Tổng kết Cuộc thi "Chữ Việt đẹp" Giải báo CAND lần thứ Hai:

Bút hoa và nét chữ - nết người

Chủ Nhật, 06/09/2009, 18:20
10 tháng diễn ra cuộc thi Chữ Việt đẹp lần thứ Hai là 10 tháng cán bộ, nhân viên Ban ANTG bận rộn, lo âu xen lẫn vui mừng. Bận thì đương nhiên rồi vì ngoài việc lo cho từng số báo phát hành, mỗi người lại phải làm thêm phần việc của cuộc thi. Từ nhận bài, phân loại và đưa danh sách lên mạng.

Nghe thì đơn giản thế thôi nhưng đây lại là khâu quan trọng nhất để không lẫn, không sót những "bức họa" bằng chữ của học sinh. 50.000 bài dự thi đến từ 732 trường trên toàn quốc là một con số đáng nể đối với một giải thi dành cho học sinh Tiểu học và THCS. 50.000 bài thi là 50.000 số phận, 50.000 tính cách và gấp nhiều lần con số đó sự hy vọng. Hy vọng của học sinh dự thi, hy vọng của gia đình và hy vọng của nhà trường.

Bên cạnh đó còn là mong muốn của BTC chọn được những bài xuất sắc nhất trong mỗi cấp học để các em có quyền tự hào về chính mình. Và cũng chính từ mỗi học sinh đoạt giải sẽ nhân rộng thêm phong trào "Rèn nét chữ - Luyện nết người".

Khác với cuộc thi lần thứ Nhất, cuộc thi lần này chia làm 2 bảng: Khu vực tỉnh, thành phố và khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn (Khu vực I theo quyết định của Chính phủ). Chia bảng để chấm thi cũng chính là tạo sự công bằng cho mỗi học sinh tham gia dự thi. Điều khiến BTC lo lắng nhất là học sinh thuộc Khu vực I có điều kiện để tham gia không và liệu chất lượng bài viết sẽ ra sao?

Nhưng sau 3 tháng nhận bài thì mọi lo lắng đã được lắng xuống. Cầm bài viết của học sinh các tỉnh Điện Biên, Bắc Kạn, Cà Mau, Lào Cai, Yên Bái, Bến Tre... không ít thành viên BTC đã trầm trồ thán phục. Tuy giấy thi của các em không đẹp bằng các bạn khác nhưng nét chữ chân phương, ngay ngắn, cách trình bày đẹp mắt đã đặc biệt thu hút sự chú ý của BTC.

Rất vất vả Ban giám khảo mới chọn được những bài đoạt giải.

Nhiều lần, BTC phải dùng kính lúp để soi xem có đúng là chữ viết tay không hoặc điện thoại yêu cầu học sinh gửi vở viết hàng ngày để đối chiếu bởi những con chữ đều quá và đẹp quá.

Thành viên Ban Giám khảo là những giáo viên nhiều năm tham gia công tác giảng dạy và quản lý, có uy tín, kinh nghiệm trong việc rèn chữ  cho giáo viên và học sinh. Vậy nhưng, giữa một rừng hoa đẹp để chọn một  bông đẹp nhất thật không dễ dàng gì. Đẹp phải dựa trên những quy chuẩn bắt buộc: chữ viết đúng kích cỡ, khoảng cách các chữ, các dấu ngắt câu, xuống dòng phải đều, trình bày đẹp và đặc biệt nội dung viết không được phạm quy.

Trường hợp chữ cách điệu phải cách điệu sao cho nét cơ bản không sai mẫu chữ quy định được dạy trong nhà trường và phải làm tôn thêm vẻ đẹp của từng con chữ. Bài dự thi của các em  khiến người xem liên tưởng đến những bức họa với nét thanh, nét đậm, nét tròn, nét khuyết... đầy nghệ thuật. Nhất là những bài thi của học sinh các tỉnh  phía Nam với nét cách điệu ở chữ N, T, M... đã khiến cho con chữ trở nên rất "bay bướm", mềm mại và BGK hoàn toàn bị thuyết phục bởi lối cách điệu ấy.

