Cá hồi Sa Pa và câu chuyện buồn

Thứ Hai, 10/11/2008, 18:00
Khi con cá hồi đã được nuôi thành công trên đất SaPa (Lào Cai), du khách đến với vùng đất du lịch này có thêm một sản phẩm phục vụ du lịch mới. Nhưng đối với những người nuôi cá hồi, chuyện buồn vui xung quanh loài cá thượng phẩm này, dường như chỉ mới bắt đầu...

Nguyễn Thái Thịnh -nước mắt trôi theo dòng suối Tả Phìn

Mấy hôm trước, Nguyễn Thái Thịnh uống nhiều rượu rồi, nên anh chỉ rót nốt phần còn lại của chai bia Lào Cai ra chiếc cốc nhựa cho mình, mặc mọi người với chai rượu ngô. Đây là số bia còn sót lại sau khi đã dốc thẳng vào chiếc nồi gang cũ kỹ để làm món cá hồi hấp bia dã chiến.

Nồi cá hồi nghi ngút khói bốc thơm ngào ngạt, nhưng tâm trạng của "ông tỉ phú cá hồi" Nguyễn Thái Thịnh thì lại đang buồn bã: Hai hồ cá hồi giống, ba hồ cá hồi thịt mà Thịnh nuôi, trị giá hàng tỉ đồng, đã trôi theo dòng nước của trận lũ lụt lịch sử ở Sapa vừa qua.

Tợp một ngụm bia nhỏ, khẽ chép miệng buồn rầu, Thịnh thở dài: "Mấy hôm mưa to gió lớn ấy, tôi bám trụ suốt ngày đêm trong hồ, chỉ lo nơm nớp đàn cá hồi gặp nguy hiểm. Trời càng lúc càng mưa to, nước từ đầu nguồn đổ về cuồn cuộn, kéo theo không biết bao nhiêu đất đá, lá cây và gỗ mục.

Ngày rồi đêm, anh em đội mưa dầm bão để đón vớt các loại rác rưởi bám xung quanh các triền ao, sợ vỡ bờ. Đến rạng sáng, sức người đã mệt, đèn điện bỗng phụt tắt, tôi bèn gào anh em vào bờ vì trời tối mù mịt, mưa bão như thế, làm sao dám mạo hiểm tính mạng của anh em.

Gỗ và củi cành theo sức nước dữ dội tiếp tục tràn về, mắc vào các hàng rào phân chia hồ ao, làm tràn vỡ hết. Bao nhiêu cá trong hồ nuôi đều bị cuốn theo dòng nước trôi xuống suối Tả Phìn.

Sau đêm mưa lũ khủng khiếp đó, có lẽ là lần đầu tiên trong đời, người Mông, người Dao và người Kinh sinh sống ở khu vực Sapa được ăn cá hồi một cách thoải mái như thế. Cá hồi từ mấy hồ nuôi của Thịnh tràn ngập các lối đi vào vườn ruộng của bà con xã Tả Phìn, khiến bà con kinh ngạc, tưởng trời mưa ra cá.

Rồi thì họ thi nhau mang nơm, giỏ, lưới, xô, chậu... và bất cứ cái gì có thể vớt được để bắt cá hồi, đông vui như trẩy hội. Con cá ưa nước trong, nước lạnh, gặp phải nước lũ quăng quật nên yếu lắm, chỉ bơi lờ đờ, hoặc ngửa chiếc bụng trắng lên mặt nước, đưa tay ra là vớt được.

Cá hồi xếp đầy sân, đầy nhà của người dân Tả Phìn, nhưng lần đầu nhìn thấy nên bà con cứ ngỡ nó là con cá mè hay con cá suối lạ nào đó. Lâu nay, người dân Tả Phìn vẫn thấy có người nhắc nhở mỗi khi lên đầu nguồn suối làm nương hay phát rẫy  đừng để nước đục chảy vào suối, dễ làm chết cá hồi, nhưng bà con đã biết mặt mũi con cá quý đó bao giờ đâu, nói gì được ăn.

Bữa cơm ngày lũ có thêm món cá hồi, nên bà con chẳng cần phải hấp bia, phi lê, đút lò, sốt mù tạt, xông khói cuốn lê, hay băm viên nướng chả làm gì cho lích kích..., cứ cạo sơ sơ lớp vảy, chặt khúc, cho muối trắng vào nồi nhôm, rồi nổi lửa lên kho mặn.

