Búp Sen Vàng 2015: Góc nhìn của nhà làm phim trẻ

Thứ Tư, 29/07/2015, 07:15
Ngày 2/8 tới đây tại rạp Công Nhân, Hà Nội sẽ diễn ra lễ trao giải Búp Sen Vàng 2015 mùa thứ 6 - giải thưởng phim ngắn thường niên của dự án “Chúng ta làm phim” do Trung tâm Phát triển Tài năng Điện ảnh TPD tổ chức. Đây được xem là giải thưởng phim ngắn quy tụ nhiều nhà làm phim trẻ độc lập lớn nhất Việt Nam.

Cơ hội cho những nhà làm phim trẻ

Đã có 300 phim tài liệu và 80 phim truyện thực hiện trong 5 năm qua được đề cử tham gia giải thưởng Búp Sen Vàng từ những nhà làm phim trẻ của TPD. Con số tham gia nhưng không được đề cử còn nhiều hơn nữa. Sau mỗi khóa học các nhà làm phim phải tự tìm đề tài, phim tài liệu của riêng mình. Đây là nguồn phim tài liệu chính của Trung tâm TPD.

Có không ít phim của các tác giả trẻ đã bước ra để sang các giải thưởng khác  như bộ phim "Ngoài kia có gì" của đạo diễn Nguyễn Diệp Thùy Anh giành giải thưởng Ban giám khảo (BGK) bình chọn cho phim ngắn xuất sắc nhất trong Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội. Trước khi giành giải thưởng tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội thì "Ngoài kia có gì" đã giành giải thưởng tại Búp Sen Vàng 2013.

Sau khi giành các giải thưởng trong nước, các phim của nhà làm phim trẻ tiếp tục hành trình xuất ngoại, sang 7 trường đại học tại Mỹ với phim tài liệu, đề tài đa dạng, trẻ em, người bị bệnh phong…

Những bạn trẻ trong dự án “Chúng ta làm phim” của trung tâm TPD.

Búp Sen Vàng 2015 mùa thứ 6 có số lượng phim tham gia vượt trội hơn hẳn các mùa trước với 17 phim truyện và 108 phim tài liệu. Có 20 phim được đề cử trong tổng số phim gửi dự thi tham dự giải lần này, 10 phim truyện và 10 phim tài liệu.

Thùy Dương, đại diện ban tuyển phim cho biết: "Không chỉ có số lượng phim lớn hơn so với các mùa trước  mà chất lượng cũng tốt hơn rất nhiều. Phim tài liệu có góc nhìn sâu sắc hơn. Tất cả các bạn đều hướng về chủ đề năm nay là "góc nhìn". Trước đây phim tài liệu của TPD bị bó hẹp trong phạm vi gia đình nhưng ở mùa giải này có nhiều đề tài phù hợp với xã hội hiện đại như tảo hôn, bạo lực gia đình, bình đẳng giới… Các bạn dũng cảm kiên trì đi theo đề tài vượt qua khó khăn thậm chí nguy hiểm để hoàn thành bộ phim của mình".

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, được xem như cha đẻ của Búp Sen Vàng đùa: "Mỗi kỳ Búp Sen Vàng là một đợt khám sức khỏe của các nhà làm phim trẻ, và năm nay thật sự là những nhịp tim khỏe mạnh vì số lượng phim tham gia nhiều hơn và chất lượng cũng được đầu tư kỹ hơn. Thật mừng vì mọi người tham gia làm phim rất tích cực, điện ảnh đã trở thành sân chơi quen thuộc với các bạn trẻ…".

Đạo diễn phim “Uyên” Nguyễn Hoài Nam cùng đoàn làm phim.

Mọi sai lầm đều phải trả giá bằng tiền mặt

Nguyễn Thùy Trang là nhà sản xuất của phim tài liệu "Văn minh xí xộm" một trong 20 phim đề cử vào Búp Sen Vàng mùa giải năm nay hào hứng kể: “Số tiền 3 triệu đi từ Hà Nội lên Sơn La để làm phim chỉ bao gồm xăng xe, còn đồ ăn được chuẩn bị từ nhà mang đi. Đấy là cách tiết kiệm. Chúng tôi luôn nói với nhau: "Mọi sai lầm đều phải trả giá bằng tiền mặt".

