COVID-19: Cơ hội nhìn lại chuỗi cung ứng toàn cầu

Thứ Ba, 10/03/2020, 23:05
Trong ngắn hạn và trung hạn, một đại dịch sẽ không dẫn tới những điều chỉnh lớn và thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, vị thế của Trung Quốc sẽ khó có thể bị một quốc gia nào đó thay thế ngay được. Sau khi dịch bệnh kết thúc, các chuỗi cung ứng này sẽ dần hồi phục.

Nhưng trong dài hạn, những lời kêu gọi đa dạng hóa hơn nữa các chuỗi cung ứng sẽ là điều mà các nhà hoạch định chính sách kinh tế cần phải nghiêm túc cân nhắc.

Điều này cũng có nghĩa rằng vai trò thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thể thay đổi.

IEA dự báo nhu cầu dầu thô của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 25% so với năm 2019.

Cú sốc đối với ngành dầu khí

Đầu tháng 2-2020, giá dầu thô Brent tại London đã sụt giảm 3% xuống còn 54,27 USD/thùng, dưới mức 55 USD/thùng. Đến giữa tháng, giá dầu thô tiếp tục sụt giảm lần nữa xuống mức 53,27 USD/thùng, trong khi giá hợp đồng tương lai dầu thô WTI trên sàn giao dịch New York (NYMEX) đã giảm xuống mức 49,57 USD, đánh dấu mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua.

Trong tháng hoặc kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu được chú ý, giá dầu quốc tế đã giảm gần 25% chỉ với một lý do: sự bùng phát dịch đã khiến nhu cầu dầu thô của Trung Quốc giảm mạnh. Các nhà lãnh đạo trong ngành công nghiệp năng lượng của Trung Quốc dự báo rằng nhu cầu của Trung Quốc đối với dầu thô sẽ giảm khoảng 25% so với năm 2019.

Theo các con số từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu của Trung Quốc trong tháng 2 xấp xỉ 13 triệu thùng một ngày. Điều này có nghĩa là con số sụt giảm trong tháng 2 sẽ tương đương khoảng 3,2 triệu thùng/ngày.

Trung Quốc hiện tại là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ và là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Việc sụt giảm 3 triệu thùng/ngày tại Trung Quốc đồng nghĩa với hơn 3% lượng tiêu thụ dầu toàn cầu, là một cú đấm gây choáng váng cho ngành công nghiệp dầu mỏ thế giới. Các nhà phân tích tin rằng tác động này có thể còn xấu hơn nữa so với thời kỳ xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Giám đốc tài chính của BP, Brian Gilvary thì tin rằng đại dịch này sẽ dẫn tới nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu giảm khoảng 40% trong năm nay, tương đương khoảng 500.000 thùng/ngày. Nhưng theo ước tính ban đầu của BP và các tập đoàn năng lượng toàn cầu khác, nhu cầu về dầu mỏ trên toàn cầu trong năm 2020 được dự kiến sẽ tăng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày so với năm 2019.

Báo cáo cho hay, lượng đậu nành Mỹ xuất khẩu tới Trung Quốc giảm nhiều kể từ đầu tháng 9 năm ngoái.

Tờ Financial Times mới đây cho biết các công ty năng lượng lớn của Trung Quốc như Tập đoàn Dầu khí hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), Sinopec và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc có thể đang cân nhắc vận dụng điều khoản “bất khả kháng” để tạm dừng các hợp đồng đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Đây có thể là tình huống “khó khăn chồng khó khăn” đối với các nhà cung cấp LNG.

Tình trạng mùa đông đang ngày càng ấm hơn và sản lượng gia tăng tại các nước như Mỹ và Australia đã dẫn đến sự dư thừa nguồn cung nói chung. Giá LNG của châu Á vốn đã ở mức thấp kỷ lục, giờ lại thêm sự sụt giảm thêm 40% trong khoảng đầu năm 2020 sau khi đại dịch bùng phát. Có thông tin CNOOC đã viện dẫn tình trạng bất khả kháng nói trên nhưng điều này đã bị cả Shell và Total của Pháp từ chối.

Có thể có một số tranh cãi pháp lý đối với việc liệu dịch bệnh này có thể được xếp vào tình trạng “bất khả kháng” hay không nhưng với việc Trung Quốc đang là quốc gia tiêu thụ chính và nhanh chóng trở thành nước tiêu thụ lớn nhất thì các nhà cung cấp LNG quốc tế có thể sẽ phải trở nên linh hoạt hơn.

