Ca sĩ Trần Thu Hà: Làm mẹ phải nhẫn nhịn nhiều…

Thứ Sáu, 15/03/2013, 07:25

Thật khó để có một cái hẹn với Trần Thu Hà vào những ngày đầu tháng 3 bận rộn, lịch biểu diễn, thu âm của chị kín mít. Trở về Việt Nam lần này, Trần Thu Hà đi cùng gia đình nhỏ của mình nên chị càng ít có thời gian dành cho bạn bè và báo giới. Quản lý của Trần Thu Hà, chị Thục Đoan, còn tiết lộ: Hà bận và kín lịch tới mức thiếu ngủ trầm trọng và cứ chợp mắt được lúc nào là Hà ngủ quên cả ăn uống…

Trần Thu Hà trong chiếu nhạc, vẫn là một cái tên được nhiều khán giả mong đợi dù cường độ chị xuất hiện trên sân khấu ca nhạc không phải là nhiều. Dấu ấn của chị là sự độc đáo, lạ và đầy đam mê trên từng khoảnh khắc sân khấu. Bất cứ lúc nào xuất hiện trên cánh màn nhung, Trần Thu Hà vẫn là một ngọn lửa đốt cháy mình, biến ảo ở phong cách trình diễn, mạnh mẽ, uyển chuyển trong cách xử lý ca từ. Với sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của mình, chị đã mang lại cho khán giả những khoảnh khắc thăng hoa cùng âm nhạc và giai điệu.

Trần Thu Hà chia sẻ, những ngày tháng 3 đầy ý nghĩa này, một niềm vui đã đến khi chị được vinh danh ở vị trí thứ hai từ Hội đồng tuyển chọn chương trình "Bài hát yêu thích" dành cho ca khúc "Đôi tay mẹ" (sáng tác nhạc sĩ Thanh Phương) sẽ diễn ra vào những ngày đầu tháng 3 này.

Một ca khúc giản dị, tình cảm với một giọng hát đầy uyển chuyển đã đưa người nghe vào một không gian âm nhạc đầy cảm xúc: “Đôi tay mẹ bao tháng năm qua/ Vẫn âm thầm, gieo mùa xuân trong trái tim ta/ Đôi tay mẹ như tiếng ru êm, như cơn gió/ Nâng cánh ước mơ/ Đôi bàn tay sớm khuya bao mùa/ Lặng thầm chăm chút/ Đôi bàn tay thắp lên bao nụ cười/ Xua đông giá tan/ Mùa xuân thêm ấm áp từ tim ai thángnăm/ Nụ hoa thêm sắc thắm từ yêu thương đong đầy”...

Có người cho rằng, nhạc sĩ Thanh Phương - nhà sản xuất âm nhạc, người đã thực hiện 4 album cho Trần Thu Hà, trong đó “Đối thoại 06” giành giải Cống hiến Album của năm 2006, dường như đã viết riêng cho Trần Thu Hà ca khúc này, một ca khúc tưởng nhớ và biết ơn về người mẹ đã mất của mình, vì thế nó rất “vừa vặn” với chị.

Bản thân Trần Thu Hà cũng đã chia sẻ: “Mẹ tôi là một người phụ nữ đặc biệt, chịu thương chịu khó lo cho gia đình và có trí tuệ sâu sắc. Khi còn sống bà từng là Trưởng khoa Thanh nhạc Nhạc Viện Hà Nội, là thầy của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Sự nghiệp thành đạt, nhưng bà luôn làâ người phụ nữ quan tâm đến gia đình.  Hai anh em tôi đều chịu ảnh hưởng lớn từ mẹ và cũng chính bà cho tôi thấy rằng phụ nữ có thể vẹn toàn cả hai bề: sự nghiệp, gia đình chứ không nhất thiết phải mất một như mặc định của xã hội”.

Ca sĩ Trần Thu Hà.

