CPTPP: Phát pháo hiệu cho cuộc cạnh tranh quy tắc thương mại

Thứ Tư, 21/11/2018, 18:43
Trước Việt Nam, Australia trở thành quốc gia thứ 6 sau Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore chính thức hoàn thành trình tự phê chuẩn CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Như vậy là điều kiện cần ít nhất 6 nước thành viên phê chuẩn đã đạt được, theo quy định CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày được ký, tức là vào ngày 30-12-2018.

Với tư cách là một hiệp định quan trọng để một số nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương thực hiện các quy tắc kinh tế thương mại theo tiêu chuẩn cao hơn, CPTPP đồng thời gánh vác một trách nhiệm lớn là làm cho các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương chiếm địa vị chủ đạo và vạch ra quy tắc kinh tế thương mại thế hệ mới, tạo dựng lại trật tự kinh tế thương mại trong khu vực.

CPTPP sắp có hiệu lực, liệu điều này có nghĩa là cuộc cạnh tranh trong việc thiết lập quy tắc kinh tế thương mại đang bước vào cao trào hay không? Các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương không phải là thành viên CPTPP sẽ ứng phó ra sao?

Từ TPP đến CPTPP

CPTPP được phát triển từ TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương). TPP ban đầu do 4 nước gồm Brunei, Chile, New Zealand và Singapore khởi xướng, do chính quyền Tổng thống Obama tuyên bố tham gia vào năm 2009 nên đã nổi lên một cách mạnh mẽ, sau đó thu hút được các nước Peru, Australia, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản, Mexico và Canada lần lượt tham gia đàm phán.

Dưới thời ông Obama, TPP được coi là một biện pháp để thực hiện các quy tắc kinh tế thương mại theo tiêu chuẩn cao hơn, đảm bảo rằng Mỹ chứ không phải các nước như Trung Quốc thiết lập quy tắc thương mại trong thế kỷ 21. Tháng 10-2015, 12 nước thành viên TPP kết thúc các cuộc đàm phán một cách thành công và chính thức ký TPP ở New Zealand vào tháng 2-2016.

Tuy nhiên, nội bộ các nước thành viên TPP vẫn còn những tranh cãi tương đối lớn. Mỹ - nước giữ vai trò lãnh đạo -  cũng không ngoại lệ. Trong thời gian tranh cử, Tổng thống Trump từng nhiều lần nhấn mạnh TPP làm tổn hại lợi ích Mỹ và chủ trương rút khỏi hiệp định này. Ngày thứ hai sau khi nhậm chức, ông Trump tuyên bố rút nước Mỹ khỏi TPP.

TPP không có Mỹ từng bị nhận định chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa vì xét về mặt trình tự, điều khoản để TPP có hiệu lực phải cần ít nhất 6 nước thành viên phê chuẩn; GDP của các nước phê chuẩn không được thấp hơn 85% tổng các nước thành viên, trong khi GDP của Mỹ đã chiếm trên 60% tổng lượng của TPP. Sự rút lui của Mỹ từng khiến bên ngoài cho rằng thành quả của các cuộc đàm phán TPP trong nhiều năm đã trôi theo dòng nước chỉ trong một sớm một chiều.

Đại diện Việt Nam cùng đại diện 10 nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP chụp ảnh chung tại hội nghị ở Santiago hồi tháng 3-2018.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là TPP không vì vậy mà bị giải tán. Nhật Bản - nước đứng thứ hai về quy mô kinh tế trong các nước thành viên TPP đã đứng lên đảm nhận trọng trách tiếp tục thúc đẩy các trình tự của TPP. Qua nhiều vòng đàm phán và tham vấn, tháng 11-2017, 11 nước thành viên TPP (ngoại trừ Mỹ) đạt được hiệp định khung và chính thức đổi tên thành CPTPP. Tháng 3/2018, 11 nước thành viên chính thức ký CPTPP ở San Diego, Chile, làm sống lại TPP ngay cả khi không có sự tham gia của Mỹ.

Thay đổi và không thay đổi

Về quy mô kinh tế, CPTPP được sinh ra từ TPP vẫn chiếm 13% GDP danh nghĩa của thế giới, 15% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. So với TPP, CPTPP đã bảo lưu một số nội dung và đặc điểm ở mức độ tương đối lớn về tiêu chuẩn quy tắc và kết cấu thành viên của hiệp định ban đầu nhưng cũng có những thay đổi mới.

Thứ nhất, về tiêu chuẩn quy tắc, cho đến nay CPTPP vẫn là một hiệp định thương mại tự do có tiêu chuẩn, yêu cầu cao nhất thế giới, tiếp tục theo đuổi mục tiêu phải đạt được quy tắc thương mại trình độ cao như trước đây nhưng có sự thu hẹp về nội dung thực chất. Về phương diện quy tắc thực chất, mặc dù giữ lại trên 95% nội dung của TPP nhưng một số điều khoản đưa vào đàm phán theo yêu cầu trước đó của Mỹ được gác lại.

