Bớt mệt nhoài cho hai nửa tim yêu

Thứ Năm, 07/02/2019, 10:22
Chị nhìn anh, cố mường tượng hình hài chồng trong bộ vest chú rể bảnh bao. Bóng anh vẫn mờ nhòa trong đôi mắt lần đầu chuốt mascara. Biết chị đang nhìn mình, đôi tay anh mò mẫm nắm lấy tay người bạn đời đồng tật. Giữ nguyên ánh nhìn ấy, chị nói với tôi mà tiếng như thoảng trong màn sương: “Nếu có kiếp sau, chị cũng nguyện được làm vợ ảnh”.

Đó là lời của chị Lê Ngọc Tiền (34 tuổi) trước khi cùng chồng là anh Võ Văn Tân (34 tuổi) dìu nhau vào lễ đường thực hiện nghi thức đám cưới. Có hai mặt con nhưng họ chưa từng tổ chức đám cưới. Đời nghèo, miếng ăn còn chạy từng bữa thì lấy đâu ra đôi nhẫn bằng vàng trao tay. Với họ, nếu không có Nghệ sĩ nhân dân  (NSND) Kim Cương đứng ra tổ chức đám cưới tập thể cho 40 cặp đôi khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn vào cuối năm 2018, ngày lộng lẫy trong trang phục cô dâu chú rể vẫn chỉ là giấc mơ quá vãng.

Chị Tiền và anh Tân quen nhau khi hai người cùng học chung trường dành cho người mù ở Tiền Giang. Năm đó, cậu trai 15 tuổi đã cảm mến người bạn gái cùng lớp. Một lần cậu ghẹo: “Hay là bà lấy tui đi?”. Nói vậy thôi chứ cũng không dám trông mong gì. Tiền bị khiếm thị từ nhỏ, bóng người trước mặt chỉ là vầng sáng mờ mờ. 

Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương chia sẻ niềm vui và chúc phúc cho các cặp đôi.

Anh Tân cũng chẳng hơn gì. Bị tật nhưng được cái Tiền lại rất xinh đẹp và nết na. Ba mẹ nhiều lần mai mối cô cho các chàng trai lành lặn. Họ ưng, nhưng Tiền không ưng. Bởi mặc cảm đôi mắt, bởi trái tim chẳng loạn nhịp. Trái tim cô đã có chỗ cho anh bạn cùng lớp hiền lành ngày nào. Biết Tiền có lắm người mối mai, toàn người khỏe mạnh, mắt sáng, Tân cũng đâu dám ngỏ lời.

Biền biệt 10 năm, họ tình cờ gặp lại nhau trong một lớp học khác. Tình yêu thời niên thiếu nảy thành cây xanh, xanh đến nao lòng. Họ đưa nhau về nhà ra mắt. Ba mẹ hai bên không hài lòng bởi một đứa mù đã khổ, hai đứa mù thì biết mò mẫm vào đâu? Tiền nấc nghẹn lấy hết sức bình sinh mà thưa: “Bọn con đồng tật nên hiểu được nhau. Chứ lấy người bình thường, mình làm gì đổ bể chướng mắt người ta lại chì chiết, thương hại. Hơn nữa, bọn con thương nhau”. 

Vâng, chỉ một chữ “thương” mà nên vợ nên chồng, chỉ một chữ “thương” mà bao giông bão, đàm tiếu rồi cũng rơi vào hư vô. Họ làm lụng, chắt góp từng đồng mà nương tựa vào nhau. Hai cậu con trai kháu khỉnh lần lượt ra đời. Chị nhớ hoài lần anh chăm chị sinh. Anh không thấy đường nên đút cháo vào mũi vợ. Chị vừa sặc vừa cười, ôm chầm lấy anh mà chảy nước mắt: “Em đã nói anh để má em đút rồi mà”.

Đến với nhau từ những hoàn cảnh khá đặc biệt, nhiều cặp đôi khuyết tật không dám mơ một ngày mình được mặc áo cưới.

Nghe thiên hạ bảo vợ chồng sao mà xứng đôi vừa lứa, chị và anh đưa tay lên mặt nhau. Tay tìm về đôi mắt, tay tìm về cái mũi, đôi môi… để “nhìn” chân dung bạn đời. Vì vợ chồng đều khiếm thị nên đi đâu xa phải có người mắt sáng chở. Lúc đó chị gọi xe ôm. Nhưng như chị bảo: “Vợ chồng ngồi hai người hai xe, tui cứ thấy thiếu thiếu, lo lo cho ảnh. Nên đi đâu, tụi tui toàn đi bộ là chính. Có gì vợ chồng dìu nhau. Đi lâu, được chút là hai đứa mồ hôi mồ kê nhưng vui và an tâm”. Rồi chị khoe, đoạn đường dài nhất mà vợ chồng đi bộ là khoảng 5 cây số…

Trường hợp của chị Phan Thị Bích Ngọc (24 tuổi) và anh Nguyễn Duy Phát (29 tuổi) đến từ Cần Thơ lại khác. Chị lành lặn, xinh xắn trong khi anh lại thấp bé, da đen. Khi họ đi bên cạnh nhau, người ta vẫn bảo Bạch Tuyết đi với chú lùn. Anh nhiều lần nói lời chia tay vì không chịu nổi cái nhìn khinh miệt của người đời. Nhưng nói đó mà lòng nhói đau bởi trót vướng tơ duyên. Ngày chị đưa người yêu về ra mắt, ba mẹ làm dữ, bảo hết người hay sao mà lại lấy người như vậy? Chị nghe đủ mọi lời đàm tiếu rồi im lặng để… theo lý lẽ của trái tim, theo anh xây mái ấm.

