Buôn lậu tiền USD giả ở Peru

Thứ Ba, 28/08/2012, 15:00

Vào thượng tuần tháng 8, Cảnh sát Peru tuyên bố đã bắt giữ 2,3 triệu USD tiền giả mệnh giá 50 USD được cho là gia đình mafia Quispe Rodriguez sản xuất và tiêu thụ. Raul Salazar, Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Peru, cho biết bọn tội phạm có kế hoạch buôn lậu một số lớn tiền USD giả sang Mỹ hay các quốc gia sử dụng đồng tiền này như Ecuador. Theo giới chức Mỹ, Peru là quốc gia sản xuất tiền USD giả lớn nhất thế giới, và chỉ riêng trong năm 2012 cảnh sát nước này đã bắt giữ được tổng cộng 17 triệu USD tiền giả.

Theo hồ sơ Cảnh sát Peru, người đàn ông bị bắt giữ tên là Luis Alfredo Obando Paredes thuộc gia đình mafia Quispe Rodriguez do Joel Rodriguez Quispe hay Nique lãnh đạo - người đã bị bắt giữ và truy tố trước pháp luật. Số tiền giả và công cụ để sản xuất tiền giả như là giấy và mực in đặc biệt được tìm thấy trong căn nhà của Obando Paredes ở thủ đô Lima của Peru. Trước đó khoảng 2 tuần, thêm hai người thân của Obando Paredes cũng bị bắt giữ với gần 7 triệu USD tiền giả, với số lượng nhỏ tiền euro và Nuevo sol của Peru.

Theo Cesar Cortijo - lãnh đạo Phòng Điều tra tội phạm của Cảnh sát Quốc gia Peru, các mánh khóe được dùng để gửi tiền giả ra nước ngoài cũng tương tự như cách làm của bọn tội phạm buôn lậu ma túy - tức là giấu tiền vào những nơi bất thường để tránh bị phát hiện hay được phủ bằng lớp giấy carbon để tia X không nhìn thấy được. Khi Joel Quispe Rodriguez - người điều hành các thành viên trong gia đình buôn lậu số tiền giả khổng lồ ra nước ngoài từ năm 2009 - bị cảnh sát tóm cổ vào năm 2011, nhiều người tin rằng mạng lưới sản xuất và tiêu thụ tiền USD giả sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, hai lần trong năm 2012 - ngày 17/7 và 1/8 - gia đình này lại bị buộc tội liên quan đến tiền giả.

Brian Leary, người phát ngôn cho Mật vụ Mỹ (SS) - Cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ Mỹ về sự an toàn của đồng USD trên toàn thế giới, cho biết tờ USD giả đầu tiên do Peru sản xuất được phát hiện tại Mỹ vào năm 2003 và hiện nay khoảng 17% số USD giả lưu hành tại Mỹ có nguồn gốc từ Peru.

Tổng số tiền USD giả được sản xuất ở Peru là bao nhiêu thì chưa được biết, song Ngân hàng Dự trữ trung ương (CRB) của nước này tin rằng, số tiền giả đang lưu thông trên thị trường không đặt ra mối đe dọa cho nền kinh tế vĩ mô. Antonio Ramirez, quan chức CRB, nhận định loại tội phạm sản xuất tiền giả có tổ chức này phần lớn chỉ tác động đến những người dân có thu nhập thấp bởi vì họ sẽ mất nhiều tiền hơn nếu gặp phải tiền giả. Ramirez đánh giá khoảng 0,5% lượng tiền đang lưu thông ở Peru, bao gồm USD, là tiền giả của gia đình Quispe Rodriguez sản xuất.

Số USD giả bị thu giữ ở Peru.

Người dân Peru sử dụng hai loại tiền Nuevo sol và USD và biết rõ sự nguy hại của tiền giả cho nên họ rất cẩn thận đối với những tờ tiền có mệnh giá cao. Các cửa hàng và khách sạn ở Peru sử dụng tia tử ngoại và những cây bút được thiết kế đặc biệt để phát hiện nhanh chóng tiền giả, còn giới lái xe taxi có thói quen đưa tờ tiền ra trước ánh sáng để xác định giá trị thật.

