Bóng đá Việt Nam từ năm Thân đến năm Dậu: Chờ một tiếng gáy giật mình...

Thứ Năm, 12/01/2017, 10:18
Không hẹn mà gặp, năm con khỉ, bóng đá Việt Nam có nhiều cái kết. Toàn những cái kết bất ngờ, như sự kết thúc cuộc đời tuyển thủ của Phạm Thành Lương và sự kết thúc cuộc đời đá bóng của Lê Công Vinh, khiến người hâm mộ không tránh khỏi cảm giác man mác buồn.

Nhưng có kết thì cũng có mở, một thế hệ cầu thủ mới với những Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh... cho thấy mình xứng đáng tiếp nối và tô đậm thêm những giá trị mà thế hệ đi trước từng tạo lập. Lại nữa, Đội tuyển U.20 Quốc gia với toàn những gương mặt trẻ trung, giàu khát vọng lần đầu tiên thay mặt bóng đá Việt Nam tham dự VCK World Cup trên xứ người.

1. Khi Lê Công Vinh ôm mặt khóc sau trận bán kết lượt về AFF Suzuki Cup năm nay với Indonesia rồi bất ngờ tuyên bố giải nghệ thì chính những cầu thủ gần gũi nhất với Công Vinh cũng sốc.

Thực tế, trước giải đấu, Vinh đã nói đến chuyện giải nghệ, nhưng đấy là giải nghệ màu áo Đội tuyển, chứ không phải đóng lại luôn cả một sự nghiệp lẫy lừng. Thế mà rốt cuộc, sự nghiệp ấy đã đóng lại, sau một trận đấu đẫm nước mắt trên sân Mỹ Đình. Trận đấu mà lâu lắm rồi người ta mới thấy Lê Công Vinh chạy miệt mài, chạy chăm chỉ, chạy như một "gã điên". Trận đấu mà hơn ai hết, Vinh tin vào một chiến thắng trước "kèo dưới" Indonesia để đưa Đội tuyển vào chung kết. Thế mà...

Công Vinh giã từ một cuộc đời cầu thủ đầy nghị lực. Ảnh trong bài: H.M..

Đoạn kết của Công Vinh đẫm nước mắt, nhưng cuộc đời cầu thủ của Công Vinh thì chắc chắn không phải một cuộc đời nước mắt. Từ một đứa trẻ nghèo, thiếu thốn tình thương và không thể cạnh tranh vị trí với những người  "lớp trước" như Phạm Văn Quyến, Phan Thanh Bình, rốt cuộc, bằng nghị lực và một sự khổ luyện nghề nghiệp đúng nghĩa, Vinh đã vượt qua tất cả để trở thành một cái định danh riêng có trong lịch sử túc cầu hiện đại Việt Nam. Với Phan Thanh Bình, Vinh vượt qua về mặt chuyên môn, vượt qua về tuổi thọ nghề nghiệp, dù ở vạch xuất phát Vinh thua thiệt rất nhiều.

Với "cậu bé vàng" Phạm Văn Quyến thì Vinh vượt qua về sự trong sáng, và vượt qua luôn cả về mặt danh hiệu khi chính Vinh, chứ không phải "cậu bé vàng" Văn Quyến mới là người có cúp vàng thật sự. Lịch sử bóng đá Việt Nam sẽ không thể quên được cái khoảnh khắc Vinh lắc đầu, đưa bóng vào góc lưới Thái Lan ở phút thứ 90+3 định mệnh năm 2008. Cái đêm mùa đông rét buốt đó, chỉ một cú đánh đầu của Vinh mà cả sân vận động nóng lên rừng rực. Hà Nội nóng. Cả nước nóng với chiếc cúp vàng Đông Nam Á chúng ta có được lần đầu.

