Bé sơ sinh nặng 6kg tại BV Từ Dũ: Sinh con to, lo hay mừng?

Thứ Sáu, 17/02/2012, 08:45

Lâu nay, khá nhiều ông bố, bà mẹ vẫn quan niệm rằng khi sinh con, và nếu đứa bé bụ bẫm, nặng cân là điều đáng mừng vì đó là biểu hiện của… khỏe mạnh! Nhưng mấy ai biết được phía sau những đứa bé nặng cân ấy, nguy cơ bệnh tật tiềm ẩn cao hơn gấp nhiều lần so với những đứa bé chào đời cân nặng bình thường.

Ngày 2/2/2012, tại Bệnh viện Từ Dũ (TD), Tp HCM, một bé gái nặng 6kg đã chào đời bằng phương pháp sinh mổ. Mẹ cháu là chị Đỗ Thị An, cha là anh Trương Minh Thiện, cư trú tại quận Tân Phú, Tp HCM, sức khỏe bình thường và không mắc phải những bệnh di truyền hay nội tiết. Trước đó, chị An đã từng sinh được một cháu trai, đặt tên là Trương Gia Bảo. Khi chào đời, Bảo nặng  4,7 kg.

Theo chị An, Bảo năm nay  5 tuổi, nặng 32 kg. Mẹ chồng chị An cho biết bà có 10 người con, cả 10 người lúc sinh đều nặng từ 3,5 đến hơn 4 kg. Theo Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Ngô Minh Xuân, Trưởng khoa Sơ sinh BV Từ Dũ, thì đây là trường hợp trẻ sơ sinh nặng cân rất hiếm thấy. Đã 20 năm nay, BV Từ Dũ mới gặp trường hợp đầu tiên. Bác sĩ Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Từ Dũ cho biết, chị An được theo dõi thai kỳ chặt chẽ vì tiên lượng là sẽ sinh con to. Trước khi mang thai và suốt thai kỳ, chị An không mắc bệnh đái tháo đường - là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sinh con nặng ký.

Đây không phải là lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện hiện tượng sinh con nặng ký. Cuối năm 2005, tại BV Đa khoa thành phố Đà Nẵng, đã có một bé gái chào đời, cân nặng 6,5kg và theo đánh giá của các chuyên gia nội tiết, thì nguy cơ bé gái ấy mắc phải những bệnh về rối loạn chuyển hóa là rất cao. Còn nếu kể thêm thì hồi tháng 4/2008, tại BV Phụ sản Hà Nội, một cháu bé mở mắt nhìn cõi nhân gian bằng trọng lượng 6,6kg. Tháng 10/2008, một trẻ khác ở xã Ia Ly, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai,  lọt lòng mẹ nặng xấp xỉ 7kg - và đây có lẽ là trường hợp trẻ sơ sinh nặng nhất Việt Nam tính đến thời điểm này.

Mẹ có khỏe thì con mới to?

Theo định nghĩa của ngành Sản, Phụ khoa, một đứa trẻ chào đời bình thường - nghĩa là không bị dị tật, không mắc bệnh Dow và một số bệnh lý khác - thì cân nặng lý tưởng của trẻ dao động trong khoảng từ 3,2 đến 3,5kg. Còn nếu trẻ nặng trên 3,5kg được xem là to. Một nghiên cứu mới đây với 23.000 thai phụ ở 9 quốc gia trên thế giới đã cho thấy, thai phụ có chỉ số đường huyết càng cao thì sinh con càng to, và phần lớn những đứa con to lại là… con gái!

Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học Anh nhận thấy rằng những phụ nữ có vòng eo to  trước khi mang thai thường sinh ra đứa con nặng trên 4kg. Nghiên cứu ấy cũng chỉ ra rằng tổng lượng mỡ trong cơ thể có liên quan đến thai nhi, và việc phân bổ mỡ cơ thể cũng đóng vai trò quan trọng. Những phụ nữ mà lượng mỡ tập trung nhiều ở vùng hông, đùi, có liên quan chặt chẽ với một số bệnh như bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch.

Kiểm tra định kỳ để phát hiện bất thường ở thai nhi nếu có.

Bác sĩ Nguyễn Giang Hồng, nguyên Trưởng Khoa sản - Trung tâm Y tế quận 3, Tp HCM, nói: "Nếu thai quá to thì khi sinh bình thường, trẻ chỉ lọt được đầu rồi kẹt ở phần vai". Có nhiều trường hợp, bác sĩ phải cắt mở rộng tầng sinh môn để giúp trẻ ra ngoài dễ dàng vì nếu không, có thể dẫn đến nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Vì thế, nếu gặp thai to hơn 3,5kg, sản phụ thường phải sinh mổ. Bác sĩ Hồng, nói rằng: "Để biết được cân nặng thai nhi, sản phụ được cho siêu âm nhưng đôi khi siêu âm cũng có thể không chính xác. Nếu thai nằm ở tư thế chuẩn thì sai số rất ít. Ngược lại, thai nằm ở tư thế gập bụng chẳng hạn, sai số có thể là 10 hoặc 15%. Trường hợp đó, bác sĩ sẽ không đánh giá được cân nặng thai, dẫn đến dự đoán cho việc sinh nở rất khó".