Ở Peru, người ta dễ dàng mua được thẻ căn cước và giấy tờ giả ngoài chợ đen, và quốc gia này cũng là con đường để buôn lậu ma túy, thực phẩm và buôn người. Chính quyền Peru nhận thức rõ vấn đề và tuyên bố ưu tiên chống tội phạm có tổ chức. Bọn sản xuất tiền giả sẽ lãnh mức án đến 12 năm tù giam. Jorge Gonzalez, nhà kinh tế Peru chuyên nghiên cứu về tiền giả, kêu gọi chính quyền nên tiến hành nhiều chiến dịch bắt giữ những ông trùm tội phạm trong nước hay ở nước ngoài, bởi vì hiện tại chỉ những tên vận chuyển tiền giả qua đường hàng không mới bị bắt giữ hơn là những kẻ cầm đầu. Jorge Gonzalez cũng nhấn mạnh sự hợp tác đa quốc gia và chia sẻ thông tin tình báo sẽ mang lại hiệu quả chống tội phạm cao hơn.

Peru bắt đầu hợp tác chặt chẽ hơn với chính quyền Mỹ từ năm 2009, và Ngân hàng Trung ương của Peru cũng trao đổi thông tin với Interpol và Tây Ban Nha, nơi sử dụng đồng euro. Mặc dù vậy, giáo sư  Gonzalez - người hai lần giữ chức vụ Bộ trưởng - tin rằng chừng nào tiền giả còn mang lại lợi nhuận béo bở thì hoạt động phi pháp này vẫn ngang nhiên tồn tại.

Theo tính toán của Gonzalez, cứ 10 USD giả được buôn lậu ra khỏi biên giới Peru sẽ mang về 1 USD tiền thật cho kẻ buôn lậu. John Large, Đội phó Đội chống tội phạm chi nhánh ở Miami của SS, tuyên bố tiền giả cũng là một dạng khủng bố kinh tế vô cùng nguy hiểm. Không chỉ công dân và doanh nhân Mỹ bị mất hàng triệu USD vì tiền giả mà các mạng lưới sản xuất và buôn lậu USD giả trên khắp thế giới còn phá hoại ngầm giá trị của đồng tiền Mỹ.

Raul Salazar, Giám đốc Cảnh sát quốc gia Peru.

Điều đặc biệt là trường hợp ở các quốc gia Nam Mỹ và những quốc gia có nền kinh tế "USD hóa" và đồng tiền Mỹ được công nhận là tiền tệ sử dụng chính thức. Tháng 2/2009, SS đã triển khai một lực lượng đặc nhiệm phối hợp với Cảnh sát Quốc gia Peru tiến hành chương trình huấn luyện kỹ năng phát hiện tiền giả cho các quan chức chính quyền Peru và giới chủ ngân hàng nước này. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đồng thời cảnh báo du khách Mỹ nên hết sức cẩn thận với tình trạng tiền USD giả lan tràn ở Peru.

SS đặt trụ sở tại Washington, lần đầu tiên chú ý đến số lượng nhỏ tiền giả từ Peru vào đất Mỹ vào năm 2003. Theo tiết lộ của quan chức SS, trước đó hai năm một phụ nữ bị phát hiện sử sụng 7 tờ 100 USD tại cửa hàng Macy's Galleria ở Fort Lauderdale, bang Florida. Qua điều tra cho thấy người phụ nữ này bay đến thủ đô Lima của Peru hàng tháng và chị ta nhanh chóng bị bắt giữ tại sân bay quốc tế Miami với 47.300 USD giả mệnh giá 100 USD giấu trong hành lý và trong người.

Kris Buckner, nguyên Phó cảnh sát trưởng hạt Los Angeles cho biết, có nhiều nhóm phổ biến tiền giả sản xuất ở Peru hoạt động tại miền Nam California trong một thời gian nhưng khó thu thập thông tin tình báo về chúng. Các quan chức Mỹ và Peru cho biết, một số người Peru buôn lậu tiền USD giả cũng tham gia vào mạng lưới buôn lậu ma túy. Ngoài ra, bọn chúng còn làm hộ chiếu giả, visa giả và một số loại giấy tờ giả khác. Chính quyền Mỹ lo sợ bọn khủng bố có thể sử dụng giấy tờ giả và cả tiền USD giả để vào đất Mỹ.

Interpol phối hợp chặt chẽ với chính quyền các quốc gia Nam Mỹ từ năm 2005. Chiến dịch Jupiter V trong những năm qua của Interpol đã dẫn đến 1.700 vụ bắt giữ và tịch thu hơn 507 triệu USD giả. Tổng thư ký Interpol Ronald K. Noble,  cho biết, Interpol hợp tác chặt chẽ với 188 quốc gia thành viên cũng như các tổ chức đối tác khác trên toàn thế giới để chống loại tội phạm sản xuất tiền giả cũng như các mặt hàng giả khác trên toàn cầu

Diên San (tổng hợp)
.
.