Bí ẩn nô lệ… giao hoan

Thứ Tư, 23/04/2014, 13:30

Chúng tôi đang đứng trước một nấm mồ lạ kỳ của người Jrai ở vùng lõi rừng, thuộc xã Ia M’nông, huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai. Tại ngôi mộ này, bên cạnh những đồ vật được người sống chia cho người chết để làm của cải khi bước sang thế giới âm ty như ché rượu, xà-gạc, bầu hồ lô, gùi, dao phạt…, chúng tôi thấy có nhiều mộc nhân được đẽo tạc trong dáng thế lạ kỳ, ôm mặt buồn rười rượi. Nổi bật trong số đó là tượng nam nữ trong thế trần truồng, phơi bày bộ phận sinh dục và cả trong thế giao hoan.

Theo như hiểu biết ban đầu của chúng tôi, những mộc nhân kia được các nhà dân tộc học gọi là tượng nhà mồ, được gia đình của người sống tạc để làm bầu bạn, hầu hạ cho người chết. Nếu đúng như thế thì việc tạc những mộc nhân trong các tư thế nhạy cảm kia để phục vụ người chết có ý nghĩa như thế nào, đây đúng là chuyện lạ ở thế giới lạ!

1. Ia M’nông là cửa ngõ dẫn vào thác thủy điện Ialy, nằm dưới chân đỉnh núi Sê San hùng vĩ với con đèo dài 33km bên núi đá sừng sững nhiều tai ương, bên vực sâu thăm thẳm với những cánh rừng nguyên sinh trải ngút tầm mắt.

Người dẫn đường đưa chúng tôi vào cấm địa của người Jrai ở Ia M’nông là ông Rơ-chăm Sel. Ông Sel không nhớ rõ mình sinh năm nào, ông chỉ nói ông được khoảng 60 mùa rẫy. Mùa rẫy là cách chỉ năm sinh của người dân nơi đây. Một mùa rẫy tương đương với một năm tuổi.

Trong lúc băng rừng bằng cách dùng con dao phạt mở lối, tôi hỏi ông Sel vì sao người Jrai lại xem rừng ma - nơi an nghỉ của người chết là “cấm địa” bất khả xâm phạm, ông bảo vì đó là nơi ở của thần xác chết và hồn ma. Một người nếu tự ý vào rừng ma, nghĩa là không có việc mà vào rừng ma ắt sẽ bị các linh hồn theo mùi theo hơi về đến làng gây hại: “Hồn ma về gây dịch bệnh cho người, cho trâu bò. Người bị hồn ma bắt bệnh thầy cúng chữa không hết, ăn không được, uống không được, chỉ nằm chờ chết thôi, chết trong đau đớn lắm”.

Cuộc trò chuyện giữa rừng với người dẫn đường cho tôi biết người Jrai ở vùng núi Chư Pảh có quan niệm khi một người chết thì linh hồn của họ gọi là m’ngắt sẽ biến thành atâu. Khi gia đình chưa làm lễ bỏ mả mà ngôn ngữ bản địa gọi là hoă lui atâu thì hồn của người chết lởn vởn tại rừng mả mồ. Trong thời gian này, hồn ma của người chết sẽ được người thân ngày ngày đến nhà mồ nuôi ma bằng các món ăn thường nhật, rồi cho ma uống rượu, đốt lửa cho ma sưởi ấm, nói chuyện với ma để hồn ma không vì quá đói khát hay nhớ người thân mà về làng gây hại.

Chỉ đến khi gia đình có đủ điều kiện làm lễ bỏ mả – nghi lễ cuối cùng tiễn đưa người chết về với thế giới tổ tiên, thì việc nuôi ma mới chấm dứt. Cũng từ đây, người sống không còn mối dây liên hệ nào với người chết và ngược lại.

“Nếu không nuôi ma mà tự ý vào chỗ atâu sẽ bị hồn ma theo về thôi. Nếu lỡ lạc rừng, lỡ vào rừng ma thì phải xuống suối tắm rửa trước khi về làng” – ông Sel cho biết. Và ông nói rằng thời gian mà người Jrai thường làm lễ bỏ ma vào khoảng tháng 11, tháng 12.

