Biên niên sử cho người yêu điện ảnh Việt
- Nhìn lại lịch sử điện ảnh Việt qua “101 bộ phim Việt Nam hay nhất”
- Điện ảnh Việt cuối năm 2018: Đợi chờ “bom tấn”
Xuất phát của một ý tưởng
Phim nội địa bây giờ ra rạp rất nhiều, một năm có tới 50 phim. NSND Thế Anh cho rằng điện ảnh nước nhà đã có những bước tiến dài và nỗ lực rất lớn để định vị bản sắc. Tính từ bộ phim “Chung một dòng sông” của hai đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi, Phạm Hiếu Dân sản xuất năm 1959 cho đến “Song Lang” của đạo diễn Leon Quang Lê ra mắt tháng 8-2018, điện ảnh nước nhà đã có trên dưới 1.000 bộ phim. Thế nhưng để biết đâu là tác phẩm hay trong suốt chiều dài lịch sử đó là điều không dễ với nhiều khán giả.
Bìa sách “101 bộ phim Việt Nam hay nhất”. |
Phần lớn khán giả vẫn chỉ ấn tượng với những bộ phim hời hợt, thảm họa. Bởi điện ảnh Việt có quá nhiều phim dở, cũ, làm quá ẩu, ước lệ, đặc biệt là thời kỳ phim “mì ăn liền” đầu thập niên 90 và những bộ phim thuộc diện chiếu báo cáo xong cất vào trong kho của điện ảnh nhà nước. Còn bây giờ, sai lầm mà phim Việt mắc phải chính là những bộ phim ăn theo, bắt chước nước ngoài hoặc đi theo dòng hài nhảm, ngôn tình hời hợt.
Những bộ phim theo đuổi đề tài khó như tâm lý, hành động, kinh dị, trinh thám, viễn tưởng, siêu nhiên… đa phần làm chưa tới, lỏng lẻo về kịch bản và sơ sài về kỹ xảo. Số phim hay lại khá khiêm tốn nên về lâu về dài, khán giả mặc định phim Việt chỉ có “từ dở đến thảm họa”. Ngay cả những người có học vấn cao và gu văn hóa trên trung bình cũng mang nặng định kiến ấy. Theo nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm, định kiến ấy thể hiện sự nông cạn và thô bạo chẳng khác gì “hễ đã đi tù một lần thì không bao giờ là người lương thiện”.
Phần nữa, trong khi các nền điện ảnh trên thế giới có vô số cuốn sách vừa mang tính hàn lâm vừa mang tính giải trí giới thiệu tường tận những bộ phim đáng xem của họ thì Tủ sách Điện ảnh Việt Nam khá thiếu tư liệu. Sách tập hợp và giới thiệu có hệ thống các bộ phim từ thập niên 50 cho đến nay gần như không có. Vì vậy, Lê Hồng Lâm muốn làm một điều gì đó để xóa bỏ định kiến khắc nghiệt của khán giả với phim Việt, đồng thời truyền tình yêu điện ảnh đến họ, giúp họ tiếp cận và thưởng thức những bộ phim tuyệt vời của lịch sử điện ảnh nước nhà. Và “101 bộ phim Việt Nam hay nhất” là một dự án tâm huyết như thế.
Từ tình yêu điện ảnh
Tình yêu điện ảnh thấm đẫm từ thuở bé thơ khiến Lê Hồng Lâm không thể làm ngơ trước sự quay lưng của phần lớn khán giả với phim Việt. Ngày còn là cậu bé 10 tuổi, phim ảnh đến với Lâm lần đầu bằng những buổi chiếu bóng lưu động ngoài trời. Mỗi lần đoàn chiếu đến là cả một sự kiện lớn khiến làng trên xóm dưới nô nức. Phim chiếu đen trắng, buổi chiếu lắm khi bị gián đoạn vì điều kiện lúc đó còn quá khó khăn hoặc cuốn phim tiếp theo chưa về kịp. Thế giới điện ảnh hút hồn Lâm. Những bộ phim như “Ván bài lật ngửa”, “Biệt động Sài Gòn”… đi sâu vào tâm trí cậu.
“Kiếp hoa” (sản xuất năm 1953) là bộ phim đầu tiên trong danh sách 101 bộ phim Việt Nam hay nhất. |
Cậu nhớ như in cảm giác háo hức mỗi lần bước vào rạp chiếu phim lưu động, nghe tiếng máy chạy rè rè và một luồng sáng với những hình ảnh kỳ diệu hiện lên trên màn ảnh, kể cho cậu bản anh hùng ca bất tận của con người Việt Nam trong cuộc chiến giữ nước. Về nhà, Lâm rủ lũ trẻ vào vai những nhân vật trên phim và diễn lại các trích đoạn ưa thích. Này là Thiếu tá Nguyễn Thành Luân, Lý Kai… trong “Ván bài lật ngửa”; này là Tư Chung, ni cô Huyền Trang, Sáu Tâm… trong “Biệt động Sài Gòn”; này là con Bé chững chạc, con Anh ngây ngô, thằng Hiển ngọng nghịu… trong “Mẹ vắng nhà”… Chúng diễn say sưa, hồn nhiên hóa vai với mộng tưởng minh tinh màn bạc.
