Bọt cầm máu sẽ giúp cứu sống nhiều người?

Thứ Năm, 25/09/2014, 07:20

8 sinh viên khoa kỹ thuật y sinh Đại học John Hopkins (Mỹ) đã phát minh ra một công cụ có thể cầm máu cứu sống người bằng cách tiêm bọt Polyurethane vào vết thương. Hơn 1 năm qua, họ miệt mài nghiên cứu, tiến hành thí nghiệm cùng với gel mô phỏng mô người và ống chứa đầy nước thay thế mạch máu. Họ làm vỡ các ống nước rồi tiêm bọt Polyurethane vào để ngăn chất lỏng chảy ra. Bọt trở nên đông cứng, sau đó tạo ra áp lực chặn những điểm đứt, vỡ. Quân đội Mỹ đang đặt sự tin tưởng cũng như hy vọng vào sáng chế này nhằm cấp cứu và bảo vệ tính mạng binh sĩ trên chiến trường.

Nhờ phát minh đó, 8 sinh viên Đại học John Hopkins đã tìm ra cách ngăn chặn mất máu cấp - nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho thường dân khi bị thương hoặc binh lính trong chiến tranh. Những y cụ hiện tại như miếng ga-rô và bông băng có thể không sử dụng được hoặc không hiệu quả đối với những vết thương ở vùng cổ hoặc nơi tay, chân nối với thân.

Y cụ cầm máu vết thương bằng bọt Polyurethane.

"Khó khăn ở chỗ là cái chết sẽ luôn đến từ những viên đạn và xương vỡ nằm sâu bên trong một vết thương có khớp xương nối liền với nhau không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy từ bên ngoài cơ thể. Hơn nữa một nhân viên y tế cầm máu cấp cứu có thể không có khả năng nhận ra nguyên nhân gây chảy máu, Loại bọt này có thể cầm máu trong thời gian dài để đủ đưa bệnh nhân đến phòng phẫu thuật" - Sydney Rooney, một sinh viên đã tốt nghiệp kiêm trưởng nhóm nghiên cứu trả lời phỏng vấn báo chí Mỹ.

Công cụ mới có kích thước chỉ bằng một cây bút viết bảng và có khóa giữ hóa chất tạo bọt khi pha trộn. Đặc điểm nổi bật nhất, khi bọt được bơm vào vết thương, nó nhanh chóng làm đông cứng và ngăn máu chảy. Công cụ được thiết kế có thể chịu nhiệt độ lên đến 1000C, có thể xách tay và dễ dàng sử dụng. Nếu  không có những đặc tính đó, "khách hàng tiềm năng của chúng tôi sẽ không sử dụng nó", anh Rooney chia sẻ.

Tiến sĩ Walter Franz, đại tá quân đội nguyên Chỉ huy trưởng Binh đoàn Quân y tiền tuyến 945 tại chiến trường Iraq và Afghanistan cho biết, từ bấy lâu nay các nhà phát minh thiết bị y khoa đã phát triển nhiều phương pháp hữu dụng để cứu mạng sống binh sĩ Mỹ.

8 sinh viên Đại học John Hopkins - đồng tác giả y cụ cầm máu vết thương bằng bọt Polyurethane.

Thông thường, một nhân viên y tế sẽ dùng mọi biện pháp nghiệp vụ bảo vệ tính mạng binh sĩ trên trường, chẳng hạn bằng cách đắp gạc và buộc ga-rô vào vết thương đang chảy máu. Sau đó bác sĩ cùng y tá thuộc đội quân y tiền tuyến sẽ khâu vết thương. Công việc thường diễn ra trong một căn lều gần khu vực chiến sự, trước khi tiến hành phẫu thuật cho thương binh ở một bệnh viện.

"Có một số vết thương gây chảy máu mà chúng tôi không thể nhìn thấy và không thể quấn ga-rô quanh nó. Chúng tôi cần một sản phẩm có thể rút ra nhanh từ một chiếc túi, vô trùng hoàn toàn và dễ sử dụng... tôi muốn các bạn sinh viên Đại học Hopkins nên tiếp tục công việc” - ông Franz đánh giá cao trí sáng tạo đồng thời động viên nhóm sinh viên Hopkins hãy kiên nhẫn hoàn thiện công trình khoa học rất có ý nghĩa này.

Tuy nhiên, tiến sĩ Franz cùng một số bác sĩ khác dù đánh giá cao công trình của những sinh viên này, họ vẫn hoài nghi về loại bọt cầm máu, chẳng hạn: một người không phải là bác sĩ phẫu thuật sẽ làm thế nào tiêm bọt đúng vị trí, tránh được các cơ quan nội quan cũng như mạch khỏe mạnh? Một bác sĩ sẽ làm thế nào để loại bỏ bọt cho quá trình phẫu thuật diễn ra suôn sẻ? Làm thế nào tạo ra nhiệt độ hoặc một phản ứng hóa học bên trong cơ thể? Loại bọt này sẽ gây độc nếu để quá lâu? Nó có thể ổn định khi trên một chiếc máy bay trực thăng vận tải bay ở độ cao hơn 9 km vượt qua những vùng núi có không khí lạnh?

Những câu hỏi nêu trên có thể là rào cản khiến loại bọt cầm máu khó vượt qua. Tuy nhiên, bằng nhiều thí nghiệm chứng thực, tập thể tác giả bước đầu đã giải quyết được những khúc mắc đó.  Tiến sĩ Jeffrey A.Bailey, đại tá không quân và là bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình công tác tại Bệnh viện Quân y San Antonio, bang Texas, cho biết công cụ tạo bọt cầm máu vết thường cần phải có sự chấp thuận từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ. Sau đó, quân đội sẽ đánh giá công dụng của nó trên chiến trường, xây dựng cẩm nang hướng dẫn và khóa huấn luyện cách sử dụng. Thậm chí sau đó, chính phủ cần phải liên tục đánh giá, thẩm định tính hiệu quả.

Hiện nay, các bác sĩ Mỹ đang tập trung vào việc đảm bảo có đủ bọt để chặn một vết thương và làm đông cứng nó trong vòng 10 giây. Họ đã nhờ một kỹ sư hóa học lập công thức.

Tiến sĩ Paul Danielson cho rằng, cần có thêm thời gian cũng như thí nghiệm thực tế trước khi bọt cầm máu vết thương được chính thức công nhận sử dụng: "Khi đạt được tính ổn định, các bác sĩ sẽ tìm một nhà máy sản xuất thiết bị này bằng nhựa. Cuối cùng, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, họ sẽ bắt đầu thử nghiệm trên mô sống của động vật và sau đó đến người. Có thể trong một phòng cấp cứu hoặc phẫu thuật - "Theo ông Daniel, phải mất một năm để biết liệu công cụ tạo bọt cầm máu có khả thi

Phạm Khôi Nguyên (tổng hợp)
.
.