Bi, hài chuyện... đặt tên con

Thứ Ba, 25/11/2014, 17:30

Ngày 28/10 vừa qua, khi tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Hộ tịch tại Quốc hội, phần lớn các đại biểu Quốc hội đều đồng thuận với ý kiến nên tiếp tục giữ việc cấp giấy khai sinh cho trẻ em.
Tuy nhiên, trước đây và ngay cả bây giờ, Dự thảo Luật Hộ tịch lại không đề ra nguyên tắc đặt tên cho con khiến lắm đứa trẻ phải mang những cái tên dở khóc dở cười, cũng như cán bộ tư pháp địa phương đành bất lực trong việc thuyết phục các bậc cha mẹ không đặt cho con mình những cái tên kỳ dị…

1. Phần lớn các bậc cha mẹ Việt Nam khi đặt tên con đều có khuynh hướng chọn những chữ có ý nghĩa như Hùng, Cường, Minh, Dũng, Trí, Việt… nếu là con trai, còn con gái thì Liễu, Dung, Hạnh, Huyền, Hương, Thủy… Với những người Huế có liên quan đến hoàng tộc, cái tên Công Tằng Tôn Nữ Huyền Thị Như Trang xem ra dài thật đấy nhưng nghe cũng được, chứ không đến nỗi đọc muốn… líu lưỡi như Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhàn!

Người sở hữu cái tên này là con gái đầu của vợ chồng ông bà Lê Văn Bốn và Nguyễn Thị Tư, ở xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP HCM. Người con thứ hai là Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Linh Phượng, còn người con út thì "độc" hơn nữa: Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cả ba cái tên đều được ông Bốn định hình ngay từ khi những đứa con của ông vẫn còn trong bụng mẹ.

Bà Tư, vợ ông nói: "Lúc tôi mang bầu, nhiều đêm thấy ổng trầm ngâm suy nghĩ nên đặt tên con như thế nào để vừa hay, vừa có ý nghĩa, đồng thời qua cái tên, con cái sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống".

Khi đứa con gái đầu tiên ra đời và khi nghe tên Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhàn, bà Tư thắc mắc vì sao chồng mình lại đặt dài dằng dặc thế: "Ổng giải thích từng chữ trong tên, nghe có lý lắm nhưng vì đã lâu rồi, tôi không còn nhớ rõ". 

Sau này, khi lớn lên, cũng vì cái tên quá dài nên cả ba người con ông Bốn thỉnh thoảng lại được chính quyền địa phương mời gặp, đề nghị sửa bớt cho ngắn lại vì nhiều loại giấy tờ nếu ghi đầy đủ thì không có chỗ để ghi. Thế nhưng, nếu muốn sửa thì phải có một phán quyết của Sở Tư pháp, vì nó liên quan đến hộ khẩu, chứng minh nhân dân, bằng lái xe cùng rất nhiều thứ khác nên cả ba chị em chỉ có thể viết tắt những chữ lót.

Tất cả hồ sơ, bằng cấp của Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân như sổ điểm, sổ học bạ, giấy khen, chẳng có cái nào ghi đầy đủ, mà chỉ ghi họ Lê, tên Nhân, còn tất cả những chữ kia trở thành H.H.N.Đ.N.T.T., chưa kể khi đi làm hoặc thực hiện những việc cần phải nêu danh tính, cái tên của họ đã khiến rất nhiều người ngạc nhiên và tò mò.

Đặt tên cho con, ngoài những ý nghĩa mà chúng tôi đã nêu thì cũng không ít những bậc cha mẹ dựa vào một sự kiện nào đó rồi dùng sự kiện ấy đặt tên cho con mình. Ông Nguyễn Văn Tới, nhân viên đường sắt từ hồi Pháp thuộc, chuyên làm công việc "bẻ ghi" - nghĩa là điều khiển đường ray cho tàu chuyển hướng - thì khi vợ ông sinh con gái đầu lòng, ông đã đặt tên cho con là Nguyễn Thị Bẻ Ghi.

