Bê bối bạo lực trong thế giới Sumo

Thứ Sáu, 05/01/2018, 14:38
Trong cuộc họp báo ngày 29-11-2017 tại thành phố Fukuoka trên đảo Kyushu, nhà vô địch môn thể thao truyền thống sumo Nhật Bản Harumafuji Kohei đã có lời xin lỗi đồng thời tuyên bố về hưu sau khi bị Hiệp hội Sumo Nhật Bản (JSA) tiến hành điều tra và buộc tội tấn công bạo lực một võ sĩ cấp thấp gây chấn thương nặng.

Vụ việc một lần nữa gây chấn động thế giới sumo của Nhật Bản vốn mang nhiều tai tiếng liên quan đến bạo lực, giao du với thế giới ngầm Yakuza cũng như dàn xếp tỷ số các trận đấu trong nhiều năm qua.

Những bê bối làm hoen ố môn thể thao sumo

Harumafuji Kohei - cân  nặng 134 kg và cao 1,85 mét - tấn công võ sĩ cấp thấp Takanoiwa trong lúc cả hai đang cùng với một số đồng nghiệp khác vui chơi trong một quán bar ở thành phố Tottori ngày 25-10-2017.

Harumafuji (phải) đang cúi đầu xin lỗi trong một cuộc họp báo.

Theo cuộc điều tra của JSA, Harumafuji tấn công Takanoiwa do tức giận hành động sử dụng điện thoại di động liên tục của đàn em. Sau vụ việc, Takanoiwa phải nhập viện cấp cứu vì bị nứt xương sọ cùng với nhiều chấn thương khác.

Về phần mình, Harumafuji thừa nhận tấn công đàn em bằng remote điều khiển tivi lúc hát karaoke nhưng phủ nhận sự buộc tội anh ta uống bia lúc sử dụng bạo lực. Theo hãng tin Jiji Press, Harumafuji có lời xin lỗi: “Tôi thành thật xin lỗi đã làm Takanoiwa bị thương tổn cả tinh thần lẫn thể xác”.

Harumafuji bước vào thế giới sumo lúc 16 tuổi và được thăng cấp cao nhất yokozuna năm 2012. Ngoài ra, JSA cũng yêu cầu giáng cấp đối với Takanohana, cựu vô địch sumo huyền thoại và huấn luyện viên của Harumafuji, vì cáo buộc báo cáo vụ tấn công bạo lực quá chậm trễ - theo hãng tin Kyodo.

Harumafuji – tên thật là Davaanyam Byabadorji, chào đời tại Mông Cổ - mô tả hành trình của anh ta đến đỉnh cao của môn thể thao sumo là “ăn, tập luyện, ăn, tập luyện” với sự hành xác diễn ra mỗi ngày có thể mất mạng như chơi! Harumafuji lớn lên trong cảnh nghèo khó ở thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ và từ nhỏ đã phải kiếm tiền nuôi gia đình. Trong suốt sự nghiệp thi đấu của mình, Harumafuji giành chức vô địch 9 lần tại Nhật Bản. Tháng 9-2017, Harumafuji được trao chiếc cúp vô địch tại Fukuoka.

Harumafuji.

Trong quá khứ, nhiều vụ bê bối làm hoen ố hình ảnh cao quý của môn thể thao sumo mà người dân Nhật Bản thường tự hào. Năm 2007, huấn luyện viên Hakuho bị tuyên án 6 năm tù sau vụ võ sĩ tập sự 17 tuổi Takashi Saito bị các võ sĩ khác đánh đến chết. Theo điều tra của JSA, võ sĩ tập sự mất mạng sau khi bị vài võ sĩ đàn anh – hành động theo lệnh của huấn luyện viên lò đào tạo sumo – đánh đập dã man bằng gậy bóng chày và châm đốt người bằng điếu thuốc lá đang cháy.

Năm 2010, nhà vô địch sumo Asashoryu buộc phải về hưu do liên quan đến một cuộc ẩu đả bên ngoài một hộp đêm ở Tokyo sau khi uống rượu say.

Năm 2016, một võ sĩ và huấn luyện viên của anh này phải bồi thường gần 300.000 USD cho một võ sĩ khác vì cáo buộc tấn công người này quá mạnh gây mù một mắt. Vài võ sĩ khác cũng dính líu đến bê bối dàn xếp tỷ số trận đấu.

