CPTPP có giá trị chiến lược lớn hơn một hiệp định thương mại
- CPTPP có hiệu lực sẽ tạo sự cạnh tranh gay gắt ngay tại thị trường nội địa
- CPTPP chính thức có hiệu lực
Câu hỏi lớn là liệu Mỹ có tham gia hay không vẫn còn bỏ ngỏ, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có nhiều dấu hiệu hạ nhiệt.
CPTPP sẽ có thêm những thành viên chất lượng cao
CPTPP và TPP có sự khác biệt về tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử và thương mại dịch vụ. Khác biệt lớn nhất là hiệp định mới tạm ngừng 20 điều khoản có nội dung về quyền sở hữu trí tuệ. CPTPP sẽ giúp cắt giảm các khoản thuế dành cho sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. CPTPP là “câu trả lời” cho “bài toán” chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang leo thang trên thế giới.
CPTPP tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với thị trường lên tới 463 triệu dân và GDP vào khoảng 10.000 tỷ USD, chiếm 13% GDP toàn cầu. Hiệp định này được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. CPTPP cho phép xóa bỏ các hàng rào với dòng chảy tự do hàng hóa, dịch vụ và vốn đầu tư trong khu vực, không chỉ mang lại lợi ích cho các nước thành viên mà còn tạo động lực mới cho sự hợp tác và liên kết kinh tế-thương mại của khu vực.
CPTPP là công cụ hiện hữu để các nước thành viên thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực, đồng thời tạo ra cho các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương những cơ hội lớn để tiếp tục dẫn dắt nhịp độ tăng trưởng kinh tế-thương mại toàn cầu.
CPTPP đã có hiệu lực dù không có Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson dự báo CPTPP sẽ giúp các nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Brunei và Việt Nam tăng trưởng thêm hơn 2% GDP vào năm 2030. New Zealand, Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile và Australia cũng sẽ tăng khoảng 1% GDP nhờ CPTPP... 11 quốc gia thành viên CPTPP hy vọng hiệp định sẽ giúp họ đương đầu và ứng phó với chủ nghĩa bảo hộ, trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang vướng vào cuộc chiến thương mại.
Ban đầu, là sáng kiến của Washington, đề xuất năm 2008, nhưng cuối cùng lại vắng mặt Mỹ vì Tổng thống Donald Trump quyết rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - tiền thân của CPTPP. Nhật Bản ngay lập tức đảm nhận vai trò “cầm cờ” và nước Nhật đã thành công khi tiếp nối được những giá trị cốt lõi và tiên tiến từ TPP.
Nhật Bản đã dẫn dắt TPP từ khi Mỹ rút khỏi hiệp định này và cho tới nay, Tokyo đang tiếp tục phát huy vai trò chủ động nhằm giúp các quốc gia mới đàm phán gia nhập CPTPP. Nước Nhật cũng tập trung sức mạnh xây dựng các khu vực kinh tế, củng cố hơn nữa hệ thống thương mại tự do. Đây thực sự trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu của Nhật Bản. Phương châm của “ngọn cờ” Nhật Bản là sau khi CPTPP chính thức có hiệu lực, đi vào cuộc sống, ngoài sự tham gia của 11 nước, phải mở rộng các quy định tiên tiến, công bằng nhằm tăng cường thương mại tự do cho toàn cầu.
Có một số lý do quan trọng khiến chính quyền Thủ tướng Nhật Shinzo Abe muốn nhanh chóng triển khai CPTPP. Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới hy vọng CPTPP với những tiêu chuẩn cao có thể trở thành hình mẫu cho nhiều thỏa thuận thương mại đa phương khác, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do ASEAN dẫn đầu, vốn đang “chậm” hơn CPTPP trong việc giải quyết các khúc mắc liên quan đến nhiều vấn đề như cắt giảm thuế, doanh nghiệp nhà nước, bảo vệ người lao động, thương mại số, nhân quyền và môi trường.
Quan điểm của nước Nhật muốn có thêm nhiều thành viên “chất lượng” được các nước còn lại trong CPTPP rất ủng hộ. Lấy ví dụ, vào tháng 2-2019, Hiệp định Liên kết kinh tế (EPA) giữa Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) cũng bắt đầu có hiệu lực. CPTPP và EPA sẽ là cơ hội để Nhật Bản mở rộng xuất khẩu.
Đối với các doanh nghiệp và nhà sản xuất Nhật Bản, điều quan trọng lúc này là phải xây dựng được chiến lược bán hàng, đầu tư có hiệu quả cao nhằm tận dụng hết lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do mang lại. Chứ không bị bó hẹp như chính sách “Nước Mỹ trên hết” mà Mỹ đang áp dụng dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhìn vào thực tế và từ “góc nhìn” CPTPP sẽ thấy sự so sánh rõ rệt giữa đơn phương và đa phương. Nếu như Mỹ đang tiếp tục thực hiện những hành vi “ích kỷ” như đơn phương áp đặt thuế quan, thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ thì các nước tham gia CPTPP được hưởng lợi ích của thương mại tự do.