Và trên thực tế, giá dầu mỏ đang ở mức thấp. Các quốc gia cung ứng dầu mỏ trong OPEC và một số khác ngoài OPEC trong đó có Nga (OPEC+), đã giảm sản lượng khai thác từ đầu năm nay. Nhóm các nước OPEC+ đã bắt đầu các cuộc đàm phán khẩn cấp với Trung Quốc nhằm đánh giá tác động của sự bùng phát dịch Covid-19 đối với nhu cầu dầu mỏ và cách thức để đối phó.

Và dầu thô chỉ là một trong những mặt hàng quốc tế chịu ảnh hưởng từ tình hình hiện nay. Trên thực tế, từ quặng sắt đến quặng đồng, nông sản, than đá, kẽm hay dầu cọ và tất cả các mặt hàng được sản xuất công nghiệp đều chịu ảnh hưởng.

Trên thực tế, tất cả mặt hàng sản xuất công nghiệp đều chịu ảnh hưởng từ đợt dịch Covid-19 này.

Chông chênh thỏa thuận thương mại

Đại dịch có thể khiến Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn để có thể đáp ứng các điều khoản của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký với Mỹ vừa xong. Một cơ sở quan trọng của thỏa thuận này là việc Trung Quốc mua lượng hàng hóa Mỹ trị giá 200 tỷ USD trong vòng 2 năm tới. Tuy nhiên, vấn đề đầu tiên bị tác động tiêu cực từ đợt bùng phát dịch bệnh lần này chính là vấn đề tiêu dùng.

Nếu thị trường bán lẻ trong nước của Trung Quốc bị co hẹp do dịch bệnh bùng phát và duy trì ở mức thấp, điều này có thể gây khó khăn cho việc tiêu thụ khối lượng hàng hóa đó của Mỹ, nhất là nông sản trị giá 32 tỷ USD.

Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Larry Kudlow đã tuyên bố rõ ràng trong một cuộc phỏng vấn rằng Mỹ sẽ không lợi dụng tác động của đại dịch này đối với Trung Quốc làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thường mại giai đoạn 2. Ngược lại, Mỹ đã sẵn sang làm việc với Trung Quốc để đưa ra những đề nghị hỗ trợ nhân đạo. Ông Kudlow còn tin rằng trong khi dịch bệnh có thể gây ra tình trạng bất ổn tạm thời thì thỏa thuận thương mại giai đoạn một sẽ đem lại tăng trưởng vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, ông Kudlow cũng thừa nhận rằng dịch Covid-19 có thể khiến Trung Quốc trì hoãn việc mua khối lượng hàng hóa Mỹ trị giá 200 tỷ USD theo thỏa thuận giai đoạn 1 nói trên và “sự bùng nổ xuất khẩu” của Mỹ sẽ không đạt như dự kiến. Ngay cả khi cuộc khủng hoảng này không có tác động lớn đối với nền kinh tế Mỹ thì tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý I-2020 sẽ chỉ đạt khoảng 0,2%.

Đây là dịp để các nhà hoạch định xem lại vai trò Trung Quốc như là nút thắt của ngành công nghiệp chế tạo toàn cầu bấy nay.

Một báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy trong tuần cuối tháng 1-2020, Mỹ chỉ xuất khẩu 31.523 tấn đậu nành tới Trung Quốc, con số thấp nhất kể từ tuần đầu tháng 9-2019.

Và nếu Mỹ ở phía bên kia Thái Bình Dương cũng có thể cảm nhận được tác động từ việc nhu cầu của Trung Quốc sụt giảm do dịch bệnh gây ra thì các quốc gia phụ thuộc vào lượng cầu của Trung Quốc đối với các mặt hàng xuất khẩu còn nhiều hơn nữa. Do vậy, xu hướng này sẽ có tác động lớn tới thị trường hàng hóa toàn cầu trong đó có cả năng lượng và trực tiếp tác động tới triển vọng kinh tế của các quốc gia xuất khẩu hàng hóa.

Khi “gã khổng lồ hắt hơi”...

Ngay thời điểm này, không ai có thể nói chắc chắn về mức độ nặng nề mà tác động của dịch Covid-19 gây ra đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020. Điều đó phụ thuộc việc làm thế nào để nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh này.