Cô Lê Thị Tuyết Mai, Ủy viên BGK tâm sự:  "Chúng tôi thực sự bị bất ngờ bởi chữ viết của học trò hiện nay. Chữ quá đẹp! Đẹp như in! Cứ ngỡ thời đại "a còng" (@), công nghệ sẽ được tôn vinh như một ưu thế tuyệt đối, đặc biệt là với lớp trẻ. Vậy mà, chữ viết của các em đã minh chứng một chân lý không thể nào đổi thay: không gì có thể thay thế được chữ viết tay. Bởi ở đó là nết người". Ở những "bức họa" chữ này không chỉ là nghị lực mà còn cả tâm tư, tình cảm sáng trong, là cách làm người, là tình người được gửi gắm.

Tuy nhiên, bên cạnh những bài thi xuất sắc như vậy thì vẫn có nhiều trường hợp đáng tiếc mà xuất phát từ những sai sót không đáng có của học sinh. Như trường hợp trong cùng một bài thi, học sinh lại viết đủ các kiểu chữ (nghiêng, thẳng, in, hoa) mặc dù mỗi con chữ đều rất đẹp nhưng cách trình bày như vậy lại khiến người xem rối mắt.

Có những sai lầm đơn giản chỉ do con chữ lúc to lúc nhỏ, khoảng cách các chữ không đều đã khiến em bị loại khỏi danh sách được chấm giải. Hay như học sinh khác, nhìn tổng thể chữ viết của em đẹp như tranh vẽ. Vậy mà thật đáng tiếc do nét sổ của em quá đậm, đậm đến mức tạo phản cảm và làm mất đi sự hồn nhiên của con chữ. Vì điều này, bài thi của em cũng đã "tuột" khỏi tầm ngắm của BGK.

Có trường hợp một giải thưởng cao đã tuột khỏi tay học sinh khi bài thi của em làm vừa lòng mọi thành viên chấm giải cả về chữ viết, cách sáng tạo trong trình bày... Song, thay vì chỉ cần ký xác nhận vào bài thi, giáo viên chủ nhiệm lại viết những dòng nhận xét quá dài ngay "mặt tiền" của bài thi và với màu mực đỏ quá đậm đã phá vỡ hoàn toàn nét thẩm mỹ của bài viết.

Đáng buồn hơn cả có lẽ là trường hợp một bài thi được điểm 10 trọn vẹn, thuyết phục hoàn toàn những vị giám khảo khó tính nhất về tính chân - thiện - mỹ từ con chữ viết đến cách trình bày. Nhưng học sinh này đã không đọc kỹ thể lệ cuộc thi, thay vì chép một bài trong chương trình đang học thì em lại viết một bài tự do không nằm ở đâu để rồi vị trí quán quân phải nhường cho bạn khác và chính bài viết của mình đã bị xếp vào bài phạm quy.

Ấn tượng đặc biệt đối với BTC chính là bài dự thi của học sinh khuyết tật từ các trường chuyên biệt, trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật. Nét chữ của các em không tròn trịa, không bay bổng nhưng tâm hồn và nghị lực của các em luôn tràn đầy trên trang giấy và trong từng con chữ. Nghị lực đó khiến cho ai nấy đều thán phục.

Có em đã tham gia cuộc thi lần thứ Nhất và tiếp tục gửi bài tham gia lần thứ Hai. Kèm theo bài thi và những dòng tâm sự: "Con biết chữ của con sẽ không bao giờ đẹp như các bạn khác nhưng con yêu chúng vô cùng và con sẽ rất vui nếu các cô chú đọc được thư của con". Hạnh phúc của cô bé khuyết tật đó chính là niềm vui và hạnh phúc của những người tổ chức cuộc thi.--PageBreak--

Cuộc thi “Chữ Việt đẹp” đã được tổ chức 2 năm. Thể lệ cuộc thi được đăng nhiều lần trên các ấn phẩm của Báo CAND. Nhưng học sinh, nhà trường và gia đình đã không chú ý đọc kỹ thể lệ nên bài phạm quy còn chiếm tỉ lệ cao.

