Cá chết trắng bè trên sông Đồng Nai

Thứ Sáu, 08/01/2016, 10:15
12 giờ ngày 4-1-2016. Cái nắng chang chang giữa trưa hắt xuống lòng sông, hắt xuống những lớp xác cá dày đặc trên mặt nước làng bè nổi, tỏa ra thứ mùi gây gây khó tả. Đêm ngày 3, rạng sáng 4-1, thực sự là thời điểm kinh hoàng đối với những người nuôi cá bè trên sông Cái (một nhánh của sông Đồng Nai) tại xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.


Nếu như từ 5 ngày trước, cá bắt đầu chết rải rác, mỗi đêm chừng 1-2 tạ, thì vào rạng sáng 4-1, cá đồng loạt chết nổi trắng trên toàn bộ 274 bè cá. Chỉ trong một đêm, có gia đình đã mất đi hơn 1 tỉ đồng. Còn trung bình, khoản tiền thiệt hại của mỗi hộ lên tới hàng trăm triệu.

1. Giữa cái tổ hợp mùi gây gây tanh nồng ấy, chị Phạm Thị Ngần vẫn miệt mài bấm chân trên những bản gỗ mong manh của bè cá, dùng vợt vớt xác cá đóng vào bao tải để đem đi chôn. Từ 3 giờ sáng đến giờ, vợ chồng chị Ngần, anh Quyết và người con trai cả 18 tuổi vẫn chưa có một hạt cơm vào bụng. Tất tả lo cứu cá, tất tả lo vớt xác cá để tránh gây ô nhiễm cho số cá còn sót lại, tất tả sục khí để cá có ôxy thở…

Trong khi cả gia đình ngư dân gốc Hải Phòng bạc mặt di chuyển liên tục trên mặt bè, đứa con gái út, mới 4 tuổi, thiếp đi trên võng sau những cơn khóc ngằn ngặt từ đêm vì thiếu mẹ. "Tất cả mọi người đều tập trung cứu cá, đành phải bỏ mặc con bé tự chơi, tự ăn uống, rồi tự ngủ. Nhưng không cứu kịp chú ơi, chưa bao giờ cá chết kinh hoàng như thế này", chị Ngần thở dài.

Từ 20 giờ đêm 3-1 đến 3 giờ sáng 4-1-2016, hơn 10 tấn cá của gia đình chị Phạm Thị Ngần đã chết trắng bè, từ cá giống nhỏ, cho đến loại lớn hơn như cá trắm, chép, điêu hồng... đều không thể cứu nổi.

500 triệu đồng. Đó là con số ước tính thiệt hại của bè cá gia đình chị Phạm Thị Ngần.  Anh Lê Văn Quyết, chồng chị Ngần, cho biết, bè cá của gia đình nuôi theo hình thức luân canh, và vụ thu hoạch này được tính toán để tung ra phục vụ dịp Tết. "Bắt đầu từ 5 ngày trước, cá bắt đầu chết, nhưng số lượng nhỏ, từ vài yến cho tới vài tạ. Chúng tôi đã hết sức đề phòng, nhưng đến đêm qua thì trở tay không kịp", anh Quyết kể lại.

"Thông thường, chúng tôi đã có kinh nghiệm, là cứ từ dịp nghỉ lễ Noel cho tới Tết Dương lịch, rồi sau đó mấy ngày, là cá có hiện tượng chết hàng loạt. Năm nào cũng vậy. Nhưng không ngờ năm nay nước lại "độc" đến như vậy.

Khi lặn xuống nước để vớt cá, tôi thấy nước rõ ràng có vấn đề. Hai mắt tôi thấy xót. Hai tay khi lên bờ cọ vào nhau cứ rít rít. Người còn thấy xót mắt, thì cá làm sao mà chịu được. Ngay khi con cá vừa chết, chúng tôi lật mang ra, đã thấy mang cá thâm bầm, rõ ràng cá không đủ ôxy trong cả một thời gian dài", anh Quyết kể.

Tất cả mọi biện pháp cấp cứu cho cá như ngừng cho ăn, sục khí... đều không ăn thua. Cá đua nhau nổi trắng bụng,  mang trắng bệch, dấu hiệu đặc trưng của thiếu ôxy.

2. Đứng đầu trong danh sách thiệt hại nặng nề, chắc chắn phải kể đến hộ nuôi cá của anh Nguyễn Văn Vị. Giữa trưa nắng, xác cá vẫn nổi trắng 35 lồng cá và 4 bè cá của anh Vị. Những người làm trên bè cá vẫn miệt mài vớt xác cá bỏ vào bao tải để đem đi chôn.

