Bolero ồn ào trở lại: Quá mù ra mưa?

Thứ Ba, 16/12/2014, 08:55
Không lặng lẽ thu mình trong các phòng trà hay các quán cà phê bình dân nhan nhản ở các quận, huyện ngoại thành, các vùng quê, chốn thôn dã, dòng nhạc bolero vẫn được hiểu nôm na là nhạc vàng, nhạc sến ồ ạt trở lại. Sang trọng hơn với các liveshow riêng, các chương trình âm nhạc trên sân khấu lớn, bolero còn liên tục “phủ sóng” trên rất nhiều kênh truyền hình dưới nhiều hình thức, kể cả truyền hình thực tế với một “mẫu số chung”: hấp dẫn sự chú ý và tham gia của một lực lượng người yêu thích với số lượng áp đảo.

Hào quang trở lại

Lần đầu tiên, một chương trình truyền hình thực tế về bolero với tên gọi "Solo cùng bolero" được tổ chức. Do đài truyền hình địa phương (tỉnh Vĩnh Long) phối hợp với Công ty Truyền thông Khang tổ chức nhưng ngay từ phút đầu sơ tuyển, cuộc thi khiến nhiều người bất ngờ bởi số lượng thí sinh tham gia cao đến mức… quá tải. Tại TP HCM, từ rất sớm, Trung tâm Hội nghị Queen Hall ken cứng người đăng ký dự thi. Tổng kết sau vòng sơ tuyển của ban tổ chức cũng cho thấy, khoảng gần 7.000 người đã dự thi "Solo cùng bolero". Người tham gia đủ mọi thành phần, từ giáo viên, bác sĩ cho đến người chạy xe ôm, đạp xích lô, các cô, cậu học trò... Để vào được vòng bán kết, người tham gia thi phải vượt qua 233 thí sinh khác. Giữa bối cảnh truyền hình thực tế ngày càng nhạt dần, nói bolero "hâm nóng" truyền hình thực tế hẳn không  sai.

Trước "Solo cùng bolero", nhiều chuỗi chương trình ca nhạc có truyền hình trực tiếp mà trong đó bolero được tập trung khai thác nhiều cũng đã được đầu tư công phu và kỹ lưỡng: “Tình khúc vượt thời gian”, “Sol Vàng”, “Dấu ấn”... Đàm Vĩnh Hưng, sau hàng loạt các album nhạc xưa, liveshow "Thương hoài ngàn năm 1"... tiếp tục gây chú ý với quyết định làm liveshow "Thương hoài ngàn năm 2" khi thông tin sẽ kết hợp bolero với nhạc giao hưởng. Khá nhiều tên tuổi nghệ sĩ gắn liền với dòng nhạc này đã qua "một thời vang bóng" cũng từ hải ngoại trở về làm liveshow riêng, thậm chí không phải chỉ một lần...

“Ông hoàng nhạc sến” - ca sĩ Ngọc Sơn vẫn là tên tuổi được đón nhận nồng nhiệt khi xuất hiện trên sân khấu.

Còn nhớ, hơn một năm trước, bên lề một buổi hội thảo về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, ca sĩ Ánh Tuyết - bà chủ của phòng trà ATB tại TP HCM chia sẻ rằng: dòng nhạc này (bolero) sẽ không bao giờ chết được. Dù rằng có người chê "sến" nhưng với vẻ đẹp về ca từ, giai điệu, các ca khúc nhạc trữ tình thường là đề cập về tình yêu, thân phận con người mà tình yêu và thân phận con người thì thời nào cũng có, cũng cần. Tất nhiên, Ánh Tuyết không chỉ biện minh khơi khơi. Bằng cớ rõ nhất là hoạt động thường xuyên của phòng trà ATB, dẫu rằng cũng có khó khăn vào thời điểm này hay thời điểm khác. Rõ ràng hơn nữa là những đợt ATB "tiến quân" ra thủ đô Hà Nội. Lần đầu tiên, Ánh Tuyết vừa làm vừa lo khán giả không đón nhận, không ngờ vé bán ào ào. Lần thứ hai “Bắc tiến”, "bà bầu" lại lo khán giả không còn tò mò, khó bán vé. Cũng như lần trước, chương trình tiếp tục mang về doanh thu cao. Đến lúc ấy, Ánh Tuyết đã thực sự tự tin rằng dòng nhạc mình theo đuổi hoàn toàn có chỗ đứng trong lòng công chúng yêu âm nhạc. Ngoài ATB, với rất nhiều địa chỉ phòng trà nổi tiếng tại TP HCM, đây vẫn là một mảng trong rất nhiều mảng âm nhạc được khai thác và thường xuyên được thay đổi để phục vụ khách.

