Bulgaria tuyên chiến với bọn cướp phá cổ vật quý

Thứ Năm, 28/02/2008, 10:18
Quốc gia Bulgaria có một số khu vực khai quật khảo cổ rất phong phú với nhiều tuyệt phẩm được sáng tạo dưới đôi tay khéo léo của nghệ nhân ngày xưa. Hiện nay, giới khảo cổ tiếp tục khám phá thêm nhiều báu vật cổ trong lịch sử đầy biến động của Bulgaria...

Kho tàng cổ vật quý

Nhìn từ góc độ khảo cổ học, Bulgaria có một số khu vực khai quật khảo cổ rất phong phú. Vấn đề là, bọn cướp cũng nắm được thông tin về những kho tàng có giá trị và chúng là những người đầu tiên mò đến.

Các tủ trưng bày trong Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Bulgaria lại ngập tràn những cổ vật đáng giá với nhiều tuyệt phẩm được sáng tạo dưới đôi tay khéo léo của nghệ nhân ngày xưa: những lá vàng mảnh đan kết trong vành nguyệt quế giống như thứ mà Caesa mang; hay tấm che đầu gối bằng bạc trang trí hoa văn bằng vàng có khắc cấp bậc của người sở hữu thuộc thế kỷ III và IV trước CN.

Hiện nay, giới khảo cổ tiếp tục khám phá thêm nhiều báu vật cổ trong lịch sử đầy biến động của Bulgaria. Tại cuộc khai quật gần thành phố Kazanluk, trung tâm Bulgaria, vào mùa hè 2005, một nhóm khảo cổ do Georgi Kitov lãnh đạo đã khám phá chiếc mặt nạ vàng ròng của một trong những người trị vì uy quyền nhất của triều đại Thrace – Teres, người thành lập một đế chế thịnh vượng trong thế kỷ V.

Vào giữa tháng 7/2007, nhóm của Kitov đào được chiếc mặt nạ vàng thứ hai cách thành phố Sliven, miền Nam Bulgaria, 85 km về phía đông. Trong lăng mộ của người trị vì Thrace này cũng có những chiếc bình hành lễ và số đồ gốm có giá trị cao.

Người Hy Lạp, Macedone, Roman, Byzantine, Bulgar và trên hết là người Thrace trong truyền thuyết, một trong những dân tộc mạnh nhất thời cổ – tất cả đều sống trên vùng đất mà hiện nay là lãnh thổ Bulgaria. Nhưng hiện nay Kitov và đồng nghiệp của ông đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt.

Bọn cướp các đồ vật nghệ thuật thường xuyên đào bới một cách hệ thống những khoảnh đất trong vùng Balkan để tìm kiếm từng đồng xu cổ, tượng kim loại đúc hay những chiếc bình gốm cổ. Một cuộc chiến thật sự đã bắt đầu giữa bọn tội phạm và giới khoa học.

Những băng nhóm tội phạm hành động

Nhà khảo cổ Nikolai Markov ở Sofia nói: "Bọn cướp có trong tay công nghệ hiện đại bậc nhất và những chiếc xe di chuyển trên mọi địa hình. Bọn chúng thông tin với nhau rất chặt chẽ qua điện thoại di động. Cách làm việc của chúng cho thấy đó thật sự là những băng nhóm tội phạm có tổ chức”.

Volodia Velkov, lãnh đạo nhóm chuyên gia 30 người chịu trách nhiệm chiến đấu chống loại tội phạm cướp phá và buôn kho tàng khảo cổ có tổ chức giải thích: "Trong khu vực bao quanh những vùng định cư cổ, dân địa phương được bọn tội phạm bỏ tiền ra thuê đào bới khắp nơi. Đó là công việc kiếm tiền dễ dàng đối với bất cứ ai đang sống trong nghèo khổ".

Bất cứ thứ gì được đào thấy đều được trao cho những người trung gian để sau đó chuyển qua biên giới thật nhanh.

