Buổi diễn đặc biệt của đoàn quân nhạc

Thứ Bảy, 21/12/2019, 09:23
Vào 20h tối nay, thứ Bảy ngày 21-12, Đoàn Nghi lễ Công an nhân dân (CAND) thuộc Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động sẽ tổ chức chương trình diễu hành đường phố biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô và du khách nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2019).

Đây là hoạt động thường kỳ hằng tháng của Đoàn Nghi lễ CAND góp phần lan tỏa hình ảnh người chiến sĩ công an gần gũi, thân thiện và đi vào lòng dân vừa là đúng dịp tấu lên khúc tráng ca về người lính bộ đội Cụ Hồ, về người chiến sĩ CAND và những hành khúc đã đi cùng người lính suốt chặng đường lịch sử của dân tộc.

Đoàn nghi lễ Công an nhân dân biểu diễn tại Hồ Gươm.

Con đường âm nhạc 1,5 km

Trong sáng Thứ bảy (21-12) mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi. Mặc dù đã tập luyện cả tháng nay nhưng các nhạc công trong đoàn nghi lễ vẫn tiếp tục rèn luyện cho buổi biểu diễn xúc động vào 20h tối nay tại phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Buổi diễu hành sẽ xuất phát từ ngã tư đường Bà Triệu, Hàng Khay, Tràng Thi, Lê Thái Tổ, sau đó từ đường Hàng Khay đi ra đường Đinh Tiên Hoàng và kết thúc tại Nhà hát múa rối Thăng Long.

Thượng tá Trịnh Anh Thông, Phó Đội trưởng Phụ trách chuyên môn chia sẻ: Kỷ niệm 75 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 30 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân, là một dấu ấn không thể mờ phai trong lòng những người lính nói riêng và cả đất nước Việt Nam nói chung. Chương trình lần này, Đoàn sẽ biểu diễn 15 tiết mục bao gồm các ca khúc đậm tính hành khúc, chiến đấu như: "Phủ Thông chiến thắng" (tác giả Đinh Ngọc Liên), "Tiến bước dưới lá quân kỳ" (tác giả Doãn Nho), "Hát mãi khúc quân hành" (tác giả Diệp Minh Tuyền) do dàn nhạc kèn và tốp múa phụ họa, "Quân đội ta anh hùng" (tác giả Văn An), "Quê hương Việt Nam tôi" (tác giả Đỗ Nhuận), "Người công an thân yêu" (tác giả Văn Cao), "Hải cảng về ta" (tác giả Đinh Ngọc Liên), "Bác đang cùng chúng cháu hành quân" (tác giả Huy Thục), "Vì nhân dân quên mình" (tác giả Doãn Quang Khải), "Mười chín tháng Tám" (tác giả Xuân Oanh), "Colonel Bogey" (tác giả Ngọc Anh), "Hành khúc CAND" (tác giả Trọng Bằng), "Tiến về Hà Nội" (tác giả Văn Cao), "Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ" (tác giả Triều Dâng), "Nối vòng tay lớn" (tác giả Trịnh Công Sơn).

Ngoài dàn nhạc kèn, có phụ họa của tốp múa đan xen trong chương trình để thay đổi không khí. Lần này, Đoàn lại tiếp tục biểu diễn theo nghi thức diễu hành sẽ tạo được hiệu ứng cho toàn thể nhân dân và du khách. Nhiều người dân đi bộ theo Đoàn nghi lễ trong suốt hành trình, gây được cảm hứng thăng hoa cho nhạc công. Trong những đoạn nghỉ giữa các bài hát thì các nghệ sĩ cùng giao lưu với khán giả.

Thiếu tá Vũ Nam là nhạc công chơi trombone trong bộ đồng của Đoàn. Anh SN 1970, là người từng biết đến một thời kỳ chiến tranh gian khổ của dân tộc. Anh cho biết, vẫn nhớ khi anh 3 tuổi đã bì bõm trốn vào hầm để tránh đạn bom của giặc. Năm 1979 chiến tranh biên giới, anh đã 9 tuổi và thời điểm ấy đã thấm nhuần những khúc tráng ca của dân tộc như lời hiệu triệu.