Năm 2011, JSA buộc phải hủy bỏ giải thi đấu sumo mùa xuân sau khi phát hiện 14 võ sĩ dính líu đến vụ bê bối dàn xếp tỷ số các trận đấu.

Sumo cũng mang tai tiếng vì giao du với thế giới ngầm tội phạm yakuza Nhật Bản.

Ví dụ vào năm 2009, các võ sĩ sumo bị chỉ trích khi mọi người nhìn thấy hàng chục thành viên yakuza ngồi hàng ghế VIP trong một cuộc thi đấu. Năm 2010, một cuộc cá cược bất hợp pháp được cho là có sự tham gia của tổ chức yakuza nổi tiếng Yamaguchi-gumi bị phanh phui.

Sau đó, JSA cố gắng phục hồi niềm tin của người hâm mộ môn thể thao truyền thống khi thông báo mọi mối quan hệ với tội phạm có tổ chức đều không được dung thứ. Kể từ đó, mọi địa điểm thi đấu sumo đều được lắp đặt camera giám sát để nhanh chóng phát hiện thành viên yakuza.

Kohei Kishi, lãnh đạo bộ phận chống tội phạm có tổ chức của Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA), phát biểu: “Những bê bối liên quan đến sumo là một trận chiến trong cuộc chiến quy mô của NPA chống tội phạm có tổ chức. Đó là cuộc chiến tranh gây ra nhiều tổn thất và dĩ nhiên sumo cũng là nạn nhân”.

Tại sao vụ tấn công bạo lực của Harumafuji không được báo cáo ngay lập tức? Chris Gould, nhà quan sát thế giới sumo trong suốt 3 thập niên, bình luận: “Trong thế giới sumo tồn tại luật im lặng. Do đó, mọi vụ việc liên quan đến huấn luyện cũng như biện pháp trừng phạt đều được giữ im lặng tuyệt đối”.

Đó là lý do mà huấn luyện viên Takanohana bị một số võ sĩ sumo cao cấp chỉ trích vì dám phá vỡ luật im lặng trong thế giới thể thao này. Trong khi ở phần lớn các bộ môn thể thao khác, hành vi dám nói ra sự thật của huấn luyện viên và cựu vô địch sumo huyền thoại Takanohana được ca ngợi là “anh hùng thổi còi”.

Quá khứ vinh quang và cuộc sống khắc khổ của võ sĩ

Sumo có gốc rễ từ Thần Đạo (Shinto) và những trận đấu vật nghi thức đã diễn ra trong triều đình Nhật Bản từ cách đây 2.000 năm. Nhưng môn sumo chuyên nghiệp chỉ tồn tại 300 năm nay.

Võ sĩ sumo trong một buổi huấn luyện.

Trong trận đấu, người thắng cuộc phải vật ngã đối thủ xuống mặt sàn đất sét phủ cát hay ra khỏi võ đài – vòng tròn có đường kính 4,55 mét, được đánh dấu bằng sợi dây bằng rơm. Trận đấu sumo thường kết thúc trong vài giây, nhưng để trở thành nhà đấu vật chuyên nghiệp là một quá trình luyện tập hết sức gian khổ với sinh hoạt thường ngày vô cùng khắc nghiệt.

Vào khoảng đầu thập niên 1990, có trên 200 thiếu niên gia nhập cộng đồng có khoảng 50 lò đào tạo chuyên nghiệp ở Nhật Bản. Nhưng trong vài năm qua, con số tân binh hàng năm của môn thể thao này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 50 người. Một số phận hẩm hiu cho môn thể thao truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản.

Môn thể thao đấu vật sumo là biểu tượng của Nhật Bản cũng như núi Phú Sĩ (ngọn núi cao nhất ở Nhật Bản trên đảo Honshu, phía tây nam Tokyo) và Lễ hội Hoa Anh Đào, nhưng môn thể thao truyền thống của xứ sở Mặt trời mọc này đang đối mặt với nhiều vấn đề.

Thoái chí với chương trình tập luyện khắc khổ và cuộc sống bị tước đoạt nhiều thứ khi gia nhập lò đào tạo sumo, nhiều cậu bé Nhật Bản không còn mấy mong muốn trở thành nhà đấu vật nổi tiếng của nước nhà nữa.

Các nghi thức cổ và kỷ luật khắt khe làm mệt mỏi những cậu bé mới vào nghề đấu vật.

