Bóng đá Việt Nam: Nghĩ từ những cuộc chia tay…

Thứ Bảy, 21/11/2015, 10:35
V.League 2015 kết thúc cũng là thời điểm nhiều huấn luyện viên (HLV), nhiều cầu thủ tuyên bố chia tay sự nghiệp bóng đá. Những cuộc chia tay để lại trong chúng ta những cảm xúc ngậm ngùi khác nhau.

Ở cấp độ HLV, V.League năm nay chứng kiến cuộc chia tay của hai ông thầy gạo cội: Lê Thụy Hải và Trần Bình Sự. Với trường hợp ông Lê Thụy Hải, cuộc chia tay giữa ông với Câu lạc bộ (CLB) Becamex Bình Dương diễn ra ở thời điểm V.League chưa đi hết nửa chặng đường, và đấy là một cuộc chia tay ồn ã, khi ông Hải không muốn sử dụng Công Vinh trong đội hình chính, còn lãnh đạo Bình Dương thì muốn.

Huấn luyện viên Lê Thụy Hải.

Ông Hải lý luận rằng Bình Dương đã lên ngôi vô địch V.League 2014 với cả một “chùm sao”, và với sự hiện diện của cả một “chùm sao” như thế, không có lý gì phải mua thêm Công Vinh và phải đưa Công Vinh vào đội hình chính. Nhưng vấn đề mua bán đã trở thành một thói quen của lãnh đạo Bình Dương, mà những người hiểu nghề, hiểu việc cho rằng phía sau mỗi hợp đồng mua - bán luôn là những cái phết, phẩy nặng đô. Ông Hải rời Bình Dương rồi tuyên bố rời luôn sự nghiệp bóng đá mà mình đã gắn bó hàng chục năm với lý do: "Bây giờ tôi cũng nhiều tuổi rồi, tôi cần thời gian nghỉ ngơi cùng gia đình, con cháu".

Ai cũng biết, thời còn là cầu thủ, ông Hải nổi danh với cái biệt hiệu Hải "lơ" - biệt hiệu gắn liền với lối chơi bóng tinh quái, kỹ thuật của một cầu thủ rất hay bị phạm lỗi nhưng sau đó thường "lơ" đi, chứ nhất định không chịu trả đũa đối phương. Đến thời HLV, ông Hải lại gắn với biệt danh "người du mục", khi ông làm công tác huấn luyện từ bóng đá nữ đến bóng đá nam, từ những CLB miền Bắc, miền Trung rồi miền Đông Nam Bộ... ông đã gặt hái được tới 3 chức vô địch V.League, trở thành thầy nội xuất sắc nhất về mặt danh hiệu của nền bóng đá. Vắng ông Hải, bóng đá Việt Nam sẽ vắng đi một con người lắm mưu mẹo, giàu cá tính và luôn luôn trở thành một đối tượng - một đề tài gây tranh cãi trên nhiều trang báo.

Cũng có phần giống như ông Lê Thụy Hải, cuộc chia tay của HLV cựu trào Trần Bình Sự để lại rất nhiều ầm ĩ, trong đó ầm ĩ nhất là việc ông Sự đã hơn một lần đặt dấu hỏi về tính trung thực của V.League mùa này. Trò chuyện với chúng tôi ông Sự nói rất thật: "Đồng Nai (đội bóng của ông Sự - PV) đá kém, xuống hạng là đúng rồi. Nhưng nếu các đội còn lại cũng đá sạch, đá tử tế thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra".

Cụ thể, ngay sau khi CLB Hoàng Anh Gia Lai - đối thủ cạnh tranh trực tiếp xuất trụ hạng với Đồng Nai đã bất ngờ thắng ngược Sông Lam Nghệ An 2-1, ông Sự bảo: "Hai đội chỉ đá thật khoảng 30 phút", và sau đó, ông lại bảo: "Không khó nhìn ra những điều không thật ở cuộc chơi này". Cuộc đời huấn luyện của ông Sự đi qua  hàng loạt các CLB, từ Hải Phòng đến Bình Dương, Hòa Phát Hà Nội rồi Đồng Nai, và ông tâm sự: "Trong suốt 30 năm hành nghề, chưa bao giờ tôi bị VFF nhắc nhở về những phát ngôn, hành động, nhưng năm nay, tôi quá bức xúc, nên không thể không nói gì". Và như thế, ông Sự giã từ cuộc đời bóng đá với những bức xúc không thể giải quyết được ở mùa bóng cuối cùng.

Không còn những người như ông Sự, ông Hải, và một trong những ông thầy gạo cội cuối cùng là Mai Đức Chung cũng vừa nói lời chia tay Bình Dương (nhiều thông tin cho rằng ông Chung sẽ về VFF, làm Chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia), bóng đá Việt Nam chính thức chia tay một thế hệ thầy lão làng - những con người đá bóng, huấn luyện từ thời bao cấp lên thời tiền chuyên nghiệp và bây giờ là chuyên nghiệp. Điểm nổi bật nhất  của thế hệ HLV này là "chủ nghĩa kinh nghiệm",  còn với thế hệ HLV trẻ hiện nay, vốn được đào tạo cơ bản với những bằng cấp, chứng chỉ được AFC đóng dấu "ISO".

Bên cạnh hai cuộc chia tay của hai ông thầy gạo cội, V.League năm nay cũng chứng kiến hai cuộc chia tay với hai chiều cảm xúc khác nhau của hai cầu thủ: Minh Phương và Như Thuật. Nguyễn Minh Phương chia tay trong màu áo CLB SHB. Đà Nẵng, kết thúc một cuộc đời cầu thủ vinh hiển mà nhiều cầu thủ khác có nằm mơ cũng không sao có được. 

