Cả 2 bản thơ “Tiếng Việt” đều có thể sử dụng

Thứ Tư, 06/07/2016, 16:50
Sau buổi thi môn Ngữ văn - kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2016 kết thúc sáng 2.7, có nhiều ý kiến tranh cãi đã đưa ra liên quan đến câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” trong bài thơ “Tiếng Việt” của tác giả Lưu Quang Vũ có trong đề thi bị cho là trích dẫn sai? Rất nhiều giáo viên, những bạn đọc yêu văn học, thậm chí có cả các nhà văn nhà thơ cho rằng Bộ Giáo dục đã nhầm lẫn trong đề thi năm nay.

Khi được hỏi, nhà phê bình Lưu Khánh Thơ, em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ đã khẳng định Bộ Giáo dục không sai. Câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” hay “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” đều chính xác, nằm ở trong các văn bản khác nhau. Trên thực tế, mỗi tác phẩm văn học, trong quá trình sáng tác và sử dụng, tác giả có thể có những dị bản khác nhau.

Bản gốc chép tay của bài thơ Tiếng Việt.

Về mặt văn bản, sự khác nhau này là chấp nhận được, miễn là đã được công bố một cách chính thức. Người ra đề thi hoàn toàn có thể lựa chọn một trong hai văn bản, và đáp án phải phù hợp với câu thơ đã chọn. Điều quan trọng nhất là các em học sinh làm bài thi đúng với tiêu chí của đề bài đưa ra...

- PV: Thưa nhà phê bình Lưu Khánh Thơ, như bà đã biết, những ngày qua có nhiều ồn ào xung quanh bài thơ "Tiếng Việt" của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Điều quan trọng là trong một số nguồn thông tin trên mạng, vẫn có những bài viết khẳng định "như đất cày" mới đúng? Trong khi đó, mới đây nhất, gia đình bà đã có những công bố về bản thảo viết tay bài thơ "Tiếng Việt" của nhà thơ Lưu Quang Vũ, và trong đó là nguyên bản "như bùn" đúng theo đề thi của NXB Giáo dục. Vậy, thông qua đây, bà có thể nói lại một lần nữa cho rõ ràng để độc giả được biết?

- Nhà phê bình Lưu Khánh Thơ: Sau khi đề thi Ngữ Văn lớp 12 công bố, rất nhiều người đã gọi điện cho mình thắc mắc. Ngày hôm qua bận việc, nên đến 11  giờ đêm mình mới lục tìm trong bản thảo chép tay phần lớn đã ố vàng, nhòe mờ qua hơn nửa thế kỷ, để "nói có sách mách có chứng". May mắn là đến hơn 1 giờ sáng đã tìm ra, bản gốc khi được chụp lại khá rõ nét…

Xung quanh các tác phẩm của Lưu Quang Vũ, việc khác nhau ở các văn bản không phải là điều hiếm gặp. Có khi do yêu cầu của người biên tập, cũng có khi do chính tác giả thay đổi. Về bài thơ "Tiếng Việt", bởi vì có những thay đổi trong câu thơ là vì sau một thời gian dài Lưu Quang Vũ không in thơ ở trên báo mặc dù anh vẫn sáng tác rất nhiều, nhà thơ Xuân Quỳnh – khi đó đang làm việc ở báo Văn nghệ nói với chồng gửi một số bài thơ để tòa soạn chọn in.

Lúc đó nhà thơ Phạm Tiến Duật ở tổ thơ đã ngay lập tức chọn bài “Tiếng Việt” để in trong số ba bài Lưu Quang Vũ gửi, nhưng với điều kiện là phải đổi một số câu thơ. Ban đầu, Lưu Quang Vũ không đồng ý có bất cứ sự thay đổi nào. Thế nhưng khi được nhà thơ Xuân Quỳnh thuyết phục rằng cứ in đi rồi khi nào có điều kiện mình sẽ khôi phục lại bản gốc sau, Lưu Quang Vũ đã chấp nhận. Nhưng anh chỉ đồng ý sau khi đã trao đổi với biên tập lúc đó là nhà thơ Phạm Tiến Duật. Và câu thơ trong bản gốc “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” đã được anh sửa lại thành “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”.

