Bất ổn ở Syria gây thiệt hại kinh tế nặng nề

Thứ Năm, 16/02/2012, 16:20

Tình trạng bất ổn ở Syria đã làm gia tăng những biện pháp trừng phạt của quốc tế, dẫn đến những chính sách thuế gây tranh cãi, đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia. Trong khi đó người ta vẫn chưa biết được Tổng thống Bashar Assad có thể tiếp tục nắm giữ quyền lực cho đến bao giờ.

Trong mê cung những con đường hình thành nên thành phố cổ Damascus của Syria, giới tiểu thương buồn bã trước mớ hàng hóa đủ loại - từ hạt cườm, đồ thủ công mỹ nghệ và quần áo cho đến gia vị - trong cửa hiệu hay bày ngổn ngang trên đường mà dài cổ chờ khách đến mua. Cái chợ này chủ yếu sống nhờ vào du khách thập phương, theo chủ cửa hàng vải Abu Adnan. Nhưng không một du khách nào dám bén mảng đến đây từ khi những cuộc phản kháng chống chính quyền nổ ra trên khắp đất nước Syria dẫn đến sự bùng nổ bạo lực trên đường phố. Ngay đến người dân địa phương cũng không dám dừng chân lâu ở chợ để mua sắm những món hàng xa xỉ mà chỉ tập trung tích trữ thực phẩm trong nhà.

Đầu tư nước ngoài vào Syria đã tụt giảm thê thảm và tiền tệ quốc gia cũng bị mất khoảng 1/3 giá trị của nó ở chợ đen, nơi 70 pound (đơn vị tiền tệ Syria) chỉ đổi được 1 USD. Trong tháng 10/2011, giới quan chức Syria tuyên bố nước này có 18 tỉ USD dự trữ đủ để bảo đảm cho ngành nhập khẩu trong 2 năm. Nhưng các nhà kinh tế cho rằng, hàng tỉ USD trên được dùng để cứu vãn đồng pound của nước này. Hiện nay người dân Syria đang lo tích trữ đồng USD và đồng pound mất giá đã đẩy giá cả mọi thứ hàng hóa - từ trứng, gas, cho đến tủ lạnh và tivi - tăng vùn vụt.

Ngành kinh doanh du lịch, khu vực kinh tế mang về ngoại tệ cho Syria đến 8 tỉ USD trong năm 2010, cũng hết sức thê thảm. Một cuộc đi dạo quanh thành phố cổ Damascus cho thấy những khách sạn và nhà hàng luôn trong tình trạng vắng khách, thậm chí một số nơi buộc phải treo bảng đóng cửa. Khách sạn Aleppo từng là điểm đến của nhiều nhóm du khách châu Âu nay cũng phải giảm giá đến 40% để hy vọng tồn tại, nhưng cũng chỉ có 7 trong số 40 phòng của khách sạn được khách thuê trong đêm giao thừa năm nay.

Quang cảnh buôn bán trong khu thương mại ở Damascus.

Lệnh cấm vận dầu mỏ của Mỹ và châu Âu gây khó khăn dồn dập cho giới doanh nghiệp làm ăn trong nền kinh tế toàn cầu. Thẻ tín dụng bị loại bỏ và dịch vụ chuyển tiền bị phong tỏa. Nạn thất nghiệp cũng bắt đầu gia tăng, nhất là tại những thành lũy của phe chống đối chính quyền. Do thiếu hụt nhiên liệu, nhiều người Syria phải sử dụng điện để sưởi ấm cho căn nhà nên càng gây thêm gánh nặng quá tải cho nguồn cung cấp dẫn đến việc cắt điện kéo dài hàng ngày đến 16 giờ tại một số khu vực.

Để bảo vệ nguồn dự trữ ngoại tệ, chính quyền Damascus ra lệnh cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao và dẫn đến sự thiếu hụt hàng hóa. Khi Thổ Nhĩ Kỳ, đối tác thương mại chính và đồng minh lâu năm của Syria, ủng hộ Liên đoàn Arập và áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt chống Syria vào cuối năm 2011, chính quyền Damascus lập tức trả đũa với việc tăng thuế nhập khẩu đối với mọi mặt hàng của Thổ Nhĩ Kỳ lên 30% - một động thái khiến giá cả càng tăng cao thêm. Trong bối cảnh rối ren hiện nay, nền kinh tế của Syria bị sụp đổ là điều khó tránh khỏi

Thục Miên (tổng hợp)
.
.