Không cần phải bàn cãi, hiệu ứng lan tỏa của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới rõ ràng có mức độ lớn hơn so với dịch SARS năm 2003. Dịch SARS đã khiến 800 người tử vong và gây ra tổn thất khoảng 40 tỷ USD đối với kinh tế toàn cầu, dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm 0,1 trong năm đó.

Quan trọng hơn, quy mô nền kinh tế Trung Quốc cũng đã khác. Năm 2003, GDP của Trung Quốc chỉ chiếm hơn 4% GDP toàn cầu. Nhưng năm 2019, con số này đã tăng lên 18%. Vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu cũng đã thay đổi. Ngày nay, Trung Quốc là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất khẩu hầu hết các sản phẩm và có lượng lớn khách du lịch tới các phần còn lại của thế giới.

Nếu như ví trong dịch SARS, Trung Quốc lên cơn “sổ mũi” và thế giới sau đó đã “ốm yếu” thì bây giờ, khi Trung Quốc bị “hắt hơi” do dịch Covid-19, không hiểu kinh tế thế giới sẽ lao dốc với “cơn sốt” như thế nào, hay thậm chí còn “ốm nặng” hơn nữa?

Kristalina Georgieva, Giám đốc quản lý của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tỏ ra lo ngại việc dịch Covid-19 tại Trung Quốc sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu đình trệ trong năm nay. IMF trước đó dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2020 ở mức 3,3%. Trong dự báo mới nhất của mình, Goldman Sachs cho hay nếu dịch Covid-19 nhanh chóng được kiểm soát và tốc độ lây lan giảm đi trong tháng 2 hoặc tháng 3 thì tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm khoảng 0,1-0,2 điểm phần trăm trong năm 2020. Nhưng nếu dịch bệnh đạt đỉnh điểm trước khi bước sang quý II/2020 thì sẽ giảm 0,3 điểm phần trăm. Tất nhiên, mỗi quốc gia gánh chịu những tác động khác nhau.

Goldman Sachs đưa ra dự báo không mấy khả quan về tăng trưởng GDP toàn cầu vì dịch bệnh.

Và câu chuyện Tái ông thất mã...

Dịch Covid-19 trở thành đại dịch và lan rộng ra bên ngoài Trung Quốc thì nguy cơ gây hậu quả thực sự nghiêm trọng. Điều này được cho là đặc biệt đúng đối với các quốc gia có nền kinh tế yếu và hệ thống vệ sinh nghèo nàn nhưng lại có mối liên kết chặt chẽ với Trung Quốc.

Người ta đang lo sợ về một viễn cảnh không mấy khả quan tại Hàn Quốc và Italy hay Iran hiện nay nhưng có những cảnh báo rằng châu Phi mới chính là “gót chân Achilles” của đại dịch này, với việc Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại châu lục này và hàng triệu công nhân Trung Quốc đang làm việc tại đây.

Tóm lại, dịch Covid-19 đã lan ra ngoài Trung Quốc và sẽ tác động tới kinh tế toàn cầu theo 3 cách. Thứ nhất, khiến ngành du lịch thu hẹp, thị trường tiêu dùng và vận tải hàng hóa với Trung Quốc sụt giảm do các biện pháp hạn chế đối với hoạt động đi lại và vận tải. Thứ hai, sự đình trệ của kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn đến lượng cầu nội địa sụt giảm mạnh, gây ra tác động nặng nề tới các thị trường hàng hóa toàn cầu.

Cuối cùng và cũng trên phạm vi rộng nhất, tình trạng tạm ngừng kéo dài đã dẫn tới sự thắt chặt hơn, thậm chí tê liệt một phần của chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu lấy Trung Quốc làm trung tâm, điều mà đến lượt nó đã gây ra phản ứng dây chuyền và tình trạng hỗn loạn chưa từng có trong chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn của thế giới và sẽ không bị đánh sập bởi một đại dịch. Nhưng sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng do dịch bệnh này gây ra đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của Trung Quốc như là nút thắt của ngành công nghiệp chế tạo toàn cầu, phơi bày những nguy cơ và thách thức đằng sau các lợi thế này.

Đứng trên một góc nhìn khác không bi quan với dịch bệnh, có thể thấy rằng nó như một bước tập dượt cho tiến trình phi toàn cầu hóa, đồng thời phác họa nên bức tranh kinh tế thế giới sẽ ra sao nếu thực sự có sự tách biệt giữa nền kinh tế Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Đó mới là điều các nhà phân tích quan tâm.

Ngọc Lan (tổng hợp)
.
.