Cô Ghi kể: "Hồi học tiểu học, em đã nhiều lần khốn khổ vì cái tên ấy. Hễ thấy em bước vào lớp là nhiều bạn đồng thanh la lớn: "Bẻ, bẻ gì?", rồi một nhóm khác vừa đưa tay làm động tác kéo kéo, giật giật, vừa la tiếp: "Bẻ, bẻ ghi!". Chưa kể lúc lấy chồng, chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà chồng cô lại tên Lê Văn Quẹo khiến nhiều khách mời đám cưới nói đùa: "Bẻ ghi xong mà tàu không quẹo thì lật cái rầm liền".

Tôi hỏi sao em không làm đơn đề nghị được sửa tên, Ghi lắc đầu: "Em cũng đã từng nghĩ đến nhưng thôi. Tên do ba em đặt, xấu đẹp gì cũng là của ba em. Sửa thì hóa ra mình bất kính với ổng".

2. Cũng đặt tên cho con theo sự kiện, năm 1987, ông Mai Xuân Cán - lúc ấy là cán bộ thuộc UBND xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam sinh đứa con thứ năm nên đã bị UBND xã phạt 6.500 đồng vì vi phạm chế độ sinh nhiều con. Do bức xúc nên khi làm giấy khai sinh, ông Cán đặt tên con là Mai Phạt Sáu Nghìn Rưởi. Và mặc dù đã được nhiều người khuyên can nhưng trước thái độ cương quyết của ông, UBND xã Đại Cường đành phải chấp nhận đăng ký khai sinh cho con ông với cái tên này.

Theo ông Cán, lúc đứa con đã hơn một tháng tuổi, ông đến ủy ban xã làm giấy khai sinh, trong đó ông giải thích việc sinh con vượt kế hoạch là ngoài ý muốn vì vợ ông đã đặt vòng tránh thai, đồng thời đề nghị được miễn phạt nhưng ủy ban xã không chấp thuận.

Với cái tên kỳ dị đó, lúc lên cấp 2, bị bạn bè trêu chọc nên con ông bỏ học 2 năm. Cuối cùng, khi Mai Phạt Sáu Nghìn Rưởi được 18 tuổi, ngày 1/9/2005, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam đã chấp thuận cho cậu đổi tên thành Mai Hoàng Long. Tương tự như vậy, năm 1989, ông Võ Mười Sáu, ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam bị chính quyền phạt vì sinh đẻ vượt kế hoạch. Do hoàn cảnh lúc ấy quá khó khăn, phải bán lúa để lấy tiền nộp phạt nên ông đặt tên cho con là Võ Thị Xin Thôi.

Theo ông Sáu: "Đặt như vậy là để tự nhắc mình thôi đừng… đẻ nữa". Mãi đến năm 18 tuổi, thấy cái tên kỳ dị quá, cô Võ Thị Xin Thôi xin được đổi tên mới, và cũng được Sở Tư pháp chấp thuận.

Bên cạnh việc đặt tên con dựa theo sự kiện, có bậc cha mẹ còn cố ý đặt tên con thật xấu để "ông bà đừng bắt nó đi" nên mới xuất hiện những cô Trần Thị Hĩm, Nguyễn Thị Bụp, hoặc Lê Cu, Lý Văn Nhồng… Với người dân tộc Mường, những cái tên như Đinh Thị Chó, Đinh Thị Mèo, Bùi Văn Phân là chuyện bình thường nhưng với người Việt thì có lẽ khó mà chấp nhận.

Ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình có ông Bùi Văn Ỉm, là lãnh đạo của một xã. Với người dân trong xã thì nghe tên Ỉm là chuyện bình thường nhưng mỗi lúc hội nghị trên huyện, cái tên Ỉm đã khiến nhiều người cười bò khi nó được xướng lên vì chữ Ỉm trong tiếng Mường là bộ phận sinh dục nữ. Cũng không ít những bậc cha mẹ đặt tên con theo ngẫu hứng.