Với những người làm phim truyện thì tiền là 1 trong 3 yếu tố khiến chúng tôi cực kỳ đau đầu. Nếu mọi người làm phim truyện sẽ mất các khoản tiền vào việc thuê thiết bị,  tiền ăn cho cả đoàn phim và trả lương cho nhân sự, còn ở đây không có lương. Tùy vào kinh nghiệm của mỗi người trong đoàn phim sẽ đứng vào vị trí phù hợp, hỗ trợ những người còn lại. Ai chưa có kinh nghiệm sẽ làm trợ lý và ở vị trí này các bạn sẽ học cách làm sao một đoàn làm phim có thể với khoản kinh tế ít ỏi như thế nhưng vẫn phải duy trì”.

Thùy Trang còn cho biết thêm: “Ngoài việc tiết kiệm những khoản rất nhỏ, đoàn phim còn phải tính toán làm sao để làm việc hết công suất để không phải kéo dài thời gian, vì mỗi ngày dôi ra là thêm một ngày tiền ăn, thêm một ngày tiền thiết bị. Với kinh tế hạn hẹp đoàn phim luôn tính làm sao sản xuất và những bộ phim với mức kinh phí thấp nhất có thể nhưng vẫn phải đạt yêu cầu chất lượng”.

Một thành viên trong Ban tổ chức (BTC) Trung tâm TPD cho biết: Một phim tài liệu ngắn có dung lượng từ 10 - 15 phút sẽ mất khoảng 5 triệu đồng. Trung tâm TPD hỗ trợ dự án phim 2 triệu, các bạn bỏ thêm 3 triệu hoàn thành phim. Sau mỗi lần làm phim, mọi người sẽ hiểu thêm về công đoạn làm phim truyện, và quan trọng là các bạn sẽ biết cách làm thế nào tiết kiệm để sản xuất ra những bộ phim kinh phí thấp.

Trong một cuộc phát động làm phim trẻ tại Trung tâm TPD trong vòng 4 tháng thì 7 bộ phim ngắn được ra đời đều có chất lượng  tốt. Kinh phí hỗ trợ những bộ phim này là 2 triệu đồng kèm theo gói tài trợ thiết bị về máy móc, âm thanh, máy hậu kỳ. Nhưng vì có 7 đoàn làm phim cùng chạy, cùng chiếu trong một thời gian, nên mọi người cùng nhau tính toán về thời gian, tránh để không có đoàn nào phải bỏ tiền đi thuê thiết bị.

Tác giả, đạo diễn trẻ Sương Mai.

Góc nhìn của những nhà làm phim trẻ

Nguyễn Lê Hoàng Việt thành viên của BTC mùa Búp Sen Vàng 2015 phấn khởi: Chủ đề của năm nay là góc nhìn. Điện ảnh là môn nghệ thuật của thị giác, của những đôi mắt tinh tế nhạy bén,  nơi nghệ sĩ đưa ra cái nhìn riêng biệt của mình về thế giới xung quanh. Bộ phim được ví như lăng kính, qua đó người xem được chiêm nghiệm thế giới, con người, sự việc qua cái nhìn của những người làm phim.

Từ một góc nhìn độc đáo, táo bạo hoặc mới lạ trẻ trung, tất cả đều góp phần không nhỏ vào thành công của bộ phim. Để ra mắt các bộ phim tài liệu hay phim truyện, các nhà làm phim trẻ đã đi, đã thấy, đã trải nghiệm. Những bộ phim mang đến những góc nhìn đa chiều, phong phú và trung thực đưa người xem tới thế giới mới với những câu chuyện và xúc cảm. 

Hoàng Việt cũng cho biết, ngược lại trải nghiệm trong quá trình làm phim giúp cho các bạn có cái nhìn rộng hơn, sâu sắc hơn về cuộc sống xung quanh. Và bộ phim thành lăng kính hai chiều giúp cho người  làm phim và khán giả có cái nhìn, cảm nhận được chia sẻ.