Vốn là một người tự lập từ bé, khi bắt đầu nếm trải những mất mát của tuổi thơ nên Trần Thu Hà đã tự trang bị cho mình những hành trang vào đời đầy quý báu khi làm vợ, làm mẹ. Cũng chính vì quá hiểu đời sống của nghệ sĩ, của giới showbiz với những được, mất của nó, nên chị có nguyên tắc sống riêng của mình. Chị có thể trải lòng về mọi chuyện liên quan đến âm nhạc, đến gia đình lớn, về cha mình, chú mình, những người đã luôn là tâm điểm của giới truyền thông, ngoại trừ gia đình riêng nhỏ bé là chồng và con của chị. Càng ngày Trần Thu Hà càng hiểu ra rằng, giữ được cho con cái mình một đời sống yên lành là điều cần thiết nhất để có thể cho con một hành trang vào đời với những bản ngã vốn có của nó mà không phải chịu những hệ lụy không mong đợi đôi khi cứ từ trên trời rơi xuống.

Chị chia sẻ: "Trong gia đình, thường thì con gái hay theo bố nhưng tôi lại gần mẹ. Có lẽ vì do nghề hát bố tôi vắng nhà thường xuyên. Tôi cũng mất nhiều năm phân vân từ khi muốn có con đến sinh con, vì tôi luôn muốn trở thành một người mẹ như bà. Rất khó để trọn vẹn đôi bề, nhưng đối với mẹ tôi gia đình là nền tảng, là ưu tiên số 1. Có nền tảng vững chắc thì sự nghiệp sẽ thăng hoa, vững vàng. Tôi tin vào điều đó".

Bước qua tuổi 36, Trần Thu Hà ngày càng đằm thắm, tự tin dù từ trước tới nay, ngay cả khi còn là một ca sĩ trẻ chị đã luôn là người có cá tính riêng, đầy bản lĩnh trước mọi tình huống cuộc đời. Chị là người chịu đọc sách, ham viết lách, thích khám phá đi đây đi đó để tìm cảm giác sáng tạo của riêng mình. Chị làm thơ nhiều và khá sớm, nên những người quen thân với chị không thấy lạ khi thời gian vừa qua chị cho ra mắt tập thơ "Thập kỷ yêu", một tập thơ chỉ chừng 15 bài nhưng đã lột tả được thế giới nội tâm của một thế giới khác bên trong con người chị, thế giới đầy suy ngẫm và chiêm nghiệm của tuổi đôi mươi mới bước vào đời, của nhiều sự mất mát trong cuộc sống riêng tư, và trên hết, vẫn là dành cho mẹ.

Chị bảo: "Tập thơ "Thập kỷ yêu" tôi dành để tưởng nhớ mẹ - người đã nuôi dưỡng tình yêu thơ ca của tôi". Cái thế giới riêng ấy của chị dù ở tuổi đôi mươi bắt đầu lãng mạn với những câu thơ, cho đến bây giờ, khi đã nếm trải nhiều vinh quang, nhiều thành bại trong nghề ca hát, đều chưa bao giờ đơn điệu, dù có lúc, người ta vẫn nghĩ rằng, chị là một người khá lạnh lẽo, khó tính, chỉ khép kín trong ốc đảo của riêng mình.

Có lần chia sẻ với báo giới về quan điểm sống, Hà Trần đã thổ lộ: "Theo tôi phong cách sống phụ thuộc vào khả năng thu xếp đời sống. Được một mà muốn mười thì chết toi, cuộc đời trở thành cuộc đua đuổi mồi bắt bóng. Tôi biết nhiều người như thế lắm, không bao giờ cân bằng và không biết đến hạnh phúc. Tôi luôn thấy rất đầy đủ, dù tôi chẳng thừa tiền. Bố mẹ tôi dạy con coi trọng những giá trị tinh thần, tình nghĩa. Thế có cái hay là con cái không quị lụy tiền bạc, nhưng cũng dở là chúng tôi rất lơ ngơ về tài chính. Từ ngày mẹ mất, phải tự lập hơn, tôi học được giá trị của sự tiết kiệm. Nó giúp tôi làm chủ đời sống, và còn có thể giúp đỡ người khác khi cần. Nói chung, những bài học tôi nhận được từ cuộc đời này rất cơ bản, chẳng có gì xa hoa cả, những giá trị cơ bản luôn là giá trị kinh điển. Đi lòng vòng rồi cũng phải trở về cơ bản mà thôi. Tôi khá năng động đấy. Từ xưa đến giờ, những gì thích, tôi đều làm được. Nhờ giọng hát mà tôi được… lười thôi".

