CA Hà Nội: Phá đường dây công khai quảng cáo thi hộ, thi kèm

Thứ Tư, 04/07/2007, 09:00

Trước mỗi đợt thi tại chức khoảng một tháng, ngay trước cổng của trường tổ chức thi tại chức, Quýnh “tiếp thị” ráo riết những người chuẩn bị thi.  Bằng lời lẽ thuyết phục đại loại như: giá tiền chỉ 7 triệu đồng, không phải làm bài thi mà vẫn đỗ đại học và bảo đảm “bách phát bách trúng”, Quýnh đã thu hút không ít thí sinh trở thành khách hàng trong việc thi hộ, thi kèm.

Sau hàng loạt các vụ thi hộ, thi kèm đại học, cao đẳng hệ chính quy được bóc gỡ liên tục trong các mùa thi trước, dường như "đứt dây động rừng", một số đường dây chuyên tổ chức hoạt động này đã chuyển sang "địa bàn" khác thuận lợi hơn về mặt  tổ chức cũng như kiếm tiền dễ hơn... "Địa bàn" đó cũng giống như các hình thức tuyển sinh khác thuộc hệ chính quy nhưng có nhiều điều kiện thuận lợi cho những đối tượng chuyên thi hộ, thi kèm như quy chế phòng thi "cởi mở", giấy tờ hồ sơ không chặt chẽ...  Đó chính là hệ đại học tại chức. Mới đây, Đội Giáo dục Phòng An ninh Văn hóa - Tư tưởng, Công an Hà Nội vừa phá vỡ một đường dây thi hộ, thi kèm vào hệ đại học ấy.

Đứng đầu đường dây là Vũ Hoàng Quýnh, ở Lại Hoàng, Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội. Quýnh hiện đang là sinh viên (SV) năm thứ 2 khoa Hóa, lớp Hóa dầu 2, ĐH Bách khoa Hà Nội. Lợi dụng “vị thế” ấy, Quýnh đã tổ chức các “chân rết” của mình đều là SV cùng trường hoặc cùng khoa Hóa dầu.

Theo lời khai ban đầu của Quýnh kết hợp cùng công tác trinh sát cũng như việc Cơ quan Công an bắt quả tang các SV đang thi hộ, thi kèm, đường dây của Quýnh gồm: Trần Nhật Trung, ở Vĩnh Hòa, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa; Nguyễn Thanh Phương, ở Thọ Tiên, Triệu Sơn, Thanh Hóa; Trần Thanh Hữu, 25 tuổi ở Vĩnh Thành, Yên Thành, Nghệ An và Đặng Hồng Minh, 25 tuổi cũng ở Nghệ An...

Với nhiệm vụ chính và duy nhất là thi hộ, thi kèm các “chân rết” đó sau khi làm bài thi bằng mọi cách phải “sang tên đổi chủ” bài thi ấy cho các thí sinh mà họ kèm trong phòng thi có thể theo hình thức đổi hẳn giấy thi hoặc chuyển bài giải. Đây cũng là “thủ thuật” chính trong việc thi hộ, thi kèm của đường dây do Quýnh cầm đầu.

Còn với vai trò “đứng mũi chịu sào”, Quýnh chuyên đảm đương việc tìm mối, làm giả hồ sơ và tổ chức,  bố trí “nhân sự” sao cho phù hợp nhằm bảo đảm kết quả tuyển sinh đáp ứng đúng nhu cầu của “khách hàng” cũng như đặt ra hình thức, mức giá thanh toán...

Với vai trò khác nhau như vậy, sự ăn chia “thù lao” cũng khác nhau. Quýnh “cầm trịch” nên hưởng 60 - 70% số tiền người thuê thi phải trả. Số tiền còn lại người trực tiếp thi hưởng.

Về tìm mối thi hộ, khâu đầu tiên và cũng là một trong những khâu quan trọng nhất trong quá trình thi hộ, có thể nói Quýnh đã thực hiện rất lộ liễu và coi thường pháp luật. Trước mỗi đợt thi khoảng một tháng, ngay trước cổng của trường tổ chức đợt thi đó, Quýnh “tiếp thị” ráo riết tất cả những người có người thân hoặc trực tiếp chuẩn bị trở thành thí sinh.  Bằng lời lẽ thuyết phục đại loại như: giá tiền chỉ 7 triệu đồng, không phải làm bài thi mà vẫn đỗ đại học và bảo đảm “bách phát bách trúng”, Quýnh đã thu hút không ít thí sinh trở thành khách hàng trong việc thi hộ, thi kèm.