Cầu thủ Minh Phương giương cúp vô địch V. league - SHB Đà Nẵng.

Cái vinh hiển của Minh Phương trước hết gắn với những chức vô địch mà anh nhận được từ cấp độ CLB đến cấp độ Đội tuyển Quốc gia (ĐTQG), trong đó sáng chói nhất dĩ nhiên vẫn là chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008 của Đội tuyển Việt Nam. Người hâm mộ chưa quên, trận chung kết lượt về với đại kình địch Thái Lan ở giải đấu ấy, khi chúng ta đang bị dẫn 1-0, và khi trận đấu trôi về những phút cuối cùng thì chính Minh Phương được giao nhiệm vụ đứng trước một cú đá phạt. Và quả phạt sắc sảo của anh đã đưa bóng tìm đúng cái đầu của Công Vinh, thế là Đội tuyển Việt Nam gỡ hòa 1-1, đăng quang ngôi vô địch một cách nghẹt thở.

Nhưng nếu chỉ gắn với những danh hiệu thì có lẽ Minh Phương đã không để lại tình cảm sâu đậm trong lòng người hâm mộ đến thế. Suốt cuộc đời đá bóng, Minh Phương cùng người đồng đội cũ của mình ở CLB Đồng Tâm Long An Phan Văn Tài Em luôn được nhìn nhận như những biểu tượng sạch sẽ về nhân cách. Trong một số trận đấu ở cấp độ CLB và ở cả Đội tuyển U23 Quốc gia lẫn ĐTQG Việt Nam, cũng có những lúc fan hâm mộ đặt ra nghi vấn này nọ về tư tưởng và cách chơi bóng của cầu thủ này, cầu thủ nọ. Nhưng nghi ai thì nghi chứ người ta tuyệt đối không nghi ngờ Minh Phương, Tài Em. Có lẽ chính nhờ phẩm chất  trong sạch kết hợp với tính cách thủ lĩnh mà ở CLB nào Minh Phương cũng được các đồng đội tin tưởng bầu làm đội trưởng.

Cầu thủ Phan Như Thuật.

Nếu cuộc đời cầu thủ của Minh Phương rực rỡ và vinh hiển bao nhiêu thì cuộc đời bóng đá của Phan Như Thuật lại gieo hy vọng rồi gây thất vọng bấy nhiêu. Ở tuổi 16, Như Thuật từng nổi lên như một "Hồng Sơn mới" của bóng đá Việt Nam khi đã thi đấu xuất sắc trong màu áo Đội tuyển U16 Việt Nam tại Vòng chung kết U16 châu Á ở Đà Nẵng. Giải đấu trẻ huy hoàng ấy, Như Thuật với đôi chân ma thuật và những đường chuyền thông minh đã thực sự làm chủ khu trung tuyến và là một người "tạo mồi" hiệu quả cho cặp tiền đạo Văn Quyến - Ánh Cường. Ai cũng nghĩ Như Thuật rồi sẽ phát triển và sẽ trở thành một trụ cột của ĐTQG sau này.

Thế mà cùng với thời gian, Như Thuật cứ tuột dần, tuột dần, để rồi ở mùa giải 2014 đã "bị" Sông Lam Nghệ An cho Bình Định mượn đá ở giải hạng Nhất. Nhưng ở giải hạng Nhất, Như Thuật cũng chìm, nên năm nay Như Thuật trở lại Sông Lam Nghệ An, đánh đu trên ghế dự bị, rồi tuyên bố treo giày trong âm thầm, lặng lẽ. Trường hợp của Như Thuật đã được giải mã ở nhiều góc độ, trong đó đáng nói nhất có lẽ là việc "tuổi phát triển" của Thuật đã lên tới giới hạn khi còn rất trẻ. Và đây không phải là một vấn đề của riêng Như Thuật, liên quan đến một cuộc đời cầu thủ đã qua, mà còn là một vấn đề mang tính thời sự khi bóng đá Việt Nam đã và sẽ còn trình làng những lứa U19 đầy hứa hẹn.

"Hội ngộ rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế" - cái cảm giác chia ly là một cảm giác không ai muốn, nhưng lại là cái cảm giác tất yếu, không thể nào tránh khỏi trong cuộc đời này. V.League năm nay cũng thế, chúng ta đã phải nói lời chia tay với những HLV gạo cội như Lê Thụy Hải, Trần Bình Sự và những cầu thủ hoặc rất vẻ vang hoặc rất âm thầm như Minh Phương, Như Thuật. Mỗi cuộc chia tay là một cảm xúc, một bài học, và hy vọng những người gần gũi với những HLV, những cầu thủ này rồi sẽ học được những bài học quý.

Không có truyền nhân

Ông Lê Thụy Hải có 2 người con trai, và theo lời kể của ông thì trước đây cả hai người cũng đều có mong muốn trở thành cầu thủ. Nhưng ông Hải không đồng ý với lý do: "Tụi mày có làm cầu thủ thì cũng không thể giỏi hơn... bố mày".

Ông Trần Bình Sự cũng không có người con nào theo nghề bóng đá. Riêng với trường hợp của Nguyễn Minh Phương, sau khi giã từ nghề cầu thủ, Phương sẽ hoàn thiện nốt các bằng cấp huấn luyện, và trong một ngày không xa nữa, sẽ trở lại sân cỏ Việt Nam trong tư cách một HLV. Hiện tại, theo tiết lộ của chính Minh Phương thì đang có một CLB ở giải hạng Nhì quan tâm tới anh, và không bất ngờ nếu một ngày nào đó, Phương dẫn dắt đội bóng này từ hạng Nhì lên hạng Nhất rồi V.League.

Hiếu Hà
.
.