Âm nhạc xét cho cùng, đã mang lại cho Trần Thu Hà tất cả những thứ mà chị có của ngày hôm nay, dù âm nhạc, như chị nói, trước hết là trách nhiệm, là sĩ diện của gia đình chị và chị đến với nó trước hết là để thừa lãnh di sản gia đình, nối nghiệp bố mẹ. Nhưng quan điểm và thái độ của chị khá rõ ràng, chị không ảo tưởng, không bao giờ tranh đấu, giành giật vì nó như người ta phải làm trong bất cứ nghề nghiệp nào để thành công và tồn tại. Bởi coi âm nhạc như một cuộc chơi đầy công phu, đầy lao tâm khổ tứ như thế nên thành công đến với Hà Trần cũng đã dễ dàng hơn, nhanh hơn và bền vững hơn.

Dù đối với chị niềm hạnh phúc lớn lao nhất bây giờ không phải là đi đến tận cùng mọi đam mê và thành công trong âm nhạc. Vì chị khẳng định rằng: "Người làm nhạc bây giờ, chất lượng và sự khiêm tốn không còn được coi trọng. Thay vào đó là các giá trị giải trí nhất thời và vận động hành lang... những thứ mà không phải tôi không biết, không làm nổi, mà thực sự là không muốn làm. Nên tôi chỉ đầu tư cho âm nhạc trong quy mô nhỏ những người "lạc lõng" giống tôi, có thể chia sẻ với tôi mà thôi".

Cũng bởi vậy, có nhiều người tìm mọi cách đi nước ngoài để tìm cho mình một "miền đất hứa" ở những sân khấu hải ngoại và kỳ vọng điều này sẽ mang lại cho người ta những thành công trong sự nghiệp âm nhạc, kinh tế… Nhưng với Trần Thu Hà, chị lại cho rằng, chẳng có nơi nào là miền đất hứa đâu. Có nhiều người từ miền đất hứa về đây lại thành công rạng rỡ hơn đấy thôi? Ở đâu cũng có cái hay cái dở, cần thiết mình biết chỗ nào phù hợp, cái gì phù hợp với tâm tính mình để sống và làm việc. Kinh nghiệm thì chẳng chia sẻ được vì chỉ đúng với từng hoàn cảnh và  luôn phải lắng nghe bản năng mách bảo. Khi mình sống thật với mình nhất thì nơi mình ở sẽ là đất hứa.

Chị cũng đã thổ lộ về cuộc sống riêng của mình ở Mỹ: "Tôi không bận rộn như ở Việt Nam đâu. Hát chỉ 3 ngày cuối tuần, thu đĩa tại gia hoặc studio của một vài người bạn ở cận kề, điều kiện rất tiện lợi. Ngày trong tuần tôi đúng như một bà nội trợ chỉ loanh quanh lo "nghìn việc không tên" rồi cuối tuần mới trở lại con người biểu diễn. Tôi về đây 3 tuần biểu diễn các chương trình đầu xuân, chụp hình báo, phỏng vấn, đi thăm người thân... sáng mở mắt ra đi sớm, chiều tối mới về. Hôm nào đi hát nữa thì dỗ con ngủ xong là mẹ lại đi, tôi phải gửi con cho các dì, các chị trông giúp. Một phần cháu được gần gũi gia đình nhưng quanh năm suốt tháng như thế này không tốt. Sinh hoạt luôn bị đảo lộn và mẹ con không được gần nhau".

Ca sĩ Trần Thu Hà cùng chồng và con gái.

Trên sân khấu, Trần Thu Hà ca sĩ là một ca sĩ đầy cá tính, đầy sự phá cách, còn Trần Thu Hà, một làm mẹ lại phải nhẫn nhịn nhiều. Chị bảo, mình cá tính mạnh sẽ lấy ông chồng cá tính mạnh. Bố mẹ cá tính mạnh, con cũng cá tính mạnh. Cả nhà cứ cương còng lên rồi ai dạy ai?". Chính sự trải nghiệm này qua thời gian, cũng đã giúp chị đúc kết được nhiều điều trong cuộc sống, trong nghệ thuật và trong mối tương hỗ của bộ ba gia đình vẫn thường xuyên được nhắc đến trong làng nhạc Việt: NSND Trần Hiếu, nhạc sĩ Trần Tiến và ca sĩ Trần Thu Hà.