Những cái tên lạ đời.

Ông Phan Thành Nhân, lúc đang ngồi nhậu với bạn bè thì con ông điện thoại báo tin: "Má vô bệnh viện rồi, má sinh rồi". Khi đặt tên cho con  và bởi vì vợ ông họ Đào nên ông đặt là Phan Đào Ba Xị, dựa vào chuyện lúc ông mới "làm" xong 3 xị rượu đế thì nghe tin vợ đẻ con trai. Gần đây, lại có trào lưu dùng tiếng nước ngoài để đặt tên con, chẳng hạn như Lê Thị Angelina, Trần Văn Sam Sung, hoặc lấy tên của những ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc như: Nguyễn Tae Hee, Hoàng Thị Seung Gi. Chỉ tội cho cậu bé Nguyễn Tae Hee, bị bạn bè gọi là Nguyễn Tè He, còn cô Hoàng Thị Seung Gi trở thành Hoàng Thị Súng Gỉ! Thậm chí có người còn lấy tên của các chính khách trên thế giới, đặt cho con mình.

Một cán bộ tư pháp ở quận 6, TP HCM cho biết: "Có nhiều cái tên đọc muốn… trẹo quai hàm, thí dụ như Vũ Nguyễn Cầm Trúc Bách Nguyệt, hoặc mang hơi hướng bạo lực như Trần Trường Hận, Phan Thị Sầu Đời. Đề nghị họ sửa thì họ chẳng  chịu sửa, mà luật lại không cấm nên chúng tôi đành chịu".

3. Đứng về mặt tâm lý, những cái tên kỳ dị ít nhiều cũng tạo ra sự mặc cảm cho đứa trẻ khi lớn lên, đi học, đi làm. Như cô Nguyễn Thị Bẻ Ghi chẳng hạn, mặc dù đã xác định rằng "tên do cha đặt", nhưng cô cũng không khỏi lúng túng lúc vào phòng thi đại học rồi thấy giám thị vừa xướng tên cô, vừa cố nín cười. Anh Phan Đào Ba Xị kể: "Trong một lần dự đám cưới người bạn, em quen một cô. Khi cô ấy xưng tên rồi hỏi em tên gì, em mắc cỡ đến nỗi cả phút sau em mới nói được, nhưng chỉ dám nói tên mình là Xị chứ không có chữ Ba".

Ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, ông Vũ Tần đã đặt tên cho ba đứa con lần lượt là Vũ Loạn Lạc, Vũ Thị Lạc Lang, Vũ Lang Thang như một phản ứng với cha mẹ ruột ông, rằng ba đứa cháu nội sẽ là những kẻ không cội nguồn, quê quán vì cha mẹ ông đã không chấp nhận vợ ông làm dâu. Chỉ khổ cho ba con người này phải chịu mặc cảm vì những cái tên kỳ quặc!

Ngay cả nếu có cái tên đẹp cũng chưa chắc đã may mắn. Chị Dương Thị Diễm Lệ ở quận 10, TP HCM đã cương quyết từ hôn chỉ vì lúc bà mẹ chồng tương lai đến xem mặt rồi sau đó bà nguýt dài: "Tên một nẻo, người một nơi". Anh Lâm Đại Hùng, tên nghe rất oách nhưng anh chỉ cao 1,57 mét, nặng 43kg, mặt lại đầy tàn nhang trứng cá nên khi quen với một cô trên mạng Internet rồi trong lần hẹn hò gặp nhau đầu tiên, cô ấy nhất định không chịu tin anh là… Đại Hùng.

Cô Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương, quê ở Thái Nguyên cho biết vì tên dài quá nên bạn bè có người gọi cô là Dương, có người gọi là Ánh Dương và cũng có người cắc cớ, gọi cô là… Long Lanh!