Sau này làm nhà báo rồi trở thành nhà phê bình điện ảnh, dù được xem hàng trăm siêu phẩm của thế giới, choáng ngợp trước thủ pháp điện ảnh hay nghệ thuật kể chuyện của các đạo diễn bậc thầy nhưng với Lê Hồng Lâm, phim Việt luôn có một chỗ đứng thân thương như ký ức bé thơ năm nào. “Bởi có lẽ ở đó, tôi được sống với những tâm hồn Việt Nam; được tắm trong ngôn ngữ tiếng Việt nhuần nhị; được chiêm ngưỡng cảnh đẹp Việt Nam qua các vùng miền, và được chứng kiến cảnh đời cay đắng, nhọc nhằn, gian khó nhưng vẫn tràn đầy sức sống của người Việt Nam qua các thời kỳ khác nhau” – anh giãi bày.
Tuy tỉ lệ không nhiều nhưng không chỉ trước đây mà ngay cả bây giờ, điện ảnh Việt luôn sở hữu không ít phim đáng xem. Tỉ lệ phim hay hiện nay chiếm khoảng 20% trên tổng số phim được sản xuất mỗi năm. Ngoài các bộ phim kinh điển, có thể kể đến những tác phẩm đã để lại ấn tượng với khán giả trong những năm qua như: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”; “Âm mưu giày gót nhọn”; “Em là bà nội của anh”…
Vì sao lại 101?
Ngay khi đưa ý tưởng dự án “101 bộ phim Việt Nam hay nhất” lên trang cá nhân cách đây 3 năm, nhà phê bình Lê Hồng Lâm đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của giới chuyên môn, người yêu điện ảnh. Dự án được hình thành dựa trên việc góp vốn, gây quỹ của cộng đồng.
Lê Hồng Lâm cho biết, chọn 101 bộ phim hay nhất trong hơn 1.000 bộ phim không phải là điều dễ dàng. Ba năm trời, anh phải kiên nhẫn xem lại và chọn lọc phim hay theo từng năm. Lúc đầu Lê Hồng Lâm dự định lấy 100 bộ phim cho đẹp. “Thế nhưng, con số 100 có vẻ như đóng lại và quá trọn vẹn trong khi danh sách phim hay chắc chắn không dừng lại ở con số ấy. Tôi thay bằng 101 vì nó là con số mở - một sự tiếp nối để mọi người tự thêm tiếp những bộ phim hay” – anh giải thích.
Sách “101 bộ phim Việt Nam hay nhất” tập hợp 101 bộ phim điện ảnh (cả phim truyện lẫn phim tài liệu) được sản xuất từ năm 1953 đến năm 2018, trải qua nhiều thời kỳ: từ các bộ phim kinh điển thuở bình minh của điện ảnh cách mạng như “Chung một dòng sông”; “Cánh đồng hoang”; “Mẹ vắng nhà”; “Con chim vành khuyên”; “Chị Tư Hậu”… đến dòng phim của chế độ Sài Gòn trước 1975 như “Chiếc bóng bên đường”; “Tứ quái Sài Gòn”; “Người tình không chân dung”…; từ phim về đề tài hậu chiến như: “Mùa ổi”; “Đời cát”; “Người đàn bà mộng du”… đến phim “mì ăn liền” như “Vị đắng tình yêu”; “Những cô gái chân dài”… ; từ phim nghệ thuật, phim độc lập như “Mùi đu đủ xanh”; “Xích lô”; “Mùa len trâu”; “Đập cánh giữa không trung”… đến phim thị trường của thế hệ làn gió mới như: “Scandal: Bí mật thảm đỏ”; “Thần tượng”; “Âm mưu giày gót nhọn”…
Đặc biệt, nhiều bộ phim khá xa lạ với thế hệ bây giờ cũng được giới thiệu một cách đầy đủ, chi tiết như phim “Kiếp hoa”; “Chuyến xe bão táp”… Ngoài ra, nhiều hình ảnh, áp phích vẽ tay ít xuất hiện của các bộ phim kinh điển cũng được giới thiệu đến công chúng.
Trong số 101 bộ phim này, anh đặc biệt ấn tượng với “Kiếp hoa” của Hãng phim Kim Chung. Đây cũng là bộ phim đầu tiên anh đưa vào cuốn sách. Sản xuất năm 1953 trong thời điểm điện ảnh còn sơ khai, “Kiếp hoa” đã dài tới 106 phút. Nội dung phim đi theo mô típ “tình chị duyên em”. Dù còn nhiều hơi hướng của lối diễn xuất ước lệ sân khấu do dàn diễn viên chính đều là nghệ sĩ cải lương, nhưng phim lại có bố cục, cấu tứ chặt chẽ, kịch bản có nhiều thắt mở nút, tạo cao trào, kịch tính. Ra đời đã khá lâu, nhưng “Kiếp hoa” vẫn gây ngạc nhiên cho người xem đương thời vì cách dàn dựng chuyên nghiệp và đặc biệt là không khí thanh lịch, trang nhã của người Hà Nội một thời. Trong phim, ca khúc “Dư âm” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được cất lên đầy quyến rũ, mê đắm.
