Buồn cho danh xưng của nhan sắc

Thứ Bảy, 10/10/2020, 10:54
Những ngày gần đây, dư luận lại được dịp xôn xao trước thông tin hoa khôi Trần Ngọc Huyền - người giành giải nhất cuộc thi Tìm kiếm người đẹp du lịch Quảng Bình 2019 bị ban tổ chức (BTC) tước vương miện. Lý do được đưa ra là cô gái sinh năm 1998 này đã không có ý thức “tự gìn giữ bản thân”.


“Mất bò mới lo làm chuồng”

Trong công văn được phía BTC đưa ra, Trần Ngọc Huyền bị tước danh hiệu Người đẹp du lịch Quảng Bình 2019 vì vi phạm hợp đồng cam kết của cuộc thi. Phía BTC yêu cầu người đẹp phải trả lại tiền thưởng 50 triệu đồng, vương miện, quyền trượng, dải băng đeo, giải thưởng và các phần thưởng kèm theo. Đồng thời, cô phải đền bù thiệt hại về mặt hình ảnh, thương hiệu và uy tín cho BTC theo quy định. Chia sẻ với truyền thông, bà Trần Thị Thùy Linh - Trưởng BTC nói rằng, người đẹp Trần Ngọc Huyền đã vi phạm hợp đồng cam kết, để chuyện tình cảm cá nhân ảnh hưởng đến hình ảnh đại diện du lịch và uy tín của cuộc thi.

Trần Ngọc Huyền giành giải nhất cuộc thi Tìm kiếm người đẹp Du lịch Quảng Bình năm 2019.

Đồng thời, Trần Thị Huyền không tham gia các hoạt động quảng bá cũng như các chương trình từ thiện, không hợp tác khi được nhắc nhở. Thậm chí, cô có thái độ chống đối, không thực hiện yêu cầu viết cam kết của BTC. Trước đó BTC đã gửi công văn yêu cầu viết bản tường trình khi phát hiện những vi phạm của Trần Ngọc Huyền với mong muốn cô nhận thức rõ sai lầm của bản thân nhằm tạo điều kiện cho Huyền để có cơ hội sửa chữa, làm lại. Nhưng, Huyền đã chống đối với thái độ không hợp tác...

Trước Ngọc Huyền, không ít người đẹp từng bị tước vương miện, danh hiệu vì ồn ào đời tư không đáng có. Song, hầu hết động thái tước vương miện, danh hiệu của người đẹp khi mọi sự đã rồi. Còn nhớ, tháng 9-2018, BTC cuộc thi Người mẫu thời trang Việt Nam 2018 công bố tước danh hiệu Á quân 1 của Nguyễn Thị Dung (nghệ danh Thư Dung). Lý do đơn vị tổ chức đưa ra là Thư Dung thực hiện hành vi không phù hợp, chụp ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của người Việt Nam tại Tuyệt tình cốc Đà Lạt.

Ngoài ra, đơn vị nhận được thông tin phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật của Thư Dung khi cô bị nghi có liên quan tới đường dây bán dâm giá 30.000 USD bị Cơ quan công an điều tra. Tiếp đó, BTC cuộc thi Miss Eco International (Hoa hậu Du lịch sinh thái quốc tế) thông báo trên fanpage chính thức, Thư Dung không còn là Á hậu của cuộc thi này. Người đẹp Brazil được trao danh hiệu thay thế.

Tháng 3/2017, sau khi làm việc với cơ quan quản lý, BTC Hoa khôi Du lịch thừa nhận có sai phạm trong quá trình tuyển sinh, cho phép cả những thí sinh chưa đáp ứng quy định pháp luật, tiêu chí, thể lệ tham gia cuộc thi.

BTC sau đó đã nghiêm túc tiếp thu, rút kinh nghiệm và cam kết thực hiện thu hồi giải thưởng của thí sinh Nguyễn Thị Thành. Ngoài việc bị tước danh hiệu Á khôi 1, người đẹp Nguyễn Thị Thành cũng bị tước quyền tham dự cuộc thi Miss Eco International tại Ai Cập diễn ra trong năm đó.

Tuy nhiên, Nguyễn Thị Thành vẫn được BTC đồng ý cho giữ vương miện trị giá 7.500 USD làm kỷ niệm, đồng thời vị trí Á khôi 1 Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2018 sẽ bỏ trống. Ngoài ra, cô cũng từng tham gia Hoa hậu Việt Nam 2016 nhưng bị BTC cuộc thi yêu cầu dừng thi vì phát hiện cô ngụy tạo hồ sơ, cung cấp thông tin sai lệch và thẩm mỹ răng.