Người Jrai chia thời gian của một năm thành 12 tháng, từ tháng 1 đến tháng 9, tháng 10 là thời gian họ tiến hành việc phát rẫy, gieo trồng, thu hoạch. Thời gian còn lại là lúc mà tộc người vùng cao này cho phép mình được nghỉ ngơi để chuẩn bị cho mùa vụ sau. Hỏi ra tôi mới biết đây là mùa con ong đi lấy mật, là thời điểm mà mọi người chìm trong tháng say tháng quên, là lúc mở hội hè linh đình với lễ bỏ ma pơthi - lễ nghi mà mọi người tập trung ở rừng ma ca hát, ăn uống lần cuối cùng với hồn ma người quá cố.

Đẽo tượng mộc nhân để trang trí cho nhà mồ người chết.

Sau hơn 1 giờ xuyên rừng, chúng tôi đến rất gần với vùng đất của thần xác chết và các hồn ma. Lúc này đây, ông Sek dừng lại. Chẳng như lớp người trẻ không quá xem trọng việc cữ kiêng, lớp người lớn tuổi như ông Sel vẫn tin vào chuyện rừng ma là cấm địa bất khả xâm phạm với những ai không có việc mà lạc chân vào…

2. Tiếp tục phạt lùm bụi, dùng gậy lồ ô xua rắn, rồi chúng tôi cũng đặt chân vào cấm địa giữa rừng. Những gì trông thấy như mở ra trước mắt chúng tôi một vùng đất thiêng của thổ dân thường gặp trong các phim phiêu lưu mạo hiểm. Lọt thỏm giữa rừng già, khu rừng ma là gò đất trống trải với trung tâm là một cây đa cổ thụ thân to bằng mấy người ôm, xung quanh là vô số nhà mồ lụp xụp, rệu rã với thời gian, với những tượng độc mộc bí hiểm. Có tượng gần như mới nguyên nhưng cũng có tượng bị sương gió, nắng mưa và thời gian bào mòn trông rất sợ.

Sau này khi đi qua nhiều cánh rừng ma khác của người Jrai, tôi đều thấy giữa trung tâm cõi atâu luôn hiện diện một cây đa khổng lồ. Hỏi những người già, mới rõ trái với suy nghĩ của người vùng xuôi gắn với câu “thần cây đa – ma cây gạo”, cây đa trong tâm thức của người Jrai là linh mộc. Trước khi chọn đất làm rừng ma, bao giờ già làng cũng trồng cây đa để đánh dấu cho con cháu đời sau biết nơi đâu có cây đa, nơi đó là chốn yên nghỉ của tổ tiên, nên không được phát làm rẫy hay nơi ở. Cây đa là “linh mộc” còn vì là nơi trú ngụ của các linh thần trong việc dẫn dắt linh hồn người chết về với thế giới tổ tiên…

Tại cấm địa của người Jrai ở Ia M’nông, tôi bắt gặp nhiều hình ảnh quen và lạ. Ở chuyến đi trước, lúc khám phá thế giới nhà mồ của người Jrai ở xã Ia K’reng nằm trên đỉnh Sê San cũng thuộc huyện Chư Pảh, sau khi hiến mình cho lũ vắt và những mối lo sợ tai bay vạ gió ập xuống bất kỳ lúc nào giữa chốn rừng hoang, tôi rất đỗi ngỡ ngàng khi thấy trong từng nhà mồ có những vật dụng còn sử dụng được và có giá trị như giường tủ, xe đạp, xe máy, đầu video, tivi, rồi nào là dao phạt, tẩu hút thuốc, bình đựng rượu bằng bầu hồ lô… Đây là những vật dụng mà người sống để lại cho người chết theo tục chia của.

Những con rối, tượng người không phải nô lệ giao hoan như nhiều người lầm tưởng mà là thông điệp cổ của người Jrai về cái chết bắt đầu cho sự sống mới.