Takahiro Chino, 20 tuổi, chỉ là võ sĩ hạng ruồi – anh cân nặng 88kg và cao 1,75 mét - là tân binh trẻ tuổi nhất trong lò sumo Otake của Sato nằm trong tòa nhà không có gì nổi bật trong quận Koto thành phố Tokyo.

Mùa hè năm 2012, Chino gia nhập lò sumo này do một võ sĩ sumo hàng đầu Nhật Bản thành lập sau Thế chiến 2. Lúc mới vào lò của Sato, Chino chỉ cân nặng 67kg. Anh bỏ học lúc 14 tuổi nơi quê nhà Nagano và sống nhờ vào cha mẹ suốt 5 năm mà chẳng thấy tương lai gì sáng sủa. Võ sĩ cùng tập luyện với anh trông như một núi thịt khổng lồ với vòng bụng to bè và hai bắp đùi như hai cây cột cẩm thạch! Khối thịt nặng 130kg co gối, cúi người về phía trước, dễ dàng ngăn cản mọi nỗ lực tấn công vật ngã của Takahiro Chino.

Sato, người thầy huấn luyện đã 52 tuổi, là người duy nhất lên tiếng nói trong phòng tập sumo. Một khối thịt nặng 150kg khác đang mải mê với những động tác khởi động làm nóng người chờ đến lượt tập của mình. Cuối cùng, sau 3 giờ tập luyện như cực hình, Sato ra hiệu kết thúc. Các võ sĩ cúi chào nhau theo nghi thức. Một ngày như mọi ngày. Kế tiếp sẽ là 90 phút cử tạ.

Tất cả 7 võ sĩ sumo cùng ăn ngủ trong căn phòng nằm cạnh võ đài tập luyện gọi là dohyo. Không chỉ là tân binh, Chino còn được coi như là người hầu lo công việc nấu ăn cho các võ sĩ mỗi ngày, lau sàn nhà, giặt giũ quần áo và thậm chí giúp họ chăm sóc vệ sinh cá nhân nơi phần bụng quá khổ.

Chino cho biết anh trở nên cứng cáp hơn nhiều nhờ cuộc sống khắc khổ, trật tự và kỷ luật nghiêm khắc của lò đào tạo sumo. Chino hy vọng trong tương lai sẽ trở thành một sekitori, tức võ sĩ được nhận lương tháng cùng với một số đặc quyền là một trong 70 võ sĩ sumo ở Nhật Bản sống được nhờ môn thể thao này. Chino đang cố gắng để tăng thể trọng lên đến 120kg.

Cuộc sống của võ sĩ sumo rất khắc nghiệt, thậm chí đối với những người chuyên nghiệp cũng khó chịu đựng nổi.

Môn thể thao đấu vật sumo có thời hoàng kim cách đây 20 năm. Lúc đó, hai anh em Takanohana và Wakanohana tranh ngôi thứ với Akebono ở Hawaii. Trận đấu giữa người khổng lồ Akebono – cao 2 mét và cân nặng trên 230kg – với Takanohana tương đối nhanh nhẹn được coi là thử nghiệm sức mạnh giữa Nhật Bản với Hawaii, Mỹ cũng như phần còn lại của thế giới.

Trở lại thời gian đó, môn đấu vật sumo được phát sóng trên truyền hình và chương trình Eurosport giới thiệu các trận đấu diễn ra ở nước Đức. Nhưng, môn sumo bắt đầu đi xuống sau khi 3 nhà đấu vật Akebono, Takanohana và Wakanohana không còn tham gia thi đấu nữa.

Theo kết quả cuộc điều tra do Viện Nghiên cứu điều tra trung ương (CRS) của Nhật Bản tiến hành, môn đánh golf hiện nay nhận được sự ủng hộ nhiệt tình ở Nhật Bản hơn sumo. Ngày nay, hiếm có người Nhật Bản nào đạt đến danh hiệu yokozuna – cấp bậc cao nhất của môn thể thao này.

Tại một trong những buổi xuất hiện hiếm hoi trước giới báo chí quốc tế ở quận Yurakucho thành phố Tokyo, “yokozuna” năng động Harumafuji Kohei nhận định: “Các thần tượng Nhật Bản chắc chắn là điều tốt cho môn thể thao. Nhưng những gì mà giới trẻ ngày nay thật sự không có chính là sự khao khát thành công”.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.