Bên cạnh đó, CPTPP cũng đã đưa vào nhiều quy định như chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, một khoản mục được cho là nhằm vào các nước có nguy cơ xâm phạm sở hữu trí tuệ để làm giàu. Nếu trong tương lai, quy định của CPTPP trở thành tiêu chuẩn quốc tế, những nước thường xuyên xâm phạm sở hữu trí tuệ sẽ hết cơ hội làm giàu từ cách ăn cắp “trí tuệ” của người khác.
Không quay lại CPTPP, Mỹ sẽ chịu nhiều thiệt hại
Từ những lý do trên đủ thấy, mở rộng thêm quốc gia thành viên là hướng đi không thể thiếu trong lộ trình mở rộng quy định về tiêu chuẩn của CPTPP ra toàn thế giới. Ngay những ngày đầu năm 2019 này, 11 quốc gia thành viên CPTPP đã bắt đầu bàn bạc về quy chế đối với thành viên mới. CPTPP đang nhận được sự quan tâm lớn của nhiều quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc...
Song song với đó, nước Nhật cũng nhanh chóng thúc đẩy các bên đạt được thỏa thuận trong đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) có sự tham gia của Trung Quốc, Ấn Độ, là những cường quốc hàng đầu châu lục và thế giới. Cùng với đó, trong tháng 1-2019, Nhật Bản bắt đầu đàm phán Hiệp định Thương mại hàng hóa (TAG) với Mỹ.
Nhiều khả năng Mỹ sẽ nâng một số điều kiện cao hơn TPP như việc đưa vào các quy định về ngoại hối nhằm chống lại các chính sách làm giảm giá tiền tệ, hay "giải phóng" thị trường nông nghiệp. Theo dự báo, nếu TAG có nội dung trùng với tiêu chuẩn của TPP, trong tương lai, Mỹ cũng sẽ phải quay trở lại TPP.
Bởi nhiều người hiểu rằng, Tổng thống Trump sẽ không thể mãi tại vị. Trong khi đó, CPTPP được xem là “liều thuốc giải” chống lại chủ nghĩa bảo hộ của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Việc lễ ký kết CPTPP diễn ra gần như cùng thời điểm ông Trump đang làm gia tăng nguy cơ bùng phát chiến tranh thương mại bằng quyết định áp thuế đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu càng khiến nhiều người xem sự kiện này là một cú đánh thẳng vào chủ nghĩa bảo hộ.
Sự ra đi của Washington đồng nghĩa với việc quy mô của CPTPP bị thu hẹp hơn thỏa thuận “tiền thân” TPP rất nhiều. Tuy nhiên, thiếu đi thành viên chiếm tới 13,5% GDP toàn cầu, CPTPP vẫn là một thỏa thuận lớn và có ý nghĩa quan trọng.
Nhà nghiên cứu Ignacio Bartesaghi cho biết: “Trên thế giới chưa có bất kỳ thỏa thuận thương mại nào có sự tham gia của từng ấy quốc gia và cũng chưa có thỏa thuận nào dài tới 30 trang mà bao trùm hầu hết các vấn đề thức thời của nền thương mại quốc tế”. Tổng thống Donald Trump từng phát biểu trước Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos rằng, Mỹ có thể sẽ quay trở lại hiệp định thương mại tự do này nếu đạt được những điều khoản tốt hơn theo quan điểm của mình.
Phát biểu của ông Trump cho thấy, nước Mỹ và cá nhân ông Trump, một doanh nhân thành đạt dần nhận ra được vai trò của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương và vai trò của TPP (CPTPP) đối với khu vực, không chỉ trên phương diện thương mại và kinh tế mà còn trên cả khía cạnh địa chính trị.
Nước Nhật là đồng minh thân cận của Mỹ, vì vậy nước Nhật luôn muốn Mỹ có vai trò đặc biệt trong CPTPP để đảm bảo sự thành công của CPTPP cũng như tăng sức cạnh trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng muốn khẳng định rõ rằng họ “sẽ không có bất kỳ thỏa hiệp nào khác trong các cuộc đàm phán song phương sau đó với Mỹ ngoài những gì đã có trong CPTPP”.
Các nước CPTPP cần đề ra những điều khoản cho việc Mỹ quay trở lại thỏa thuận này thay vì chỉ đơn giản là khôi phục TPP, nếu có. Nói cách khác, thái độ cứng rắn của Nhật Bản có thể khiến con đường quay trở lại CPTPP của Mỹ bị chặn đứng và nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể sẽ phải tìm mọi cách để thúc đẩy một FTA với Nhật Bản.
Giải thích thêm tại sao Nhật Bản lại muốn Mỹ gia nhập CPTPP nhiều đến thế, nhật báo Sankei của Nhật Bản cho rằng việc Mỹ trở lại CPTPP là cần thiết để các nguyên tắc của thỏa thuận đạt được tiêu chuẩn cao hơn về tự do hóa, nhất là khi các nước nhất trí các nguyên tắc và tiến hành cải cách ở trong nước để đảm bảo đủ tiêu chuẩn bước chân vào thị trường Mỹ.
