Bí ẩn về sự mất tích của những báu vật nổi tiếng trong lịch sử

Thứ Ba, 28/08/2018, 17:44
Nhiều chương trình truyền hình nổi tiếng trên thế giới liên tục trình chiếu về việc giải mật những bí ẩn vĩ đại của thế giới, cũng như những nhà phiêu lưu mạo hiểm đã nỗ lực chạy đua để tìm ra những cổ vật bị mất tích.

Thế nhưng một số kho báu nổi tiếng trong lịch sử vẫn biến mất không tăm tích. chúng bao gồm những căn phòng được làm từ vật liệu quý giá, viên kim cương màu vàng khổng lồ, cũng như tác phẩm của một nữ thi sĩ Hy Lạp nổi tiếng...

Mời bạn đọc cùng theo dõi nhưng kho báu nổi tiếng trong lịch sử đã biến mất vĩnh viễn trong những hoàn cảnh vô cùng khó hiểu.

Phòng hổ phách

Được chế tác vào thế kỷ 18 bởi nhà điêu khắc tài ba người Đức Andreas Schlüter và nghệ nhân hổ phách người Đan Mạch Gottfried Wolfram. Kiệt tác nghệ thuật vô giá này đã được triều cống làm quà cho nước Nga vào năm 1716.

Căn phòng hổ phách được an trí ngay tại cung điện Catherine và nó từng được xem là niềm kiêu hãnh của khu vực Saint Petersburg. Cả căn phòng được điểm tô lộng lẫy bởi vô số châu ngọc, dát vàng và dĩ nhiên là có nhiều tấm hổ phách, khi đó nó được ca tụng là “Kỳ quan thứ 8 của thế giới”.

Khi quân Đức giáp công gần thành phố Saint Petersburg vào thời Đại chiến tranh thế giới thứ II, những người coi sóc cung điện Catherine liền tính toán cách để che giấu bảo vật phòng hổ phách. Họ cố gắng tách căn phòng ra làm nhiều phần, nhưng hổ phách khô đã vỡ vụn trong tay họ; và họ đã giấu những tấm hổ phách đằng sau một vách tường.

Nhưng lính Đức đã lần ra nơi giấu phòng hổ phách, chúng chẻ nhỏ những tấm hổ phách này ra từng mảnh và gói ghém cẩn thận, rồi vận chuyển đến Knigsberg (khi đó nơi này là một phần lãnh thổ của Đức, ngày nay thuộc về nước Nga). Suốt một thời gian dài, căn phòng hổ phách đã được thiết lập bí mật bên trong bảo tàng lâu đài. Sau đó thì định mệnh trớ trêu đã xảy ra.

Một số nhà nghiên cứu tin rằng căn phòng hổ phách đã bị hủy hoại bởi các loạt bom trong thời chiến, nhưng vẫn có người tin rằng nó vẫn được giấu giếm ở đâu đó. Bất chấp có những lời tuyên bố đã tìm thấy phòng hổ phách thông qua những tàn tích được tìm thấy vào năm 1997, thì phần lớn căn phòng vẫn bị mất tích.

Năm 2003, công trình xây dựng một căn phòng hổ phách theo bản sao cái cũ đã được khởi công gần Saint Petersburg, vì thế du khách có thể đến đây để chiêm ngưỡng lại thời vàng son của một chứng tích từng huy hoàng trong lịch sử.

Những tập thơ của Sappho

Các nguồn tài liệu cổ đại chỉ ra rằng nữ nhà thơ Hy Lạp Sappho từng sáng tác 9 tập thơ, nhưng chỉ còn tồn tại đến ngày nay 2 tập thơ đầy đủ cùng hàng trăm dòng thơ trên các mảnh giấy cói và mảnh sành. Một số mảnh giấy cói chỉ chứa một nhúm các vần thơ, nhưng nó làm hé lộ niềm đam mê thơ ca của Sappho, trên một dòng thơ ngắn có nội dung được dịch nghĩa: "Tôi đam mê/ Và tôi khao khát”.

Sappho từng rất nổi tiếng vào thời cổ đại vì nhiều bài thơ của bà thường được đề cập đến trong các trích dẫn. Còn có thêm những bài thơ của Sappho đã được khám phá. Khoảng cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, một cuộc đào bới tại bãi rác ở Oxyrhynchus (Ai Cập) đã khai quật lên những mảnh giấy vụn nhưng vô giá chứa ý tứ thơ ca của Sappho.

