“Biến không thành có” cho bệnh nhân ung thư vú

Thứ Ba, 22/02/2011, 15:55
Lần đầu tiên, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công tạo hình vú cho bệnh nhân ngay sau khi cắt bỏ khối u ung thư. Nếu sang Singapore, một ca phẫu thuật như vậy sẽ tốn khoảng 1 tỉ đồng, nhưng ở Việt Nam chỉ hết có… 15 triệu đồng.

Lấy lại sự tự tin cho nữ diễn viên múa

Một ngày đầu tháng 10/2010, một phụ nữ tìm đến gặp Đại tá - Tiến sĩ Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm Bộ môn Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình - Bệnh viện 108 và đề nghị khám giúp vì chị phát hiện bên ngực phải có một u nhỏ. Sau khi sinh thiết khối u đó đã xác định đó là khối ung thư và xác định để chữa triệt để chỉ còn cách duy nhất là cắt bỏ bên ngực đã bị ung thư.

Khi biết mình đã bị ung thư vú, người phụ nữ rất hoang mang bởi chị mới 35 tuổi và là diễn viên múa đồng thời còn làm giáo viên thể dục cho một trường học. Vì vậy giữ ngoại hình là điều rất quan trọng bởi không chỉ là làm đẹp mà còn ảnh hưởng tới công việc.

Sau khi nghe bác sĩ tư vấn với tình trạng bệnh như vậy đồng thời đưa ra phác đồ điều trị, đó là cùng với cắt bỏ bên vú bị ung thư, các bác sĩ sẽ đồng thời tiến hành phẫu thuật tái tạo lại ngực, nữ bệnh nhân này vẫn chưa yên tâm nên đề nghị để chị sang Singapore khám lại.

Nhưng khi sang Singapore, sau khi xác định chị bị ung thư vú, các bác sĩ nước ngoài cũng đưa ra phác đồ giống với phác đồ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tuy nhiên, chi phí cho ca phẫu thuật này lên tới 1 tỉ đồng khiến chị quyết định quay trở lại Bệnh viện 108 phẫu thuật bởi chi phí ở đây chỉ hết có 15 triệu đồng.

Ngày 2/11/2010, ca phẫu thuật được tiến hành với hai kíp bác sĩ. Kíp thứ nhất là các bác sĩ Khoa Sản tiến hành cắt bỏ phần ngực bị ung thư và nạo vét hết phần hạch. Sau khi sinh thiết tại vết mổ xác định đã cắt hết phần bị bệnh, kíp thứ hai của bác sĩ Sơn tiến hành tái tạo.

Phần ngực bị bệnh của bệnh nhân Đ. đã được cắt bỏ và tái tạo.

Công việc đầu tiên của kíp mổ thứ hai là tìm động mạch để có nguồn máu nuôi vạt da sẽ ghép. Để có "nguyên liệu" tái tạo phần vú bị cắt, bác sĩ tiến hành cắt vạt da ở phần bụng dưới của bệnh nhân bằng cách rạch da theo đường ngang rốn theo hướng từ ngoài vào trong, sau đó rạch da theo nếp bẹn cùng bên. Bóc tách theo mặt cân thành bụng từ ngoài đi vào đường giữa, tìm và giải phóng các mạch xuyên từ cơ thành bụng lên da. Tiếp đó cắt cân thành bụng dọc theo cơ thẳng bụng để lấy vạt da cần bóc, đo kích thước, cân nặng và thể tích vạt da cần ghép trước khi chuyển lên ngực và khâu cố định tạm thời và tiến hành nối mạch nuôi để máu có thể nuôi vạt da ghép.

Sau khi nối mạch, theo dõi cấp máu và tiến hành thiết kế vú. Để phần ngực có thể đầy đặn như cũ, bác sĩ sẽ đưa toàn bộ phần mỡ bóc tách từ bụng người bệnh vào ổ nhận ở ngực, sau đó so sánh 2 bên vú để đánh giá sự cân đối giữa hai bên về kích thước, khối lượng, hình dáng... sau đó mới khâu da tạo hình vú. 3 tháng sau ca mổ này, khi phần da ghép đã được nuôi tốt, bác sĩ sẽ tiến hành ca mổ thứ hai để tạo hình núm vú...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tài Sơn, sở dĩ các anh có thể tự tin tiến hành ca phẫu thuật bởi trước nữ bệnh nhân này, chính anh đã trực tiếp tạo hình vú cho hơn 20 bệnh nhân bị ung thư vú, nhưng đó là những người trước đó 2, 3 năm đã phải cắt bỏ ngực bị bệnh.

Tiến sĩ Sơn kể rằng nhiều năm theo đuổi đề tài khoa học này, từng tiếp xúc với hàng chục bệnh nhân, anh rất hiểu cú sốc tâm lý của người phụ nữ không may gặp phải căn bệnh oái oăm này khi bỗng một ngày phải chịu cảnh "một mất một còn", bởi trước kia, thông thường sau khi tiến hành cắt bỏ phần ngực bị bệnh, người ta sẽ chỉ khâu lại bên ngực bị cắt bỏ. Vì thế dù đã được chuẩn bị về tâm lý nhưng tất cả các nữ bệnh nhân sau khi rời bàn mổ đều bị sốc bởi dấu ấn để lại sau ca phẫu thuật là một vết sẹo và bên ngực phẳng lì. Với những người đã cao tuổi và có gia đình thì còn tự an ủi dù sao cũng đã đến tuổi nhu cầu làm đẹp không còn là ưu tiên hàng đầu. Nhưng trong số bệnh nhân anh đã gặp, có người mới chỉ 25 tuổi và chưa lập gia đình nên sự khiếm khuyết này khiến họ không còn tự tin vào bản thân mình nữa.

