Bất đắc kỳ tử như cây xanh ở Hà Nội

Thứ Bảy, 14/02/2015, 12:00
Thời gian vừa qua, nhiều người dân TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung thật sự xót xa, tiếc nuối khi chứng kiến hàng trăm cây cổ thụ bị chặt bỏ trên tuyến đường Nguyễn Trãi, Trần Phú (Hà Đông)… Hãy khoan nói đến việc đúng sai trong việc đã tự tước đi những "lá phổi xanh" của "thành phố xanh", chúng tôi thử đi tìm hiểu về công tác bảo vệ những nguồn cây quý, hiếm ở thủ đô và phát hiện ra những câu chuyện "lạ" và đáng buồn…

1. Đúng 20h30 một ngày mùa đông tháng giá chúng tôi theo chân tổ công tác của Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP Hà Nội xuống địa bàn quận Đống Đa.

Ở đây đã có lực lượng công an phường, bảo vệ dân phố chờ sẵn. Tổ tuần tra sẽ chia thành nhiều ca thay phiên nhau tổ chức canh gác, bảo vệ… hơn chục cây sưa trên địa bàn phường.

Trước khi đi, các trinh sát hình sự đều được nai nịt gọn gàng, và trang bị cả súng. Tôi tò mò: "Đi canh cây mà cũng phải mang súng hả cách anh?".

Thượng tá Ngô Văn Đáp, Đội trưởng Đội 10, PC45 mỉm cười: "Không thể đùa được với “sưa tặc” đâu. Bọn chúng ngày càng liều lĩnh".

Địa bàn đóng quân là một chiếc lều dã chiến, được dựng lên ở vị trí trung tâm của đám cây sưa. Mấy chiếc xe máy cũng được huy động, để các chiến sĩ thay nhau tuần tra.

Nhìn những khuôn mặt sạm đen vì sương gió, tôi không khỏi xót xa. Lính hình sự hàng ngày vốn đã "bơi" ra không hết việc, nay lại phải nhận thêm một nhiệm vụ có phần… oái oăm này.

Một chiến sĩ kể: Gần một năm nay, các chiến sĩ thuộc PC45 - Công an TP Hà Nội "bỗng dưng" có thêm một nhiệm vụ mới. Đó là đi… canh cây. Mà nói chính xác hơn là đi trông, giữ những cây sưa trong địa bàn thành phố.

Thoạt nghe thì có vẻ khá là khôi hài. Vì nhiệm vụ chính của các anh là tổ chức phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm hình sự, các tệ nạn xã hội, chống khủng bố…

Song vì khoảng 3-4 năm trở lại đây, nạn "sưa tặc" đột nhiên lộng hành, buộc lực lượng CSHS phải vào cuộc.

Đang nói chuyện, bỗng có điện đàm báo về là phía gần Trường tiểu học Kim Liên có một nhóm đối tượng có nhiều biểu hiện nghi vấn.

Ba chiến sĩ lập tức bật dậy, lao nhanh về phía các đồng đội thông báo. Từ xa chúng tôi đã quan sát được các đối tượng chia làm hai nhóm.

Một nhóm đi xe máy trước, vòng vèo để "chim lợn". Theo sau chừng 50m là một xe ôtô 7 chỗ biển ngoại tỉnh đi khá chậm để chờ tín hiệu "ăn hàng".

Một cây sưa bị cưa trộm vào lúc rạng sáng trên đường Nguyễn Trãi.

Sau chừng 15 phút tăm tia, có lẽ do thấy đèn đường hơi sáng, hoặc cũng có thể do phát hiện ra "quân ta" nên các đối tượng lặng lẽ rời đi không dám giở trò trộm cắp nữa.

Được biết có những thời điểm đám “sưa tặc” rất liều lĩnh. Ở một huyện ngoại thành của Hà Nội, bọn chúng còn dám trói cả người bảo vệ vào gốc cây, ung dung cưa tận gốc cây sưa rồi cho lên xe ôtô chở đi.

Có đi mới biết, nhiệm vụ canh cây của các chiến sĩ cũng gian nan chẳng kém gì đấu tranh với tội phạm. Một tổ công tác thường có 4-6 người, mà phải trông hàng chục cây sưa, mỗi cây lại cách xa nhau quả là việc chẳng hề dễ dàng gì.

Và còn một điểm nữa là đám sưa tặc "chuyên trị" nhằm vào những lúc mưa gió bão bùng, hay trời rét mướt mới tăng cường hoạt động. Điều này khiến cho các chiến sĩ công an lại càng vất vả hơn.

Oái oăm thay, không chỉ phải trông giữ những cây sưa to, nhiều tuổi mà kể cả những… gốc sưa, thân sưa đã bị phạt ngang cũng vẫn là mục tiêu mà lính hình sự phải canh cho kỹ, kẻo mất là sẽ rất phiền toái!

