Biết sống là cho

Thứ Năm, 13/03/2014, 16:50

LTS: Tôi may mắn được không chỉ một lần hầu chuyện bà Vũ Thị Thanh, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, phu nhân của nhà thơ Tố Hữu cùng những người thân trong gia đình nhà thơ lớn này. Và tôi cũng đã từng là một trong những độc giả đầu tiên Được đọc bản thảo hồi ức mà bà Vũ Thị Thanh viết về người chồng yêu kính của mình… Một tác phẩm rất có giá trị!
Mới đây, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội đã quyết định đặt tên của nhà thơ Tố Hữu cho một đường phố ở thủ đô. Như một sự chia sẻ với tin vui này, xin được trích giới thiệu một phần nhỏ trong tập hồi ức của bà Vũ Thị Thanh về nhà thơ Tố Hữu. (HTQ)

...Năm 1986, không tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng,  anh nhận làm Trưởng ban Nghiên cứu chiến lược kinh tế - xã hội của Đảng và Chính phủ. Năm 1988, tôi cũng nghỉ hưu, không làm việc ở Ban Văn hóa - Tư tưởng nữa. Đồng chí Nguyễn Đình Hương, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng yêu cầu tôi về làm trợ lý cho anh, thay đồng chí thư ký cũ đã già yếu.

Như vậy là anh nghỉ công tác quản lý từ năm 66 tuổi. Thật ra, tôi cảm thấy anh còn trẻ lắm. Hơn nữa quan niệm sống để cống hiến, sống lạc quan, làm cho anh càng trẻ. Anh vẫn giữ một trí óc minh mẫn, một sức lực, một tâm huyết dồi dào cho những cải cách muốn làm và đang làm dở dang. Còn biết bao nhiêu những trải nghiệm trong việc tìm tòi thể nghiệm, nhất là của những năm cuối, khi anh giữ trách nhiệm Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng. Tôi biết anh có băn khoăn, day dứt.

Năm 1998 anh ghi trong nhật ký:

"Đời không có mục đích
Như cái xác không hồn
Sống mà không có ích
Khác nào chết chưa chôn".

Mười sáu năm cuối đời tuy không trực tiếp điều hành công việc cụ thể nhưng tôi thấy anh vẫn không hề nghỉ ngơi. Với cương vị Trưởng ban Chiến lược kinh tế - xã hội của Đảng, anh vẫn đều đặn tham gia ý kiến vào những văn bản mà Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Chính phủ gửi cho anh. Anh thường xuyên gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo phát biểu ý kiến của mình. Anh rất quan tâm tới các cơ sở giỏi về quản lý hoặc giỏi về kỹ thuật để học hỏi kinh nghiệm, tổng kết, rồi báo cáo với cơ quan có trách nhiệm hoặc truyền bá cho nơi khác.

Nhật ký năm 1999 có mấy câu:

"Ta đã sống, hiểu thế nào là sống
Hãy đi tới tự cánh mình bay bổng
Đừng chỉ biết mình, hãy biết sống là cho".

Hiện vật trưng bày trong nhà lưu niệm nhà thơ Tố Hữu. Ảnh: Minh Trí.

Tôi hiểu sống hay chết đối với anh là để phụng sự lý tưởng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đến phút cuối cùng anh vẫn yêu cuộc sống, cố gắng làm một cái gì đó cho đời, cho dân, cho nước.

Anh thường bộc bạch với tôi:

- "Anh không có gì để lại. Chỉ mấy dòng thơ là tâm huyết của anh được hiến dâng và mong muốn bạn bè đồng chí cùng anh phục vụ cho dân cho nước, đừng hờ hững để nước chảy bèo trôi mà không làm gì có ích. Và anh biết thơ anh, cũng như tấm lòng anh, chỉ những người bạn đường, những quần chúng cách mạng yêu thích. Ai ngược dòng lý tưởng, nhất là kẻ địch, thì không thể đồng tình".

Và suốt đời anh đã sống, như câu thơ của anh:

"Không làm nên núi thì nên đá
Lót dặm đường đi đỡ bụi lầm".

"Vui nhất là những con người trong sạch
Tài sản lớn nhất là cuộc đời thanh bạch".

