Bước lùi của Uber tại Đông Nam Á
- Bộ GTVT lên tiếng trước việc Grab mua lại Uber
- Grab “mua đứt” Uber Đông Nam Á: Quyền lợi của hành khách và lái xe có đảm bảo?
- Yêu cầu Grab báo cáo về việc mua lại Uber tại Đông Nam Á
Theo thỏa thuận, Uber sẽ bán toàn bộ mảng kinh doanh tại thị trường 640 triệu dân cho Grab. Đổi lại, công ty đặt trụ sở ở Mỹ này sẽ nhận 27,5% cổ phần trong Grab.
Miếng bánh 13 tỷ USD
Uber “ra đi” trong tư thế thua lỗ 4,5 tỷ USD vào năm 2017. Bên cạnh đó còn gặp phải cạnh tranh gay gắt tại Mỹ và châu Á cũng như hàng loạt kiện tụng tại châu Âu. Phía bên kia, Grab cho biết hãng này sẽ tiếp quản các hoạt động và tài sản của Uber tại 8 nước Đông Nam Á mà Uber hiện diện.
Giám đốc Điều hành của Uber Dara Khosrowshahi cho biết, hãng phải bán cổ phần chi nhánh hoạt động tại khu vực Đông Nam Á cho đối thủ cạnh tranh là Grab sau một thời gian dài Uber phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều đối thủ như Grab của Singapore, Ola của Ấn Độ và Didi Chuxing của Trung Quốc.
Tờ Wall Street Journal cho biết, Grab có trụ sở tại Singapore, đã đi vào hoạt động từ năm 2012 và nhanh chóng đầu tư nhiều tiền bạc vào phát triển thị trường tại các quốc gia láng giềng như Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Việt Nam. Đến nay, ước tính có tới 2,1 triệu tài xế tại Đông Nam Á tham gia mạng lưới của Grab. Grab cũng được coi là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Uber tại khu vực này.
Hiện ngân hàng Nhật Bản Softbank, đơn vị nắm giữ hàng tỷ USD tại cả Uber, Didi, Ola và Grab, đang có kế hoạch xúc tiến dàn xếp cổ phần giữa các công ty này. Theo nhận định của công ty phân tích đầu tư Temasek có trụ sở tại Singapore, cạnh tranh giữa các ứng dụng kết nối vận tải tại Đông Nam Á đã nóng lên rất nhanh khi thị trường tiềm năng này được dự báo sẽ phát triển gấp 5 lần, lên mức 13,1 tỷ USD trong năm 2025.
Việc Uber chuyển giao mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab đã tạo ra tâm lý lo ngại xen lẫn thất vọng cho cả tài xế và khách hàng sử dụng 2 dịch vụ xe đi chung dựa trên ứng dụng điện thoại thông minh. Đây cũng là tình cảnh chung của các hãng kinh doanh dịch vụ xe đi chung trên toàn châu Á lâu nay phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt và lợi nhuận giảm do phải dựa nhiều vào các chương trình giảm giá để lôi kéo khách, cũng như sức ép phải đưa ra các chính sách đãi ngộ tốt để "giữ chân" các tài xế.
Vắng bóng Uber, Grab phát triển tại nhiều quốc gia Đông Nam Á. |
Giá dịch vụ sẽ tăng?
Trong thông báo trên trang mạng chính thức, Grab cho rằng thỏa thuận chuyển nhượng với Uber sẽ khiến Grab trở thành nền tảng cung cấp dịch vụ xe đi chung hiệu quả nhất ở thị trường Đông Nam Á, qua đó giúp tăng lợi nhuận của hãng trong mảng kinh doanh cốt lõi này.
Grab cũng cho biết từ nay các khách hàng có thể được hưởng dịch vụ tốt hơn với nhiều tài xế cũng như phương án di chuyển hơn trên cùng một ứng dụng, trong khi giá dịch vụ không tăng so với trước. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi đối với tài xế lái Grab cũng không thay đổi.