Hay gần đây là vào năm 2014, có 2 mảnh giấy cói chứa lời thơ của Sappho đã được nhận dạng bởi một chuyên gia về giấy cói ở Oxford. Mong sao một ngày nào đó, có ai đó sẽ lại tìm thấy những bài thơ của Sappho để hiểu hơn về thế giới cổ đại.

Viên kim cương Florentine

Truyền thuyết kể rằng, Charles the Bold, vị Công tước xứ Burgundy (một vùng của Pháp) từng đeo trên tay chiếc nhẫn nạm viên kim cương vàng nặng tới 132,27 carat làm bùa hộ mệnh trong trận chiến Nancy năm 1477. Tuy nhiên, bảo vật không cứu nguy cho chủ của nó, viên kim cương biến mất khi chủ nó tử trận. Sau trận chiến nảy lửa, người ta tìm thấy cái xác bị đâm nát của Charles nhưng viên kim cương đã biến mất, có tin cho rằng một người nhặt rác đã tìm thấy bảo vật nhưng cứ ngỡ nó là tròng kính và bán để lấy số tiền 2 Franc.

Tuy vậy, vào thập niên 1920, sử gia nghệ thuật Nello Tarchiani khi nghiên cứu về các hồ sơ thì quả quyết rằng viên kim cương Florentine không hề có mối liên quan nào đến vị Công tước Charles the Bold. Theo đó, bảo vật này có nguồn gốc ở Nam Ấn Độ và nó bị thực dân Bồ Đào Nha cướp khỏi Ấn Độ vào thập niên 1500.

Rất nhanh chóng, viên kim cương đã chu du đến châu Âu và rơi vào tay hàng tá chủ nhân lừng lẫy bao gồm Ferdinand de Medici là Công tước xứ Tuscany vào năm 1601. Sau khi sở hữu viên châu báu, vị công tước đã cất nó vào kho báu của mình ở Florence và thế là viên kim cương có thêm cái tên mới: kim cương Florentine, nó sáng lấp lánh, rất huyền diệu, nặng độ 126 carat.

Khi bà Anna Maria Luisa de' Medici, người cuối cùng cai trị gia tộc Medici tạ thế vào năm 1743, viên kim cương không ở lại trong kho báu của gia tộc này mà thay vào đó Francis Stephan of Lorraine (người mà sau này trở thành Đại công tước Tuscany và Hoàng đế La Mã Thần Thánh) đã mua lại nó để làm quà tặng cho vợ mình là Hoàng hậu Maria Teresa, bản thân bà này là người có họ hàng với gia tộc Habsburg nức tiếng.

Suốt một thời gian dài, viên kim cương Florentine trở thành một phần trên chiếc vương miện ở Vienna (Áo). Khi đế quốc Áo-Hung sụp đổ sau Đại chiến tranh thế giới thứ I, được tin là viên kim cương quý giá đã lưu lạc sang tận Thụy Sỹ và trở thành bảo vật sở hữu của vua Thụy Sỹ cuối cùng là Charles I. Giờ đây viên kim cương Florentine nằm ở đâu?

Có nhiều giả thuyết về sự mất tích của nó bao gồm việc nó được bán cho vụ Charles I và được cắt thành nhiều viên nhỏ dùng cho một số mục đích. Có tin cho rằng nó bị đánh cắp và chu du sang Nam Mỹ. Cho đến nay, bảo vật vẫn bặt vô âm tín.

Bộ sưu tập trứng Fabergé

Truyền thuyết kể rằng Nhà Fabergé một thời là nhà kim hoàn chế tác trang sức lớn nhất của đế quốc Nga, nơi đây tập trung đến 500 nhà thiết kế và nghệ nhân lão làng chuyên chế tác mọi thư,á từ các khóa lò sưởi cho đến các bao đựng thuốc lá thành những kiệt tác nghệ thuật tinh xảo.

Thành tựu phi thường của hãng kim hoàn này là một loạt các quả trứng Phục Sinh cẩn châu ngọc quý giá, dùng làm quà tặng cho các Sa hoàng Alexander III và Nicholas II, những vị vua Nga này dùng những quả trứng quý giá để làm quà tặng cho vợ và mẹ của họ.

