Bùng nổ kinh doanh tiền điện tử: Tiền ảo, nguy cơ thật

Thứ Ba, 28/01/2014, 11:40

Cùng với xu hướng phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, nhu cầu giao dịch, mua bán hàng hóa bằng tiền điện tử trên mạng Internet ngày càng gia tăng. Với ưu điểm như phương thức thanh toán nhanh gọn, tính ẩn danh cao, thủ tục đơn giản,  tiền điện tử đang trở thành một nguy cơ  khi giới tội phạm công nghệ cao sử dụng  vào các hoạt động bất hợp pháp, những giao dịch "ngầm" nhằm thực hiện và che giấu các hành vi phạm tội như lừa đảo, trộm cắp thông tin cá nhân, rửa tiền, cá độ bóng đá…

Lập trang web để kinh doanh tiền "ảo"

Ngày 7/1/2014, Trung tá Hà Thị Hằng, Đội trưởng Đội 3 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội cho biết, thực hiện cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm, đơn vị vừa điều tra, khám phá một vụ kinh doanh tiền điện tử trái phép tại Việt Nam với số tiền thật đã giao dịch lên tới nhiều tỉ đồng.

Đối tượng chính trong vụ việc là Nguyễn Văn Bình (SN 1983) ở quận Hải Châu, Đà Nẵng. Tháng 4/2013, Bình ký hợp đồng trị giá 80 triệu đồng, thuê Công ty CP Thương mại và dịch vụ trực tuyến Nencer (trụ sở tại phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội) thiết kế cho Bình một chương trình phục vụ việc kinh doanh tiền điện tử dưới dạng một website. Đến tháng 7-2013, Công ty Nencer bàn giao phần mềm kinh doanh tiền điện tử Bank24h.vn cho Bình trực tiếp quản lý và sử dụng.

Với số vốn ban đầu là 1,1 tỉ đồng, Nguyễn Văn Bình đã sử dụng để mua bán loại tiền điện tử Webmony (WMZ) được cung cấp trên www.wmtransfer.com do Công ty CJSC Computing Forces, địa chỉ tại thành phố Irkutskaya st, 17-04, Liên bang Nga phát hành. Tỷ giá quy đổi tiền WMZ do Bình tự ý điều chỉnh tùy theo từng thời điểm, tính trung bình khoảng 21.000 VNĐ/1WMZ.

Khách có nhu cầu mua hoặc bán tiền điện tử WMZ phải mở tài khoản tại website Webmoney.ru (máy chủ đặt tại Nga), đồng thời phải khai báo đầy đủ những thông tin theo yêu cầu trên giao diện của Bank24h.vn. Sau khi nhấp chuột vào biểu tượng trên giao dịch để khớp lệnh mua hoặc bán, số tiền điện tử mà khách đã mua sẽ tự động được chuyển đến tài khoản của họ mở tại Webmoney.ru; còn số tiền Việt Nam khách dùng để thanh toán việc mua tiền WMZ sẽ được chuyển vào 1 trong 5 tài khoản của Bình mở tại các ngân hàng: Á Châu Bank, Đông Á Bank, Vietcombank, Vietinbank.

Sau một thời gian theo dõi, lần tìm ra "ông chủ" của trang web Bank24h.vn, ngày 17/12/2013, tại phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội, Nguyễn Văn Bình đã bị Đội 3 PC50 Công an Hà Nội bắt quả tang khi đang sử dụng máy tính cá nhân để thực hiện lệnh chuyển tiền điện tử bán cho khách 10.000 WMZ với giá trị 216 triệu đồng.

Cơ quan Công an làm rõ trong thời gian 6 tháng kể từ khi đi vào hoạt động, trang web Bank24h.vn do Nguyễn Văn Bình quản lý đã thực hiện giao dịch mua bán khoảng 360.000 WMZ tương đương 7,56 tỉ VNĐ. Nguyễn Văn Bình thừa nhận việc kinh doanh tiền điện tử trên mạng Internet trên không có chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng như không nộp thuế cho cơ quan nhà nước. Bước đầu, PC50 đã chuyển hồ sơ và đối tượng Bình tới Cơ quan điều tra để điều tra, xử lý về hành vi kinh doanh trái phép.

Nguy cơ tiềm ẩn từ tiền ảo

WMZ chỉ là một trong số nhiều loại tiền điện tử (tiền ảo) đang được giao dịch phổ biến trên mạng Internet nói chung và các trang web giao dịch trực tuyến nói riêng tại Việt Nam, điển hình như Libertyreserve (viết tắt là LR), Paypal (PP), E-gold, Moneybookers, PerfectMoney, Bitcoin (BTC)…

Thậm chí, thời gian gần đây, đồng Bitcoin đang trở thành "cơn sốt" trên cộng đồng mạng ở nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam khiến nhiều người đổ xô  vào đầu tư và đầu cơ không khác nào phong trào "chơi" chứng khoán OTC thời điểm trước khi "lên sàn".