Nhưng Công Vinh không chỉ tạo ấn tượng trên khía cạnh chuyên môn và thành tích. Công Vinh còn tạo ấn tượng lớn trong quá trình vượt lên trên "con người nông dân" - "cầu thủ nông dân" của chính mình để trở thành một "cầu thủ showbiz" - "cầu thủ truyền thông".

Mặc dù trong quá trình đó đôi khi Công Vinh cũng không tránh khỏi những điều tiếng này nọ, nhưng điều quan trọng là Vinh biết nhìn lại, biết đứng lên, biết hoàn thiện bản thân mình. Hãy thử tưởng tượng xem, từ chỗ ngồi trên lưng con trâu, Văn Quyến đột nhiên ngồi sau vô-lăng "xế hộp", và chính cái vô-lăng "xế hộp" - biểu hiện của cái thế giới văn minh, xa lạ hoàn toàn với con trâu quen thuộc ngày xưa đã khiến Văn Quyến tự mình giết chết cuộc đời mình, còn Công Vinh thì khác, từ lưng con trâu đến cái vô-lăng, Vinh đã học hỏi, đã thích nghi, và bây giờ cho thấy mình là người biết sử dụng vô-lăng.

Quan trọng hơn, là người sử dụng vô-lăng có văn hoá. Từ một con người của đồng ruộng đến một con người đứng trước ống kính truyền hình và những chiếc đèn flash, Vinh cho thấy mình có thể ứng xử, nếu không muốn nói là ứng xử một cách khôn ngoan và thuần thục trước những thiết bị truyền thông văn minh ấy. Cuộc đời của Công Vinh vì thế là một sự chiêm nghiệm lớn, một bài học lớn cho những cầu thủ lớp sau.

2. Xét về mặt tầm vóc, Phạm Thành Lương không thể sánh với Công Vinh. Nhưng Thành Lương lại tồn tại trong trái tim người hâm mộ bóng đá nước nhà với một góc riêng, một giá trị riêng - những thứ mà chắc chắn không tồn tại ở Công Vinh lúc này: Sự hồn nhiên, trong trẻo.

Từ nay, Đội tuyển Quốc gia không còn thấy một Thành Lương trong trẻo (Ảnh trái). Xuân Trường - một trụ cột mới của một thế hệ cầu thủ mới?

Chắc chắn Thành Lương không chủ đích lấy sự hồn nhiên, trong trẻo ấy để xây đắp sự nghiệp cầu thủ cho mình, vì Lương không "quái" đến cỡ ấy. Sự hồn nhiên, trong trẻo của Lương là một giá trị nội tại của một cậu bé nông dân, từng cày ruộng, từng đi bốc vác, và cho đến sau này, ngay cả khi "cậu bé nông dân" ấy mặc quần jeans, khoác áo da và lấy một cô vợ nhà báo năng động và xinh đẹp thì cái chất "nhà quê" của Lương vẫn không giấu đi đâu được.

Lương hồn nhiên đến độ, không ngại nói thẳng trong một chương trình truyền hình trực tiếp: "Khi còn ở các lớp năng khiếu đá bóng, bọn em có học hành văn hóa gì đâu. Toàn đi xin điểm". Lương hồn nhiên đến độ, từ cấp độ CLB đến cấp độ Đội tuyển Quốc gia, giữa những môi trường đầy những phe nhóm phức tạp thì cậu luôn là "cái điểm trung chuyển", cái "nút thắt" mà các nhà cầm quân nhớ đến mỗi khi muốn... giải quyết sự tình.

Có bao nhiêu sống bấy nhiêu, đấy là Thành Lương. Có bao nhiêu đá bấy nhiêu, đấy cũng là Thành Lương. Cho nên lúc nào cũng thế, người ta luôn thấy một Thành Lương rất "nhiệt", rất hết mình mỗi khi có mặt trên sân. Và mỗi khi thất bại thì cậu bé này cũng... khóc hết mình - khóc như một đứa trẻ bị ai đó bất ngờ giật đi một món đồ chơi đẹp trên tay.

