Brazil: Thiệt hại ngay cả sau World Cup 2014

Thứ Bảy, 12/07/2014, 12:25

Tình trạng hiện tại của mạng lưới giao thông công cộng tại Brazil không có gì đáng ca ngợi. Những lời hứa hẹn và niềm mong đợi đã nhường chỗ cho sự chậm trễ và lộ ra một khuyết điểm đặc trưng của Brazil: sự thiếu tổ chức. Vấn đề này có thể ảnh hưởng đến hạ tầng khách sạn trong nước vốn đã tăng số phòng nhưng giờ đây lại e ngại sẽ bị lỗ trong những ngày diễn ra World Cup và sau đó.

Theo ước tính của chính phủ, World Cup sẽ tiêu tốn hết 26 tỉ real (8,6 tỉ euro) trong ngân sách. Khi được phỏng vấn, Tổng thư ký Gil Castello Branco của Tổ chức phi chính phủ Contas Abertas tuyên bố rằng xét theo lịch sử gần đây của ngành hành chính công trong nước, sẽ còn quá sớm để xác định rằng con số đó là cuối cùng.

Các dữ liệu của Viện Kiểm toán công cho thấy rằng, sự kiểm tra của chính phủ đã giúp ngăn chặn được việc biển thủ 600 triệu real (198 triệu euro), nhưng con số này vẫn chưa xác tín. Theo Castello, một trong những thất vọng lớn nhất là Brazil không thể thực hiện được những dự án giao thông công cộng trong thời gian dự tính.

"Ngành hành chính đã dự trù 12 tỉ real cho các dự án giao thông nhưng đã giảm bớt 4 tỉ khi hiểu rằng, những dự án đó sẽ không đúng hạn. Chúng ta chỉ biết được tổng chi phí cho World Cup khi đã kết thúc giải, hay có khi là sang năm, vì còn rất nhiều chi phí vào giờ chót như xây dựng tạm thời hay hệ thống liên lạc, lĩnh vực mà chúng ta còn rất nhiều lỗ hổng" - Castello Branco cho biết.

Sân vận động Maracana ở Rio de Janeiro.

Từ lúc Brazil được FIFA giao trọng trách đăng cai World Cup 2014 vào năm 2007 đến gần đây, các đề án giao thông thì rất nhiều. Một dự án khổng lồ là lập một đường tàu hỏa cao tốc nối liền Campinas, Sao Paulo và Rio de Janeiro, nhưng dự án này vẫn không ai động tới và chỉ ở mức... tin đồn. Cũng tương tự đối với dự án xây tuyến tàu điện tại Salvador và Curitiba hay Manaus. Nói chung, các dự án đó cũng như nhiều dự án khác, không chỉ trong lĩnh vực giao thông, đã bị hủy bỏ do thiếu chiến lược và kế hoạch rõ ràng.

"Khốn nỗi các nhà quản lý Brazil không thể suy nghĩ trước về tác động của sự kiện, điều này đã từng xảy ra trước đây. Trước khi bắt tay vào một việc gì, cần phải suy nghĩ, tức là dự đoán. Có một sự thiếu tổ chức vì khi lập kế hoạch mọi việc, bạn biết chính xác bạn sẽ được cái gì và phí tổn bao nhiêu. Khi đã biết chi phí, chính phủ biết cần phải mua thứ gì và nhà cung cấp biết phải giao thứ gì" - Chủ tịch José Roberto Bernasconi của Liên hiệp Quốc gia về Kiến trúc và Công nghệ (Sinaenco) giải thích.

Một nghiên cứu mới đây của Sinaenco cho thấy rằng, trong số 8 thành phố diễn ra World Cup, có nhiều dự án sẽ hoàn tất vào tháng 5 hay tháng 6, tức là trễ hơn dự tính. Do thời gian quá hạn hẹp và yêu cầu phải sẵn sàng cho sự kiện, người ta sẽ không thể thực hiện các thử nghiệm hay chỉnh sửa cần thiết.