Tuy nhiên, nhìn chung các tài xế và khách hàng của Grab và Uber đều cho rằng giá sử dụng dịch vụ sẽ tăng do sức ép cạnh tranh đối với Grab tại Đông Nam Á giảm. Ngoài ra, Grab cũng có thể sẽ đưa ra mức thu phí cao hơn hoặc cắt giảm các khoản hỗ trợ đối với tài xế. Điều đáng lo ngại nhất là từ nay các tài xế và cả khách hàng sẽ không có sự lựa chọn nào khác khi Grab gần như là hãng kinh doanh dịch vụ xe đi chung tiềm năng nhất tại thị trường Đông Nam Á.
Theo công ty phân tích dữ liệu di động App Annie, trong năm 2017, Grab đứng thứ 5 trong số các ứng dụng hàng đầu dựa trên số người sử dụng dịch vụ hằng tháng ở Singapore, trong khi Uber đứng vị trí thứ 7. Mặc dù Uber vẫn là doanh nghiệp lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực này với sự hiện diện ở hơn 600 thành phố trên toàn thế giới, song hãng hiện đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi vướng phải hàng loạt bê bối và làn sóng phản đối của các hãng taxi truyền thống ở cả châu Á và châu Âu.
Bê bối của Uber hay bê bối của loại hình dịch vụ xe đi chung
Mặc dù Uber vẫn là doanh nghiệp lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực này với sự hiện diện ở hơn 600 thành phố trên toàn thế giới, song công ty hiện đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi vướng phải hàng loạt bê bối và làn sóng phản đối của các hãng taxi truyền thống ở cả châu Á và châu Âu.
Uber, được thành lập vào năm 2009 tại bang California (Mỹ), là hãng chuyên cung cấp dịch vụ xe đi chung cho khách hàng sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh trực tiếp kết nối với lái xe và được trả một mức giá rẻ hơn so với các hãng taxi truyền thống. Tuy nhiên, hãng cũng đối mặt với nhiều phản đối từ các doanh nghiệp taxi vì cho rằng hình thức này không tuân thủ các quy tắc của taxi truyền thống.
Uy tín của Uber đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi hãng này vướng vào bê bối che giấu vụ đánh cắp thông tin của 57 triệu khách hàng xảy ra hồi cuối năm 2016. Giới chức nhiều nước trên thế giới đã mở cuộc điều tra đối với Uber. Cuối năm 2017, các nhà chức trách tại Anh, Mỹ, Australia và Philippines thông báo đã mở cuộc điều tra.
Uber đã phải đối mặt với những bất ổn pháp lý và luật pháp trên khắp thế giới trong bối cảnh ngày càng gia tăng sự phản đối từ các dịch vụ taxi truyền thống. Tháng 12-2017, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) của Liên minh châu Âu (EU) ra phán quyết Uber là một công ty vận tải thông thường, phải tuân thủ các quy định tương tự như một hãng taxi thông thường tại EU.
Cũng trong năm 2017, Cơ quan Giao thông London (TfL) của Anh thông báo rút giấy phép hoạt động của Uber tại thành phố này từ cuối tháng 9-2017. Nhiều nước châu Âu cũng đã tẩy chay Uber. Một tòa án ở Slovakia đã ra lệnh đình chỉ hoạt động của dịch vụ taxi Uber tại nước này, nhằm đáp lại đơn kiện của các tài xế taxi truyền thông cho rằng hãng này cạnh tranh không công bằng. Mặc dù quyết định này có hiệu lực từ ngày 6-3-2018, nhưng đến ngày 26-3-2018 mới được công bố.
Trước đó, một tòa án ở Rome tháng 4-2017 cũng làm điều tương tự khi ban hành lệnh cấm sử dụng các ứng dụng của Uber trên điện thoại thông minh với lý do Uber đang tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh với các loại hình taxi truyền thống.