Cũng trong năm 2017, Mrs. Vietnam World 2017 Trần Bảo Ngọc bị BTC tước vương miện. Lý do đơn vị tổ chức đưa ra là do cô không hoàn thành sứ mệnh của một hoa hậu theo đúng tiêu chuẩn của BTC. Nguyễn Thị Bảo Ngọc đã không tuân thủ và vi phạm những điều lệ đã được ký kết. Á hậu Hạnh Thu được đề cử thay thế vị trí của Bảo Ngọc và tham gia cuộc thi Mrs. World 2017 tổ chức tại Nam Phi.

Theo BTC, trong thời gian đương nhiệm, Nguyễn Thị Bảo Ngọc đưa ra nhiều đòi hỏi vô lý, đặt nặng lợi ích cá nhân mà xem nhẹ uy tín của cuộc thi, khiến dư luận có cái nhìn méo mó về sứ mệnh của một hoa hậu. Nhận được quyền đề cử đại diện Việt Nam tham gia Mrs. World 2017, BTC cho biết Bảo Ngọc sẽ chỉ dự thi khi được BTC “đảm bảo một suất vào top 5 chung cuộc”.

Sau khi thông tin về việc bị tước vương miện được BTC đưa ra, Bảo Ngọc cho biết cô khá bất ngờ nhưng sẽ kiện và làm đến cùng để lấy lại sự trong sạch cho mình vì những gì BTC đang nói về cô trong thông cáo là sai sự thật. Song, vụ lùm xùm này đến nay đã chìm vào quên lãng.

Tại cả đôi bên

Theo luật sư Trần Anh Dũng (Đoàn Luật sư Hà Nội), Nghị định 28/2017 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 158/2013) có quy định rõ một sai phạm có thể bị thu hồi danh hiệu. Đó là khi các cá nhân sau khi đoạt giải các cuộc thi người đẹp đã “thực hiện hành vi không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam”.

Nguyễn Thị Thành bị tước danh hiệu Á khôi 1 Hoa khôi Du lịch 2017 vì đã làm răng sứ.

Hiện, pháp luật vẫn quy định việc quản lý các cuộc thi nhan sắc là giao toàn bộ cho Cục Nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về thi người đẹp, người mẫu theo Nghị định 79/2012 nhưng đã có điều chỉnh pháp luật. Theo Nghị định 28/2017 sửa đổi bổ sung Nghị định 158/2013 quy định hướng dẫn tước danh hiệu hoa hậu, cơ quan Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ có việc yêu cầu chứ không có quyền trực tiếp tước vương miện của hoa hậu.

Từ sự việc của Trần Ngọc Huyền, Thư Dung hay Nguyễn Thị Thành..., vấn đề đặt ra là trách nhiệm thuộc về ai? Thí sinh, BTC hay cơ quan quản lý? Rõ ràng, việc tước danh hiệu của người từng đoạt giải cao tại các cuộc thi nhan sắc là điều bất đắc dĩ và không ai muốn những ồn ào mang tính tiêu cực.

Hay, nói như chuyên gia đào tạo hoa hậu Phúc Nguyễn: “Tôi thực sự nể sự can đảm của BTC nào dám tuyên bố tước danh hiệu hoa hậu trong cuộc thi của mình. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của cuộc thi đó”. Song, giữa bạt ngàn các cuộc thi nhan sắc được tổ chức ra mỗi năm, để sự việc như trên xảy ra, có lẽ trách nhiệm nhiều nằm nhiều ở bản thân người đẹp và BTC.

Bên cạnh việc lựa chọn để tìm ra gương mặt nổi trội nhất, xứng đáng nhất để trao giải, BTC buộc phải có cơ chế quản lý chặt chẽ, thiết thực hơn đối với các thí sinh của mình. Trong khi đó bản thân mỗi người đẹp phải tự ý thức được trách nhiệm ở cương vị mới.

Quá khứ từng ghi nhận, các cuộc thi hoa hậu trước đây dường như chỉ cần đẹp là đủ. Nhưng ngày nay, một hoa hậu không thể chỉ cần một hình thể hút mắt với cái đầu rỗng tuếch được. Chiếc vương miện đẹp nhất, danh hiệu cao quý nhất chỉ khi được tô điểm bởi vẻ đẹp hình thể, trình độ tri thức, tấm lòng nhân ái và kỹ năng ứng xử văn hóa.

Nhà văn, nhà viết kịch Chu Thơm, nguyên Phó trưởng Phòng Nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn thẳng thắn nhìn nhận: “Giám khảo nào thì thí sinh đó. Thế nên mới có chuyện một cô hoa hậu mới đăng quang đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội của công chúng về nhan sắc, cách ứng xử thiếu văn minh. Trong khi đó, ngay từ vòng ứng xử, nhiều thí sinh đã đưa ra những câu trả lời ngô nghê, thiếu hiểu biết. Song, đáng trách hơn cả là những người đứng ra tổ chức các cuộc thi. Liệu có phải vì khoản lợi nhuận và danh tiếng quá lớn mà cố tình lăng-xê cho những giá trị ảo, bất chấp mọi thứ để cuộc thi được diễn ra?”.