Vì thế, từ năm 2004, sau những lần tập huấn ở nước ngoài nâng cao tay nghề, bác sĩ Sơn cùng các cộng sự đã thực hiện những ca tái tạo ngực đầu tiên cho những bệnh nhân bị ung thư vú đã cắt bỏ phần ngực bị bệnh theo phương pháp tạo hình vú bằng vạt mạch xuyên thượng vị dưới. Thời điểm đó, những người được thực hiện tái tạo đều đã cắt bỏ phần ngực bị bệnh từ  2 năm trở lên. Để tiến hành cho những bệnh nhân này, cũng phải có 2 kíp bác sĩ, một kíp tiến hành cắt sẹo cũ và tạo ổ nhận; kíp thứ hai cũng tiến hành cắt phần da bụng để ghép. Tất cả những trường hợp đó đều thành công đã khẳng định đây là phương pháp phù hợp nhất.

Niềm hy vọng mới cho việc điều trị căn bệnh phổ biến

Theo một nghiên cứu mới đây của các bác sĩ chuyên khoa ung thư, ung thư vú là một loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, TP HCM và Hà Nội là những nơi có tỉ lệ ung thư vú cao nhất nước. Theo thống kê, cứ 100.000 phụ nữ ở Hà Nội thì có 30 người ung thư vú, tại TP HCM là 20. Hàng năm có thêm 14.000 phụ nữ bị ung thư vú. Phần lớn ung thư vú xảy ra ở độ tuổi 35 - 45, tuy nhiên ngay cả những phụ nữ độ tuổi từ 20 -  30 cũng có thể mắc bệnh và càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất lớn trong điều trị ung thư vú. Nếu phát hiện ở giai đoạn đầu, cơ hội chữa khỏi bệnh lên tới hơn 80%. Trước đây, một số bệnh viện từng thực hiện tạo hình vú cùng với phẫu thuật cắt bỏ nhưng không áp dụng kỹ thuật vi phẫu và phần đắp mới tạo hình cũng không phải tổ chức sống.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tài Sơn, việc áp dụng phương pháp tạo hình vú bằng vạt mạch xuyên thượng vị dưới hiện là phương pháp được áp dụng phổ biến trên thế giới bởi vạt da bụng dưới có khối lượng lớn, mềm mại tương tự tổ chức vú lành, mà sắc da phù hợp với nơi nhận, có hệ thống mạch xuyên nuôi da có đường kính lớn.

Đặc biệt khi lấy vạt da ở đây, các cấu trúc thành bụng như cân, cơ thẳng bụng được bảo tồn nên không làm ảnh hưởng đáng kể đến chức năng của  thành bụng, do đó giảm tối đa biến chứng sau phẫu thuật. Không những thế, việc lấy vạt da mỡ thành bụng dưới còn giúp làm thẩm mỹ cho những người bị dãn da do "béo bụng", nghĩa là sau khi phẫu thuật, bệnh nhân không chỉ có bộ ngực đầy đặn như cũ mà còn có cả... "eo thon".

Không những thế, nhờ kỹ thuật vi phẫu, các bác sĩ lấy tổ chức có mạch máu ở vùng bụng đưa lên để tái tạo ngực. Nó có khả năng chịu được tia xạ, hóa chất trong những đợt điều trị ung thư tiếp theo.

Việc tạo hình đồng thời với cắt bỏ khối u vú sẽ cho phép bác sĩ xác định đúng điểm không có tế bào ung thư để ghép vạt tổ chức mới trong quá trình sinh thiết. Nhờ đó, bệnh nhân không phải tái khám và làm xét nghiệm nhiều lần như các trường hợp việc tạo hình sau khi cắt bỏ.

Và một ưu điểm lớn của phương pháp tạo hình vú và cắt bỏ khối u trong cùng một lần mổ là tránh được cú sốc tâm lý cho người bệnh (đặc biệt là phụ nữ trẻ) do mất đi bộ phận đặc trưng giới tính.

Cho tôi xem những bức ảnh chụp lại phần tái tạo, Tiến sĩ Sơn nói vui đây là ảnh chụp ngay sau khi phẫu thuật nên nhìn nó còn xù xì chứ sau 3 tháng nữa, chúng tôi sẽ tiến hành làm thẩm mỹ cho bệnh nhân, lúc ấy đảm bảo "của nhân tạo" cũng đẹp không kém gì tự nhiên đâu. 

Vì vậy, là người trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân đặc biệt này, lời khuyên của bác sĩ là những chị em khi lỡ mắc bệnh ung thư vú, hãy sớm nhất tìm đến bác sĩ để có phương pháp chữa tốt nhất, và nếu không may có phải cắt đi một phần cơ thể thì với kỹ thuật ngày nay sẽ nhanh chóng có lại phần đã mất

Nguyễn Thiêm
.
.