1-1,2 tỉ đồng là thiệt hại ước tính ban đầu của gia đình anh Nguyễn Văn Vị. Anh Nguyễn Văn Thiên, một người tham gia "cứu cá" từ đêm cho biết: cá bắt đầu ngửa bụng từ 3 giờ sáng. Ngay trong đêm, chủ bè cá đã huy động xe đông lạnh của gia đình, cộng thêm xe thuê, liên tục chạy trong đêm, mới vận chuyển được 6 xe cá cỡ lớn đi tiêu thụ. "Nếu không chủ động vớt cá lên trong đêm, tiên liệu trước tình trạng xấu nhất, thiệt hại còn khủng khiếp hơn nữa", anh Thiên cho biết.

Khác với những bè cá khác, hộ gia đình của anh Vị tập trung nhiều vào nuôi cá trắm giòn, cá chép giòn… có giá trị cao. Cá giống sau khi nuôi đủ kích cỡ, được nuôi riêng và cho ăn đậu tương để ra cho ra sản phẩm khác biệt. Giá thành phẩm mỗi cân cá giòn lên tới 120-160.000đ/kg, nên thiệt hại cũng nhiều hơn hẳn so với các hộ nuôi sản phẩm thường.

Trong khi mọi người trong gia đình vẫn đang bươn bả dọn dẹp, anh Vị đã phải túc trực trên xe từ đêm để liên tục vận chuyển cá đi "cứu giá". Anh Thiên cho biết, các thương lái biết được tình trạng phải bán bằng được cá đang còn thở theo tinh thần còn nước còn tát, đã tranh thủ ép giá tối đa. "Xuống bè nhìn cũng đau đầu, nghe điện thoại cũng đau đầu, lên chợ cũng đau đầu, phải có thần kinh thép mới trụ được qua thời khắc này", anh Thiên cho biết.

Anh Nguyễn Hồng Văn, chủ bè 20 ô cá nuôi gồm cá lăng, cá trắm, chép và điêu hồng: “Tôi không biết chính xác nhà máy nào thải ra, nhưng với kinh nghiệm trong nghề, tôi đảm bảo danh dự cá chết là do nguyên nhân nhà máy xả thải không qua xử lý”.

3. Ngược lên phía trên làng bè, xác cá nổi trắng mặt sông. Nhiều hộ nuôi cá, trong lúc tuyệt vọng, trong lúc bực tức, trong lúc bất lực vì đem cá đi chôn không xuể, đã đổ cả xác cá ra ngoài sông.

"Đổ để cho họ thấy là cá chết nhiều thật, chứ không lại bảo dân là khai khống lên để đòi bồi thường, hoặc bảo dân nói quá lên về tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Cá chết nhiều thế này, nhưng có thấy ai đến giúp dân dọn dẹp, giúp dân chôn cá cho đỡ ô nhiễm đâu", một người dân cho biết.

Không bất bình tiêu cực như một vài hộ dân khác, anh Nguyễn Hồng Văn, chủ bè 20 ô nuôi cá chép, cá lăng và cá điêu hồng… trị giá hàng trăm triệu, cần mẫn thu dọn cá chết vào những chiếc xô nhựa, xếp kín mặt bè để những ai cần qua lấy, hoặc khi cơ quan chức năng cần thu thập bằng chứng thì cung cấp.

Anh Lê Văn Quyết cho biết, khi lặn xuống kiểm tra, anh phát hiện chất lượng nước có biểu hiện rất lạ: cay mắt, tay xoa vào nhau thấy rin rít.

"Từ 2 giờ sáng, cá không có ôxy để thở, ngoi lên 100% kín đặc cả mặt bè. Với kinh nghiệm trong nghề, tôi đảm bảo bằng danh dự là cá chết là do nguyên nhân nhà máy xả thải không qua xử lý. Tôi không biết chính xác là nhà máy nào thải ra, việc này chắc chắn phải nhờ cơ quan chức năng có kinh nghiệm, có nghiệp vụ xử lý, chứ dân chúng tôi chỉ biết chờ đợi thôi, mà chuyện này đã xảy ra nhiều rồi", anh Văn khẳng định.

"Ngay từ chiều 3-1, cá đã có dấu hiệu ngợp thở. Tôi phải huy động tất cả máy nổ, thậm chí cả máy của thuyền, để chạy xúc ôxy, nhưng vẫn trở tay không kịp. 8 năm làm nghề, đã chứng kiến nhiều lần cá chết, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy bất lực như thế này", anh Văn cho biết.

4. Ngược lên tận đầu làng bè, bè nuôi cá của anh Trần Đức Cần nằm riêng biệt một khu ở giữa sông. Địa điểm này có thể nói là có nguồn nước sạch nhất cả làng bè. Nếu ở đây mà cá chết, thì chắc chắn những bè cá khác không tránh được thảm họa.

Đã sống bằng nghề cá 34 năm nay trên mặt sông Đồng Nai, ông Văn hiện đang làm thuê cho bè cá của anh Cần, thở dài ngửa cổ than trời: Làm gì cũng thua ông xả thải hết. Ngó vào những đàn cá lăng giống đang bơi trên mặt nước, ông Văn cho biết, cá lăng mà nổi như thế này thì 2-3 ngày sau chắc chắn sẽ chết.