Từ phiên bản cuối cùng của CPTPP do Chính phủ New Zealand công bố, có thể thấy những điều khoản được gác lại chủ yếu tập trung vào chương trình đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ, cũng như các điều khoản có nội dung liên quan đến quản lý hải quan và tạo thuận lợi cho thương mại, thương mại dịch vụ xuyên biên giới, dịch vụ tài chính, viễn thông, mua sắm công, môi trường, mức độ minh bạch và chống tham nhũng...

Ví dụ, CPTPP tạm gác lại các điều khoản như hiệp định đầu tư, ủy thác đầu tư trong văn bản TPP trước đó; những quy tắc tương đối nghiêm ngặt như biện pháp bảo vệ công nghệ (TPM), thông tin quản lý quyền lợi, mã hóa tín hiệu vệ tinh và tín hiệu cáp, cổng an ninh của nhà cung cấp dịch vụ Internet... do Mỹ thúc đẩy trước đó cũng được gác lại. Có thể thấy CPTPP yếu hơn TPP về tiêu chuẩn quy tắc tổng thể.

Đối với những quy tắc mang tính trình tự, CPTPP cũng sửa lại những điều khoản về chế độ liên quan đến hiệu lực, rút lui, tham gia hiệp định. Theo quy định của CPTPP hiện nay, chỉ cần 6 nước hoặc tối thiểu 50% số nước ký kết thì hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày, do lấy tiêu chuẩn ở ngưỡng tương đối thấp nên mức độ khó khăn để CPTPP có hiệu lực thấp hơn hẳn so với TPP. Vì vậy, khi Australia trở thành nước thành viên thứ 6 phê chuẩn, trình tự hiệu lực của CPTPP đã được khởi động ngay sau đó.

Ngoài ra, CPTPP quy định thành viên mới có thể bao gồm bất kỳ quốc gia hoặc khu vực thuế quan riêng biệt nào, sau khi hiệp định có hiệu lực thì có thể tham gia nếu nhận được sự đồng ý của các nước thành viên. Trong khi TPP lại yêu cầu thành lập tiểu ban phê chuẩn để thẩm tra tư cách đối với thành viên mới. Điều này đồng nghĩa với việc rào cản tham gia đối với các thành viên mới sẽ giảm đi.

Thứ hai, về kết cấu thành viên, ngoại trừ Mỹ, CPTPP do các thành viên của TPP hợp thành nhưng xét về kết cấu quyền lực giữa các nước thành viên, nó dường như đang thiếu một người cầm trịch. Mặc dù luôn đóng vai trò dẫn dắt và điều phối cơ chế sau khi Mỹ rút lui nhưng Nhật Bản không có quyền lực áp đảo như Mỹ.

Những kiến nghị mà nước này đưa ra luôn cần nhận được sự ủng hộ và đồng ý của các nền kinh tế phát triển trong số các thành viên như Canada, Australia... mới có thể thực hiện thuận lợi, điều này đồng nghĩa với việc mức độ khó khăn khi điều phối cơ chế trong nội bộ CPTPP lớn hơn so với TPP.

Chủ động luật chơi

CPTPP sắp có hiệu lực. Thắng lợi lớn nhất đang thuộc về nước dẫn dắt CPTPP - Nhật Bản. Dựa vào CPTPP, Nhật Bản đã lấy lại được vị thế tương đối có lợi trong cục diện kinh tế thương mại châu Á - Thái Bình Dương. Trước đó, Nhật Bản đã trở tay không kịp khi Mỹ rời khỏi TPP bởi chính quyền ông Shinzo Abe đã dốc sức thúc đẩy Hạ viện thông qua trình tự phê chuẩn TPP ở trong nước trước khi ông Trump nhậm chức. Để cứu vãn tình thế, chính quyền ông Abe buộc phải phát huy vai trò dẫn dắt để tiếp tục thúc đẩy TPP đạt được tiến triển.

Trải qua nhiều khó khăn, một CPTPP không có Mỹ đã hoàn thành và có hiệu lực ngay trong năm 2018. Nhật Bản cũng giành được quyền chủ động chiến lược và dẫn dắt luật chơi. Một mặt, Nhật Bản tự tin mình đã cầm chắc ngọn cờ thương mại tự do, nỗ lực điều phối các cuộc đàm phán thương mại quốc tế, thúc đẩy tiến trình hợp tác khu vực. Năng lực lãnh đạo và năng lực điều phối của Nhật Bản được thừa nhận và khẳng định như hiện nay đều là do CPTPP sắp có hiệu lực.

CPTPP sẽ thúc đẩy quy tắc thương mại và giao thương hàng hóa.