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trần Thái, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn tâm thần, Đại học Y Dược TP HCM thì: "Ngay từ lúc 5 - 6 tuổi, trẻ đã có thể nhận biết được tên mình đẹp hay không qua lời khen chê của người lớn mặc dù trẻ chưa hiểu hết ý nghĩa của cái tên đó, không kể những cái tên quá kinh dị, chẳng hạn như "Nguyễn Hận Đời", "Dương Thị Bội Phản" cũng sẽ ám ảnh trẻ. Theo thời gian, cùng với những biến đổi tâm sinh lý của tuổi mới lớn, trẻ sẽ phản ứng dưới nhiều hình thức khi cái tên bị đem làm trò cười hoặc gây ra sự ngạc nhiên, tò mò cho người khác. Khi trưởng thành, nó biến thành mặc cảm".

Điều 27 của Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định: Cá nhân có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng thay đổi họ tên trong các trường hợp họ tên gây nhầm lẫn, phiền toái, phản cảm, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống tinh thần.

Vì thế, nếu đứa con có nhu cầu muốn thay đổi và sự thay đổi ấy là hợp lý thì cha mẹ cũng không nên cố chấp. Đừng vì giận chồng đã bỏ bê gia đình để chạy theo người đàn bà khác mà đặt tên cho con là Nguyễn Bội Bạc hoặc Lâm Thị Ly Tan chẳng hạn vì như ông bà ta đã nói: Lắm khi cái tên nó “vận” vào người…

Nêu lên những vướng mắc về việc Dự thảo Luật Hộ tịch không đề ra nguyên tắc đặt tên cho con khiến cán bộ tư pháp địa phương gặp khó, Đại biểu Nguyễn Thị Nhung, đơn vị Khánh Hòa nói: Qua thực tế, cán bộ ở cơ sở sẽ bất lực khi thuyết phục cha mẹ đừng đặt tên xấu cho con như Đinh Sâu Rum, Cao Ki A, Lê Văn Hận, Nguyễn Văn Lì, hoặc tên quá dài, phức tạp như Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Tâm Nhân, đã gây không ít khó khăn cho cán bộ hộ tịch ở các cấp phường, xã bởi lẽ nếu họ muốn thay đổi tên là phải thay đổi hàng loạt các giấy tờ cá nhân khác như chứng minh nhân dân, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, hồ sơ, học bạ… Bà Nhung đề xuất, cần có nguyên tắc đặt tên và xác định họ cho phù hợp với phong tục, tập quán.

Ở New Zealand chẳng hạn, Bộ Nội vụ nước này đã công bố một danh sách gồm 77 cái tên, yêu cầu các bậc cha mẹ không được phép đặt cho con mình mà nguyên nhân là một đứa trẻ đã được bố mẹ đặt tên "Anal" (hậu môn) và một đứa khác có tên Talula Does The Hula From Hawaii - là tên của một ban nhạc pop. Trong danh sách 77 tên ấy, nhiều tên bị cấm như V8 - ký hiệu động cơ xe hơi 8 xilanh, Queen Victoria (Nữ hoàng Victoria)...

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng bị cấm đặt tên cho con bằng cách dùng các số thứ tự như 1st, 2nd, 3rd hoặc 5th… Chưa hết, những cái tên có chứa các từ thể hiện tước vị hoàng gia như  King (vua), Duke (công tước) và Princess (công chúa), hoặc những tên kỳ quái như Lucifer (ma vương) hay Mafia, những chữ độc lập có vẻ như viết tắt nhưng không đại diện cho bất cứ điều gì: AJ, MC, VI, LB, CJ hay những cái tên có vẻ rất ý nghĩa như Justice (công lý, tư pháp) cùng một số biến thể như Justus, Juztice cũng không được chấp thuận

Cao Trí
.
.