Bài thơ được in lần đầu trên báo Văn nghệ và nhận được lời khen của rất nhiều độc giả cũng như giới phê bình văn học, Lưu Quang Vũ vẫn nói với những người thân trong gia đình, rằng anh không muốn ý thơ bị khác đi và vì thế nếu sau này có điều kiện anh muốn bài thơ được khôi phục lại như nguyên tác của mình. Tuy nhiên, với tư cách là một người làm phê bình văn học và nghiên cứu văn học lâu năm, khi cả hai văn bản thơ đã được xuất bản và được sự đồng ý của tác giả, thì đều có thể được sử dụng, chỉ có điều, khi nghiên cứu tác phẩm đó thì phải ghi xuất xứ, nguồn gốc lấy từ quyển nào, in năm bao nhiêu và hoàn toàn được phân tích, lý giải theo văn bản đó. Nếu một người giỏi (như trường hợp này là học sinh giỏi – NV) thậm chí có thể mở ngoặc về một văn bản thứ hai và so sánh giữa hai văn bản đó.

- Có nghĩa là cả hai văn bản đều đúng và có thể sử dụng và đề thi năm nay không có gì phải bàn cãi như câu chuyện vài ngày nay đang xôn xao trên dư luận?

- Đề thi của NXB Giáo dục không có gì sai. Theo suy nghĩ của tôi, bài thơ “Tiếng Việt” được in trong cuốn “Thơ Việt Nam 1945-1985” của NXB Giáo dục, năm 1985 do GS. Nguyễn Đức Nam làm chủ biên là do nhà thơ Xuân Quỳnh cung cấp.

Anh Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục, đại diện người phát ngôn của NXB cũng đã đến tham khảo ý kiến của tôi và tôi cũng đã chia sẻ với anh những thông tin liên quan như đã nói ở trên và rõ ràng, trong đề thi năm nay, không có gì phải bàn cãi vì NXB Giáo dục đã trích dẫn ở một cuốn sách được in lúc nhà thơ Lưu Quang Vũ còn sống và hoàn toàn đúng với bản chép tay của nhà thơ Lưu Quang Vũ.

Trong bài thơ "Tiếng Việt", ngoài từ "như bùn" phải đổi thành "như đất cày" thì còn phải đổi hai câu thơ nữa, đó là "Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận" thành "Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng" để tránh yếu tố nhạy cảm. Còn câu kết: "Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình" phải sửa thành "Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình".

Ngoài ra ý câu thơ "Ai người sau nói tiếp những lời yêu" thì được nhà thơ Lưu Quang Vũ đánh dấu hoa thị, lấy ý từ hai câu thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh: "Tiếng yêu của những ngày xưa/ Vượt qua năm tháng đến giờ chưa tan". Trong bài thơ "Tiếng Việt" có một câu thơ được anh Vũ lấy nguyên văn câu thơ của cha tôi, nhà thơ Lưu Quang Thuận trong một bài thơ của ông, đó là câu thơ: "Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm". Tôi từng nói đùa với anh Vũ rằng, như thế anh là "ăn cắp" của bố. Anh ấy cười bảo, bố còn cho mình cả một hình hài, tiếc gì một câu thơ.

Nói như vậy để thấy rằng, nhà thơ Lưu Quang Vũ rất thích hình ảnh "bùn" và hình ảnh "con nghé trên lưng bùn ướt đẫm" thì đối với anh ấy, quá đẹp. Anh Vũ đã có những năm tháng tuổi thơ sống ở quê cho nên với anh ấy, thôn quê, đặc biệt là từ "bùn" là một cái gì đó rất ám ảnh, rất gợi và nó trở đi trở lại trong nhiều bài thơ của anh ấy. Nhiều người đọc chữ “bùn” thường liên tưởng đến “hôi tanh mùi bùn”, nhưng với quan niệm của Lưu Quang Vũ, “bùn” cũng là một thứ “phù sa”.

Nhà thơ Lưu Quang Vũ thời trẻ và nhà phê bình Lưu Khánh Thơ.

Từ lớp “phù sa” ấy đã sinh ra bao nhiêu thứ có ích. Ngay cả loài hoa cao quý và tinh khiết cũng mọc lên từ bùn… cũng như Tiếng Việt là linh hồn của dân tộc Việt Nam. Nó đã trải qua bao thăng trầm, bầm dập để kết tinh thành thứ ngôn ngữ trong sáng được lưu truyền qua bao thế hệ. Như câu thơ “Hồn dân tộc dạy ta làm thi sĩ” cũng là một sự tôn vinh Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ.

