Bí ẩn về mê cung ngầm chứa sách quý của Tòa thánh Vatican

Thứ Hai, 14/05/2018, 21:10
Những nơi đóng cửa ẩn kín thường là nơi sinh ra vô số lời đồn đại cùng những bí ẩn li kỳ. Những nơi đó chắc chắn có cất giấu thứ đáng giá bên trong các vách tường, chúng thu hút nhiều giả thuyết khó hiểu cũng như khó ai có thể lọt vào bên trong ngoài những người có phận sự.

Có một nơi như thế đã là nguồn gốc của không ít phỏng đoán và giả thuyết đầu cơ ngay trong thành phố Vatican, ngoài là một nơi bị cấm đoán gắt gao nhất thế giới thì nó cũng là một trong những địa danh bí ẩn nhất.

Dưới lòng đất Vatican là một mê cung trải dài 53 dặm với những hành lang dài thượt chứa không biết cơ man nào là sách, văn bản và các cuộn thư tịch xa xưa... Chúng nằm đó trong suốt 12 thế kỷ hòa trong bóng tối của Kho lưu trữ Vatican (tên gọi chính thức là Archivum Secretum Apostolicum Vaticanum) được xây dựng vào năm 1612 bởi đức Giáo hoàng Paul V.

Đây thực sự là một kho báu khổng lồ với cả núi thông tin do Giáo hội Công giáo thu thập trong suốt hàng trăm năm qua. Kho tri thức đồ sộ này chứa đầy các loại giấy tờ của nhà nước Ý, văn kiện của Tòa thánh, thư từ của các đời Giáo hoàng và những lá thư cá nhân cùng rất nhiều hồ sơ lịch sử, tài liệu và văn bản được Vatican thu thập từ khắp mọi nơi trên thế giới ngay từ thế kỷ thứ 8.

Tất cả đều được chứa trong một kho lớn có trang bị hệ thống kiểm soát thời tiết được thiết kế theo dạng pháo đài hơn thư viện. Đây là nơi có những hầm ngầm không thể công phá và có hẳn một đội ngũ gác cổng hạng nặng ngay lối dẫn vào.

Không thể kể hết nội dung của Kho lưu trữ Vatican vì khuôn khổ của bài viết này không cho phép nhưng cũng có thể kể ra những tài liệu lịch sử giàu có bao gồm các lá thư viết tay gửi cho đức Giáo hoàng từ các nhân vật rất quan trọng như Nữ hoàng Scotland (Mary) hỏi Giáo hoàng một sự tha thứ trước khi bà bị xử tử; Vua Henry VIII, Michelangelo yêu cầu được trả tiền cho công việc xây dựng nhà nguyện Sistine; ngoài ra là các lá thư của Abraham Lincoln, Jefferson Davis, Hiếu Nguyên Hoàng thái hậu Vương Chính Quân (Trung Hoa, thế kỷ 17); một lá thư được viết trên vỏ cây bạch dương của bộ lạc Ojibwe (Canada) vào năm 1887 và nhiều thư tịch quý báu khác.

Trong Kho lưu trữ Vatican còn có các sắc lệnh chính thức của các đức Giáo hoàng qua hàng thế kỷ, bao gồm các thông tin ngoại giao của nhà sáng lập giáo hội Luther-Martin Luther (bị giáo hội Công giáo xem là dị giáo) cũng như thông tin liên lạc cá nhân giữa các Giáo hoàng trong suốt lịch sử.

Người ta còn tìm thấy các bảo vật trong Kho lưu trữ Vatican như một cuộn giấy dài tới 60,9m có liệt kê chi tiết phiên xét xử các Hiệp sĩ đền Thánh với tội danh dị giáo và báng bổ vào năm 1307; thư tịch viết tay có kể chuyện phiên tòa xử nhà thiên văn học Galileo Galilei vào thế kỷ 17, cũng như giáo lý của Đức mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội, cho rằng Mẹ Mary ra đời mà không dính vào tội lỗi, giáo lý này được viết trên một mảnh da dê có niên đại từ năm 1854.

