Bí ẩn hoa tế thần

Thứ Ba, 10/03/2015, 08:15
Gác lại những nhọc nhằn và lo toan, tiết Xuân tươi tắn với suối trong vắt, rừng xanh lá là thời điểm người Mạ và người Chơro sống ở vùng Chiến khu Đ một thuở và vùng đệm Vườn Quốc gia Cát Tiên bước vào tháng say, tháng quên. Thời điểm này chủ nhân của những cánh rừng già thâm u bất tận tổ chức các lễ hội cổ truyền của tộc người mình, nổi bật có lễ cúng tế vị linh thần SaYangVa theo tiếng thổ ngữ là "Thần Mẹ Lúa".

Để bày tỏ lòng thành của mình với vị thần nữ quyền năng mà theo tín ngưỡng Mạ và Chơro quyết định sự sống của tộc người mình, hàng trăm năm qua người làng cùng chung tay làm cây hoa khổng lồ cao hơn chục mét. Dưới cây hoa thiêng kỳ lạ này, người ta đặt ché rượu quý cùng những con vật hiến sinh tế thần để làm vui lòng… "Thần Mẹ Lúa".

Tuổi ngoài 70 nhưng sức vóc còn rất tráng kiện,  già làng K'Gõ (ngụ ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) là chiến binh người Mạ một thuở từng nổi danh với khí phách dùng tên ná bắn… bà đầm thép. Trò chuyện về lễ nghi làm hoa khổng lồ cúng “Thần Mẹ Lúa”, già K'Gõ cho biết lễ nghi trọng đại này chỉ được tổ chức khi tết đến xuân sang vì thời điểm này người làng đều xong việc nương rẫy, lúa thóc đầy bồ.

Già làng K'gõ.

Cũng theo già làng K'Gõ, muốn cúng "Thần Mẹ Lúa", cả làng phải cùng chung tay, cùng chuẩn bị nhiều thứ như chọn con vật hiến sinh (thường là trâu - PV), dựng nhà sàn cúng lễ, làm các món bánh - món ăn cổ truyền và quan trọng nhất là dựng cây nêu. "Cây nêu được người Mạ mình xem là cây hoa đẹp nhất, tươi tắn nhất, thiêng liêng nhất" - già K'Gõ bộc bạch.

Theo già làng Năm Nổi - nguyên Chủ tịch xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), lễ cúng "Thần Mẹ Lúa" SaYangVa kỳ thực là lễ nghi nông nghiệp truyền thống của người Chơro mà đồng bào quen gọi… lễ mừng lúa mới. Không có thời gian ấn định cụ thể, theo các già làng Chơro, lễ mừng lúa mới thường được tổ chức trước hoặc sau Tết cổ truyền một tháng (tháng 1-3 âm lịch), diễn ra vào ngày đẹp trời, vào đêm sáng trăng.

Quá trình cúng lễ diễn ra ở 3 địa điểm gồm rẫy lúa, nhà sàn và kho đựng lúa. Trong các khâu chuẩn bị lễ nghi như chọn chùm lúa rẫy (phải là những bông lúa trĩu hạt ở rẫy lúa - PV), dựng kho lúa (nơi chứa lúa sau khi thu hoạch, thường dựng sát nhà dài), dựng bàn thờ (nơi đặt lễ vật cúng thần linh được gọi là Nhang)... như người Mạ, người Chơro phải dựng cây nêu, xem đó là cây hoa khổng lồ. Quá trình tạo tác cây hoa cúng SaYangVa rất đỗi kỳ công mà nếu không có lòng thành, người làng khó mà tạo dựng được!

Vật hiến sinh phải béo tốt không dị tật

Trong hệ thống lễ nghi cúng tế “Thần Mẹ Lúa” SaYangVa, nếu như con vật hiến sinh của người Chơro thường là heo, gà thì với người Mạ, vật hiến sinh là trâu, heo cùng con vật cầm tinh năm Ất Mùi 2015 này là... dê. Già làng K'Gõ cho biết, trong 3 con vật tế thần kể trên, vì là vật hiến sinh quan trọng nhất nên con trâu được chọn tế thần phải là trâu đực tốt khỏe. Hai con vật còn lại là dê, heo (heo cỏ) cũng không ngoại lệ, không dị tật.