Velkov cho biết, người mua cổ vật nhiều nhất là người Đức và Áo. Theo Cơ quan điều tra Đức, trong những năm gần đây bọn buôn cổ vật Balkan bắt đầu ăn nên làm ra ở Munich. Theo Neil Brodie, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu đồ cổ bất hợp pháp ở Cambridge (Anh), Bulgaria - hơn cả Italia và Hy Lạp - hiện là nơi cung cấp quan trọng nhất những đồ cổ giá trị cao cho thị trường.

Thậm chí các chuyên gia Bulgaria còn tình cờ phát hiện một số cổ vật đánh cắp có mặt trong catalog của các nhà đấu giá quốc tế. Ví dụ, trong năm 2006, nhà Christie's ở London bán đấu giá cái bát bằng bạc Byzantine cực hiếm của thế kỷ XII được trang trí hết sức phong phú với những môtíp săn bắn độc đáo. Cái bát quý này có giá là 645.000 USD.

Chợ đen quốc tế

Bộ Văn hóa Bulgaria đã yêu cầu cái bát cổ phải được trả về Bulgaria và kết quả là người bán ở London không thể tìm được người mua! Nhưng thay vì trả cái bát cổ gây tranh cãi đó về cho Bulgaria thì nhà đấu giá lại trao trả nó cho khách hàng của mình – một tư nhân mà giới chuyên gia Bulgaria cho rằng đã mua được từ chợ đen quốc tế.

Tuy nhiên người này có tên là Naiden Blangev, 36 tuổi - đã bác bỏ điều đó. Blangev tuyên bố cái bát cổ đào được cách đây 7 năm gần thành phố Pazardhik, miền Nam Bulgaria, trước khi được rao bán.

Tòa án Bulgaria đã bắt đầu tuyên chiến với tội phạm có tổ chức, đặc biệt là sự buôn bán mặt hàng đồ cổ. Trong tháng 12-2007, 7 người đã bị bắt giữ gần thành phố Sliven với tang vật là những đồng xu cổ.

Khám xét con tàu chạy hướng biên giới Siberia, các nhà điều tra Bulgaria bắt được nhóm 3 tên tội phạm đang cố gắng chuyển hàng ngàn đồ cổ ra khỏi Bulgaria. Cổ vật được bọn chúng giấu trong những thùng carton đựng... trái cây! Sau khi gia nhập EU, vùng biên giới Bulgaria trở nên dễ qua lại và trở thành lợi thế cho bọn tội phạm hoạt động.

Một kết quả điều tra sơ bộ đưa ra con số 250.000 người có liên quan đến sự mua bán cổ vật bất hợp pháp. Thậm chí một số người còn trơ tráo đến mức trưng bày cổ vật đánh cắp. Nổi cộm nhất là "vua casino" Vassil Bozhkov, 51 tuổi, biệt hiệu "Đầu lâu”, người sở hữu vô số tụ điểm đánh bạc ở Sofia và cả cơ quan cá độ bóng đá Eurofootball.

Bozhkov có niềm đam mê rất đặc biệt: ông ta sưu tập hàng trăm tác phẩm nghệ thuật cổ của La Mã, Hy Lạp và Thrace và bộ sưu tập tiền kim loại của ông ta là một trong những bộ sưu tập lớn nhất ở Bulgaria.

Trùng khớp với thời điểm Bulgaria được gia nhập EU, Bozhkov được mời đến trưng bày một số món trong bộ sưu tập của ông ta tại Nghị viện EU ở Brussels. Thậm chí, Bozhkov còn được Bộ Văn hóa Bulgaria tài trợ triển lãm! Nhưng dưới mắt của Vassil Nikolov, Giám đốc Viện Khảo cổ và Nhà bảo tàng ở Sofia, thì cuộc triển lãm của Bozhkov chỉ là "thành quả từ sự cướp cổ mộ".

Ông còn là chủ tịch một ủy ban quốc gia kiểm soát mỗi một cuộc khai quật khảo cổ diễn ra trong nước. Nếu không có chữ ký của Nikolov thì không một cổ vật nào được phép di chuyển ra nước ngoài. Nhưng với sự di chuyển bất hợp pháp thì đó là câu chuyện khác: "Không có một điểm khai quật hay tượng đài lịch sử nào trong nước mà không bị đánh cắp"

Thục Miên (Tổng hợp)
.
.