Mỗi quả trứng là một kỹ nghệ tuyệt diệu, từ quả trứng tuyến hỏa xa Liên Siberia (trong quả trứng có thiết kế hẳn một con tàu được làm từ vàng và bạch kim) cho đến quả trứng Cây (tạo tác y hệt cái cây và có con chim hót trên các cành cây). Sau cuộc cách mạng Nga lật đổ triều đại Romanov và cả gia đình Nicholas II bị xử tử.

Sau đó, trong số 50 quả trứng Hoàng gia (cùng loại trứng tạo tác dành cho các Sa hoàng) thì 7 quả đã bị thất lạc. Thông tin về số trứng bị thất lạc rất hiếm hoi. Chỉ có vài bức ảnh chụp cận cảnh một trong số trứng này mang tên là Cỗ xe trứng Cherub được bảo quản trong lồng kính trưng bày. Ngay cả những chi tiết làm nên quả trứng Cỗ xe Cherub cũng khiến người ta không khỏi bất ngờ.

Vào năm 2012, một quý ông ở vùng Trung Tây của nước Mỹ đã mua thứ mà ông ngỡ là đồ chơi bằng vàng khi truy cập Internet, món đó có cái đồng hồ bên trong và mang cái tên “Vacheron Constantin”.

Tiếp tục dò theo cái tên lạ, quý ông té ngửa khi biết mình vừa chi số tiền 14.000 USD để mua một trong những quả trứng hoàng gia Nga với giá trị thực tế lên tới 33 triệu USD!

Vương miện Ireland

Ngày 6-7-1907, chiếc vương miện thuộc về tài sản của Hiệp sĩ St. Patrick còn có tên gọi khác là “Vương miện hoàng gia Ireland” đã không cánh mà bay, chìa khóa cất giữ bảo vật nằm chỏng chơ ngay bên két an toàn. Bộ bảo vật vô giá gồm một viên ngôi sao kim cương và các huy hiệu tượng trưng cho thứ tự của các hiệp sĩ vào năm 1830. 5 bộ vòng cổ của Các thành viên hiệp sĩ cũng biến mất tiêu. An ninh có vẻ lỏng lẻo.

Có một căn phòng cất giữ bảo vật được xây dựng bên trong lâu đài vào năm 1903, nhưng các món châu báu quá lớn không thể đi lọt qua cửa thế nên chúng buộc lưu giữ ở két sắt của thư viện. Một cuộc điều tra được cấp tốc tiến hành, nhưng một thế kỷ sau thì vụ án vẫn bế tắc. Lời đồn đại dấy lên rằng cuộc điều tra đã bị đình lại theo mệnh lệnh của vua Edward VII do có liên đới tới vụ bê bối tình dục tại lâu đài Dublin.

Một trong các đối tượng bị tình nghi là Francis Shackleton, viên chỉ huy thứ 2 tại lâu đài Dublin và người em trai là nhà thám hiểm nổi tiếng Ernest Shackleton; có tin cho là Francis đã “thó” các món châu báu để bán làm lộ phí cho chuyến thám hiểm của em trai.

Thần kiếm Honjô Masamune

Vào cuối thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ II, người dân Nhật Bản yêu cầu chính phủ phải thu hồi lại những vũ khí từng là báu vật của nước họ, bao gồm cả các di vật lịch sử. Trong số các loại vũ khí đó là một trong những thanh kiếm nổi tiếng nhất: thần kiếm Honjô Masamune thời kỳ Kamakura.

Báu kiếm này được rèn bởi bậc thầy kiếm thủ Masamune (ông sống từ năm 1260 đến 1340 và được xem là người rèn kiếm lẫy lừng nhất Nhật Bản), thanh kiếm nổi tiếng bởi sự linh động và vẻ đẹp nghệ thuật của nó.

Chủ nhân cuối cùng của báu kiếm là Tokugawa Iemasa, ông đã mang thần kiếm Honjô Masamune cùng với những thanh kiếm khác tới một đồn cảnh sát Tokyo nhằm thực hiện  một sự trao trả với quân Đồng minh. Họ đã đổi số kiếm báu này cho ai đó ở Ủy ban thanh lý quốc tế về AFWESPAC (Các lực lượng quân sự khu vực Tây Thái Bình Dương), và thế là số báu kiếm biến mất từ đó.

Một số thanh kiếm quý sau đó đã được lính Mỹ mang về nước họ, trong khi số khác được nung chảy hoặc ném xuống biển. Ngày hôm nay, định mệnh của thanh thần kiếm Honjô Masamune vẫn còn rất mơ hồ.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.