Anh Nam cũng cho biết, vì trong gia đình, bố mẹ anh đều là người chiến sĩ CAND, bởi vậy, điều may mắn của anh là đã theo gót cha mẹ để trở thành người chiến sĩ công an, để nối tiếp truyền thống gia đình. Khi đã đủ tuổi vào quân ngũ, anh Nam lên đường vào lính. Trong thời gian ấy, tâm hồn yêu âm nhạc của anh được chắp cánh, anh được tuyển chọn vào Đoàn Nghi lễ CAND từ những ngày đầu tiên. Đã có những điều rất khó khăn, trong cả quá trình học tập, rèn luyện và trở thành một nhạc công trong đoàn nhưng đối với anh, được phục vụ cho nghề nghiệp, cho công việc và rộng hơn nữa, cho dân tộc là điều anh luôn mong muốn.

Trung úy Phạm Văn Báu, SN 1992, là người thổi kèn trumpet, một trong những nhạc cụ được gọi là hoàng tử của bộ kèn cũng đang háo hức chờ đêm biểu diễn để được thể hiện tài năng của mình phục vụ khán giả. Báu cho biết, trở thành một người nhạc công là một sự tình cờ may mắn của cuộc đời em. Khi đi lính, vì có năng khiếu âm nhạc nên Báu được đơn vị tuyển vào Đoàn Nghi lễ và cho học tại Khoa Quân nhạc của trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội.

Trung úy Phạm Văn Báu trong một chuyến biểu diễn (ảnh trái); Chiến sĩ đoàn quân nhạc chụp cùng khán giả.

Kèn trumpet thường dùng hơi rất nặng, trong dàn nhạc thì thổi nốt cao, chuyên đệm những đoạn có âm thanh cao vút nên đó cũng là một áp lực cho Báu. Tuy nhiên, Báu chia sẻ rằng, đã là người lính thì xung phong trên mọi mặt trận và được làm việc để có sự cống hiến cho nhân dân, cho lực lượng công an là một điều em tâm đắc.

Trong các cuộc diễu hành, đòi hỏi người nhạc công phải nhớ nhiều, hầu hết nhớ các bài hát, cho nên cũng sẽ phải luyện tập khá công phu. Ngoài học các anh chị trong Đoàn thì Báu còn tự học ở nhà, tự rèn luyện để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Báu từng được cùng dàn nhạc tham gia diễu hành tại Đại hội B70 của Công an khỏe toàn quốc. Tuy nhiên, điều khiến em bất ngờ nhất là trong các cuộc diễu hành tại hồ Gươm, đó là sự quan tâm của quần chúng nhân dân dành cho người chiến sĩ CAND. Cho nên cho dù mệt nhưng vui và đầy phấn chấn.

Có những bác ra tận nơi hỏi con có mệt không để bác lấy nước cho uống. Báu có gia đình và con đang nhỏ, vợ con Báu cũng hòa vào dòng người tấp nập để xem chồng mình biểu diễn. Đó là một sự ủng hộ nhiệt tình, đầy yêu thương để tiếp thêm nghị lực cho Báu trên con đường cống hiến.

Những khúc nhạc ngân dài...

Đại úy Nguyễn Đức Kiên là nhạc công chơi baritone trong dàn nhạc. Là người từng tham gia rất nhiều chương trình nhạc hội thế giới tại Đức, Nhật Bản, Myanmar, Indonesia... nhưng Kiên chia sẻ, chỉ có tại Việt Nam, tại những lần biểu diễn ở hồ Gươm, Kiên mới cảm nhận được tình cảm ấm nồng của người dân đến vậy. Từ cử chỉ, hành động, lời nói và ánh mắt của người dân dõi theo, vừa tò mò, thích thú, vừa khâm phục, Kiên cảm giác sự cống hiến của mình cho âm nhạc, trong hình ảnh người chiến sĩ, là vô cùng thiêng liêng, quý giá.