Để chứng minh sức sống bền bỉ và ý nghĩa của dòng nhạc này, những người làm chương trình còn kỳ công lục tìm tư liệu chứng minh bolero chủ yếu là nhạc buồn nhưng không hoàn toàn là nhạc sến, chỉ khiến con người ta ủy mị như quan niệm lâu nay. Theo đó, bolero có nguồn gốc tận Tây Ban Nha, du nhập vào Việt Nam từ thập niên 50 thế kỷ trước, đặc biệt thịnh hành ở miền Nam vào thập niên 60-70. Lý do phát triển là bởi chúng có sự tương thích với âm nhạc của miền Nam, được Việt hóa thành công thành dòng nhạc đặc trưng của miền Nam một thời...

Nhưng có lẽ những người làm chương trình ấy ít để ý vào cuối thập niên 80, 90, những tình khúc bolero cũng khá phổ biến với thôn quê miền Bắc. Dù từng được răn dạy nên ít nghe những bản nhạc não tình, từa tựa kiểu lời khuyên "làm thân con gái chớ nghe đàn bầu" nhưng lứa trẻ mới lớn chúng tôi ngày ấy vẫn không thôi mê hoặc với những bản nhạc bị người lớn cho là "sến". Đến nay, bolero ào ạt trở lại trên sân khấu lớn, nhỏ, phủ sóng trên đài truyền hình, với những người "ngoại đạo" như chúng tôi còn tò mò, chờ đợi. Với những người đã một thời "ăn, ngủ" với bolero, việc tiếp nhận sự trở lại mạnh mẽ hơn của dòng nhạc này chỉ là chuyện tất nhiên.

"Quá mù ra mưa"?

Thực tế, đã có một thời gian khá dài không còn chiếm thế thượng phong trên các sân khấu lớn nhưng bolero vẫn là dòng nhạc góp phần làm nên nhiều tên tuổi thuộc hàng sao của nhạc Việt. Trước Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Ngọc Sơn nổi danh với "ông hoàng nhạc sến". Cho đến hôm nay, Ngọc Sơn vẫn là gương mặt khiến nhiều người xem chương trình phấn khích mỗi khi anh xuất hiện. Người yêu mến anh hẳn chưa thể quên liveshow Dấu Ấn - Ngọc Sơn vừa qua tại nhà thi đấu Nguyễn Du, TP HCM. Dù được truyền hình trực tiếp trên khá nhiều kênh truyền hình khác nhau, nhưng sức hút của Ngọc Sơn vẫn lớn, khán giả kéo đến xem rất đông. Mới đây nhất, đêm nhạc “Tình khúc vượt thời gian” chủ đề "Tình khúc Bolero" do VTV9 và Jetstudio tổ chức thực hiện ngày 22/11 tại Nhà hát Hòa Bình, Ngọc Sơn một lần nữa chiếm trọn tình cảm của khán giả. Cùng với những tràng pháo tay cổ vũ là hàng loạt các yêu cầu anh hát tiếp. Vì thời lượng của chương trình phát sóng trực tiếp có hạn nên các yêu cầu này đều không được đáp ứng.

Chen chân chờ đăng ký thi "Solo cùng Bolero" tại TP HCM.

Nhìn nhận một cách khách quan, "Tình khúc bolero" là một trong số không nhiều những đêm nhạc của chuỗi chương trình "Tình khúc vượt thời gian" tổ chức định kỳ hàng tháng có rất ít tiết mục cần đến múa minh họa. Người xem có cơ hội tập trung vào phần nhạc, phần ca của nghệ sĩ nhiều hơn là đội ngũ múa phụ họa, giúp họ vui mắt như thường thấy.   Cùng với Ngọc Sơn, người xem có dịp nghe lại, gặp lại những tên tuổi một thời, từ "Nhạn trắng Gò Công" Phương Dung đến Đình Văn, Chế Thanh. Mới hơn nữa có Hà Vân, Vi Thảo... Được xem, nghe, cảm nhận trực tiếp, người yêu thích dòng nhạc này có nhiều hơn những cơ hội để so sánh nhưng cũng nhận rõ hơn rằng, trừ một số ngoại lệ, với dòng nhạc bolero hiện nay, dường như "tre đã già" mà "măng" mới lấp ló.

Song song với “Tình khúc vượt thời gian”, một chuỗi chương trình gồm chuỗi liveshow riêng về các nghệ sĩ một thời vang bóng với tên gọi “Sol Vàng” cũng được sản xuất, phát sóng định kỳ hàng tháng trên khá nhiều kênh truyền hình. Đây là chương trình vinh danh những nghệ sĩ đã có thành tựu được số đông công nhận trên con đường hoạt động nghệ thuật và không phân biệt dòng nhạc nào. Nhưng sau một chặng đường tổ chức, không khó để nhận ra, nhân vật chính trong phần lớn các liveshow này đang là các nghệ sĩ mà tên tuổi chủ yếu gắn với dòng nhạc bolero.