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là sẽ “tẩy trắng” vai trò của các cơ quan quản lý. Khi cơ quan chức năng cấp phép cho một đơn vị nào đó tổ chức thi hoa hậu hay thi nhan sắc nói chung, cần có quy định cụ thể, phải giám sát chặt chẽ cuộc thi. Không thể để mọi việc xảy ra rồi mới bắt đơn vị tổ chức giải trình theo kiểu “sự đã rồi”, đồng thời, không không cấp phép tràn lan cho những đơn vị tổ chức như một cái chợ.

Người đẹp, họ làm được gì cho xã hội?

Chưa có thời kỳ nào các loại danh hiệu hoa hậu lại nhiều như những năm gần đây. Nhiều đến nỗi người ta không thể nhớ hết được tên của chúng. Điều đáng nói, các cuộc thi sắc đẹp này rất hay vướng phải những ồn ào, từ thí sinh cho tới ban giám khảo, BTC.

Thư Dung bị tước danh hiệu Á hậu 3 Miss Eco Internationl 2018 sau hành động chụp dảnh phản cảm và nghi án nằm trong đường dây mua bán dâm.

Có cuộc thi khép lại trong tai tiếng. Có cuộc thi vừa mới bắt đầu scandal đã nổ ra. Song, những ồn ào về các cuộc thi sắc đẹp trong nhiều năm qua dường như không thể che đậy được thức tế “ảo” về giá trị thật của những cuộc thi nhan sắc đem lại cho xã hội. Vai trò của các người đẹp với cộng đồng cũng là một câu hỏi chưa có hồi đáp. Nhiều người đặt câu hỏi, không biết nhiều cuộc thi hoa hậu đến như vậy để làm gì, các cuộc thi này giúp ích gì cho cuộc sống?

Bày tỏ về thực trạng các cuộc thi nhan sắc tại nước nhà, nhà biên kịch Chu Thơm ngán ngẩm: “Ở đâu ra lắm hoa hậu thế? Ngày càng có nhiều cuộc thi sắc đẹp và ngày càng có nhiều hoa hậu diễu võ giương oai trên sóng truyền hình, trên mạng xã hội. Ngày nay, ai cũng muốn được trở thành hoa hậu, từ một nữ sinh còn đang ngồi trên ghế giảng đường hay tới cô gái công khai việc sống nhờ bạn trai rồi tự xưng làm “nữ hoàng nội y”.

Có những cô gái suốt đời chỉ làm một việc là tham gia các cuộc thi nhan sắc, trượt cuộc này lại thi cuộc khác theo kiểu “cố sống cố chết” tìm lấy một danh hiệu để được đổi đời, giàu có. Nhiều người sắm được xe sang, đồ hiệu đầy người, lấy được chồng giàu cũng từ những cuộc thi như thế này. Nhiều đại gia tuyển được vợ cũng từ các cuộc thi đó mà ra. Tôi thấy bây giờ người ta có câu nói vui: “Người đẹp là của đại gia/ Còn cái bà chân ngắn đang muối cà là vợ em”. Trong khi đó, các cuộc thi này cũng mang về món lời béo bở từ các nhà tài trợ cho BTC”.

Có một thực tế không thể chối cãi rằng, cuộc thi nhan sắc nào cũng được tô điểm bởi thông điệp mà BTC “vẽ” ra, hoa hậu nào cũng sẽ được gắn với một sứ mệnh vô cùng lớn lao. Nhưng thử hỏi, có mấy cô hoa hậu nào dám dấn thân về những nơi tận cùng của Tổ quốc để chia sẻ khó khăn với đồng bào? Có mấy cô hoa hậu tiếp tục thực hiện lời hứa khi đăng quang, hay nhanh chóng lên xe hoa với một đại gia ngay khi vừa hết nhiệm kỳ?

Nhà biên kịch Chu Thơm trăn trở: “Thử hỏi, một cường quốc nhan sắc như Venezuela có nền kinh tế hưng thịnh không? Một đất nước tỷ dân như Trung Quốc nhưng tại sao số lượng các cuộc thi nhan sắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Từ đó nhìn về nước ta. 1 năm, 2 năm, thậm chí 5 năm không có cuộc thi hoa hậu nào thì hình ảnh người phụ nữ Việt Nam có bị lu mờ, có bị mai một đi trên trường quốc tế hay không?”.

Thảo Dung
.
.