Trước đó, ngày 17-7, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã ký Hiệp định Quan hệ đối tác kinh tế (EPA) với nhiều nội dung, cùng xây dựng hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới. EPA giữa Nhật Bản và EU phù hợp với CPTPP sắp có hiệu lực, tăng thêm độ tin cậy cho vai trò cầm cờ thương mại tự do của Nhật Bản, củng cố thời cơ chiến lược quan trọng cho Nhật Bản trên phương diện hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Mặt khác, việc thuế giảm mạnh sau khi CPTPP có hiệu lực rõ ràng sẽ có lợi cho Nhật Bản. Ví dụ: thuế của 99,9% sản phẩm công nghiệp và 98,5% sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu của Nhật Bản sẽ được hủy bỏ. Những quy tắc tiêu chuẩn cao liên quan đến các nội dung như doanh nghiệp nhà nước, quyền lợi lao động, mua sắm công, lưu thông dữ liệu... chính thức được thực hiện ngay sau khi CPTPP có hiệu lực cũng có lợi cho Nhật Bản phát huy ưu thế trong việc thích ứng và thực hiện quy tắc thương mại tự do trình độ cao, hỗ trợ kinh tế phát triển.

Nhật Bản vẫn tích cực thuyết phục Mỹ quay trở lại. Tuy nhiên, có vẻ như phía Mỹ chưa được mặn mà. Hiện nay, Mỹ đang tích cực thúc đẩy đảm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, tìm cách lấy song phương thay thế đa phương, bảo vệ lợi ích Mỹ ở mức độ lớn hơn. Mỹ đang muốn xây dựng lại cục diện thương mại quốc tế, viết lại quy tắc thương mại quốc tế theo nhịp điệu của mình.

Thực tế là CPTPP có hiệu lực sẽ làm cho Mỹ, đã rút khỏi TPP, không được hưởng ưu đãi do việc giảm thuế trong khu vực CPTPP mang đến. Năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ như lúa mì, thịt bò... sẽ có phần giảm xuống. Tuy nhiên, địa vị ưu thế trong các cuộc đàm phán thương mại song phương do thực lực kinh tế hùng mạnh và sức hấp dẫn của thị trường lại có ý nghĩa quan trọng hơn đối với Mỹ, trừ phi việc quay lại có thể mang lại cho Mỹ lợi ích rõ rệt. Nếu không, e rằng nước này sẽ rất khó sẵn lòng từ bỏ địa vị ưu thế này mà một lần nữa bị ràng buộc bởi cơ chế đa phương.

CPTPP có hiệu lực cũng đem đến cơ hội mới cho các nền kinh tế thành viên khác. Một mặt, nó sẽ cung cấp nền tảng hạ thấp rào cản thương mại giữa các nước thành viên cho một số nền kinh tế phát triển tương đối nhanh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, củng cố hoặc thiết lập quan hệ thương mại mới, giúp mở rộng và tăng cường mạng lưới đối tác quan hệ thương mại ở nước thành viên.

Từ góc độ của New Zealand cho thấy nước này có thể tiết kiệm khoảng 222 triệu USD/năm vì các quy định trong khuôn khổ thương mại CPTPP, tương đương với quy mô của hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - New Zealand. Ngoài ra, trong khuôn khổ này, Australia sẽ lần đầu tiên triển khai các hoạt động thương mại với Canada, Mexico, nông dân và doanh nghiệp nước này là bên được lợi nhất. Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết dự tính đến trước năm 2030, lợi ích mà CPTPP đem lại cho kinh tế Australia lên đến 15,6 tỷ AUD/năm.

Mặt khác, không gian phát triển của các nước đang phát triển sẽ được mở rộng hơn nữa trong khuôn khổ CPTPP. Đặc biệt là Việt Nam, được cho là, một khi CPTPP có hiệu lực, sẽ bước lên đoàn tàu cao tốc và nắm quyền chủ động trong việc hoạch định quy tắc, đi đầu thực hiện quy tắc thương mại có tiêu chuẩn và trình độ cao trong các nước đang phát triển. Năng lực lan tỏa kinh tế ra bên ngoài và mức độ hội nhập kinh tế thế giới trong tương lai được dự báo sẽ được nâng lên rõ rệt, rất có thể sẽ nhanh chóng trở thành nền kinh tế mới nổi có ảnh hưởng quan trọng nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Có nguồn tin cho biết, Nhật Bản đã dự định thúc đẩy CPTPP mở rộng thành viên sau khi hiệp định này có hiệu lực. Hiện nay, các nước như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Anh, Colombia... đều mong muốn gia nhập CPTPP. Nếu mở rộng thành công, các nước thành viên sẽ thiết lập mối liên hệ kinh tế thương mại với nhiều nước hơn. Điều quan trọng hơn là quy tắc thương mại được CPTPP khởi xướng và thực thi sẽ được thực hiện trong phạm vi lớn hơn.

Cùng với việc CPTPP mở rộng ảnh hưởng, các nước thành viên sáng lập sẽ tự động giành được quyền chủ động thiết lập quy tắc, tức là các nước thành viên mới gia nhập phải hành động dưới khuôn khổ quy tắc CPTPP đã được quy hoạch và các nước không phải thành viên có thể sẽ bị gạt ra ngoài nhóm thương mại của CPTPP. Tóm lại, các nước không phải là thành viên CPTPP có thể sẽ phải đối diện với áp lực quy tắc tương đối lớn trong tương lai.

Ngọc Diệp (theo “Tin tức”)
.
.