Thành Quốc Vatican, quốc gia có chủ quyền, nằm ngay trong lòng thành phố Rome, Ý và Một tập bản thảo cổ xưa tại Kho lưu trữ Vatican (ảnh nhỏ).

Kho lưu trữ Vatican còn có tên gọi khác là Văn khố bí mật Vatican hay Văn khố tuyệt mật Vatican. Rất khó tiếp cận kho tư liệu này khi mà nó gần như bí mật với thế giới bên ngoài. Trong suốt nhiều thế kỷ bị phong bế với gần như tất cả mọi người, ngay cả giới chức giáo hội và các vị Hồng y cũng không có quyền đặt chân vào Kho lưu trữ Vatican, cho tới năm 1881 thì đức Giáo hoàng Leo XIII mới cho phép một ít quyền truy cập với người ngoài, mặc dù thế giới bên trong nó vẫn chìm ngập trong muôn vàn bí ẩn.

Người được tiếp cận với kho báu tri thức này trước tiên phải là một học giả hay nhà nghiên cứu tên tuổi được thừa nhận hoặc do Tòa thánh công nhận. Các sử gia không chuyên, giới báo chí, sinh viên hay các nhà nghiên cứu không nổi danh đều không có cơ hội. Nếu một người có diễm phúc được cấp quyền truy cập vào Kho lưu trữ Vatican thì khi họ đi vào cổng chính của hầm ngầm, lực lượng cảnh vệ Porta SantAnna sẽ chặn vị khách lại và hỏi tỉ mỉ rằng họ đang muốn tìm kiếm những gì bên trong.

Ngay cả khi vào đến các hành lang đầy bụi bặm, người truy cập cũng chỉ được phép lấy tối đa 3 tài liệu trong vô số sách được viết tay bằng tiếng Latinh hay tiếng Ý.

Tuy nhiên, thi thoảng Vatican cũng mở một vài phần kho lưu trữ cho những người không phải là các học giả nghiên cứu. Chẳng hạn như năm 2012, một số nơi trong kho lưu trữ được mở cửa đón các nhà báo nhân kỷ niệm 400 năm ngày ra đời Kho lưu trữ Vatican, còn phần lớn nơi đây vẫn phủ tấm màn bí mật. Có những thuyết âm mưu ly kỳ liên quan đến sự tồn tại của kho lưu trữ tư liệu bí ẩn này.

Một trong những giả thuyết phổ biến nhất là Vatican có các mối quan hệ với Đức Quốc xã trong suốt thời kỳ Thế chiến II khi mà nhiều tài liệu liên quan đến cuộc chiến này đã bị cấm đoán trong suốt 75 năm kể từ khi chúng được bổ sung vào Kho lưu trữ Vatican.

Tác giả kiêm sử gia và giáo sư nhân chủng học David Kertzer sau khi tiếp cận Kho lưu trữ Vatican từ thời kỳ của đức Giáo hoàng Pius XI (1922-1939) đã tuyên bố rằng Vatican từng có những mối quan hệ với Mussolini nhằm giữ im lặng về chủ nghĩa chống Do Thái để đổi lấy các đặc quyền khác vì lợi ích của Giáo hội. Điều này khiến ông Kertzer tin chắc rằng Kho lưu trữ Vatican là kho cất giữ những bí mật không thể được tiết lộ.

Thêm nữa, theo các thuyết âm mưu thì Kho lưu trữ Vatican đang lưu giữ những văn bản ma thuật và sách phép thuật cũng như bằng chứng về sự tồn tại của quỷ Satan và một lượng lớn thông tin về nghi lễ trừ tà. Thậm chí, người ta hoài nghi rằng văn bản thật sự về Ngày tận thế vẫn đang bị cất giấu trong Kho lưu trữ Vatican.

Ngoài ra còn có nhiều hoài nghi cho rằng Kho lưu trữ Vatican là nơi lưu giữ xác người hành tinh lạ và công nghệ tàu vũ trụ, hay những tấm bản đồ kho báu. Dù cho bất kỳ giả thuyết nào, thì vẫn chưa có cách gì để kiểm chứng thực hư các bí mật của Vatican và vì thế những di sản ít người biết tiếp tục ngủ yên bên trong những vách tường dày không thể xuyên phá.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.