Khi làm lễ hiến sinh, nếu như người Chơro thịt gà rồi mới thịt heo thì người Mạ lần lượt tế trâu, dê và heo. Điểm khác biệt quanh nghi thức sát tế động vật hiến sinh là trong khi người Chơro hứng lấy máu con vật  bôi lên bông lúa cắm trên bàn thờ Nhang thì người Mạ để máu các con vật chảy thấm vào đất.

Giải thích về điều này, già làng K'Gõ cho biết, theo quan niệm có từ ngàn xưa của tổ tiên người Mạ thì huyết trâu thuộc về đất, thịt thuộc về cộng đồng nên khi hiến tế bao giờ cũng để máu con vật tế thần thấm vào đất, còn thịt thì chia cho cộng đồng, nghĩa là mọi người tham gia lễ hội đều được chia thịt…

Các công đoạn dựng cây nêu của người Chơro.

Không chỉ có sự khác biệt về cách thức chọn và hiến tế vật hiến sinh mà trong quá trình diễn ra lễ nghi cúng “Thần Mẹ Lúa” SaYangVa, chiếc bàn thờ để bày lễ vật cúng thần giữa người Mạ và Chơro cũng có sự khác biệt. Người Mạ làm bàn thờ linh thần bằng nan tre, cắm 2 cành tre và 3 sợi lồ ô lên trên tượng trưng cho mào gà và râu thần.

Người Chơro thì cầu kỳ hơn, bàn thờ Nhang được làm từ tre và một loài thổ mộc được gọi là “cây vàng nghệ" ở rừng sâu. Bàn thờ Nhang của người Chơro rộng khoảng 1m, cao 1,5 m, đặt ở hướng đông và được đan bằng hai tầng, một tầng để các chùm lúa rẫy mẩy hạt tượng trưng cho "Thần Mẹ Lúa" và tầng còn lại để bày các lễ vật…

Biểu tượng thiêng liêng của "Thần Mẹ Lúa"

Cả hai tộc người có điểm chung là dựng cây nêu, cây hoa đẹp nhất, to lớn nhất để tỏ lòng thành với “Thần Mẹ Lúa” được đặt ở giữa sân ngay trước nhà sàn hay nhà dài có bàn thờ Nhang. Cây hoa khổng lồ cúng Nhang được người Chơro làm từ cây nghệ vàng mà tôi có dịp nhìn thấy cao đến hơn 5m, cây thuôn dài, thẳng đều.

Để tạo hoa văn cho cây nêu, cây hoa thông linh mà theo giải thích của các già làng Chơro "nối giữa trời và đất" này, sau khi mang về từ rừng sâu và bào nhẵn vỏ, thanh niên trai tráng người bản xứ lấy nghệ hòa với vôi bôi lên thân cây, dùng lá buông quấn chéo theo hình chữ X, tiếp đến dùng đuốc dầu chai thoa quanh thân cây rồi bóc vỏ buông, tạo nên những ô hoa văn có màu đen xen lẫn màu vàng.

Sau công đoạn này, nghệ nhân ở làng chẻ ngọn cây nêu rồi dùng các nan mỏng từ ngọn cây đan thành chiếc giỏ hình phễu tượng trưng cho các linh thần (vành miệng giỏ trang trí hình bông lúa, giữa giỏ cột chùm lúa chín trĩu hạt). Cũng từ các nan mỏng của đọt cây, nghệ nhân uốn thành nhiều tầng biểu trưng cho các vị linh thần. Sau đó người ta dùng các lọn bông gòn gắn quanh làm biểu tượng của muông thú, riêng những lọn cây vót mỏng tròn xoắn được xem tượng trưng cho tóc của thần…

Cây hoa thông linh (cây nêu) ấy đích thực là tuyệt tác mang đậm bản sắc rừng hoang. Điều ấn tượng khi chúng tôi tìm hiểu về cây hoa tế thần của người Mạ thì được biết tộc người này dựng đến 3 cây, dưới mỗi gốc cây người ta buộc từng con vật hiến sinh phù hợp. "3 cây nêu phải dựng thẳng hàng.