Người đời vẫn quan niệm: Thầy già con hát trẻ. Với nghệ sĩ hát bolero cũng không là ngoại lệ. Nhưng, chấp nhận sự thực ấy để đối mặt và có những ứng xử hợp lý hơn thì không phải ai cũng làm được. Bolero ồ ạt trở lại cũng là lúc người yêu thích dòng nhạc này có cơ hội gặp lại rất nhiều "thần tượng" của một thời, kể cả những tên tuổi đã rất ít gắn bó với sân khấu ca nhạc tại quê hương vài chục năm. Chưa bao giờ trong vài chục năm trở lại đây, khán giả trong nước có cơ hội gặp lại những giọng ca từng được mệnh danh là "vàng mười", đã từng ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng đến như thế. Họ không chỉ xuất hiện với tần suất ngày một dày hơn trong các chương trình ca nhạc chung mà xuất hiện với liveshow riêng biệt, được đầu tư, sang trọng hơn, đặc biệt là phần nhìn. Sự xuất hiện ấy, phần nhiều được đón nhận bởi cả sự tò mò, lòng yêu mến "thần tượng" của một thời đã qua. Mà thói thường, những gì liên quan đến dĩ vãng và ký ức thì bao giờ cũng lung linh hơn. Nhưng, dù thần tượng người nghệ sĩ ấy đến như thế nào và người nghệ sĩ ấy có được phục sức, trang điểm kỹ lưỡng đến mức giảm thiểu tối đa dấu ấn của thời gian trên thân thể thì phần quan trọng nhất là giọng hát lại thực khó che giấu nổi. Phần nhiều các chương trình được đầu tư kỹ lưỡng đến mấy thì cũng không khó để nhận ra những giọng hát ấy đã không còn sự truyền cảm và khỏe khoắn như xưa.

Dẫu rằng, những khiếm khuyết của giọng hát ấy đã được che phủ phần nào bằng bề dày kinh nghiệm diễn xuất lẫn kỹ thuật điêu luyện của người nghệ sĩ. Người xem vẫn rất cần một sự thể tất, bằng lòng với một chương trình xem thần tượng hát hơn là nghe thần tượng hát mới mong có được cảm xúc trọn vẹn cho riêng mình. Với những khán giả lâu nay chỉ biết đến nghệ sĩ ấy qua băng đĩa, hoặc giả là ít tiếp cận dòng nhạc này, nếu xem các chương trình ấy, chắc chắn không thể không có đôi chút thất vọng. Nếu cứ tiếp tục kéo dài, sự nhàm chán chỉ là chuyện một sớm một chiều.

Sự  nhàm chán ấy, tất nhiên không phải tại dòng nhạc bolero. Nói theo cách mà nhạc sĩ Nguyễn Quang, Giám đốc âm nhạc của “Sol Vàng” từng chia sẻ là: Sự nhàm chán của chương trình âm nhạc, nếu có, thì lý do không phải là bởi tự thân dòng nhạc này nhàm chán. Vấn đề là kết cấu chương trình, chất lượng chương trình âm nhạc mới quyết định số lượng khán giả...

Xét cho cùng, với nghệ thuật nói chung, đích đến bao giờ cũng là sự rung cảm của trái tim. Mục đích chỉ có một nhưng để có thể đến cái đích ấy sẽ có rất nhiều con đường khác nhau. Sứ mệnh của người nghệ sĩ là sáng tạo để khơi mở thêm ngày càng nhiều những con đường như thế. Với âm nhạc Việt hiện nay, sự e ngại là không phải là dòng nhạc nào phát triển mà là có phát triển được hay không và phát triển như thế nào. Bolero ồ ạt trở lại, đang được đón nhận, song hầu hết các chương trình mới chỉ cố gắng làm mới những ca khúc cũ. Chưa kể, như lâu nay quan niệm, ca khúc bolero phần lớn là những bản nhạc tình buồn. Dù rất đẹp, dễ đi vào lòng người nhưng nếu dòng nhạc này chỉ mãi gắn bó với những ca khúc tình buồn, thậm chí ảo não. Và nếu như, mỗi lần bật tivi, chỉ thấy nhạc tình buồn trong khi các cộng đồng bạn luôn trong tư thế tiến về phía trước thì e rằng, sự "phủ sóng" của bolero theo xu hướng nói trên không hẳn là có lợi.

Ngọc Nguyễn
.
.