Khi anh Tố Hữu mới nghỉ công tác quản lý (vào khoảng những năm 1987-1989), tuy vẫn miệt mài làm việc, không chịu nổi một phút an nhàn, nhưng không phải anh không có những lúc ưu tư. Tôi biết tình trạng này không tốt cho sức khỏe của anh. Tôi suy tính phải làm gì đây để cho anh sống vui và thỏa mãn được ước nguyện.

Ngoài việc tổ chức những chuyến đi địa phương cho anh, tôi đề nghị anh dịch thơ, một sở trường của anh và cũng là một trong những việc anh muốn làm từ lâu. Anh tiếp tục dịch các tác giả mà anh yêu thích: Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Verlaine, Beaudelaire, Aragon, Alfred De Musset, Nazim Hitmet, Mustai Karim, Chitpatchev, Simonov… Đặc biệt, nhờ những bản lược dịch Hán - Nôm của Cao Bá Quát do Trung Tâm Quốc học gửi tặng, anh dịch khá nhiều thơ của ông.

Sống bên anh gần 60 năm, tôi cảm nhận được tấm lòng rất trọng nghĩa tình của anh. Anh luôn tìm dịp để được đi thăm lại những nơi, những người đã để lại những kỷ niệm sâu sắc trong anh. Nhất là những năm cuối đời, anh càng cố gắng đi nhiều hơn. Mặc dù những năm 2000- 2001 sức anh đã yếu nhiều, đi lại khó khăn do di chứng của bệnh loãng xương, nhưng anh vẫn tha thiết muốn cùng tôi tổ chức một chuyến đi xuyên Việt.

Ý nguyện ấy của anh may sao cũng trùng khớp với hoàn cảnh khách quan. Năm 2000, Tỉnh ủy Quảng Nam và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, mời anh về dự kỷ niệm 25 năm Giải phóng miền Nam. Vậy là anh cùng tôi lại có dịp đi gần hết dọc các tỉnh khu Bốn, khu Năm bằng ôtô. Từ Hà Nội chúng tôi đi thẳng vào Đà Nẵng. Ở đây, sau khi dự mít tinh kỷ niệm 25 năm Giải phóng miền Nam và dự khánh thành cầu treo sông Hàn, anh đưa tôi đi thăm Trường Trần Quốc Toản, trường học đầu tiên của anh. Trường vẫn giữ vẻ xưa nên đến nơi anh nhận ra ngay.--PageBreak--

Kỷ niệm đậm nhất với ngôi trường đầu tiên này là niềm vui của cậu bé con nhà nghèo mơ đến trường để được mặc bộ đồng phục áo trắng, quần cụt xanh mà ngày thường không có. Anh kể: Một hôm, đang buổi học thì lính ập tới, bắt thầy giáo Ước - người Nghệ An, đang dạy lớp anh. Dẫn thầy đi rồi, chúng vẫn nhốt cả lớp không cho về. Chiều đến, mạ anh mới biết tin mà tới lớp đón anh về. Tối đó nằm trong lòng mạ:

"…Con nằm bên mẹ ấm tròn lưng
Ngoài hiên nghe tiếng giày đi lỏn
Mẹ bấm con im: Chúng nó lung...".
(Quê mẹ)

Lần đầu tiên đầu óc non trẻ của anh biết Cộng sản qua người thầy yêu quý.   

Rời Đã Nẵng, chúng tôi về lại Hội An, nơi anh sinh ra và sống những năm đầu tuổi thơ. Anh dắt tôi đi và kể kỹ từng nơi anh đã qua. Chúng tôi tìm lại được nơi anh cùng gia đình đã ở ngày xưa, mà nay chỉ còn lại cái giếng trong vườn. Căn nhà chủ đã phá bỏ vì quá cũ nát. Anh ngồi lâu bên bờ giếng, mắt đỏ hoe, tần ngần không muốn rời. Chính đó là nơi mạ anh đã ra đi đột ngột vì nhiễm cảm do tắm lạnh ban đêm. Chưa đầy 12 tuổi anh đã mất mẹ. Nỗi nhớ thương mẹ luôn theo anh suốt cuộc đời.