Cây ở giữa là cây chính, được cột trâu. Cây bên trái cột dê, cây bên phải cột heo. Cạnh đó phải có 3 ché rượu nhỏ và 1 ché rượu lớn để làm lễ hiến tế" - bà Bạch Tuyết, Trưởng ban Văn hóa xã Tà Lài, cho biết.

Nếu như cây nêu của người Chơro là cây nghệ vàng thì cây thông linh của người Mạ làm từ cây muỗng.

Theo già làng K'Gõ, cây muỗng có sâu, là cây lâu năm, thẳng đuột có trái giống trái gòn: "Hoa cây muỗng đẹp lắm, cây có nhiều hoa. Thân cây chỉ được dùng làm cây nêu trong lễ cúng thần Lúa, không được dùng làm nhà. Ai vi phạm làng phạt".

Khi được chọn làm cây hoa thông linh, đầu cây muỗng sẽ được chẻ thành nhiều ngọn trông tựa bông lúa, các ngọn lúa ấy được gắn lục lạc bằng thẻ tre, được điểm xuyết bằng những hình tượng linh vật của người Mạ như bông tua, hình đầu dê, hình sừng trâu… Tất cả được khéo léo vót bằng sợi lồ ô.

Nhìn toàn cảnh, cây nêu của người Mạ có dáng hình của một cây xanh tươi tốt, là biểu tượng của  cây lúa đơm bông - hình ảnh thiêng liêng của "Thần Mẹ Lúa".

Dưới gốc cây hoa khổng lồ của người Chơro là 2 con vật hiến sinh heo và gà.

Vốn xưa còn một chút này

Không riêng gì người Mạ và Chơro, người K'Ho  sống rải rác ở các huyện Tân Phú, Xuân Lộc, Long Khánh, Định Quán của tỉnh Đồng Nai cũng có tục cúng thần lúa được gọi là Loh-Yang-Koi trước tạ thần, sau cầu mong được vụ mùa thuận lợi, bội thu.

Trong lễ nghi trọng đại này,  người K'Ho cũng lập bàn thờ bằng tre, dựng cây nêu bằng tre, vót bông  trên đỉnh, trang trí bông bằng vải kết hoa. Người K'Ho tin rằng cây hoa lúa khổng lồ trên càng cao, càng đẹp thì mọi lời khấn cầu được mùa sẽ được Loh-Yang-Koi cho ý toại.

Các già làng cho biết trước năm 1975, tục dựng cây nêu làm bông hoa đẹp nhất kia khá phổ biến trong cộng đồng, cứ vài nhà có thể góp công góp sức cùng nhau làm lễ. Nhưng sau đó, do cuộc sống khó khăn, điều kiện kinh tế hạn hẹp nên phạm vi lễ hội thu hẹp dần. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, ngành, tục lệ dựng cây nêu làm cây hoa khổng lồ được khôi phục.

Già Năm Nổi, già K'Gõ… kể rằng so với ngày trước thì lễ hội ngày nay mai một ít nhiều, lớp trẻ chẳng mấy quan tâm, lễ hội chỉ tồn tại trong tâm tưởng của những người già mà thôi. "Ngày trước làm lễ phải đủ nghi thức, không được bỏ qua chi tiết nào. Nếu sơ suất phải cúng tạ lỗi thần linh. Giờ thì…" - già làng K'Gõ trầm giọng.

Già Năm Nổi thì cho rằng trong lễ cúng Thần Mẹ Lúa, người làng phải vỗ mã la (nhạc cụ tương tự cồng chiêng ở Tây Nguyên nhưng không có núm-PV) để không khí buổi lễ thêm trang nghiêm và để tiếng chiêng gọi hồn thiêng sông núi. Nhưng điều đáng buồn là nhiều người trẻ nay không biết vỗ mã la. Dù các già làng có tâm huyết truyền dạy nhưng bọn trẻ ngại vỗ mã la đau tay nên không muốn học!

Bích Kiều
.
.