay, không chỉ các khán giả trẻ tuổi mà thậm chí, nhiều diễn viên trẻ học các chuyên ngành về nghệ thuật truyền thống đã… bỏ nghề ngay từ khi mới "chân ướt chân ráo" vào nghề, đơn giản bởi vì họ không thể bám trụ được cuộc sống bấp bênh với đồng lương eo hẹp.

Sân khấu múa rối mini của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm.

Nhà tập thể đã hết, hầu hết những người theo đuổi nghệ thuật truyền thống lại là những người ở tỉnh xa về Hà Nội lập nghiệp, chi tiêu sinh hoạt hàng tháng còn khó khăn, biết bao giờ họ mới có tiền mua nhà, mua xe.

Một diễn viên trẻ "giải nghệ" đã tâm sự thật lòng: Đúng là "cơm áo không đùa với khách thơ" vì đang diễn trên sân khấu, nghĩ đến hóa đơn tiền điện, tiền nước, tiền đóng học cho con đã hoảng hồn, chưa biết xoay xở như thế nào thì làm sao có thể thăng hoa trên sân khấu được. Chúng tôi sẵn sàng sống chết với nghề, tận hiến cho nghề, nhưng mong sao nghệ thuật truyền thống được quan tâm đầu tư nhiều hơn để đời sống anh em bớt khó khăn. Thật sự là chẳng dám trông xa, chỉ dám nhìn những người sống quanh mình để tự an ủi rằng, mình vẫn còn một công việc để làm, để đam mê, nhưng nhìn xa thì tương lai cho một môn nghệ thuật truyền thống đang bị mất dần ý nghĩa trong đời sống cũng thấy buồn lắm.

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, người có nhiều đóng góp cho nghệ thuật chèo và đã góp phần lớn để chèo chống đưa các vở diễn đi lưu diễn. Chị cũng là người thường xuyên "livestream" các chương trình cho bạn bè, khán giả đến động viên, chia sẻ.

Chị cho  biết dù Nhà hát Chèo Quốc gia được Nhà nước quan tâm rất nhiều nhưng thực tế là cũng chưa sâu sát, chưa có trọng điểm. Ngoài lương thì nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho tập luyện, biểu diễn quá thấp nên không đủ để vực dậy những tài năng say nghề. Bản thân chị, để cáng đáng và vận hành một cỗ máy 150 con người trong thời cơ chế thị trường khó khăn thế này đối với chị là một công việc thực sự vất vả.

Nghề hát không chỉ cần hát mà còn cần giữ một ngoại hình, vóc dáng, phải đẹp, phải phấn son quần áo… phải giữ hình ảnh đẹp trước công chúng, thì với đồng lương là 20 nghìn một ngày tập luyện, 100-120 nghìn một buổi biểu diễn, họ không yên tâm để sống được.

Họ không ỉ lại mà đã làm mọi điều để vực dậy cái nghề mà mình đam mê nhưng chỉ bản thân nghệ sĩ cố gắng thôi chưa đủ, cơ chế và những sự động viên kịp thời để các nghệ sĩ có được không chỉ niềm đam mê mà cả vật chất để nuôi dưỡng đời sống thường ngày, nuôi dưỡng niềm đam mê ấy.

Cuộc sống thực đằng sau cái "mặt nạ" được bôi trát bởi tầng tầng lớp lớp phấn son, mũ áo của những diễn viên tuồng, chèo, cải lương, là cả một sự khổ công tập luyện, nỗ lực không ngừng nghỉ... Thiết nghĩ, có lẽ để bảo tồn nghệ thuật truyền thống sẽ không chỉ cần sự nỗ lực của diễn viên mà sẽ cần sự đồng hành từ phía các bộ, ban ngành trong đầu tư thích đáng cho nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là việc quảng bá loại hình văn hóa này nhằm thu hút khán giả.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.