Một “cụ” muỗm đã chết, nhưng thành phố vẫn không cho đánh đi để trồng mới mà bắt… “giữ nguyên hiện trạng”!?

Trời càng về khuya, sương xuống càng dày. Lúc này tôi mới để ý đến khuôn mặt Thượng tá Đáp đang tái nhợt đi, bước chân của anh vẫn có phần tập tễnh.

Anh vốn là một thương binh, bị thương trong một chuyến truy bắt tội phạm trên tận miền núi cao Tân Uyên của tỉnh Lai Châu.

Cũng theo Thượng tá Đáp, nổi lên từ những năm 2011, 2012 cho đến cuối năm 2013 đầu năm 2014 thì nạn “sưa tặc” thực sự bùng phát ở Hà Nội. Cứ hôm trước còn thấy cây sưa nở hoa trắng muốt, thì hôm sau đã phát hiện bị cưa đến sát gốc.

Trước tình trạng này, chính quyền thành phố đã chỉ thị cho lực lượng công an bằng mọi cách phải trông giữ và phát hiện bắt giữ các ổ nhóm tội phạm chuyên đi trộm cây sưa.

Và cũng như mọi lần, nhiệm vụ khó khăn phức tạp nhất thường lại được giao cho lực lượng CSHS.

Để chặn đứng nạn sưa tặc, ngoài đơn vị chuyên trách là Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu thuộc PC45, thì tất cả các đơn vị đều phải cử ra một tổ gồm 2-4 đồng chí, luân phiên nhau đi "canh" cây sưa. Quả thật, khi có lực lượng CSHS vào cuộc, nạn sưa tặc đã giảm đi rõ rệt.

2. Cách đây chừng 5 năm, cụ Hà Văn May (thủ từ đền Voi Phục, Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) và cụ Nguyễn Văn Tùng (Trưởng Ban quản lý đền Voi Phục) vui mừng bao nhiêu thì nay hai cụ lại buồn bấy nhiêu. Chín cây muỗm cổ thụ được vinh danh là "Cây di sản" từ năm 2010 nay chỉ còn lại nhõn… một cây.

Trong quần thể 9 “cụ” muỗm ở Đền Voi Phục thì nay chỉ còn sót 1 “cụ”.

Cụ May, cụ Tùng buồn vì cây chết một phần, song cũng rất ưu tư trước những ứng xử của một số cơ quan "có trách nhiệm" ở Hà Nội đối với Cây di sản.

Theo như cụ Tùng, 9 cây muỗm cổ thụ (có thể gọi là cụ tổ muỗm) có niên đại ít nhất là 800 năm. Theo sử sách ghi lại, đền Voi Phục được xây dựng từ thế kỷ thứ XII, thờ thánh Linh Lang triều Lý, đồng thời trồng 9 cây muỗm.

Theo phương pháp khoa học hiện đại cũng xác nhận 9 cụ muỗm tổ ở đây có tuổi xấp xỉ 800 năm. Cũng chính vì lý do đó mà năm 2010, quần thể 9 cây muỗm ở đền Voi Phục đã được công nhận là Cây di sản.

Đã gần 50 năm nay, cụ May làm thủ từ của đền Voi Phục. Cụ nhớ lại chừng đôi chục năm trước, khi đi trên đường Thanh Niên, đứng ở chùa Trấn Quốc nhìn về thì có thể thấy một quần thể xanh ngút mắt, tạo thành một mái vòm rộng màu xanh.

Đó chính là do tán của 9 cây muỗm tổ tạo nên. Thời kỳ đó, 9 cây muỗm không những tỏa bóng mát mà còn cho quả nữa.

"Quả muỗm to bằng 2 cái chén uống nước úp lại. Khi quả xanh thì có thể hái nấu canh chua, rất thơm ngon. Còn khi quả chín thì cũng rất thơm, ngọt. Cứ đến mùa, Ban quản lý trẩy có đến hàng… tấn quả để bán cho thương lái. Số tiền thu được sẽ dành để tôn tạo lại cảnh quan của đền" - cụ Tùng cho biết.

Nhưng thật đau xót, sau khi được công nhận là Cây di sản thì đến năm 2011, 2 cụ muỗm cứ rụng lá rồi chết. Ban quản lý đền lo quá, vội làm văn bản cho các cấp các ngành, nhờ cả Hội Di sản giúp đỡ. Khi đó có chuyên gia người Úc sang cứu chữa.

Nhưng chỉ được gần một năm thì 2 cụ muỗm lại ra đi. Rồi cho đến giữa năm 2014 thì cụ muỗm thứ 8 rụng sạch lá, rồi chết.

Ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng Ban Quản lý Đền Voi Phục: "Cây muỗm này là do người dân cung tiến, thành phố hầu như không quan tâm".

Kể lại sự kiện này, cụ Tùng không trách ai cả. Cụ bảo từ trước khi được công nhận là Cây di sản, thì đã có 1-2 cụ muỗm có biểu hiện bị sâu bệnh.