Trước Cơ quan Công an, Quýnh cũng  khai từng tổ chức việc thi hộ, thi kèm từ năm 2005 cho nhiều thí sinh vào các Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính. Và trong số “chân rết” của Quýnh có nhiều SV bị phát hiện đã từng thi thuê, thi hộ nhiều lần. Nói về hành vi thi thuê, thi hộ của Quýnh xét theo góc độ “chuyên nghiệp”, dù chỉ là SV trẻ tuổi nhưng so với lớp “đàn anh” đi trước như Phạm Cơ Phú, Nguyễn Hồng Hải (đều đã bị bắt giữ) Quýnh không hề thua kém về mặt “tài cao” thậm chí còn hơn nhất là làm hồ sơ giả, khâu quan trọng nhất và có tính quyết định nhất trong việc “hợp lý hóa” lý lịch của các thí sinh thi thuê.

Vì tự tay Quýnh thực hiện làm giả từ A đến Z hồ sơ này mà không cần nhờ đến một cộng sự nào. Trước hết Quýnh làm mờ tên được in trên chứng minh nhân dân  (CMND) thật mà những CMND ấy có thể Quýnh kiếm được từ nhiều nguồn như nhặt của người đánh rơi, đánh cắp từ phòng bảo vệ của trường hoặc đánh cắp của cả cá nhân... Sau đó, Quýnh dùng phương tiện kỹ thuật như máy tính, máy in... để điền tên người thi hộ vào chỗ trống rồi ép plastic để trả lại tính “pháp lý” cho giấy CMND. Những CMND đó dưới bàn tay của Quýnh đã giúp cho việc “qua mắt” các nhà tuyển sinh một cách dễ dàng.

Đối với Giấy khai sinh, Bằng tốt nghiệp THPT hoặc những giấy tờ khác có trong hồ sơ  phải nộp cho Ban tuyển sinh, Quýnh cũng thực hiện tương tự. Có một quy định trong việc tuyển sinh của hệ ĐH tại chức đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho Quýnh đó là hồ sơ nộp cho Ban tuyển sinh gồm nhiều giấy tờ không cần phải công chứng dựa trên giấy tờ gốc mà chỉ cần nộp bản photo. Chính nguyên tắc ấy đã là một trong những nguyên nhân giúp cho nhiều vụ thi thuê, thi hộ của Quýnh  trót lọt từ trước tới nay.

Hiện nay Quýnh đã bị bắt giữ và theo quy định của pháp luật, Quýnh sẽ bị khởi tố về tội sửa chữa và sử dụng giấy tờ giả.

Qua vụ việc trên đây có thể thấy nhiều bài học được rút ra từ công tác quản lý cho tới quy chế tổ chức thi...

Thứ nhất, đối với SV, có thể nói công tác quản lý, giáo dục của các trường ĐH chưa chặt chẽ cho nên nhiều SV đã bị lợi dụng để trở thành mắt xích quan trọng trong việc thi hộ, thi kèm. Minh chứng là từ trước tới nay không chỉ đường dây của Quýnh mà nhiều đường dây khác, người trực tiếp vào phòng thi thi hộ, thi kèm bao giờ cũng là đối tượng SV.

Thứ hai quy chế phòng thi cũng như nội quy đối với các giấy tờ trong hồ sơ tuyển sinh vào hệ tại chức còn lỏng lẻo, ví dụ như giấy tờ không cần phải công chứng như đã nói, việc coi thi không quy củ... Lợi dụng những điều này, các đối tượng chuyên tổ chức thi hộ, thi kèm đã biến đây thành “mảnh đất màu mỡ” để hoạt động kiếm tiền. Thứ ba, xuất phát từ nguyên nhân khách quan do việc sính bằng cấp vẫn tồn tại trong xã hội vì vậy mới dẫn đến nhu cầu thi hộ, thi kèm từ các thí sinh...

Theo Trung tá Nguyễn Hữu Huấn, Đội trưởng Đội Giáo dục, PA25 nếu tất cả những bài học trên đây đều được rút kinh nghiệm và xiết chặt thì việc thi hộ, thi kèm không chỉ riêng của hệ tại chức mà của các hệ khác nói chung có thể hạn chế và có khi còn chấm dứt được để bảo đảm công bằng và chất lượng giáo dục trong môi trường tuyển sinh

T.A.
.
.