Một đạo diễn người Pháp đã từng nói: "Những nhà làm phim phải làm nên điều mà nếu không có bộ phim của họ thì thế giới sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy được". Điều đó tôn vinh góc nhìn quan trọng, một  yếu tố vô cùng đặc biệt của điện ảnh đó là góc nhìn.

Chủ đề năm nay là góc nhìn. Khẩu hiệu: "Tôi thấy, tôi cảm nhận, tôi chia sẻ" là chủ đề xuyên suốt Bông Sen Vàng mùa thứ 6. Nguyễn Thị Thắm đạo diễn phim "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" là thành viên trong Ban giám khảo phim tài liệu mùa Búp Sen Vàng 2015 chia sẻ: Trước khi làm phim dài Thắm đã làm 3 phim ngắn. Khi bắt đầu làm phim ngắn Thắm không nghĩ nhiều về cuộc sống xã hội, mà hồi đấy làm phim là mình cố gắng có bài để  báo cáo cuối năm, cuối khóa học. Phim đầu tay hồi ấy khá hồn nhiên và xem lại thấy vụng về. Đến khi bắt tay vào làm phim dài, mình cảm thấy vô cùng khó khăn việc xin kinh phí. Nhưng dù sao phim tài liệu cũng đỡ tốn kém hơn phim truyện rất nhiều.

Tác giả "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" chia sẻ kinh nghiệm với các nhà làm phim trẻ: Điều quan trọng nhất của một người làm phim tài liệu là mình tìm ra được điều mà mình thật sự thích. Đó có thể là một đề tài, một câu chuyện mà mình thật sự quan tâm. Chính yếu tố này sẽ quyết định cảm xúc và sự quyết tâm đi đến cùng dự án hay không?! Với các bạn trẻ là những học sinh, sinh viên, khi mới bắt đầu làm phim, ở giai đoạn này các bạn không phải nghĩ quá nhiều về vấn đề kinh phí vì phim tài liệu so với phim truyện chi phí ít hơn rất nhiều. Các bạn chỉ làm theo bản năng quan sát cá nhân. Người ta nói: "Khi có kinh nghiệm càng phải suy nghĩ nhiều".

Cảnh trong phim “Mình cùng xem nhé” của tác giả Sương Mai.

Khi còn trẻ và bắt đầu làm phim thì nên hồn nhiên, làm phim truyện liên quan đến kinh phí, làm phim tài liệu không bị phụ thuộc quá về kinh phí nên nó cho mình sự tự do nhất định thì mình nên dựa vào sự tự do lúc mà mình có thể.

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm bày tỏ: "Là thành viên Hội đồng Giám khảo mùa Búp Sen Vàng 2015, tôi mong muốn tìm kiếm sự trong sáng hồn nhiên,  sự bản năng của những nhà làm phim trẻ vì phim tài liệu là khoảnh khắc. Những khoảnh khắc không bao giờ được sắp đặt, khoảnh khắc không bao giờ được biết đến trước,  những khoảnh khắc chỉ đến một giây thôi và sẽ trôi qua không bao giờ lặp lại nên sự nhạy cảm và bản năng của người làm phim tài liệu trong thời điểm diễn ra rất quan trọng".

Đạo diễn Thắm cho biết rất hứng thú và mong đợi để theo dõi trong tình huống đấy nhưng người làm phim trẻ sẽ xử lý tình huống đấy như thế nào. Đồng quan điểm tác giả phim "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" đạo diễn phim "Đập cánh giữa không trung" Nguyễn Hoàng Điệp cho biết chị rất hứng thú với những bộ phim tài liệu của các bạn trẻ trong dự án "Chúng ta làm phim" vì đó là những bộ phim đầu tay của các bạn trẻ luôn có thừa sự tâm huyết, vô cùng ngây thơ đôi khi ngây ngô nhưng đáng yêu.

Sự trong sáng và vô cùng hồn nhiên đó không dễ gì mà những người làm phim chuyên nghiệp còn giữ được, và chính vì vậy đạo diễn Nguyễn Thị Thắm và Nguyễn Hoàng Điệp đang hồi hộp mong chờ những thước phim nóng của các nhà làm phim trẻ mới toanh đến giờ trình chiếu.

Mỹ Trân
.
.