Bỏ xếp loại văn bằng tốt nghiệp: Cào bằng và mặt bằng

Thứ Sáu, 18/10/2019, 15:13
Mới đây, khi Dự thảo “Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đào tạo” được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, câu chuyện về bằng cấp lại nóng lên, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Theo Dự thảo thông tư này, mẫu văn bằng mới so với mẫu văn bằng giáo dục đại học hiện hành sẽ giảm 2 mục: không ghi loại hình đào tạo (chính quy, tại chức, liên thông, từ xa) và không ghi xếp loại (xuất sắc, giỏi, khá, trung bình) trên bằng tốt nghiệp. Sự thay đổi này phá vỡ thói quen chỉ căn cứ vào bằng tốt nghiệp đại học khi đánh giá năng lực của người học, vì vậy đã tạo ra những ý kiến trái chiều...

Lãnh đạo thành phố Hà Nội vinh danh các thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học, học viện.

Cào bằng năng lực?

Chuyện cấp bằng bỏ ghi xếp loại hiện đang là chủ đề bàn luận sôi nổi ở các trường đại học trong những ngày qua. Không ít sinh viên có sức học tốt, có mục tiêu phấn đấu rõ ràng cho rằng việc bỏ ghi xếp loại trên bằng sẽ không thể hiện được năng lực học tập của họ.

Bạn Trần Thị Mến - sinh viên năm cuối của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc bỏ xếp loại trên bằng đại học là không công bằng. Bởi khi đó, nhìn vào bằng tốt nghiệp sẽ chỉ biết sinh viên tốt nghiệp ngành gì mà không đánh giá được nỗ lực cũng như học lực của cả quá trình của sinh viên. Tuy nhiên, cũng lại có ý kiến cho rằng điểm số chưa phải là tất cả!

Không chỉ các bạn sinh viên mà các giảng viên đại học cũng có nhiều trăn trở trước dự thảo này. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên An ninh thế giới, cô Vũ Thị Hồng Nga - giảng viên Học viện Bưu chính viễn thông cho rằng, việc cấp bằng “hàng loạt” sẽ giảm mục tiêu phấn đấu và tinh thần học tập của các em sinh viên. Khi đó, sẽ thiếu đi những hạt nhân nổi trội, tinh thần tiếp thu bài giảng và sự thể hiện năng lực của sinh viên sẽ yếu đi vì các em mang sẵn tâm lý “bằng cấp như nhau”.

Không thể phủ nhận là hiện nay bằng đại học tuy không phải là căn cứ duy nhất nhưng là yếu tố quan trọng hàng đầu khi đánh giá năng lực của người học. Hằng năm, những thủ khoa tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc của các trường đại học, học viện vẫn được vinh danh và được các cơ sở tuyển dụng săn đón, “trải thảm đỏ” mời về làm việc. Điều đó cho thấy, việc xếp loại bằng tốt nghiệp là hình thức các cơ sở đào tạo công nhận sức phấn đấu, nỗ lực của sinh viên, đồng thời là chỉ dấu cho nhà tuyển dụng khi đi tìm nhân lực.

Qua thực tế giảng dạy, PGS.TS Trịnh Thị Lan - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, nhà tuyển dụng vẫn nên dựa vào xếp loại tốt nghiệp như là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực người ứng tuyển. Bởi việc xếp loại này có tác dụng lớn trong việc khích lệ người học.

Để có được tấm bằng loại xuất sắc, loại giỏi thì trong suốt quá trình học đại học, sinh viên phải luôn nỗ lực phấn đấu, từ việc học tập, nghiên cứu khoa học cũng như các hoạt động vì cộng đồng do nhà trường phát động. Quá trình phấn đấu đó giúp nâng cao chất lượng sinh viên ở đầu ra, đáp ứng được yêu cầu về nhân lực của nhà tuyển dụng.

Việc bỏ xếp loại trên bằng đại học đang tạo ra những ý kiến trái chiều.

Trước những ý kiến lo ngại về việc bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp có thể sẽ dẫn đến “cào bằng” về năng lực, PGS. TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục - Đào tạo khẳng định rằng việc xếp loại tốt nghiệp vẫn sẽ được thực hiện. Điểm mới ở đây là chuyển các thông tin xếp loại từ việc ghi trên bằng sang ghi trên phụ lục văn bằng.