"Bắt đầu lúc 21 giờ 30 phút  đêm 3-1, tôi thấy nước chảy dữ lắm. Tôi ra cho ăn, thấy cá giống nổi lên dữ lắm, lóp ngóp. Chừng 1 tiếng sau, cá giống ngửa ra chết. Sau đó là đến cá thịt, khoảng 21 giờ, cá nhảy tưng tưng trên mặt nước, sau đó cũng lăn ra chết. Nước chảy dữ như thế thì chắc chắn có nơi nào xả thải trên đầu nguồn, và trong đó có chất gì khiến lượng oxy trong nước bị mất đi", anh Cần kể lại.

“Từ bé đến giờ cháu chưa bao giờ thấy cá chết nhiều đến thế” - con chị Ngần cho biết.

"Từ năm 1998, tôi đã quá có kinh nghiệm trong việc chứng kiến cá chết vì ô nhiễm rồi, nhưng đợt này thì khủng khiếp, có thể sánh với năm 2009 và năm 2013, những năm khiến cho dân làng bè khốn đốn vì cá chết. Với tình trạng như thế này thì chỉ vài tháng thôi, là sẽ có người sạt nghiệp, phải bỏ nghề.

Buồn nhất trong vụ này có lẽ phải kể đến anh Điện, anh Vị, những người tiên phong đưa mô hình cá trắm thịt giòn và cá chép thịt giòn… đến làng bè. Họ quảng bá mô hình này, giới thiệu đến bà con, đến những người có trách nhiệm, và được ủng hộ nhiệt liệt lắm. Nhưng từ hôm qua đến giờ, cá chết hàng loạt, thấy có ai tới thăm đâu", anh Cần chua chát nói.

"Đã có những hộ dân rục rịch chuyển bè về miền Tây vì quá sợ nguồn nước ô nhiễm ở đây rồi. Chúng tôi không hiểu được, là bản thân các bè cá, chính là bằng chứng sinh học rõ ràng nhất, nhạy cảm nhất, để đánh giá độ sạch của một dòng sông, mà lại không được bảo vệ, không có một cơ chế được bảo vệ. Khi mọi chuyện đáng tiếc đã xảy ra rồi, xuống làm xét nghiệm nước, thì nước đã chảy rồi, còn có ý nghĩa gì nữa", anh Cần tâm sự.

Diễn biến vụ việc

- Từ ngày 24-12-2015, bắt đầu xuất hiện tình trạng cá chết do ngợp thở trong lồng nuôi bè. Số lượng cá chết mỗi bè từ vài ký cho đến vài chục ký. Người dân nuôi cá vẫn bình tĩnh, vì hiện tượng cá chết bắt đầu từ kỳ nghỉ Giáng sinh đến Tết Dương lịch vẫn thường xuyên diễn ra hàng năm.

- Ngày 28-12-2015, UBND xã Hiệp Hòa đã nhận được phản ánh của người dân, đã xuống kiểm tra, đồng thời thông báo cho Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNT Đồng Nai) xuống lấy mẫu xét nghiệm và tìm hiểu nguyên nhân. Qua kiểm tra nhanh cho thấy lượng ôxy trong nước không đạt.

- Ý kiến từ Chi cục Nuôi trồng thủy sản Đồng Nai cho biết cá chết có thể do thời điểm nước sông đang cạn, lưu lượng nước ít, dòng chảy thấp nên lượng ôxy giảm, trong khi đó các hộ nuôi cá mật độ quá dày nên cá bị ngộp?

Ngoài ra do thời tiết thay đổi, lượng thức ăn thừa tích tụ lâu ngày dưới đáy khiến mầm bệnh phát sinh.

- Ngày 30-12-2015, hiện tượng cá chết hàng loạt vẫn diễn ra, con số thiệt hại của một số hộ đã lên tới 1 tạ/ngày.

- Đêm 3-1-2016, "thảm họa" đã diễn ra tại làng cá, với số lượng cá chết lên đến hàng chục tấn. Khúc sông Cái chảy qua khu nuôi cá trắng xóa xác cá.

- Đêm 4-1-2016, nhóm PV Chuyên đề ANTG đã ở lại làng bè Hiệp Hòa để trực tiếp nắm bắt tình hình. Hiện trường cho thấy, sau đêm 3-1 kinh hoàng, khi hàng loạt báo chí đưa thông tin cập nhật vụ việc, môi trường nước có vẻ như đã được cải thiện đáng kể, đã không còn hiện tượng cá bị ngợp nổi lên mặt nước. Những ngư dân làng bè khi lặn xuống nước kiểm tra lưới cũng đã bớt thấy xót mắt hơn. Như vậy câu hỏi đặt ra là chẳng nhẽ những "lý do tự nhiên" như giải thích ở trên lại biết đọc báo và "điều chỉnh" mức độ ô nhiễm của nước?

Văn Hào - Việt Đông
.
.