Cầu kỳ nữa là hái lá rừng nấu chua, hoặc mổ bụng treo trên gác bếp. Có lẽ chỉ ở Tả Phìn và chỉ những hôm đó, món đặc sản thế giới cá hồi mới được chế biến theo kiểu... đậm đà bản sắc dân tộc của vùng cao Tây Bắc đến như vậy.

Người Tả Phìn không thể cho vào nồi hết cả mấy tấn cá ấy, nên suốt hơn 30 km của con đường 4D đoạn từ Sapa về đến thành phố Lào Cai tấp nập những cánh áo thổ cẩm xách lủng lẳng từng xâu cá hồi đi bán. Ai mua giá nào cũng bán, nhưng được giá nhất cũng chưa đến 30.000 đồng một cân.

Trong khi đó, tại các nhà hàng ở Sapa, giá một cân cá hồi vào khoảng trên dưới 400.000 đồng, mua tại hồ nuôi từ 150.000  đến 200.000 đồng. Nhiều gia đình người Mông, Dao ở Tả Phìn, nhờ bắt và bán được cá hồi nên ai cũng hồ hởi, phấn khởi. Có người bán được hơn 30 triệu đồng tiền cá.

Cũng có người xưa nay vẫn cuốc bộ ra thị trấn, nay đã thấy cưỡi chiếc xe máy không biển số, mới coóng, hỏi ra mới biết là do bán cá hồi, thừa tiền thì mua cái xe đi cho đỡ mỏi chân. Chỉ có Thịnh đớn đau mà không khóc được: "Nếu mất chỉ dăm trăm triệu hay đến một tỉ, thì tôi cười phớ lớ ngay, chứ không phải đeo cái mặt nhăn mày nhúm như thế này".

Tôi cùng Thịnh đứng bên hồ, xem mấy cậu thanh niên chống chiếc mảng ghép tạm bằng mấy cây tre trên mặt suối trong vắt ném thức ăn cho cá. Nước từ trên thác nhỏ cao hơn 30m, rộng chỉ chừng vài mét đổ xuống ầm ầm.

Gần 5 vạn con cá hồi giống chỉ bé bằng cái cán dao rừng mà Thịnh vừa thả gây giống lại thản nhiên bơi lội ngược dòng theo đàn nom thật thích mắt. Trong 5 cái hồ liên hoàn rộng hơn 2.500m2 được cải tạo từ đầu nguồn suối Tả Phìn nước lạnh và trong leo lẻo này, chỉ còn sót lại dăm ba con cá hồi đủ tiêu chuẩn đưa lên bàn nhậu.

Đưa vào tay tôi một vốc các viên thức ăn màu sôcôla nhỏ như đầu đũa bốc mùi thơm phức để ném xuống hồ, Thịnh bảo: "Mỗi ngày, đàn cá hồi ngốn của tôi hết chừng 30 triệu đồng tiền thức ăn. Số thức ăn này tôi phải nhập từ Phần Lan về, mỗi một bao khoảng triệu tư, mà mỗi lần tối thiểu phải mua một container thì họ mới bán, nên tốn kém lắm.

Mỗi lần đặt mua, thời gian vận chuyển hàng phải trước khoảng 3 tháng mới về đến cảng Hải Phòng, rồi từ đó vận chuyển lên Lào Cai, nên nhiều khi nhỡ hết cả việc. Như năm ngoái, đáng nhẽ hàng phải về từ trước tết Âm lịch, nhưng mãi đến tháng Tư năm sau mới có cám để cho cá ăn".

Dẫu đang gặp khó khăn lớn, Nguyễn Thái Thịnh vẫn là một trong số đếm được trên đầu ngón tay những nông dân Việt Nam đầu tiên trở thành tỉ phú nhờ nuôi cá hồi. Ngoài Thịnh ra, còn có Giám đốc trẻ Đỗ Tiến Thắng của Công ty TNHH Thiên Hà cũng là người thường được nhắc tên hoặc tên công ty với từ "cá hồi" kèm theo.

Vốn là một chủ thầu xây dựng, năm 2005, Thắng tình cờ biết đến cá hồi khi nhận thi công các bể cá cho Trung tâm Nghiên cứu cá nước lạnh Thác Bạc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) để các nhà khoa học nuôi thử nghiệm cá hồi ở Thác Bạc.