Tình nghèo, gia đình cấm cản, họ không làm đám cưới mà cứ thế về ở với nhau để chào đón cậu con trai đầu lòng. Đôi lúc, cậu con trai của anh chị vẫn thắc mắc: “Hình đám cưới của ba má đâu mà con hổng thấy?”. Anh chị thoáng chạnh lòng nhưng vẫn cười với con: “Tại gia đình mình còn khó khăn, không có tiền tổ chức đám cưới đó con”. Cậu con tiu nghỉu, vì chẳng có hình ba mẹ mặc áo cưới để khoe với đám bạn. Ước mơ về đám cưới của vợ chồng chị Ngọc cũng là ước mơ dang dở của 39 cặp đôi khuyết tật khác.

Cảm phục tình yêu mãnh liệt, bất chấp trái ngang của những thân phận ấy, NSND Kim Cương đã đứng ra kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm cùng chung tay góp sức để tổ chức lễ cưới cho họ. Tại buổi lễ, ngoài cặp nhẫn cưới, quà tặng là thực phẩm, đồ gia dụng..., mỗi cặp đôi còn được tặng 5 triệu đồng tiền mừng. Hơn 150 tình nguyện viên đảm nhận khâu trang điểm, hướng dẫn, dìu đỡ, bồng bế cô dâu chú rể. 

Các cặp đôi khuyết tật rạng rỡ trong đám cưới tập thể “Cau quyện trầu xanh” do Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương tổ chức.

Lần đầu xúng xính trong váy cưới, những cô dâu xinh đẹp đều ngỡ ngàng vui sướng bên chú rể. Người mù lòa, người bại liệt, câm điếc… đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau như Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Định… Họ cười không ngớt. Tay nắm chặt tay. Chồng ngồi xe lăn kéo dùm chiếc váy cồng kềnh của vợ khỏi bị vướng víu; người thì rờ rẫm tà váy cưới, vạt áo vest để coi hôm nay bạn đời đẹp ra sao. Lên lễ đường, họ vụng về rót rượu mừng, cắt bánh kem, trao nhau chiếc nhẫn cưới. Khán phòng òa lên tiếng vỗ tay. Có cô dâu úp mặt vào ngực chú rể, giấu đi khoảnh khắc thổn thức.

Nhìn con tiến vào lễ đường, bà Nguyễn Thị Hồng (58 tuổi), mẹ của cô dâu Hà Kim Xênh, cố chen vào đám đông để quay cho bằng được dẫu bà không biết xài cái điện thoại thông minh đời cũ mới mua. Nhờ người chỉ bày một hồi, bà cũng quay được thời khắc thiêng liêng của con gái. 

“Con gái tui bị mù từ khi lên 3. Hồi nó hỏi dò: “Giả dụ con lấy người bị lòa giống con, má có chịu hông?”, tui biểu tụi bây thương nhau thì ai cũng được, cứ đưa về đây, tao chịu hết. Chỉ có điều mình day dứt là chưa tổ chức được đám cưới đàng hoàng cho tụi nó” – bà tâm sự. Đứa cháu đứng cạnh níu áo bà, luôn miệng tíu tít: “Mẹ con mặc áo cô dâu nhìn như công chúa ngoại ha. Ngoại nhớ quay, chụp nhiều hình nha”.

Đặt tên lễ cưới là “Cau quyện trầu xanh”, NSND Kim Cương ví họ như những thân cau, dây trầu bị khuyết thiếu nhưng càng khuyết thiếu, dây trầu quấn vào thân cau càng bền, càng thắm. Cầm tay từng cặp đôi chúc phúc, người nghệ sĩ nghẹn ngào nhắn gửi: “Chị ngưỡng mộ tình yêu của các em. Hạnh phúc của các em ngày hôm nay cũng là hạnh phúc lớn lao của những người tổ chức. Các em đã chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Nhưng ngày hôm nay, các em thực sự là những người may mắn và hạnh phúc nhất. Không phải ai cũng có thể tìm được một người bên cạnh chia ngọt sẻ bùi, thấu hiểu và yêu thương như các em. Nếu mai này trên đường đời có gặp nhiều sóng gió, thì các em hãy nhớ ngày hôm nay để mạnh mẽ vượt qua”.

Hỏi 40 cặp đôi đang rạng rỡ trong đám cưới mơ ước ấy có mỏi mệt và mặc cảm với thân hình khuyết thiếu hay không? Họ gật đầu. Nhưng đến khi họ gặp được một nửa của đời mình, cái xác thân bước đầu là vật cản tưởng như nghiệt ngã ấy lại chẳng còn nghĩa lý gì. Bởi tình yêu vượt lên, nặn nhào họ thành một con người khác: mạnh mẽ, đong đầy yêu thương và hy vọng. Với họ, nhịp đập đôi tim, những xúc cảm chân thành đã đánh bại mọi vẻ đẹp hình thức hào nhoáng, những lời nói bóng bẩy có cánh, những toan tính thiệt hơn. Tình yêu và tiếng con thơ đã đủ để một đời họ khập khiễng dìu nhau qua vũng tối…

Mai Quỳnh Nga
.
.