Tình thế cũng đáng lo ngại về phía các phi trường. Tuy chính phủ đã đề ra một kế hoạch chiến lược để quản lý khu vực sân bay nhưng tình hình vẫn còn rất hỗn loạn tại một số vùng trong nước. Theo Chủ tịch Hiệp hội Quốc gia ngành Công nghiệp khách sạn Enrico Fermi, chỉ có 9 trong số 12 sân bay là kịp đón khách, số còn lại đang xây dựng. Chính phủ đã thừa nhận điều này và nói rằng tất cả đã được làm cho người dân Brazil chứ không phải chỉ cho World Cup. Theo ông Bernasconi, lĩnh vực này chỉ có sự cải thiện  thực sự sau ít nhất 10 năm nữa.

"Trong 10 năm nữa, Brazil sẽ phát triển hạ tầng kiến trúc của các sân bay nhưng không phải là cho World Cup hay Thế vận hội, mà chỉ vì chúng tôi thực sự cần”. Ông  Bernasconi cho biết vẫn sẽ còn khó khăn về giao thông giữa các sân bay, khách sạn và sân vận động.

"Cho dù trong thời gian thi đấu, mọi người sẽ được nghỉ theo gợi ý của thị trưởng Rio de Janeiro, nhưng vẫn còn khó khăn. Có thể sẽ có ít người tại các địa điểm công cộng và tham gia giao thông, điều này sẽ giảm bớt lượng người sử dụng giao thông công cộng và du khách đến các sân vận động dễ dàng hơn”.

Nhưng Chủ tịch Hiệp hội Chuyên chở công cộng quốc gia Ailton Brasiliense Pires cho rằng, dù mọi công trình không hoàn tất đúng thời hạn nhưng Brazil vẫn thực hiện tốt khâu  đón tiếp du khách. "Du khách sẽ không gặp khó khăn gì khi muốn đến sân vận động. Cạnh sân Arena Corinthians có một tuyến tàu điện và một tuyến đường sắt. Ở Rio có một trạm tàu điện ngay cạnh sân vận động.

Tại Porto Alegre, sân vận động Beira-Rio nằm hơi xa nhưng có tuyến tàu điện số 2 chạy qua đấy. Vì các trận đấu diễn ra vào ngày Chủ nhật hay ngày nghỉ lễ nên chẳng có vấn đề gì. Các thành phố đã quản lý việc đó từ lâu. Giải World Cup là dịp để các thành phố đầu tư quanh sân vận động và phát triển giao thông công cộng" - Ailton Brasiliense Pires giải thích.

Chủ tịch Enrico Fermi nhắc đến những lời chỉ trích giá phòng khách sạn gia tăng trong thời gian diễn ra World Cup. Một số cơ quan truyền thông quốc tế đã phải giảm số lượng phóng viên do giá phòng khách sạn quá cao. Ông José Roberto Bernasconi bênh vực bằng cách nêu ra quy luật cung cầu sẽ làm thay đổi giá cả. Tuy nhiên, ông không tin rằng một số khách sạn sẽ gia tăng giá phòng vì nếu thế, sau này điều đó sẽ gây tác hại cho họ.

Việc xây các khách sạn mới cũng đặt ra một thách thức khác: Sau World Cup làm sao lấp đầy số phòng đó? Chủ tịch Fermi tin vào sức mạnh của thị trường nội địa và đặc biệt là ngành du lịch kinh doanh: "Việc xây một khách sạn không phải là công trình cho một sự kiện 40 ngày mà là sau một cuộc nghiên cứu thị trường và tiềm năng trong một giai đoạn 30 năm. Nhưng chúng tôi tin rằng điều này sẽ có lợi cho thị trường nội địa thích nghi với môi trường mới"

Minh Luân (tổng hợp)
.
.