Về cơ cấu giải thưởng của cuộc thi, bà Đỗ Hoàng Anh, Phó trưởng BTC đồng thời là Trưởng BGK nói: "Trong khi ở các tỉnh, thành phố với những điều kiện giáo dục thuận lợi, đầy đủ thì bài dự thi lại cứng nhắc, khuôn mẫu trong khi bài thi của học sinh vùng sâu, vùng xa, nơi mà đời sống vật chất cũng như điều kiện học tập vô cùng khó khăn lại đầy sáng tạo và mang đậm phong cách riêng. Nhiều dành cho tỉnh, thành phố đã bị bỏ trống trong khi để loại bài thi của học sinh Khu vực I ra khỏi cơ cấu giải là việc thật khó khăn cho BGK và đáng tiếc cho các em".

Bận rộn và lo âu cũng đã qua. Giải thưởng của cuộc thi đã tìm được những chủ nhân xứng đáng. Thành công lớn nhất của cuộc thi này không chỉ là nhân lên rất nhiều, rất nhiều phong trào cũng như "hạt nhân" viết chữ đẹp trong học sinh mà còn mang ý nghĩa giáo dục nhân văn to lớn: Hướng học sinh đến cách làm người, tình người và cả đức hy sinh cao cả của một con người...

Như dòng tâm sự của một học sinh tham gia cuộc thi đã gửi cho BTC: "Những con chữ chảy tràn trong đầu con bây giờ không đơn giản là những con chữ ngày xưa. Bởi trong con chữ đó không đơn thuần chỉ là a, b, c... chữ có cả tình người, cả cách làm người, cả nghị lực và đức hy sinh của một con người"

Danh sách học sinh đoạt giải khuyến khích

KHU VỰC TỈNH, THÀNH PHỐ:

- Giải Khuyến khích cấp Tiểu học:

Nguyễn Phi Bảo Ngọc (1/5, TH Hoàng Văn Thụ, TP HCM), Trịnh Tuấn Minh (1B, TH Lạc Vệ, Bắc Ninh), Nguyễn Hoàng Hiệp (1H, TH Tân Hồng,  Bắc Ninh), Phạm Thùy Dương (1A2, TH Ngọc Lâm, Hà Nội), Trịnh Thị Khánh Thiện (1A4, TH Lê Hồng Phong, Hải Phòng), Lương Nhật Việt (2/6, TH Thị trấn Mỏ Cày, Bến Tre), Đoàn Hải Đăng (2B, TH Quỳnh Lương, Thái Bình), Ngô Hoàng Ngân (2A, TH Việt Hùng, Hà Nội), Vũ Minh Ngọc (2A3, TH Lê Thành Duy, Bà Rịa - Vũng Tàu), Lê Hoàng Hà (2A4, TH Ngọc Lâm, Hà Nội), Nguyễn Mỹ Linh (3A, TH Hải Thành, Hải Phòng), Nguyễn Tuấn Anh (3A, TH Trung Kênh, Bắc Ninh), Tống Hoàng Giang (3A, TH Lai Hạ, Bắc Ninh), Đặng Tâm Giang (3/7, TH Bến Tre, Thị xã Bến Tre), Đỗ Thị Quỳnh Nga (4B, TH Mạo Khê A, Quảng Ninh), Đoàn Thị Linh (4B2, TH Tiến Thịnh B, Hà Nội), Đào Thị Mai Phương (4A, TH Đằng Giang, Hải Phòng), Trần Hải Linh (4A3, TH Ngọc Lâm, Hà Nội), Trương Thị Yến (4E, TH Lê Lợi, Hải Dương), Đoàn Thùy Dương (5/3, TH Song Ngữ Vũng Tàu, TP Vũng Tàu), Phan Thị Niên (5B, TH Thụy Thanh, Thái Bình), Trần Cẩm Tài, Long Thi Kỳ (5/2, TH Phạm Văn Chí, TP HCM), Lê Thị Phương (5B, TH Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh).

- Giải Khuyến khích cấp THCS:

Doãn Kim Phúc (6/3, THCS Thị xã Bến Tre), Ngụy Tuấn Lan Chi (7A, THCS Thị trấn Tân Dân, Bắc Giang), Đinh Thị Kim Ngân (7B, THCS Thụy Hồng, Thái Bình), Tô Huỳnh Ngọc Cẩm Tú (7/5, THCS Thị xã Bến Tre), Đinh Thị Thơm (8A, THCS Hải Thành, Hải Phòng), Nguyễn Hoàng Thanh Trúc (8/1, THCS Hermann Gmeiner Bến Tre), Trần Thị Xuân Nguyên (8/6, THCS Thị xã Bến Tre), Trần Đoàn Phi Hà (9/4, THCS Thị xã Bến Tre), Nguyễn Ngọc Quế Thanh (9/3, THCS Thị xã Bến Tre).