Trung tá Hà Thị Hằng phân tích, việc sử dụng, kinh doanh tiền ảo đang được ưa chuộng bởi nhiều lý do như: Việc đăng ký tài khoản để sử dụng loại tiền điện tử rất thuận tiện, dễ dàng thao tác trực tiếp trên mạng Internet không thông qua hệ thống ngân hàng hay tổ chức tín dụng. Khi đăng ký mở tài khoản không yêu cầu khai báo, xuất trình, xác thực các thông tin cá nhân khách hàng mà hoàn toàn do khách hàng tự khai báo. Sau khi đăng ký thành công sẽ được cấp tài khoản và mật khẩu để giao dịch, do đó tính "ẩn danh" của loại hình giao dịch này rất cao. Việc mua bán tiền điện tử, chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác không cần khai báo tên thật cũng như nội dung giao dịch.

Chính vì những tiện ích trên mà hoạt động mua bán tiền điện tử trên mạng Internet hiện nay đang tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường. Thứ nhất, hoạt động mua bán tiền điện tử trên mạng Internet nếu không được kiểm soát sẽ xâm phạm đến chức năng quản lý nhà nước của ngân hàng về tiền tệ. Thứ hai, tiền ảo tiềm ẩn rủi ro cao trong hoạt động thanh toán. Tiện ích nhanh chóng giao dịch của tiền điện tử thông qua trung gian thanh toán quá dễ dãi, thậm chí khai giả, khai khống, không cần xác minh, kiểm tra mà vẫn giao dịch được với giá trị lớn nếu không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ sẽ là mảnh đất màu mỡ để tội phạm rửa tiền hợp pháp hóa nguồn tiền và tài sản bất hợp pháp, tiềm ẩn rủi ro cho người sử dụng dịch vụ thanh toán hiện đại của ngân hàng.

Thứ ba, do trong giao dịch không phải thông qua hệ thống kiểm soát của ngân hàng và các tổ chức tín dụng nên tội phạm công nghệ cao thường sử dụng để thực hiện thanh toán các giao dịch không minh bạch, thực hiện hành vi phạm tội và che giấu hành vi phạm tội như lừa đảo thẻ tín dụng, trộm cắp thông tin cá nhân, lừa đảo đầu tư, rửa tiền, thanh toán tiền cờ bạc, cá độ bóng đá…

Theo thống kê của Cục C50 Bộ Công an, từ năm 2010 đến nay, thông qua công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, C50 đã phát hiện, xác minh làm  rõ trên 30  vụ việc trộm cắp, mua bán trái phép thông tin tín dụng bằng  LR để ship hàng hóa trực tuyến ở nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ; sử dụng LR để mua thông tin thẻ tín dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ trực tuyến với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điển hình như vụ án Nguyễn Đình Thuần cùng một số đối tượng ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM mua "CC chùa" (thông tin thẻ tín dụng trộm cắp) trên mạng Internet bằng LR, sau đó móc nối với các shipper ở Việt Nam và Dropper ở Mỹ sử dụng CC đặt mua hàng điện tử thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh gửi hơn 600 vận đơn trị giá hàng triệu USD về Việt Nam tiêu thụ.

C50 đã phá án, thu giữ lô hàng 10 vận đơn tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài gồm: 95 máy tính bảng, 39 máy tính xách tay, 6 điện thoại Vertu và nhiều hàng hóa khác trị giá gần 5 tỉ đồng. Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án và 15 bị can, xác định các đối tượng đã sử dụng khoảng 80.000 USD tương đương hơn 1,6 tỉ đồng để chi trả cho các hoạt động như mua bán CC, thông tin quảng cáo tuyển Drop hoặc cho trả tiền thù lao.

Đầu năm 2013, C50 phối hợp C45 đã triệt phá đường dây  sử dụng tiền điện tử để tổ chức đánh bạc xuyên quốc gia tại website M88 với số tiền chuyển thanh toán qua các ngân hàng để đánh bạc trị giá hơn 1.000 tỉ đồng.

Mới đây, từ thông tin đề nghị hỗ trợ điều tra của Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm rõ vụ án Vũ Văn Lăng (SN 1983, ở Kiến Thụy, Hải Phòng) kinh doanh tiền điện tử LR trái phép.

Quá trình điều tra làm rõ Lăng thành lập Công ty cổ phần Thịnh Vũ, mở dịch vụ chi trả kiều hối Western Union thông qua đại lý phụ cho Ngân hàng BIDV Hải Phòng nhưng thực chất để hợp thức việc chuyển ngoại tệ vào Việt Nam cho Lăng sử dụng kinh doanh, mua bán LR. Để tạo uy tín trong việc mua bán LR, Lăng đăng ký thành lập công ty lấy tên là Instant exchange limited trụ sở đặt tại Hồng Kông (Trung Quốc), thành lập website www.priva... để giao dịch, quảng cáo việc mua bán tiền điện tử LR.--PageBreak--

Lăng thu mua LR từ các exchanger (người chuyên mua bán LR) trong nước như mua của Nguyễn Đăng Khoa, Trần Thụy Huyền Hân tại website www.exchanger.vn, của Nguyễn Bình Bắc tại www.vietmaker.comwww.mmo4vn.com, của Nguyễn Duy Trinh tại www.mualr.com, của Đặng Thế An tại www.egolgconver.com với tổng số tiền là trên 176 tỉ đồng được chuyển khoản thông qua các tài khoản ngân hàng.