Các doanh nghiệp của Việt Nam đang chủ động để hội nhập khi CPTPP chính thức có hiệu lực. Ảnh: Vietnam Investment Review. |
Ngoài ra, trước sự vắng mặt của Mỹ ở vị trí lãnh đạo quá trình xây dựng và lan tỏa các nguyên tắc thương mại-đầu tư của TPP, Thủ tướng Shinzo Abe đã thể hiện mong muốn trở thành “người tiên phong thúc đẩy thương mại tự do” bằng cách đưa các giá trị kinh tế của CPTPP ra toàn thế giới”. Nhật Bản muốn hợp tác cùng nhiều quốc gia để thiết lập những nguyên tắc thương mại với tiêu chuẩn cao về tự do hóa ở châu Á.
Sự vắng mặt của Mỹ trong CPTPP có thể xem là “cơ hội” để các quốc gia như Nhật Bản hay Australia... thể hiện vai trò lãnh đạo khu vực lớn hơn. Nói rộng ra, CPTPP có thể đem tới giá trị chiến lược cao hơn so với tiền thân của mình.
Câu hỏi là, liệu Mỹ có muốn tham gia CPTPP? Nhiều nhà bình luận cho rằng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã hiểu rằng Mỹ không thể "giới hạn bản thân" trong các mối quan hệ thương mại song phương mà bỏ qua các lợi ích khi tham gia vào các thỏa thuận thương mại quốc tế. Thực tế đã chỉ ra rằng các thỏa thuận đó đều có thể được ký kết mà không cần có sự tham gia của Mỹ. Câu hỏi đặt ra là giới lãnh đạo Mỹ quan tâm tới điều gì?
Trước hết, hãy xem xét 3 vấn đề chủ chốt liên quan đến lịch sử hình thành của TPP, tiền thân của CPTPP. Thứ nhất, với việc thực hiện lời hứa từ chiến dịch tranh cử (rút Mỹ ra khỏi TPP, tiền thân của CPTPP), trên thực tế, ông Trump mới chỉ khởi đầu cho quá trình rút lui khỏi các thỏa thuận.
Thứ hai, cần chú ý rằng quốc gia đi đầu trong quá trình đàm phán để dẫn tới việc ký kết thỏa thuận CPTPP vừa qua ở Chile là Nhật Bản - một đồng minh khu vực của Mỹ và cũng là nước hiểu rõ lợi ích khi có Mỹ tham gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thứ ba, quá trình hình thành CPTPP sẽ phải cần thêm thời gian và chỉ sau khi có hiệu lực thì các quốc gia thành viên mới bắt đầu các cuộc đàm phán về kết nạp thêm thành viên mới. Anh, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan... đã quan tâm tới việc tham gia CPTPP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không phủ nhận khả năng tham gia CPTPP. Việc tham gia CPTPP cho phép Mỹ lấy lại một phần nào đó lòng tin của các đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương, điều mà họ đã đánh mất khi rời bỏ TPP.
Vậy đâu là lý do khiến Mỹ thay đổi lập trường, muốn tham gia CPTPP? Trước hết, những lực lượng phản đối chính sách kinh tế đối ngoại nói chung của Tổng thống Donald Trump đã tăng đáng kể ở Mỹ, đặc biệt là quyết định rút khỏi TPP.
Chính sách tập trung chủ yếu vào các mối quan hệ song phương đã cho những kết quả nhất định nhưng về cơ bản lợi ích chỉ thuộc về một số nhóm hàng hóa (đặc biệt là các sản phẩm của tổ hợp công nghiệp quốc phòng), trong khi các nhà xuất khẩu hàng hóa phục vụ các nhu cầu và dịch vụ đại chúng (đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông) thì không hề có lợi.
Chính họ đã khởi xướng một chiến dịch cho “sự trở lại” của Mỹ vào CPTPP, đồng thời tuyên bố rằng việc rút khỏi hiệp định này là “sai lầm ngớ ngẩn nhất của Tổng thống Trump”. 25 thượng nghị sỹ Mỹ đã ký một lá thư gửi cho ông Trump với yêu cầu đưa Mỹ trở lại CPTPP.
Hơn nữa, chính quyền Mỹ cũng đã hiểu được rằng Washington không thể giới hạn các lợi ích trong các mối quan hệ song phương mà bỏ qua lợi ích của việc tham gia vào các hiệp định thương mại mang tính đa quốc gia. Thực tế cho thấy các thỏa thuận đó đều có thể được ký kết thành công mà không cần có sự tham gia của Mỹ.
Xem xét những lập luận ở trên thì Mỹ hoàn toàn có thể tham gia CPTPP. Tuy nhiên, đó không phải là "quay trở lại" mà phải là "xin tham gia" một thỏa thuận quốc tế đã "được xác lập".