Thông tin ở phụ lục văn bằng sẽ đầy đủ, chi tiết hơn về toàn bộ quá trình học tập của sinh viên trong trường đại học. Khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên được cấp đồng thời bằng tốt nghiệp và phụ lục văn bằng và sẽ phải nộp cả hai loại giấy tờ trên cho nhà tuyển dụng. Vì vậy không có chuyện “cào bằng” và làm giảm động lực học tập của người học.

Ông Mai Văn Trinh cũng cho biết trong quá trình xây dựng dự thảo thông tư này, ban soạn thảo đã tham khảo văn bằng của hơn 20 quốc gia và thấy rằng việc cấp văn bằng cùng với phụ lục văn bằng là xu hướng của thế giới, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... Do vậy, quy định như trong dự thảo thông tư sẽ tạo điều kiện để giáo dục đại học Việt Nam hội nhập với giáo dục đại học của các nước.

Ví dụ, bằng tốt nghiệp ở Mỹ chỉ ghi thông tin người học đã được hội đồng giáo dục của nhà trường công nhận là cử nhân và ngành học cụ thể. Còn kết quả cụ thể trong suốt quá trình học được thể hiện chi tiết ở một văn bản khác đi kèm văn bằng.

Ở Úc mỗi trường có một cách ghi bằng tốt nghiệp khác nhau nhưng nhìn chung đều đơn giản. Cụ thể, bằng cử nhân của Đại học New South Wales chỉ ghi tên sinh viên đã được hội đồng công nhận là cử nhân kèm theo ngành học.

Như vậy, trước những thay đổi về thông tin trên bằng cấp, nhà tuyển dụng cần có cách thức tuyển nhân sự chặt chẽ và toàn diện. Thay vì chỉ xem xét bằng tốt nghiệp thì phải xét cả phụ lục văn bằng để đảm bảo quyền lợi cho người ứng tuyển. Trong thực tế, việc xem xét bằng và phụ lục văn bằng vẫn là chưa đủ mà phải đánh giá nhân sự qua phỏng vấn và giai đoạn thử việc. Vì giai đoạn làm việc ngoài thực tế sẽ khác với giai đoạn học tập ở trường đại học.

Một sinh viên tốt nghiệp loại giỏi chưa chắc đã có năng lực làm việc tốt, đáp ứng được yêu cầu công việc khi ra trường. Ngược lại, không thể áp đặt rằng một sinh viên tốt nghiệp loại khá hay trung bình có năng lực làm việc kém hơn sinh viên được loại giỏi.

Hiện nay, nhiều đơn vị tuyển dụng nhân sự theo hướng xem xét nhân sự qua công việc thực tế, xem người đó đáp ứng được vị trí công việc cụ thể của đơn vị hay không. Khi đó, việc xếp loại trên bằng chỉ là kênh thông tin mang tính tham khảo. Chị Phạm Thị Tươi - Trưởng phòng nhân sự của Công ty Jabil Việt Nam, thuộc Tập đoàn Azbil Nhật Bản cho biết trong quy trình tuyển dụng của Tập đoàn, thông tin về ngành học được quan tâm hàng đầu, sau đó sẽ tiến hành phỏng vấn trực tiếp.

Mặt khác, trên CV (viết tắt của từ Curriculum Vitae - bản tóm tắt những thông tin chi tiết về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng công việc dùng khi ứng tuyển và xin việc) của người ứng tuyển đã ghi đầy đủ những hoạt động, thư giới thiệu. Khi đã qua vòng phỏng vấn, đến vòng thử việc thì Tập đoàn mới xem xét đến bằng tốt nghiệp đại học.

Quy trình tuyển dụng này cho thấy bằng cấp không phải là yếu tố tiên quyết mà quan trọng hơn chính là năng lực, thái độ trong thực tế có đáp ứng được yêu cầu của công việc hay không.

Mặt bằng giáo dục và điều kiện đi kèm

Nếu như việc bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp theo cách trên sẽ không dẫn tới việc cào bằng năng lực của sinh viên thì xem ra việc bỏ thông tin về hình thức đào tạo trên bằng trong điều kiện thực tế ở nước ta chưa thực sự tạo nên mặt bằng giáo dục.