Chung kết SEA Games năm 2009 chẳng hạn, khi mà Lương và các đồng đội tin chắc vào một chiếc huy chương vàng nhưng rồi lại vỡ vụn niềm tin thì ngay giữa sân vận động Quốc gia Lào, giữa đông đảo báo giới và các cổ động viên, Lương đã khóc đến... hết nước mắt của một cậu bé. Khóc như thể lần đầu tiên được khóc trong đời.

Phạm Thành Lương, và Lê Công Vinh là hai típ người, hai thế giới cầu thủ hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng bằng giá trị của mình, mỗi người đều để lại những bài học riêng - thứ mà những thế hệ tuyển thủ sau họ cần nhìn vào để rút ra những bài học bổ ích cho mình.

3. Khi giã từ màu áo Đội tuyển, cả Thành Lương lẫn Công Vinh đều nói đến một ý: giờ là lúc phải tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ có đất thể hiện mình và lớn lên. Đúng là trong tay HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng lúc này đang có những cầu thủ trẻ tài năng, trong đó đặc biệt là những người lớn lên từ học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG như Văn Thanh, Xuân Trường, Văn Toàn... - những người thường xuyên được đá chính tại AFF Suzuki Cup vừa qua.

Lại có những người vì những lý do riêng mà chưa có nhiều cơ hội ra sân, nhưng cũng hứa hẹn một tương lai tươi sáng như Tuấn Anh, Công Phượng. Chính những cầu thủ này sẽ là nòng cốt của Đội tuyển U.22 Việt Nam thực hiện mục tiêu huy chương vàng SEA Games năm nay. Cái mục tiêu mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cùng HLV Nguyễn Hữu Thắng đã quyết sẽ làm tất cả cho nó và vì nó.

Ở cấp độ U.20, cũng trong năm nay, người hâm mộ nước nhà sẽ được chứng kiến Đội tuyển U.20 của HLV Hoàng Anh Tuấn tham chiến tại VCK World Cup U.20 thế giới. Nói như nhà cầm quân người Khánh Hòa này thì World Cup quả là một sân chơi quá lớn, thậm chí có phần quá sức với chúng ta, nhưng ông Tuấn không quên nhắc lại ở VCK U.19 châu Á năm vừa rồi - cái "giải đấu điều kiện" để tìm vé đi World Cup, các học trò của ông đã cho thấy một tinh thần chiến đấu hết mình.

Ai dám tin họ có thể thắng CHDCND Triều Tiên, thắng cả chủ nhà Bahrain, và sau đó chỉ chịu dừng bước trước ĐKVĐ Nhật Bản? Ai dám tin họ đã trở thành một Đội tuyển bóng đá Việt Nam đầu tiên được tham dự ngày hội lớn nhất của bóng đá toàn cầu? Ông Tuấn bộc bạch: "Hãy đặt niềm tin vào họ, nếu chưa phải là ở VCK World Cup năm nay thì cũng sẽ là tương lai sau này của bóng đá Việt Nam. Họ là một thế hệ cầu thủ đầy giá trị".

Năm Con Khỉ, bóng đá Việt Nam chứng kiến những tiếc nuối nhất định khi những "tượng đài" như Công Vinh, Thành Lương chính thức chia tay Đội tuyển Quốc gia. Và năm Con Gà, chúng ta sẽ lại chào đón một lứa cầu thủ mới, từ U.22, xuống U.20, và có thể còn là U.16, U.19 - những lứa U thường xuyên tạo ấn tượng trong những năm qua.

Năm Con Gà, hãy cứ hy vọng những cầu thủ mới - những thế hệ tươi sáng mới của bóng đá Việt Nam có thể "gáy" lên một tiếng "gáy" lịch sử,  khiến ngay cả những thế hệ đàn anh cũng phải... giật mình!?

Phan Đăng
.
.