Có những người dân, những em nhỏ đã đi theo đoàn tận 90 phút đồng hồ, họ đi phía trước, hai bên, xung quanh, đồng hành cùng người nghệ sĩ, chiến sĩ. Cảm giác lúc ấy, quân dân hòa làm một, tiếng nhạc như một lời hiệu triệu của non sông, khắc ghi thêm lòng yêu quê hương, dân tộc trong lòng người chiến sĩ, người nghệ sĩ và toàn thể nhân dân.

Những buổi diễu hành này cũng là động lực cho những người nghệ sĩ yêu nghề hơn, hăng say hơn trong tập luyện vì đằng sau là rất nhiều người đang trông mong và đồng hành trên con đường âm nhạc. Sau mỗi bài, những tiếng vỗ tay không dứt khiến mọi nỗi mệt nhọc đều qua đi. Kiên cũng háo hức chờ đón buổi tối Thứ bảy, một buổi diễu hành đặc biệt kỷ niệm 75 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Các nhạc công Đoàn nghi lễ say sưa biểu diễn.

Kiên khẳng định rằng, đây sẽ là một đêm diễn đầy tự hào, linh thiêng và đầy xúc động. Hình ảnh của người công an, người bộ đội, người dân hòa vào làm một, đó chính là tinh thần dân tộc, tinh thần đoàn kết một lòng để yêu Tổ quốc, cùng xây dựng Tổ quốc ngày một ấm no, hạnh phúc.

Thượng tá Trịnh Anh Thông, Phó trưởng Đoàn Nghi lễ cho biết, Đoàn Nghi lễ CAND nói riêng và lực lượng CAND nói chung luôn làm tròn trách nhiệm để đáp ứng được yêu cầu và mục đích chính trị nhưng cũng là một hoạt động bổ ích cho hầu hết cán bộ chiến sĩ của Đoàn Nghi lễ bởi vì những hoạt động biểu diễn thường kỳ hằng tháng này, sẽ giúp các nghệ sĩ của đoàn sẽ có thêm cơ hội cọ xát thực tế, nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, rút được kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật, biểu diễn để chuẩn bị cho các sự kiện tiếp theo trong thời gian tới.

Chương trình kỷ niệm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ diễn ra tối nay tại hồ Gươm cũng hứa hẹn nhiều sự thăng hoa và đón nhận của nhân dân Thủ đô, nhằm góp phần lan tỏa hình ảnh người chiến sĩ công an gần gũi, thân thiện và luôn làm tròn nhiệm vụ của mình trong công cuộc đấu tranh giữ vững an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và để mỗi người dân thấy rằng, người chiến sĩ CAND sẽ luôn tận tụy phục vụ nhân dân, cho dù đó là trên trận tuyến chống kẻ thù cam go, hay trong đời sống thường nhật.

Nói như Đại úy Nguyễn Đức Kiên, anh là một chiến sĩ, nghệ sĩ, một người cha hạnh phúc vì sau mỗi đêm biểu diễn, cậu con trai yêu quý của anh, mỗi đêm diễn ra Bờ Hồ đồng hành cùng cha mình trở về nhà, cậu cứ ngân nga mãi khúc hát quân hành. Cậu tự hào kể với bạn bè về công việc của cha mình... Điều đó một lần nữa động viên tinh thần cho những người nhạc công.

Phía sau những giai điệu đầy hào hùng, lắng đọng, là những buổi khổ luyện, nhọc nhằn. Nhưng đổi lại, niềm hạnh phúc của các anh được nhân lên gấp bội. Bởi có nhiều tấm lòng và nhiều câu chuyện đã được kể bằng tất cả sự thăng hoa, bằng đam mê và được ngân dài như khúc nhạc đằng sau những gian nan ấy...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.