Chị chia sẻ: "Bố tôi NSND Trần Hiếu là nguyên nhân tôi theo đuổi nghiệp cầm ca. Ông luôn tỏa sáng một cách dung dị trên sân khấu, thời trung niên và đỉnh cao của sự nghiệp trình diễn ông luôn gây bất ngờ cho người xem, dù với những ca khúc cũ, luôn tìm cách diễn đạt phong phú và dí dỏm. Chú Tiến gần như là người tái sinh ra tôi trong âm nhạc. Tôi thành công với nhiều tác giả, nhưng khi hát nhạc Trần Tiến thì mới tìm được chiều sâu đời sống bởi chú là người từng trải, chịu va chạm, cọ xát với thực tế".

Dù là người sinh ra Trần Thu Hà, song, chính NSND Trần Hiếu cũng chưa từng nghĩ rằng, sẽ có một ngày cô con gái rượu của ông sẽ làm được những điều mà ông đã chứng kiến suốt thời gian qua. Ông yêu Trần Thu Hà và khâm phục nội lực của chị. Thậm chí, sau khi xem xong đêm diễn "Nhật thực" của Trần Thu Hà, ông đã lẳng lặng ra phía sau hành lang… khóc vì xúc động với sự thành công ngoài mong đợi của con gái.

Còn nhạc sĩ Trần Tiến, một người chú khắt khe và khó tính thì đã thốt lên sau đêm "Nhật thực": "Không hiểu cái con bé còi ấy nó lấy đâu ra sức lực mà đảm nhiệm ngần ấy công việc. Nó làm cho cha nó, chú nó bất ngờ quá". Nhưng như Trần Thu Hà đã trải lòng: "Chính là chú, là bố tôi đã hun đúc cho tôi ngọn lửa của tình yêu nghề, đã dạy cho tôi những bài học về sự nỗ lực không ngừng trong lao động nghệ thuật. Bao năm tháng bắt đầu với nghề ca hát, tôi không mảy may nghĩ xem mình phải làm những gì để thu hút khán giả, để có nhiều fan, tôi chỉ theo đuổi một điều làm sao được chú và bố thừa nhận khả năng nghệ thuật của mình. Tôi đã hiểu ra rằng, chú Tiến cũng là một khán giả của tôi, một khán giả khó tính nhất. Khi tôi chinh phục được chú có nghĩa là tôi chinh phục được khán giả của mình. Có điều, lúc nào tôi cũng thấy chú cô đơn. Dường như không một ai chia sẻ được với nỗi cô quạnh thường trực đằng sau cái vẻ phớt đời của chú. Tôi cũng luôn có cảm giác mình không bao giờ chạm tới nỗi buồn của chú. Nó như một tảng đá mà nhiều lần tôi chứng kiến nó đè nặng lên tâm trạng, trong đôi mắt, dáng ngồi. Có rất nhiều phụ nữ đi qua cuộc đời chú, là một phần cuộc sống của chú, nhưng hầu như không thể chia sẻ được với chú gánh nặng cô đơn mà Thượng đế quàng lên đôi vai của người nghệ sĩ".

Lần này trở lại Việt Nam, Trần Thu Hà đã chuẩn bị ra mắt một dự án âm nhạc với nhạc sĩ Đỗ Bảo. Chị cũng nhận lời hát trên sân khấu thủ đô một vài ca khúc không mới nhưng lần đầu tiên công bố của nhạc sĩ Trần Tiến. Với Trần Thu Hà, khoảnh khắc thăng hoa chính là lúc được thoát xác trên sân khấu để đắm chìm vào cảm xúc nghệ thuật và ca từ. Chị cũng giống như bố mình và chú mình, luôn lấy cảm xúc chân thành của trái tim cộng với sự điêu luyện, hoàn hảo về mặt biểu diễn mà vẫn tự nhiên, đầy tự do, sang trọng mà không khiên cưỡng trên sân khấu...

Trần Thu Hà đang ở độ chín của tài năng và nghệ thuật, nhưng người phụ nữ đầy cá tính ấy, khi hỏi đến dự định ở phía trước, chị không suy nghĩ gì nhiều, chỉ khao khát một điều giản dị nhất: "Tôi muốn thêm một đứa nữa cho gia đình đông vui"…

Trần Hoàng Thiên Kim (tranhoangthienkim@gmail.com)
.
.