Bí mật trong não bộ của vũ công ballet
Một nghiên cứu mới được công bố hôm 27/9 vừa qua trên tạp chí khoa học Cerebral Cortex về những khác biệt trong não bộ của các vũ công đã cung cấp một bước đột phá trong điều trị chứng chóng mặt mãn tính - một căn bệnh mà theo kết quả thăm dò đưa ra ở Anh thì cứ 4 người lại có 1 người mắc phải.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Cerebral Cortex ngày 27/9 vừa qua cho thấy, não bộ của các vũ công ballet có sự thay đổi trong cấu trúc để thích nghi trong quá trình luyện tập. Sự thay đổi này giúp cho những nghệ sĩ múa giữ được thăng bằng khi múa xoay tròn liên tục bằng mũi chân mà không bị chóng mặt. Công bố này cũng đặt ra những hướng chữa trị chứng chóng mặt kinh niên.
Chứng chóng mặt kinh niên thường biểu hiện cùng với các trạng thái đau đầu, hoa mắt, người mệt mỏi, hay buồn ngủ nhưng ngủ không sâu giấc, dễ say tàu xe... Ở những người bình thường, sau khi chuyển động cơ thể liên tục theo vòng tròn đều cảm thấy hoa mắt, chóng mặt. Có hiện tượng này là do các khoang chứa đầy dịch lỏng của cơ quan cân bằng ở tai cảm nhận được chuyển động quay đầu thông qua những sợi tóc, cơ quan này cảm nhận được chất dịch đang chuyển động. Chất dịch lỏng tiếp tục chuyển động trong một thời gian sau khi quay, tạo ra sự nhận thức rằng cơ thể vẫn còn di chuyển dẫn tới hiện tượng chóng mặt.
Còn đối với các vũ công ballet, họ có thể thực hiện một hoặc nhiều lần những bước xoay tròn với tốc độ cao và kéo dài trong một khoảng thời gian mà hầu như không hề gặp phải cảm giác này.
Tiến sĩ Barry Seemungal, nhà thần kinh học thuộc Trường đại học Khoa học, Công nghệ và Y học Hoàng gia Anh, là người tích cực tiến hành các cuộc thí nghiệm với các vũ công nhằm phát hiện ra những điều lý thú. Ông tiến hành thí nghiệm với 29 vũ công và 20 nữ vận động viên chèo thuyền cùng độ tuổi và có cường độ luyện tập tương đương nhau. Họ sẽ cùng phải tham gia quay tròn quanh một chiếc ghế trong căn phòng tối.
Sau đó, những người tham gia còn được yêu cầu xoay một đòn bẩy trên một bánh xe nhỏ gắn với ghế của họ một cách nhịp nhàng với cảm nhận xoay vòng sau khi ghế dừng lại. Khi đòn bẩy và ghế đã ngừng quay thì những vận động viên chèo thuyền vẫn còn cảm giác quay tròn kéo dài. Cảm giác này cũng có ở những vũ công ballet nhưng chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn.
Tiếp tục xem xét não bộ của những người tham gia thí nghiệm bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI), các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, đối với các vũ công, phần tiểu não chuyên tiếp nhận các dấu hiệu từ cơ quan cân bằng có kích thước nhỏ hơn vùng tiểu não tương ứng của những vận động viên đua thuyền. Điều này rất hữu ích đối với các diễn viên múa vì nó có thể giúp họ giữ cân bằng và không cảm thấy chóng mặt. Sau nhiều năm tập luyện, não bộ sẽ thích nghi để ngăn chặn trạng thái mất cân bằng và chóng mặt, cho phép họ tiếp tục hoàn thành các màn biểu diễn dù phải quay rất nhiều vòng.
Song song với việc chụp MRI, các nhà khoa học tiếp tục đo phản xạ mắt của tình nguyện viên được kích hoạt bởi các tín hiệu từ các cơ quan tiền đình ở tai trong, có nhiệm vụ kiểm soát sự cân bằng và gây ra cảm giác chóng mặt. Kết quả cho thấy, thời gian những vũ công ballet có phản xạ mắt và nhận thức về trạng thái quay tròn kéo dài ngắn hơn so với vận động viên đua thuyền.
Tiến sĩ Seemungal cho biết, đây không phải là đặc điểm cấu trúc não bẩm sinh của một số người mà là kết quả của quá trình biến đổi thích nghi do luyện tập. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi đang nghiên cứu nhằm hướng vào vùng não tương tự đối với các bệnh nhân mắc chứng chóng mặt kinh niên và đưa ra một nguyên tắc tập luyện giống như thế để giúp họ cải thiện tình hình sức khỏe"