Ngoài ra, Lăng còn mua LR trên trang www.ebaygold.com của Trung Quốc, chuyển tiền thông qua 2 tiệm vàng ở Hải Phòng và 1 đối tượng tại TP HCM.

Từ cuối năm 2008 đến tháng 6/2011, thông qua hệ thống chuyển tiền Western Union của Công ty Thịnh Vũ, Lăng đã cho thực hiện trên 42.500 giao dịch nhận với tổng số tiền 14.392.976,57 USD và trên 151 triệu đồng. Sau khi bị hệ thống Western Union Việt Nam đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty Thịnh Vũ và bị Sở Kế hoạch Đầu tư Hải Phòng tước giấy phép kinh doanh, không có quyền chi trả ngoại tệ, Lăng thỏa thuận với Nguyễn Thế Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Giao dịch nhanh và Nguyễn Văn Chiển, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nam Phong tiếp tục mở đại lý phụ của ngân hàng để chi trả ngoại tệ từ Western Union giúp Lăng kinh doanh trái phép LR.

Đổi lại, Dũng và Chiển sẽ được nhận phần phí hoa hồng mà ngân hàng chi trả. Dũng và Chiển đã cho Lăng quyền truy cập từ xa vào tài khoản của đại lý phụ của công ty để lập chứng từ, in hóa đơn và nhận tiền. Tổng số tiền mà Lăng đã nhận về từ việc lập hồ sơ khách hàng để nhận tiền thông qua 3 công ty Thịnh Vũ, Nam Phong và Giao dịch nhanh là trên 404 tỉ đồng.

Để nhận được số tiền trên, Lăng đã cho thực hiện gần 60.000 giao dịch lấy tên trên 1.000 người để lập hồ sơ rút tiền. Số tiền hưởng lợi từ việc kinh doanh trái phép trên, theo khai nhận của Vũ Văn Lăng là gần 5 tỉ đồng, trong đó phí hoa hồng mà ngân hàng chi trả là 131.322 USD và hơn 2 tỉ đồng lợi nhuận từ việc mua bán LR. Số tiền này đã được Lăng đầu tư mua ôtô Meccedes giá 2 tỉ, mua nhà 92m2 tại quận Dương Kinh (Hải Phòng) 2 tỉ đồng và mua sắm nhiều thiết bị điện tử, điện thoại đắt tiền khác…

Giao diện website Bank24h.com do Nguyễn Văn Bình quản lý hoạt động kinh doanh tiền điện tử trái phép.

Theo nhận định của một chuyên gia kinh tế, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin thì trong thời gian không xa, hoạt động thanh toán tiền điện tử sẽ phát triển rất nhanh trên các phương tiện thanh toán di động là điều tất yếu, trong đó hoạt động kinh doanh tiền điện tử sẽ nổi lên như công cụ thanh toán mới tồn tại song song với hệ thống thanh toán của ngân hàng.

- Tại Mỹ: Tháng 5/2013, FBI điều tra vụ rửa tiền lớn nhất trong lịch sử do tổ chức giao dịch tiền ảo Liberty Reserve có trụ sở tại Costa Rica với tổng giá trị giao dịch khoảng 6 tỉ USD. Chính phủ Mỹ đã thu hồi tên miền của trang www.libertyreserve.com từ tháng 5/2013 và đóng cửa website này.

Trước đó, FBI đã điều tra tổ chức giao dịch tiền ảo Bitcoin là Mt.Gox có trụ sở, sáng lập từ Nhật Bản, cáo buộc hoạt động kinh doanh không có giấy phép tại đất Mỹ.

- Tại Thái Lan: Tháng 7/2013, Ủy ban Chính sách và quản lý ngoại hối thuộc Ngân hàng Trung ương Thái Lan xác định hoạt động giao dịch của Bitcoin như mua bán, trao đổi hàng hóa thông qua Bitcoin cho cá nhân, tổ chức bên ngoài Thái Lan hay nhận Bitcoin từ bên ngoài Thái Lan là vi phạm pháp luật. Thái Lan là quốc gia đầu tiên không công nhận Bitcoin là một loại tiền tệ.

Hoạt động thanh toán bằng tiền điện tử có thể sẽ dần thay thế tiền giấy nên nếu để việc kinh doanh tiền điện tử phát triển tự do, không có định hướng đặt dưới sự quản lý của Nhà nước có thể gây ra những hậu quả khó lường về an ninh tiền tệ và trật tự an ninh xã hội  bởi đây chính là mảnh đất màu mỡ để bọn tội phạm rửa tiền, hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản bất chính. Ngoài ra, còn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro cho người sử dụng chân chính.

Từ thực trạng hoạt động kinh doanh tiền điện tử trên thế giới và tại Việt Nam trong thời gian qua, đã đến lúc Chính phủ cần sớm ban hành những văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, quản lý hoạt động kinh doanh tiền điện tử nhằm đảm bảo an ninh tiền tệ trong hoạt động thanh toán, đồng thời phòng chống việc tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội

Hương Vũ
.
.