KHU VỰC I:  (Vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn)

- Giải Khuyến khích cấp Tiểu học:

Hà Thùy Trang (1A3, TH Lê Văn Tám, Lào Cai), Nguyễn Hà Khánh Uyên (1/5, TH Chu Văn An, Đồng Tháp), Nguyễn Lan Hương (1D, TH Hoàng Văn Thụ, Lào Cai), Nguyễn Phạm Hoàng Uyên (2/2, TH Tân Bình, Bến Tre), Lê Thị Yến Linh (2/2, TH Định Thủy, Bến Tre), Bùi Thị Thùy Dương (2A, TH Lãng Sơn, Bắc Giang), Nguyễn Thị Hoàng Yến (3/1, TH Định Thủy, tỉnh Bến Tre), Nguyễn Tường Vy (3/2, TH Thanh Mỹ 1, Đồng Tháp), Cù Hương Giang (3A, TH Nguyễn Du, Lào Cai), Nguyễn Thị Thu Hồng (4C, TH "C" Tà Đảnh, An Giang), Nguyễn Phương Nhung (4C, TH Lê Văn Tám, tỉnh Lào Cai), Hoàng Thị Minh Ngọc (4B, TH Hòa Sơn A, Hòa Bình), Nguyễn Lê Điền (5/2, TH Định Thủy, Bến Tre), Lê Thị Trúc Linh (5/3, TH Linh Phụng, Bến Tre), Nguyễn Trung Kiên (5A, TH Kim Đồng, Yên Bái).

- Giải Khuyến khích cấp THCS:

Phù Mỹ Ngân (6/3, THCS Đông Hồ 1, Kiên Giang), Nguyễn Ngọc Thu Thủy (6A3, THCS Phan Ngọc Hiển, Cà Mau), Nguyễn Tường Vy (6/2, THCS Tân Hào, Bến Tre), Dương Minh Hằng (7A1, THCS Lan Mẫu, Bắc Giang), Nguyễn Thị Bé Đào (8A2, THCS Phan Ngọc Hiển, Cà Mau), Nguyễn Ngọc Yến (9A1, THCS Phú Thọ, Đồng Tháp).

Danh sách học sinh được khen thưởng:

Vũ Thu Hà (1B, TH Nguyễn Thị Minh Khai, Bắc Kạn), Hoàng Khánh Linh (1A1, TH Ngọc Lâm, Hà Nội),  Trần Thị Trúc (2A, TH An Vũ, Thái Bình), Lê Khánh Toàn (3A4, TH Him Lam, Điện Biên), Nguyễn Hữu Tùng (3A, TH Văn Bán, Phú Thọ), Phạm Nguyễn Thanh Hằng (3/3, TH Chu Văn An, Đồng Tháp), Nguyễn Trung Quang (4A, TH Xuân Canh, Hà Nội), Ngô Võ Thúy Anh (4/1, Trường Mỹ Xương, Đồng Tháp), Nguyễn Quốc Trường (4A3, TH Him Lam, Điện Biên), Tạ Thị Thùy Trang (5B, TH Hoàng Văn Thụ, Lào Cai), Trương Mỹ Huyền (5A, TH Hoàng Văn Thụ, Lào Cai), Hoàng Như Ngọc (5A, TH Hoàng Văn Thụ, Lào Cai), Đỗ Mỹ Linh (5A, TH Nguyễn Du, Lào Cai), Hoàng Diệu Linh (5B, TH Bắc Lệch, Lào Cai), Nguyễn Hải My (5B, TH Tân Mai, Hà Nội), Long Mai Anh (8B, THCS Đống Đa,Hà Nội), Nguyễn Thị Nga Anh (5B, TH Tam Dị số 2, Bắc Giang), Nguyễn Ngọc Thúy Hằng, Ngô Thanh Mai (6A3, THCS Phan Ngọc Hiển, Cà Mau).

(Còn nữa)

Hoàng Tú
.
.