Như đã nói, trong những nhà mồ của người Jrai ở Ia M’nông, tôi cũng thấy những đồ dùng được chia theo tục chia của như thế. Có nhà mồ tôi còn thấy hiện diện những chiếc khố thổ cẩm úa màu thời gian, ngoài ra còn có xà – gạc (có nơi gọi chà – gạc, một dụng cụ đi rừng vừa là nông cụ vừa là vũ khí chống thú dữ - PV), hoa tai bằng xương thú, còng đeo tay…

Những đồ chia của trên không làm tôi ngạc nhiên bằng hình ảnh những tượng nhà mồ, không phải những mộc nhân ôm mặt rầu rĩ mà là những tượng thể hiện người nam phơi bày bộ phận sinh dục hay đang trong dáng thế giao hoan.

Những hình ảnh này gợi cho tôi nhớ đến lần tham dự Lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên ở Gia Lai vào năm 2011. Bận ấy, tôi gặp rất nhiều thanh niên hóa trang bằng cách đeo mặt nạ, người sơn phết đủ màu trắng đen, tay cầm những con rối và khi họ vận động, các con rối thể hiện rất rõ những động tác mà chỉ ở chốn phòng the mới tỏ.

3. Những mộc nhân trên được đẽo tạc trong trường hợp nào? Người Jrai đẽo tạc chúng rồi đặt để ở chốn mả mồ nhằm mục đích gì? Liệu có mối dây liên hệ nào giữa hồn người chết với những mộc nhân trong dáng thế tế nhị kia không. Và có chăng những tượng ấy biểu thị cho nỗi khát khao, mong cầu của người chết hay vì ý nghĩa gì khác? Những điều khúc mắc ấy đã thôi thúc chúng tôi dấn sâu tìm hiểu ngọn nguồn!

Hỏi chuyện, già làng Sel cho biết, những tượng nhà mồ mà tôi thấy, trong đó có những tượng nam nữ trần truồng phô bày bộ phận sinh dục trong tư thế giao hoan chỉ xuất hiện ở nơi chôn cất người chết khi gia đình tiến hành làm lễ bỏ mả. Già cho biết trước khi tiến hành lễ bỏ mả, vị chủ lễ sẽ nhờ người vào rừng tìm nguyên liệu là cây tre, dây leo, cỏ tranh đem về rừng ma, đến khu có mồ người chết làm nhà mồ, đẽo các tượng mộc nhân, chim thú trong mọi dáng thế như tượng người giã gạo, người đang uống rượu, săn thú, tượng đàn bà lúc bụng mang dạ chửa… và nam nữ trong dáng thế truy hoan.

Hỏi vì sao lại có những mộc nhân và con rối giao hoan kia thì ông Sel không cho tôi được câu trả lời thỏa mãn. Một số cụ già Jrai khác giải thích, tượng mộc nhân được đẽo từ cây độc mộc để trang trí cho đẹp nhà mồ, có cụ bảo để người chết có người làm bầu bạn, cụ thì bảo nhằm mục đích hầu hạ cho người quá cố ở thế giới bên kia. Lại có cụ chỉ trả lời đó là tục lệ qua bao đời của cha ông từ ngàn xưa nên con cháu duy trì…

Sau này qua nghiên cứu những tư liệu điền dã của các nhà dân tộc học, tôi mới biết cội nguồn sâu xa quanh những “nô lệ giao hoan”. Thì ra từ trong sâu thẳm, người Jrai xem lễ bỏ mả bơ-thi là nghi lễ hồi sinh cho người chết, là lúc mà người chết chuyển sang sống ở một thế giới khác để rồi sẽ trở lại với cuộc sống con người. Mà đã là con người thì không thể thiếu chuyện giao hoan, sinh nở để duy trì nòi giống. Nên có những tượng mộc nhân với hình ảnh mà tôi nhìn thấy.

Một ngày nào đó, nếu có dịp đến Tây Nguyên, đến vùng đất cư trú của người Jrai ở Gia Lai hay Kon Tum, bạn hãy dành chút thời gian để đến với buôn làng của tộc người này để cảm nhận được tính hiếu khách, sự chân thật và hào sảng của tộc người anh em ở nơi núi cao. Nếu như thế, bạn đừng quên đến cấm địa giữa rừng, biết đâu bạn sẽ may mắn thấy được những mộc nhân trong thế giao hoan để hiểu rõ hơn thông điệp truyền đời của người Jrai, cái chết mở ra sự sống

N. Thành Dũng
.
.