Nhận thấy nuôi loài cá này có thể sinh lời cao, Thắng để tâm tìm hiểu, rồi nhận nuôi 12.000 con giống theo dự án nuôi cá hồi thương phẩm của UBND tỉnh Lào Cai. Cá hồi rất nhanh lớn, một năm có thể nặng đến 2kg. Bắt đầu nuôi cá từ năm 2005, đến đầu năm 2006 Thắng đã có cá hồi thương phẩm để bán.

Năm 2007, anh có khoảng gần 50 tấn cá hồi thương phẩm. Năm 2008 này, các bể cá của Thắng có khoảng 80 tấn, dự kiến sẽ xuất bán cho thị trường phía Bắc theo hệ thống siêu thị Metro ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng...--PageBreak--

Đỗ Tiến Thắng - giấc mơ làm giàu trên núi Bản Khoang

Phải thừa nhận, Thắng là người khá cẩn thận trong công việc. Cứ xem như việc Thắng bỏ ra cả năm trời để tìm hiểu thủy văn, nhiệt độ, môi trường sống cho cá hồi thì đủ biết. Anh tìm đến các nhà khoa học thủy lợi địa phương để có các nghiên cứu về đặc tính và lịch sử của các dòng suối ở Sapa.

Cẩn thận tìm hiểu các nhà khoa học rồi Thắng lại hỏi người già địa phương từ mực nước cao nhất trong mùa mưa đến mực nước cạn nhất trong mùa khô, rồi quy luật con nước, mùa lũ, nguồn gốc suối, khí hậu và có hay không tác động của con người hay vẫn nguyên sơ...

Ban đầu Thắng nuôi thử nghiệm tại suối Đôi (xã Bản Khoang) nhưng sau thấy suối Lạnh kế bên có nhiệt độ, thủy văn tốt hơn nên chuyển sang. Nước suối Lạnh đúng như tên gọi của nó, rất lạnh, mùa hè dao động từ 18-22oC, mùa đông từ 10-16oC, phù hợp với sự sinh trưởng của cá hồi.

Làm thịt cá hồi theo kiểu Tây Bắc

Đối với việc nuôi cá hồi, khâu nào Thắng cũng xem là tối quan trọng, từ chọn giống, chăm sóc, cho ăn, vớt cá đúng kỹ thuật để không mất nhớt mà yếu đi, rồi vận chuyển để cá còn sống... Cũng phải nói thêm rằng, thịt cá hồi ăn ngon nhất là khi cá đạt trọng lượng khoảng hơn một cân.

Lúc đó, thịt cá giòn, chắc, dai, ngọt, nếu để cá to hơn nữa thì thớ thịt cá giãn ra. Cá hồi đã lấy trứng thì chất dinh dưỡng trong thịt sẽ ít đi. Thắng thường chọn mua đa phần cá giống là cá cái từ bên Phần Lan, nhưng xuất bán khi chúng chưa có trứng. Trong ao nuôi, Thắng cũng tạo dòng chảy trong ao để cá có thể bơi ngược, săn da chắc thịt. Vợt vớt cá của Thắng không phải chiếc lưới cước thông thường, mà bằng vải mềm, mắt lưới nhỏ.

Có một số cơ sở nuôi nhỏ thường cắt tiết cá hồi, ướp lạnh để đem bán, vì lên bờ một lúc là cá chết, nếu cá chết mà không cắt tiết, màu thịt nó sẽ thâm lại, rất xấu. Nhưng với Thắng, con cá đến được tay người tiêu dùng, cần phải sống, rồi thì chế biến theo đúng kiểu cách, thì mới đáng là thượng phẩm.

Thắng tâm sự - "Lúc đầu thấy tôi nuôi cá hồi, nhiều người bảo tôi bị... hâm, không mấy ai tin tưởng sẽ thành công. Nhưng tính tôi không làm thì thôi, đã làm thì làm đến nơi đến chốn, nên cứ dấn vào tìm hiểu, đúc rút, rồi mới trở thành người nuôi cá hồi chuyên nghiệp được như hôm nay.