- Thực ra mỗi nhà thơ, đều có những bài thơ mà trong đó có những phiên bản khác nhau. Nhà thơ Lưu Quang Vũ có nhiều bài thơ nổi tiếng, vậy bà có thể cho biết, ngoài bài thơ "Tiếng Việt" thì có những bài thơ khác có những phiên bản khác nhau?

- Có chứ. Xung quanh các tác phẩm của Lưu Quang Vũ, việc khác nhau ở các văn bản không phải là điều hiếm gặp. Có khi do yêu cầu của người biên tập (nhưng chắc chắn là phải có sự đồng ý của tác giả, bởi vì, anh chị tôi đều là những người khá cẩn trọng với đứa con tinh thần của mình), cũng có khi do chính tác giả thay đổi.

Tôi xin công bố một số thông tin để người đọc hiểu rõ thêm. Bài thơ “Từ biệt” trong bản thảo gốc: "Chiếc cốc tan, không thể khác đâu em/ Anh nào muốn nói những lời độc ác/ Như dao cắt lòng anh như giấy nát/ Phố ngoài kia ngột ngạt những toa tàu/ Tiếng bán mua tiếng cãi chửi ồn ào/ Những nhà cửa nhỏ nhoi những mặt người bụi bẩn/ Cuộc sống này chẳng có gì đáng trọng/ Khiến người ta không thể tốt cùng nhau". Nhưng khi công bố lần đầu thì không có hai câu thơ sau, mà thay vào đó là dấu “...” sau “những mặt người bụi bẩn...”.

Hay trong bài “Lá thu”, câu thơ đầu ở một khổ thơ, Lưu Quang Vũ viết về một địa danh cụ thể: “Xóm Hạ Hồi hôm ấy mưa rơi” gắn với một kỷ niệm tình yêu, nhưng sau đó anh đã chủ động đổi thành “ngõ phố dài hôm ấy mưa rơi”. Hoặc bài thơ “Những đêm hoa vàng” cũng có những phiên bản khác nhau, so với bản đã in và văn bản do một vài người bạn của anh cung cấp cho tôi. Khác ngay cả đầu đề, đã đổi thành “Hoa vàng ở lại”.

Không chỉ có thơ mà các sáng tác kịch của Lưu Quang Vũ cũng có nhiều thay đổi nếu so với văn bản gốc. Điển hình là kịch bản "Tôi và chúng ta" khi duyệt đã bị yêu cầu phải thay đổi 22 chỗ. Ngay cả kịch bản “Hồn Trương Ba da hàng thịt” nổi tiếng của anh ở phần kết của vở cũng có hai bản khác nhau, đều đã công bố chính thức, một in trong sách “Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh gửi lại”, kỷ niệm ngày giỗ đầu của anh chị do NXB Đà Nẵng ấn hành (1989), một bản khác in trong “Tuyển tập kịch Lưu Quang Vũ”, NXB Sân khấu (1994).

Trong chuyên luận “Thể loại bi kịch trong văn học Việt Nam thế kỷ XX” (In trong “Sáng tạo và giao lưu”, NXB Giáo dục, 2007), PGS.TS. Phạm Vĩnh Cư đã yêu cầu tôi cung cấp cả hai văn bản. Và trong bài viết, ông đã chú dẫn rõ ràng là nghiên cứu của mình dựa vào văn bản thứ nhất. Ở phần kết bài viết, ông đã đưa ra một nhận định bao quát: “Vở kịch của Lưu Quang Vũ sở dĩ thu phục được nhiều khán giả nước ngoài, có lẽ bởi nó phù hợp với tâm trạng phổ biến trong xã hội hiện đại – xã hội đã đánh mất niềm tin cũ vào những giá trị siêu nhân loại và chưa tìm được cái gì thay thế nó”.

PGS.TS. Phạm Vĩnh Cư là một chuyên gia hàng đầu về văn hóa, văn học Nga và Việt Nam, một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, có uy tín đối với độc giả trong và ngoài nước. Khi bắt tay vào việc nghiên cứu một vấn đề nào đó, ông rất coi trọng việc xử lý văn bản tư liệu. Qua đó, chúng tôi càng có thêm cơ sở khoa học cho suy nghĩ của mình.

- Vâng xin cảm ơn nhà phê bình Lưu Khánh Thơ!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.