Việc bỏ thông tin về hình thức đào tạo trên bằng tốt nghiệp đại học là đi theo thông lệ quốc tế, tinh thần chung là sẽ khuyến khích tinh thần học tập suốt đời. Tùy theo từng độ tuổi, điều kiện cá nhân mà người học sẽ theo học các hình thức phù hợp để nâng cao trình độ bản thân, thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động.

PGS. TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục - Đào tạo khẳng định thông tin xếp loại tốt nghiệp đại học được ghi trên phụ lục văn bằng.

Tuy nhiên, để thực sự tạo được mặt bằng giáo dục, tức là chất lượng giáo dục giữa các hình thức đào tạo là tương đương nhau thì cần có những điều kiện đảm bảo đi kèm. Bởi thực tế ở nước ta, chất lượng đào tạo giữa các loại hình chính quy, tại chức, liên thông, từ xa còn nhiều bất cập.

Tiêu chí đánh giá đối với mỗi hình thức đào tạo này vẫn có độ “vênh”, dẫn đến chất lượng đầu ra không giống nhau. Khi đó giá trị văn bằng ở mỗi hình thức đào tạo cũng sẽ không giống nhau, hay nói cách khác, chưa thể tạo ra mặt bằng giáo dục một cách thực chất, sẽ gây khó khăn cho nhà tuyển dụng.

Theo bà Phạm Thu Hòa - chuyên viên một công ty về nhân sự tại Hà Nội thì các doanh nghiệp hiện nay để tuyển được nhân sự có trình độ vẫn ưu tiên những người ứng tuyển được đào tạo chính quy. Còn TS. Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thì cho rằng “để không phân biệt bằng chính quy hay tại chức, các hình thức đào tạo phải đảm bảo điều kiện cùng xuất phát từ khung trình độ quốc gia, đạt chuẩn về chất lượng”.

Các cơ sở đào tạo phải đảm bảo chất lượng đào tạo theo khung trình độ đó và phải được kiểm định bởi một tổ chức kiểm định có thẩm quyền. Khi đó mới tạo ra được mặt bằng giáo dục và việc bỏ thông tin về hình thức đào tạo trên bằng là hoàn toàn có cơ sở.

Trên thế giới, nhiều nước đã áp dụng việc cấp bằng tốt nghiệp online. Người học sau khi tốt nghiệp sẽ được cấp một đường link riêng có thể tra cứu online thông tin chi tiết quá trình học tập. Khi cần giấy tờ bằng cấp, người học đăng nhập vào tài khoản của trường, sẽ được nhà trường gửi giấy tờ chứng nhận qua email, sau đó in ra. Người học hoàn toàn có thể gửi link đó cho nhà tuyển dụng khi đi xin việc.

Nhà tuyển dụng sẽ phải căn cứ vào bằng tốt nghiệp và cả phụ lục văn bằng để tuyển dụng nhân sự.

Nhiều trường đại học ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản đều có gắn máy rút tự động. Người học chỉ việc nạp tiền, nhập mã sinh viên, là máy sẽ in ra bảng điểm, chứng nhận tốt nghiệp hoặc các giấy tờ liên quan có đóng dấu. Hình thức này không những có tính bảo mật cao mà lại hạn chế được việc làm giả giấy tờ. Ngoài ra sẽ vô cùng tiện lợi cho du học sinh khi đã về nước cần giấy tờ họ chỉ cần đăng nhập vào tài khoản của nhà trường, sẽ được gửi giấy tờ qua email.

Mô hình cấp bằng online đòi hỏi các trường phải có hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ thì mới có thể số hóa công tác này. Còn ở nước ta, vấn đề quản lý bằng cấp, hồ sơ học tập một cách chặt chẽ để đảm bảo độ tin cậy về thông tin trên hồ sơ, tránh làm giả cũng còn nhiều điều bất cập. Do đó, để tiệm cận với xu thế của nhiều nước trên thế giới, cần căn cứ vào tình hình thực tiễn trong nước để có lộ trình thay đổi phù hợp.

Huyền Châm
.
.