Nuôi cá hồi tỉ lệ rủi ro rất cao, nên ban đầu đem cá về, tôi cũng lo lắng lắm. Ngay trong đợt nuôi thử nghiệm đầu tiên, tưởng chỉ cần cho cá nguồn nước lạnh là đủ, không tính đến việc xục ôxy cho cá thở, lại không chủ động được nguồn thức ăn, nên cũng thiệt hại mất mấy trăm triệu đấy. Sau mỗi lần như vậy, kinh nghiệm của mình cũng nhiều hơn".

Mặc dù luôn miệng nói "con cá này khó tính lắm, khó nuôi lắm", nhưng cũng chính Thắng lại cho rằng: "Việc nuôi cá khó thật, nhưng hiện nay nhiều người đã nuôi được. Đối với tôi, đặc biệt khó khăn trong việc nuôi cá hồi chính là khâu vận chuyển cá hồi đi tiêu thụ.

Không phải người nuôi cá hồi nào cũng có thể vận chuyển con cá hồi sống đến tận tay khách hàng, kể cả các chuyên gia có công đem giống cá hồi về Việt Nam chưa chắc đã nhiều kinh nghiệm vận chuyển cá như tôi".

Thắng đã mất vài tấn cá hồi thương phẩm cho cái kinh nghiệm này. Cá biệt có một chuyến hàng vào đầu tháng 8/2006, Thắng bị mất toàn bộ số cá trên xe, do xe bị hỏng ngang đường vì mưa lũ.

Hiện nay, số cá do anh vận chuyển gần như sống nguyên vẹn, nhiều nhất cũng chỉ mất khoảng 5-7%, hơn nữa, mỗi lần giao cá, Thắng thường đem đi nhiều hơn nên không lo không đúng hợp đồng.

Gần đây, Thắng đầu tư 1,6 tỉ đồng mua hai chiếc xe chuyên dụng có nhiều hệ thống làm lạnh nước, tuần hoàn ôxy để vận chuyển cá. Chiếc xe lớn mỗi chuyến chở được khoảng 5 tạ cá, xe bé chở chừng 3 tạ, mỗi tuần chuyển cá đi hai lần. Trong hồ có cá thương phẩm thì càng nhanh càng tốt, Thắng sẽ vận chuyển ngay về Hà Nội.

Vất vả thứ hai sau khâu vận chuyển để cá còn sống, theo Thắng, là chuyện tiếp thị bán hàng. Để tiêu thụ 12 tấn cá thương phẩm có được trong vụ nuôi cá hồi đầu tiên, Thắng phải đến tận các nhà hàng, khách sạn lớn, mời khách hàng ăn thử cá miễn phí để đánh giá chất lượng, mua các bể chứa và máy móc cấp không cho các đại lý tiêu thụ...

Có thể khẳng định, đến nay, chất lượng và thói quen dùng cá hồi Sapa tươi sống đang được thị trường trong nước chấp nhận, Thắng có công không hề nhỏ.

Cá hồi có thể giúp cho một nông dân như Nguyễn Thái Thịnh trở thành tỉ phú, nhưng rủi ro xung quanh nó nhiều lúc khiến cho các tỉ phú phải rầu rĩ. Trong những cuộc trò chuyện với các tỉ phú cá hồi như Nguyễn Thái Thịnh, Đỗ Tất Thắng và một số ông chủ khác, dù đang thành công hay gặp khó khăn, họ đều ấp ủ một dự định mới: Mở rộng sản xuất và nuôi cá nước lạnh lấy trứng.

Trên thị trường, trứng cá hồi nhập ngoại có giá tới 2 triệu đồng/kg. Còn trứng cá tầm thì có giá cao hơn, tới 1.000 USD/kg. Thịnh khẳng định sẽ nuôi cá hồi lấy trứng trong thời gian tới. Thắng thì đang nuôi thử nghiệm cá tầm và coi nuôi cá tầm là chương trình mục tiêu.

Ban đầu sẽ nuôi cá tầm lấy thịt, rồi sẽ nuôi lấy trứng để xuất khẩu, theo kiểu lấy ngắn nuôi dài. Hiện Thắng cũng đã khảo sát một số khu hồ thủy điện, thủy lợi ở Tây Bắc có khả năng nuôi cá nước lạnh được, đang nuôi thử nghiệm tại huyện Bắc Yên (Sơn La) 20 tấn cá hồi...

Nói về tương lai của nghề nuôi cá nước lạnh, tôi đọc thấy trong mắt những tỉ phú cá hồi ánh sáng của niềm tin

Lê Quân
.
.