Trở lại đây, những kỷ niệm vui ít buồn nhiều của thời thơ ấu lại ùa về. Cảnh người cha là công chức nhỏ, bằng đồng lương nghèo mà phải nuôi cả nhà. Chưa đến kỳ lương con nợ đã kéo tới đòi gắt khiến cụ lúc nào cũng buồn bã đăm chiêu. Cảnh bà mẹ, vốn con ông đồ nho, mà nay đầu tắt mặt tối lo đi cấy thuê kiếm thêm để phụ chồng nuôi năm đứa con. Nhà đã nghèo vậy mà ông bà vẫn cố gắng cho các con ăn học, trừ người chị thứ hai và một người anh vốn bị khiếm thính từ nhỏ.

Đến Hội An, anh nhất định muốn "đãi" tôi một tô mỳ Quảng. Trong ký ức của anh hồi nhỏ, tô mì đó ngon lắm, nhưng hiếm khi anh được ăn vì nhà không có tiền.

Trong nhà lưu niệm nhà thơ Tố Hữu. Ảnh: Minh Trí.

Từ Hội An, anh dẫn tôi về lại làng Rô. Làng Rô có một vị trí đặc biệt trong tình cảm không những của anh mà còn của cả gia đình chúng tôi. Năm 1942, khi anh và anh Huỳnh Ngọc Huệ vượt ngục, sau hơn 10 ngày chui rừng lội suối, thực phẩm không còn, sức khỏe kiệt quệ, hai anh đã vào làng nghỉ tạm để lấy sức đi tiếp về. Dù biết các anh là tù cộng sản chạy trốn, vì địch đang đuổi theo và sức giấy truy nã khắp cả vùng, nhưng dân làng vẫn im lặng cưu mang hai anh.

Hôm sau ông Đễ - già làng cho người dẫn đường hai anh ra khỏi rừng để về xuôi. Các anh đi rồi, sau đó ít lâu làng bẫy được một con voi, lấy đôi ngà cất đi chờ hai anh cộng sản về để cho. Dù dân làng rất đói, ai hỏi mua cũng không bán đôi ngà voi đó. Ông Đễ trước khi mất còn dặn lại: "Cất đi, thế nào hai anh cũng trở lại".  Dân làng tin tưởng như vậy nên đã giữ đôi ngà voi nhỏ trên gác bếp hơn 30 năm.

Năm 1973, khi đi qua Tây Nguyên, nhờ Tỉnh ủy Quảng Nam anh đã tìm được và gặp lại làng Rô. Làng Rô lúc đó rất đói khổ. Anh đã đề nghị bộ đội giúp cho một ít gạo, muối và nhường lại một khu doanh trại tranh tre cũ để đồng bào định cư sản xuất. Gặp lại anh, đồng bào mang đôi ngà voi xuống trao lại. Khi đó đôi ngà đã bị chuột gặm khá nhiều, chỉ còn một đoạn đầu nhọn cứng dài khoảng 30cm. Nghe câu chuyện cảm động, các đồng chí bộ đội hậu cần (cùng anh về thăm làng năm 1973) đã đem cặp ngà voi chế tác thành một vật lưu niệm đẹp mà gia đình chúng tôi trưng bày ở phòng khách.

Năm 2002, khi cả mấy mẹ con bỏ nhà tám tháng, vào Bệnh viện 108 săn sóc anh thì kẻ trộm đột nhập vào nhà. Chúng lục soát từ 2 giờ đến 4 giờ sáng mà không thấy gì đáng giá. Bọn trộm chỉ mang đi cặp ngà voi. Vật mất không lớn, nhưng quý trọng tấm lòng của quần chúng cách mạng nên các đồng chí Công an quận Ba Đình đã lặn lội vào Vân Đình, tỉnh Hà Tây tìm lại được sau 9 ngày phá án.

Lần này tôi được cùng anh về thăm làng Rô. Bà con vô cùng phấn khởi chạy ùa ra reo hò "Bác Tố Hữu đã về". Anh bế các cháu mà rưng rưng nước mắt vì nhiều cháu chỉ có cái áo cũ rách, quần không có. Người lớn cơm không đủ no, gầy guộc. Vậy mà lúc sắp ra về, đồng bào còn xách theo cho chúng tôi một túm ngô đã treo lâu ở gác bếp, một túm thuốc lá và một buồng chuối. Cả làng đưa tiễn chúng tôi một đoạn đường dài. Bịn rịn mãi rồi cũng phải chia tay…

V.T.T. (ANTG Xuân Giáp Ngọ)
.
.