Dưới gốc cây cứ đùn ra như mạt cưa - sau đó mới phát hiện bị sâu đục thân. Con sâu này đã đục ruỗng hết phần lõi cây, khiến cho cây từ từ mà chết.

Ban quản lý đã vận động nhân dân, lấy từ quỹ phúc lợi ra 60 triệu đồng để ký hợp đồng với chuyên gia người Úc nhằm cứu cây. Họ đã xem xét rất kỹ, rồi bơm thuốc vào thân cây bị sâu.

Kết quả ban đầu thì rất khả quan, chỉ vài tháng sau là cây lại cho lá xanh um. Nhưng khi chuyên gia nước ngoài rút đi, thì cây lần lượt chết.

Một số nhà khoa học cũng lý giải tương đối thuyết phục rằng, tuổi đời của các cụ muỗm như vậy là khá cao. Và cũng giống như con người, khi tuổi cao thì sức đề kháng giảm. Cây bị sâu đục thân, rồi chết cũng là hợp quy luật.

Thế nhưng, cụ Tùng buồn là ở một nhẽ khác!

Rằng mặc dù được vinh danh là Cây di sản, song các ban ngành chức năng hầu như chẳng có một sự quan tâm nào đến cây cả.

Khi cây bị sâu bệnh, Ban quản lý đền làm văn bản báo cáo từ phường, lên quận, lên thành phố để mong có được sự giúp đỡ về vật chất, hoặc cử chuyên gia xuống xem xét, giúp đỡ… đều không nhận được hồi âm.

Cực chẳng đã, Ban quản lý phải nhờ Hội Di sản tìm chuyên gia nước ngoài đến làm việc. Và phải tự trích kinh phí ra để chữa cây.

Rồi khi cây chết, Ban quản lý cũng làm đơn xin phép các sở, ban, ngành để đánh đi nơi khác và trồng cây mới.

Tất cả kinh phí dành cho việc đánh cây, làm lại đất, trồng cây mới… đều do Ban quản lý vận động từ những nhà hảo tâm đóng góp, chứ không xin một xu từ chính quyền.

Vậy mà khi mới trồng lại được 3 cây thì bỗng nhiên có văn bản từ trên xuống bắt dừng lại vô thời hạn!

Ban quản lý đền Voi Phục tha thiết mong các cơ quan chức năng sớm có quyết định dứt khoát về số phận của những gốc cây muỗm đã chặt. Để có thể tiếp tục trồng những cây muỗm mới.

3. Như phần đầu bài viết chúng tôi đã đề cập, tháng 1 vừa qua hàng trăm cây xà cừ cổ thụ trên tuyến đường Nguyễn Trãi, Trần Phú… đã bị đốn sạch để thi công tuyến đường sắt trên cao.

Theo ông Trần Trọng Hiếu, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng môi trường công trình ngầm (Sở Xây dựng Hà Nội), dù xà cừ được trồng ở Hà Nội gần 100 năm nay và phần lớn có đường kính trên 50cm, nhưng "đây không phải là loại cây đô thị vì cây to, lại có rễ chùm nông nên rất nguy hiểm cho người dân cũng như tuyến đường sắt trên cao".

Mặc dù lý do đưa ra có vẻ thuyết phục, song chúng tôi vẫn cho rằng nếu có một giải pháp nào đó để giữ lại được những lá phổi xanh này thì tốt hơn nhiều. Bởi phải mất hàng trăm năm mới có được hàng cây đẹp đẽ đến thế.

Nếu nói rằng chính quyền TP Hà Nội không quan tâm đến việc giữ gìn, xây dựng “lá phổi xanh” cho thành phố thì cũng chưa hẳn. Vì hằng năm thành phố đều chi hàng chục tỉ đồng để trồng mới, chăm sóc, cắt tỉa cây cũ…

Song rõ ràng là qua những ví dụ trên, chúng ta có thể thấy dường như sự quan tâm này chưa đúng mức, và nói như vị thủ từ đền Voi Phục thì là "quan tâm chưa phải lối".

Hà Nội đẹp một phần là nhờ cây. Hà Nội xanh cũng là nhờ cây. Những người đã từng sống, lao động, học tập ở Hà Nội đều ít nhiều cảm nhận được sự cần thiết của cây xanh ở Hà Nội.

Mỗi người con đi xa, khi nhớ về thủ đô yêu dấu, thì có lẽ ngoài nhớ người thân, nhớ bạn bè thì một ký ức khó phai là nhớ về những hàng cây.

Hy vọng rằng bất cập trong việc bảo vệ cây xanh chúng tôi nêu ở trên sẽ đến được với những người có trách nhiệm, và đề nghị của Ban quản lý đền Voi Phục cũng sớm được hồi âm. Để chúng ta vẫn luôn có một "trời Hà Nội xanh".

Minh Tiến
.
.