Là một dự án cá nhân, các tiêu chí đánh giá phim dựa vào thang điểm chủ quan qua kiến thức tác giả tích lũy, chắt lọc từ quá trình hơn 20 năm làm nghề. Với cái nhìn sắc sảo của một nhà phê bình, Lê Hồng Lâm không chỉ giới thiệu sơ lược về nội dung, năm sản xuất, đạo diễn, quay phim, dàn diễn viên chính và những giải thưởng mà bộ phim đạt được (nếu có), mà còn đưa ra những nhận định thú vị về ưu – nhược điểm của tác phẩm. Bối cảnh ra đời của các bộ phim, đặc biệt là những bộ phim ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh đầy nguy hiểm khó khăn như “Em bé Hà Nội”; “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”… được Lê Hồng Lâm nhắc lại gây xúc động cho độc giả.
NSƯT Hồng Ánh cho rằng cuốn sách là biên niên sử điểm lại mốc son rực rỡ của điện ảnh Việt. “Là người hoạt động trong giới, đôi khi tôi cũng lúng túng khi phải giới thiệu một cách có hệ thống các bộ phim đáng xem cho những ai quan tâm. Và quả thật, cũng có những bộ phim hay mà mình chưa từng xem bao giờ. Cuốn sách của Lê Hồng Lâm không chỉ là ấn phẩm quý bổ sung vào Tủ sách Điện ảnh Việt Nam vốn quá hiếm tư liệu, đây còn là một công trình công phu nhằm tôn vinh những tài năng điện ảnh, những bộ phim hay đang dần bị lãng quên” – chị nhấn mạnh.
Chân dung con người Việt Nam qua phim
Lê Hồng Lâm gần như không có thành kiến với bất cứ dòng phim nào, bởi dòng phim nào cũng có những tác phẩm tinh hoa của nó. Miễn sao đó là những bộ phim hoàn chỉnh về mặt ngôn ngữ điện ảnh và nghệ thuật kể chuyện, lột tả được vẻ đẹp tâm hồn Việt Nam. Chẳng hạn, một số phim thuộc dòng giải trí nhưng được thực hiện chỉn chu và mang một vài thông điệp tích cực nào đó về cuộc sống và con người đương đại Việt Nam.
Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm. |
Thông qua dự án được đầu tư công phu này, khán giả có dịp nhìn lại chân dung con người Việt Nam qua từng thời kỳ khác nhau được phác thảo bằng ngôn ngữ nghệ thuật thứ bảy. Ở đó có những biến động và bình lặng, những chia cắt và hòa hợp, vết thương và hàn gắn, khổ đau và hạnh phúc, tan vỡ và hồi sinh, nước mắt và nụ cười, ra đi và trở về... của con người Việt Nam trong gần một thế kỷ qua. Ở đó, ta thấy được chân dung của những người phụ nữ, những người đàn ông, những đứa trẻ Việt Nam đôn hậu, dù có vùi lấp trong bùn lầy, tăm tối, ánh mắt họ vẫn ánh lên niềm hy vọng vô bờ bến. Theo Lê Hồng Lâm, đó chính là bản sắc của phim Việt.
Theo dõi điện ảnh Việt Nam trong một thời gian dài, Lê Hồng Lâm nhận thấy gần như không có giai đoạn nào điện ảnh nước nhà thực sự phát triển rực rỡ cả. Nhưng không vì thế mà ta vội bi quan cho tương lai của điện ảnh Việt. Bởi thời nào cũng vậy, giữa hàng loạt những bộ phim tầm thường, vẫn có những bộ phim khiến ta lay động và có niềm tin rằng, những tài năng của điện ảnh Việt Nam dù ít, nhưng luôn luôn tồn tại. Đặc biệt, trong thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế, những gương mặt điện ảnh mới mẻ đang tìm cách bứt phá, khẳng định chính mình và đưa bản sắc điện ảnh Việt bung tỏa ra năm châu.
“Những bộ phim đặc sắc ấy là những giá trị tinh thần, những cái đẹp mà một số người Việt, bất chấp những khó khăn và câu thúc của hoàn cảnh khách quan, đã có thể làm ra với toàn bộ tâm huyết và lòng dũng cảm. Hiểu và yêu phim Việt cũng giống như hiểu và yêu một người không phải vì người đó vốn dĩ đã hoàn hảo, mà vì người đó đã nỗ lực đạt gần tới chỗ hoàn hảo trong khả năng có thể, và mang tiềm năng cho sự hoàn hảo trong tương lai. Để mỗi lần thưởng thức một bộ phim hay của điện ảnh Việt Nam, chúng ta được sống, được đắm chìm với tâm hồn và ngôn ngữ của người Việt Nam” – Lê Hồng Lâm gửi gắm.