Bùng phát xu hướng mua sắm qua mạng

Thứ Bảy, 11/07/2015, 20:05
Mỗi ngày Dora Soh ở Singapore, đều đưa “bộ trang phục trong ngày” (“outfit of the day”, còn được gọi là trào lưu OOTD) của cô lên Internet để kết nối với những người đam mê thời trang đồng thời truyền cảm hứng cho gần 10.000 người theo dõi cô trên trang Instagram.

Thời trang của Dora Soh đã gây ảnh hưởng mạnh đến mức các nhà bán lẻ trực tuyến hiện đang giành quyền bảo trợ cho nữ sinh viên 22 tuổi này để cô mặc quần áo của họ với hy vọng những thông tin cập nhật hàng ngày của cô trên mạng giúp quảng bá cho thương hiệu của họ dẫn đến gia tăng doanh số.

Các nhà bán lẻ trực tuyến bảo trợ cho Dora Soh bao gồm các thương hiệu Singapore: The Tinsel Rack, MGP và Mint & Ooak.

Xu hướng thương mại điện tử đang bùng nổ mạnh ở châu Á - đó là mua sắm qua mạng xã hội (social shopping). Các nhà bán lẻ toàn cầu ngày càng cố gắng gia tăng sự hiện diện của họ trên các trang mạng xã hội với công nghệ cho phép người dùng quảng bá thời trang mới nhất của mình tìm thấy trên mạng.

Với trang web mua sắm xã hội clozette.co của Singapore, người dùng có thể "upload" hình ảnh một sản phẩm, hay tập trung vào thông tin đưa lên mạng của một ai đó và tìm kiếm trang phục tương tự. Người dùng có thể tìm kiếm trong dữ liệu bao gồm 2 triệu sản phẩm của gần 5.000 thương hiệu toàn cầu từ trang web.

Trang clozette.co giúp người dùng tạo tủ quần áo ảo riêng cho mình hay lùng sục tủ của người khác để tìm kiếm các kiểu thời trang mới nhất được cập nhật.

Roger Yuen, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập trang web clozette.co, tuyên bố: "Tôi thực sự tin rằng chúng tôi là công ty đầu tiên trên thế giới triển khai công nghệ nhận dạng thị giác thông minh này". Roger Yuen cho biết, clozette.co cho phép người dùng tạo và chia sẻ "tủ quần áo ảo" cá nhân của mình cũng như mua và bán chúng cho nhau hay cho các nhà bán lẻ ở châu Á. Yuen cho biết: "Chúng tôi có gần 40.000 thành viên đăng ký trong khu vực và công ty chúng tôi thu hút được khoảng 7 triệu người dùng trong một tháng". 

Công ty khởi nghiệp chuyên về làm đẹp dành cho phụ nữ thành lập năm 2011 của Singapore - Vanitytrove.com - cũng tăng trưởng mạnh sau khi ra mắt mạng mua sắm xã hội của mình lên Internet vào đầu năm 2014. Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Douglas Gan cho biết, mỗi ngày có từ 100 - 150 thành viên mới gia nhập trang web công ty để duyệt hay cập nhật thông tin về các sản phẩm mới đồng thời trò chuyện trực tuyến với các chuyên gia làm đẹp có cùng quan điểm thẩm mỹ.

Douglas Gan khoe: "Mạng của chúng tôi có trên 60.000 thành viên ở Singapore, Indonesia và Thái Lan. Chúng tôi cho rằng nếu muốn người tiêu dùng có được quyết định sáng suốt trước khi mua hàng, chúng tôi cần giới thiệu với họ nhiều hơn về các mặt hàng trên Internet". Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy ngày càng có nhiều người tiêu dùng châu Á tìm đến mạng xã hội để định hướng cho thói quen mua sắm của mình, và khu vực này tiến nhanh hơn phần còn lại trên thế giới trong xu hướng này".

Với Vanitytrove.com, người dùng có thể chia sẻ những mẹo make-up và sản phẩm làm đẹp với nhau.

Trong một nghiên cứu thăm dò đối với 10.000 người tiêu dùng trên toàn thế giới, Công ty tư vấn ATKearney cho biết, có trên 95% người dùng từ 16 - 45 tuổi, ở Trung Quốc tuyên bố về mặt nào đó thì mạng xã hội có phần nào tác động đến quyết định mua sắm của họ - trong khi có 82% người từ 16 - 35 tuổi ở Ấn Độ. 61% người Trung Quốc trả lời họ "thường xuyên" mua sắm theo những gì diễn ra trên mạng xã hội - tức gần gấp đôi tỷ lệ trung bình 32% trên toàn cầu.

Torsten Stocker, đối tác của AT Kearney ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), cho rằng sự giới thiệu cho nhau là lý do chính khiến cho nhiều người châu Á dựa vào mạng xã hội để mua sắm giữa thế giới tràn ngập hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng.

Theo Torsten Stocker: "Hãy nhìn vào Trung Quốc, nơi có quá nhiều vụ bê bối thực phẩm, quá nhiều sản phẩm bị làm giả và nhiều người không giao hàng đúng chất lượng như hứa hẹn. Nói chung, mức độ tin tưởng vào các nhà bán lẻ đang xuống rất thấp". Do đó, rất dễ hiểu khi ngày càng có nhiều công ty và nhà bán lẻ ở châu Á nỗ lực lôi kéo khách hàng thông qua mạng xã hội. Các nhà bán lẻ đã thành công khi cho phép các thành viên đưa hình ảnh tự chụp (selfie) sử dụng sản phẩm của họ để tạo nên các cộng đồng trực tuyến ủng hộ họ.

Người châu Á sử dụng mạng xã hội để mua sắm nhiều hơn các nước khác.

Năm 2014, công ty chuyên về trang phục ngoài trời và du lịch dã ngoại The North Face của Mỹ đưa ra chiến lược mới ở Ttrung Quốc - cuộc thi dành cho người tiêu dùng trở thành "The Next Explorer" (Nhà thám hiểm tương lai) và người chiến thắng sẽ nhận được một chuyến du lịch đến Mỹ. Kết quả, hơn 200.000 thành viên mới tham gia cộng đồng trực tuyến của công ty để cùng nhau trò chuyện về các sản phẩm đồng thời kết nối với nhau để tổ chức các sự kiện như là du lịch leo núi.

Torsten Stocker cho rằng bằng cách đó The North Face không cần tự quảng bá sản phẩm của công ty  mà vẫn tạo ra sự quan tâm nhiều hơn từ khách hàng cũng như hy vọng mọi người sẽ mua sản phẩm của họ nhiều hơn nữa! Nhờ vậy, doanh thu của The North Face ở Trung Quốc năm 2013 tăng vọt lên 20% so với năm trước đó!

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.