Những năm gần đây, tại các thành phố lớn, tình trạng mẹ sinh con nặng trên 3,5kg khá phổ biến. Tuy chưa có một khảo sát nào đánh giá về hiện tượng này nhưng theo các nhà chuyên môn, có lẽ do chế độ dinh dưỡng của người Việt Nam tốt hơn trước, chưa kể quan niệm thích sinh con to cũng được nhiều người ưa chuộng vì theo họ: "Mẹ có khỏe thì con mới to", rồi sau này nếu có thiếu ăn, thì nó… ốm bớt là vừa! Rất nhiều bà mẹ thường tự hào khi thấy con mình chào đời bụ bẫm, nặng ký, đồng thời tin rằng sẽ không phải lo lắng nhiều đến sức khỏe của con, việc chăm sóc cũng nhàn nhã hơn so với những trẻ có cân nặng thua kém. Vì thế, họ cố gắng ăn uống sao cho ngày càng mập thêm.

Chị Huỳnh Thị Liên, nhà ở Tân Kiên, Bình Chánh, kể: "Mang thai lần đầu, tôi thường xuyên tẩm bổ với mong muốn con mình sinh ra sẽ mập mạp. Lúc đi khám thai, bác sĩ cho biết tôi tăng 1,2 kg/tháng là bình thường. Do thiếu hiểu biết, tôi quyết tâm tăng cân thêm nữa bằng cách ngoài thịt, cá, trứng, bơ, mỗi ngày tôi còn uống thêm 4 ly sữa - loại sữa dành riêng cho các "bà bầu". Tới hồi đi khám lại, tôi mới biết đường huyết của tôi tăng lên 180mg/L trong lúc bình thường thì chỉ là 80 đến 110mg/L"...

Những đứa trẻ khổng lồ chân đất sét

Vẫn theo định nghĩa của ngành Sản, Phụ khoa, thì thai to bình thường là do người mẹ mạnh khỏe, vóc dáng cao lớn, chế độ dinh dưỡng tốt hoặc trước kia người mẹ đã từng sinh con nặng ký. Bên cạnh đó, lại còn yếu tố di truyền. Riêng thai to bất thường - nặng trên 4kg - thì phần lớn có nguyên nhân từ người mẹ, mắc phải một số bệnh nội tiết hoặc rối loạn chuyển hóa, cụ thể là bệnh tiểu đường. Nhiều phụ nữ mắc phải bệnh tiểu đường, hoặc bị tiểu đường thai kỳ nhưng không được phát hiện kịp thời để điều chỉnh lượng trong đường trong máu. Chính do lượng đường tăng cao trong máu của người mẹ nên thai nhi phát triển rất nhanh, cân nặng vượt trội so với những trẻ khác.

Các bác sĩ sản, phụ khoa đều nhận thấy rằng nếu bà mẹ bị tiểu đường, rồi sinh con nặng hơn 4kg thì đứa trẻ dễ bị suy hô hấp, nhiễm trùng, dị tật bẩm sinh, bị một số bệnh về tim, thần kinh, hạ đường huyết, hạ canxi huyết hoặc kali huyết, chưa kể về sau trẻ cũng rất dễ mắc phải những bệnh rối loạn chuyển hóa. Vì thế, y học gọi đây là "những đứa bé khổng lồ chân đất sét". Bác sĩ Nguyễn Giang Hồng, cho biết: "Trường hợp này, cần kiểm tra một cách có hệ thống cả mẹ lẫn trẻ, chẳng hạn như xét nghiệm máu để kiểm tra lượng đường trong máu, xét nghiệm tuyến yên để kiểm tra lượng nội tiết tố (hormone)".

Trở lại chuyện cháu bé sơ sinh nặng 6kg tại BV Từ Dũ, Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Ngô Minh Xuân, cho biết: "Trẻ nhẹ cân quá hoặc nặng cân đều cần phải theo dõi. Trường hợp này cũng vậy, cháu đang được chúng tôi tầm soát các chức năng tim mạch, tiêu hóa, hô hấp".

Đến ngày 5/2, bé vẫn còn thở nhanh nên phải thở oxy, phổi bé cũng chưa tốt lắm, da bị vàng nên đang được chiếu đèn. Bé bú được hơn 30ml/lần, ngày bú 8 lần đồng thời còn được truyền thêm nước đường để không hạ đường huyết vì trẻ nặng cân dễ bị hạ đường huyết. Theo nhận định của các bác sĩ, thì đây có thể là trường hợp "mẹ to sinh con to" chứ chưa hẳn là do bệnh lý, còn về sau thế nào thì không ai dám chắc được.

Vì vậy, thay vì vui mừng, các bà mẹ nên cẩn thận khi thấy con mình chào đời nặng hơn 4kg bởi lẽ có đến 90% trường hợp trẻ lúc sinh ra nặng hơn 4kg là có vấn đề về sức khỏe, mặc dù rất nhiều trường hợp không phát hiện được ngay tức thì.

Bác sĩ Nguyễn Giang Hồng, khuyến cáo: "Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai nên đi khám đúng hẹn nhằm theo dõi sát sự tiến triển của bào thai cũng như đánh giá trọng lượng thai. Thai phụ cũng cần kiểm tra đường huyết để phát hiện bệnh tiểu đường tiềm ẩn, nhất là khi trọng lượng thai nhi phát triển quá nhanh. Trường hợp  đường huyết cao, thai phụ phải tuân theo chỉ định của bác sĩ nội tiết về chế độ thuốc men, ăn uống…"

V.C.
.
.